Nào cùng đi chơi chợ

Thứ Hai, 23/04/2018, 08:46
Chẳng cần phải đợi mặt trời nhô lên trên đỉnh Mã Pì Lèng mới dắt díu rủ nhau xuống núi. Cũng chẳng cần phải chờ cho tới lúc vầng trán của các chàng trai Mông đỏ nhừ mới biết cuộc rượu đã bước vào độ thắm. Chợ Đồng Văn tựa như có “ma lực” khó cưỡng, vừa níu kéo lại vừa mời gọi.


Bà Hà Thị Minh Hạnh, một người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai nhưng nghe nói là “nữ tướng” của những cung đường hiểm trở. Bà Minh Hạnh từng là lãnh đạo ngành Giao thông của tỉnh Hà Giang, từ chiều hôm qua bà được tỉnh phân công dẫn đoàn chúng tôi trong chuyến lên công tác Hà Giang lần này. Bà Hạnh giục “Đi chợ Đồng Văn thì phải đi từ sớm. Sớm mới thấy hết cái hay, cái độc, cái lạ và cái tình trong nét sinh hoạt văn hóa rất riêng có của người vùng cao nguyên đá chúng tôi”.

Sương núi vẫn chùng chình chưa chịu tan như cố tình làm tăng thêm sự “chênh vênh” đầy huyền bí của “đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng. Tôi có cảm giác như con đèo hiểm trở này tựa như được treo vào vách đá. Xe đổ đèo, gió miết thành xe ràn rạt. Chốc chốc tôi lại nhướn nhô người lên cất tiếng ngạc nhiên. Nhìn kìa, bên hốc đá ven đường có dáng ai ngồi đợi ai, mặt giấu dưới vành ô nghiêng nghiêng. Ô này, ẩn khuất giữa hàng sa mộc ảo mờ sương giăng thấy lấp ló một vạt váy hoa. Còn đây, ngay đầu một lối mòn dẫn từ núi xuống bỗng thẹn thùng đôi ba gương mặt thiếu nữ.

Một góc chợ Đồng Văn với những sản vật địa phương.

Bà Minh Hạnh cười vui, cho biết: “Chị em đi chơi chợ đấy. Đủ cả, người Mông, người Giáy, người Lô Lô, người Pu Péo, người Hoa và ngay cả người Kinh cũng có. Đi một mình hoặc cũng có thể rủ nhau vài ba người cùng đi. Đi từ hai ba giờ sáng kia. Nhà ở cao và xa thế nhưng cứ đến ngày chủ nhật là việc gì thì bỏ đấy mà đi bằng được. Người cao nguyên đá không nói là đi chợ mà bảo là chơi chợ. Chơi chợ mới đúng ý nghĩa, mới rõ cái chất, cái nếp sống của bà con”.

 “Chơi chợ”. Tôi thầm cảm ơn về cách giải thích vô cùng chí lý của bà Hạnh. Thảo nào lúc ở tỉnh đã có người nói thầm: “Lên Đồng Văn mà có bà Hạnh đi cùng thì tha hồ hiểu biết”.

 Xe vừa xuống tới chân đèo, đập ngay vào ánh nhìn đầu tiên của chúng tôi là những con phố đúng nghĩa thị thành. Mặt đường trải nhựa phẳng lì rộng thoáng. Phố thẳng và kéo dài cả cây số với hai bên là những ngôi nhà cao tầng còn chưa kịp tắt đèn quảng cáo trên các biển hiệu. Thị trấn Đồng Văn, huyện lỵ của huyện Đồng Văn vốn nổi tiếng với phố cổ Đồng Văn từng thu hút biết bao tay máy.

Đã có hàng trăm hàng ngàn bức ảnh chụp khu phố cổ, vậy mà chưa có ai chịu dừng cuộc săn ảnh của mình. Nghe nói từ năm 1962 trở về trước thì huyện Đồng Văn bao gồm cả huyện Mèo Vạc, huyện Yên Minh và huyện Đồng Văn ngày nay.

Có lẽ bởi cùng chung sống trên cao nguyên đá và cũng có lẽ có chung một huyện cũ mà người dân quanh vùng là người Mèo Vạc, người Yên Minh hay là người Đồng Văn thì cứ đến chủ nhật hằng tuần là kéo nhau đi chơi chợ Đồng Văn?

Bà Minh Hạnh chỉ tay vào đám thanh nữ mặt hoa da phấn, áo đỏ váy xanh đang nhanh chân rảo bước trên phố, nói: “Ở nhà hay đi nương muốn ăn mặc thế nào thì mặc nhưng xuống phố chơi chợ thì dứt khoát là phải đẹp. Trang phục phụ nữ trong chợ cũng là điểm nhấn của chợ Đồng Văn đấy”.

 Nắng mới đã lên, nắng trải một màu vàng mái phố. Chợ Đồng Văn nở rộ như một vườn xuân trăm hoa đua sắc. Nhìn chỗ nào, ngước mắt hướng nào cũng ngan ngát những hoa với hoa. Tôi nghĩ nhanh trong đầu “Đúng là không đến chợ Đồng Văn cũng phí một đời”.

Theo như lời giới thiệu từ lúc còn ngồi trên xe của bà Minh Hạnh thì chợ Đồng Văn có hai nét độc đáo. Nét độc đáo thứ nhất là nét “chợ”, bởi bà con xuống chợ để đem về chợ nào là nông sản, nào là sản vật do chính mình làm ra để trao đổi hàng hóa, để mua và để bán. Nét độc đáo thứ hai là nét “văn hóa”. Đây mới là nét chính tạo nên sự hấp dẫn của chợ Đồng Văn. Xuống chợ là để khoe tài hoa thêu thùa dệt vải may vá của mình, để giới thiệu khả năng đặc biệt vốn có của mình, để giao lưu, để gặp gỡ, để được trình diễn hay trình tấu những giai điệu đậm đà phong vị núi rừng như thổi khèn, thổi sao, múa ô, hát giao duyên, và là để… yêu nhau.

Hơi tách khỏi đoàn công tác hay chính xác hơn là tôi bị hút theo hai bóng hồng vừa đi ngang qua. Hai cô gái trẻ người Lô Lô sáng nay mặc đẹp đến ngẩn ngơ những ai chạm mắt. Gương mặt trẻ trung, đôi mắt long lanh, gò má ửng hồng, hàm răng trắng lóa, thêm vào đó là hai bộ váy hoa như còn mới tinh. Váy của thiếu nữ Lô Lô cũng là thể hiện người con gái mặc nó có đức tính tốt đẹp gì. Cũng như các cô gái của các dân tộc khác.

Con gái Lô Lô thường tự tay thêu hoa, tự tay may váy. Sáng nay các cô xuống phố đi chơi chợ; bộ váy nổi bật với hai màu chủ đạo là đen và đỏ, với điểm xuyến trang trí là những quả bông đỏ lung lẩy dưới mỗi bước chân. Sáng nay hẳn các cô ý muốn khoe đôi tay khéo léo của mình trước những ánh nhìn của các chàng trai. Lúc này còn sớm nên các chàng trai còn tỉnh táo. Tầm trưa họ mới là “chính họ” nhờ những bát rượu Lũng Táo nấu bằng men lá uống ngọt mà say mềm.

Trẻ em cũng theo mẹ xuống chơi chợ.

Vời tay hỏi một em gái người Mông, áo đen, váy hoa xanh, em chừng mười ba mười bốn tuổi. Hỏi chuyện nhanh tôi được em cho hay: “Em tên là Xú”. Tôi hỏi “Tên Xú có nghĩa là gì?”. Trả lời: “Xú là sợi chỉ”. Ái chà, tên có nghĩa là “sợi chỉ” có khác.

Người Mông khi đặt tên cho con mình thì hình như họ muốn gửi gắm điều gì vào đó. Cha mẹ em gái này chắc muốn con mình lớn lên tuy mỏng manh như sợi chỉ nhưng chính sợi chỉ ấy lại kết nối những mảnh vụn lại với nhau. Lại hỏi “Nhà Xú ở đâu?”.

Trả lời: “Nhà em ở mãi trên núi kia. Em xuống chợ một mình vì em thích”. Vì thích. Đơn giản thế thôi nhưng chắc em muốn cho mọi người thấy rằng em đã đủ “lớn” để đi chơi chợ rồi. Tôi thì tôi đoán, em xuống chợ là để học. Em học ở chợ, học từ các mẹ các chị. Thiếu nữ cao nguyên đá bây giờ đã khá tự tin và cũng ham học hỏi.

Kể từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu” đến giờ; kể từ khi mùa hoa tam giác mạch được tổ chức thành “Lễ hội hoa tam giác mạch” đến giờ thì du khách thập phương đến với nơi địa đầu Tổ quốc, đến với nơi đỉnh chóp của đất nước cũng đã nhiều hơn. Chợ phiên Đồng Văn với nét văn hóa đặc sắc, độc đáo đã và đang mở ra một triển vọng du lịch to lớn cho huyện Đồng Văn nói riêng, cho tỉnh Hà Giang nói chung. Vấn đề đặt ra là cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn và thực sự hơn của ngành Văn hóa và Du lịch Hà Giang. Thay vì “chơi chợ” theo dạng tự phát như hiện nay là bước chuyển làm sao cho việc “chơi chợ” có định hướng.

Chơi chợ Đồng Văn, chúng ta sẽ không nói tới hai từ “chơi chợ” với nghĩa đen của nó mà sẽ nhắc tới nghĩa bóng nhưng chính lại là nghĩa thật của nó. Một cách “du lịch văn hóa” thân thiện và một cách “làm du lịch văn hóa” đơn giản nhưng rất hữu ích một khi biết tận dụng những thế mạnh đã có và sẽ có. Nó sẽ góp phần loại bỏ những tập tục lạc hậu và nhân lên tập tục mới lành mạnh.

Đi “chơi chợ Đồng Văn” cũng có nghĩa là để thêm một lần yêu tin những con người chân chất, thật thà nhưng giàu lòng yêu nước. Những con người miền núi trầm thô, ít nói nhưng đời đời canh giữ miền biên cương của Tổ quốc. Và họ đang bằng cách của mình làm giàu thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ánh ngày rồi cũng trôi vèo, nhoáng cái chợ đã vào đêm. Đến lúc này, phố núi Đồng Văn bỗng lung linh gợi mở. Trong nhập nhòa màu sắc đó tôi đã thấy ngân lên tiếng khèn Mông, tiếng khèn như thứ men tình say mê rủ rê lôi kéo. Tiếng khèn nối đêm với ngày, nối ngày với đêm. Không gian dài mãi ra chừng như không dứt. Lại nhớ bà Minh Hạnh đã nói: “Chơi chợ Đồng Văn phải chơi cho qua đêm mới gọi là đã chơi hết chợ. Bởi khi vào đêm, người cao nguyên đá mới bộc bạch đủ đầy tố chất văn hóa và bộc lộ một tinh thần thân ái sâu sắc nhất”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.