Nàng dâu Ý theo chồng lạc bước văn chương

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:00
Những dịp đàm đạo văn chương ở TP HCM, tôi vẫn thấy thấp thoáng một mái tóc vàng. Đôi mắt xanh nheo cười, hồ hởi chào hỏi người quen, kẻ lạ. Đi bên người đàn bà ngoại quốc xinh đẹp ấy là một người đàn ông trạc hơn hoa giáp, cần mẫn ghi chép. Thì ra đó bà Elena Pucillo Truong và chồng - dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân. 

Từ bỏ cuộc sống êm ấm ở Milano (nước Ý) của một tiến sĩ ngôn ngữ - văn học được ngưỡng vọng, một nhà nghiên cứu và phát triển dược phẩm thành đạt, hai người về nước để lặng lẽ ngẫm phận đời trên cánh đồng chữ.

Elena sáng tác không nhiều. Bởi vốn dĩ bà bận rộn với công việc giảng dạy Văn hóa Pháp và tiếng Ý tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Nhạc viện thành phố... Dẫu rằng thu nhập mỗi tháng, chỉ đủ tiền xăng xe cho chồng đón đưa mình.

Người ta thường gọi bà là "Cô dâu đất võ, con gái Quán Văn". Quê chồng ở Bình Định, còn Quán Văn là nơi hai ông bà tham gia sinh hoạt văn chương. Ngoài đời bà rộn rã bao nhiêu thì việc viết văn lại lặng lẽ bấy nhiêu. Lặng lẽ đến nỗi người đầu gối tay ấp cũng giật mình khi bà đưa bản thảo tập truyện ngắn và tạp văn "Một phút tự do".

Nhà văn Trương Văn Dân thú thật: "Khi cô ấy gửi bản thảo truyện ngắn qua mail cho tôi, tôi không nhớ nổi cô ấy viết truyện ấy từ bao giờ. Và thật không ngờ cô ấy lại có những truyện ngắn tinh tế đến vậy từ bao chi tiết vụn vặt mà tôi cũng từng chứng kiến nhưng lại lướt qua, chẳng hề để tâm". Elena thì bảo: "Khi ấp ủ đề tài và sáng tác, tôi chẳng bao giờ chia sẻ với chồng. Đến khi bản thảo hoàn thành, tôi mới đưa cho anh ấy xem. Đó là xem với tư cách bạn đọc vì không có chuyện sửa chữa vào tác phẩm. Tác phẩm không ổn thì bỏ, vậy thôi".

Vợ chồng tiến sĩ Elena Pucillo Truong và dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân.

Ngạc nhiên với những tác phẩm của vợ nhưng Trương Văn Dân biết vợ mình có thể viết từ thuở mới yêu. Đó là những bức thư khi hai người xa nhau, ông đọc trong đó là khả năng bùng nổ của ngòi bút.

Những truyện ngắn của Elena tựa như một món quà làm từ chất liệu giản đơn nhưng sang trọng, gọn ghẽ. Trên món quà ấy luôn có một điểm nhấn làm người ta không thể quên hoặc khám phá ẩn tàng diệu kỳ của món quà bà đem tặng. Đó là tích tắc trong từng truyện ngắn, để rồi tích tắc ấy đánh thức yếu tính của nhân vật chính.

Chuyện của một bà mẹ chồng giàu đức hy sinh nhưng từ khi có con dâu, bà bỗng mang nặng định kiến. Bà cô lập mình với lòng ích kỷ, ghen ghét, mai mỉa lẫn đau khổ khi luôn ám ảnh rằng nàng dâu "độc chiếm" tình yêu của con trai bà. Giây phút cô con dâu ôm bụng nôn mửa trở thành chiếc búa tạ đập nát bức tường thành định kiến hẹp hòi ấy. Đó cũng là phút mặc khải để tình mẫu tử và trách nhiệm của một bà mẹ chồng ùa về khi bà nhận ra rằng đang có một mầm sống trong bụng con dâu mình (truyện "Phút mặc khải").

Hay đó là khoảnh khắc  nhìn vào tấm gương tòa cao ốc, bà tiến sĩ, chất ngất trên đỉnh cao danh vọng nhận ra mình chỉ là một mụ đàn bà độc đoán, chính xác hơn là gã đàn ông trong thân xác đàn bà. Danh vọng trở thành ngục tù khiến cô ta hoảng hốt chạy trốn ("Một phút tự do"). Trong "Quá khứ dưới lớp tuyết mùa Giáng sinh", nỗi hận người cha tàn độc mới qua đời bỗng nhẹ bẫng như bông tuyết, tan chảy thành giọt nước mắt trong khoảnh khắc người con trai nhận lại chiếc tàu hỏa mà cha anh từng mua tặng ngày bé.

Những cảm xúc, bí bách trong đời sống đương đại được ngòi bút Elena lia gọn, không sắc lẻm mà nhẹ bẫng, mộc mạc. Lấy chồng Việt, ba năm về ở hẳn Việt Nam, thế nên tác phẩm của Elena hòa quyện giữa tính lý trí của phương Tây và yếu tố thiên về cảm xúc của người Việt.

Nói như nhận xét của nhà văn Dạ Ngân: "Truyện nào cũng dung dị và có dư âm. Cũng dễ hiểu khi những truyện sâu sắc nhất nằm ở đáy ký ức và tâm hồn tác giả với bản quán, hay Paris, nơi in dấu của một nghiên cứu sinh. Trên hết, chúng ta nhìn thấy một trái tim hiểu biết, dịu dàng với một cách tư duy không như người Việt. Đó là điểm thú vị mà Elena Pucillo Truong muốn cống hiến".

Các tác phẩm của Elena đều được nhà văn Trương Văn Dân dịch sang tiếng Việt. Đương nhiên, không ai dịch sát nghĩa và làm toát cái hồn truyện ngắn Elena bằng người cùng chung một nhịp tim, nhịp sống. Có những từ khó kiếm từ tiếng Việt để dịch thoát ý, ông trao đổi lại với vợ, để hai người tìm được từ đắt nhất. Và có lẽ ông cũng là độc giả trung thành nhất của vợ. "Dải ruy băng màu tím" khiến ông vừa dịch vừa khóc.

Chàng trai mưu sinh trên xứ người dùng dải ruy băng tím buộc những lá thư ố vàng  của cha mẹ ở quê nhà để rồi đọc đi đọc lại đến khi chúng nát nhàu. Trương Văn Dân bắt gặp hình ảnh mình trong những năm tháng du học ở Ý. Và truyện ngắn ấy cũng được nhiều người Việt ở nước ngoài nhắc đến bởi nó đã chạm được vào cuộc sống tinh thần của họ.

Khác với vợ khi nhìn đời sống dưới góc độ cảm xúc, ngòi bút của Trương Văn Dân khai thác những vấn đề mang tầm khái quát hơn. Ngoài sách dịch, tiểu thuyết "Bàn tay nhỏ dưới mưa" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Đó là nạn biến đổi khí hậu toàn cầu, là sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thói thờ ơ vô cảm của xã hội… Bàn tay tượng trưng cho thân phận con người, còn những biến chuyển, tai ương của xã hội là cơn mưa trút nước, mịt mờ.

Cũng vì sự hối hả của con người trong nhịp sống đô thị công nghiệp, họ tạm biệt nước Ý để về Việt Nam, nơi dầu sao tốc độ của đô thị hóa, toàn cầu hóa hẵng còn chậm so với nơi họ trao gửi nụ hôn đầu. Ở xứ nhiệt đới này, họ có thể yên tĩnh mà viết, mà ngẫm suy, mà yêu nhau, bỏ danh vọng ở lại.

Mối tình của họ có thể coi như mối lương duyên do văn chương se kết. Năm 1971, Trương Văn Dân sang Ý du học. Trong một cuộc gặp gỡ bè bạn, ông được giới thiệu với cô bé Elena có mái tóc vàng và đôi mắt xanh màu nước biển. Mới 16 tuổi nhưng Elena đã có thể đàm đạo với ông anh người Việt về các tác gia văn học người Pháp, Ý. Càng tranh luận, ông càng ngạc nhiên về kiến thức của Elena. Cô còn có nhiều bài thơ được đăng trên một số tạp chí dành cho tuổi học trò.

Bìa tiểu thuyết "Bàn tay nhỏ dưới mưa" của dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân.

Cha mẹ ly dị, Elena ở với mẹ. Thế nên, cô bé sớm tự lập và mạnh mẽ. Với Elena, Trương Văn Dân là một chàng sinh viên ngành Hóa và Công nghệ dược hiền lành, trí tuệ, yêu văn chương. Trước sự háo hức của cô bạn nhỏ, chàng sinh viên say sưa kể về những tác phẩm Ý mình đã đọc, giới thiệu cho cô về các tác giả Việt. Nơi hẹn hò thường xuyên của họ là thư viện. Ở đó, tình bén dần qua từng trang sách.

Nhưng tình hình đất nước bấy giờ còn nhiều xáo trộn nên chuyện tình của hai ông bà phải đợi đến 13 năm sau mới đơm hoa. Bốn cái đám cưới được tổ chức ở Ý và Việt Nam. Ngày đám cưới về trên đường quê xứ võ, bà con chen nhau trước nhà chú rể để coi cho kỳ được cô dâu tóc vàng xúng xính trong bộ áo dài son. Tiếng Việt lúc ấy Elena chỉ bập bõm. Vậy nên những năm đầu, cuộc đối thoại của con dâu và mẹ chồng chỉ toàn khua tay múa chân.

 Hơn 40 năm xa quê, nhưng tiếng mẹ đẻ vẫn thấm nhuần trong Nguyễn Văn Dân, ông truyền tình yêu tiếng nước Nam sang vợ. Nhà văn Trương Văn Dân trở thành hướng dẫn viên, đưa vợ đi khắp dải đất chữ S, ngụp lặn với những kiếp người. Ông bà như hình với bóng, để khi gặp ông mà không thấy bà, bạn bè lại sốt sắng: "Chị nhà đâu rồi? Bệnh hay sao mà không đi được với ông?". Sau mỗi chuyến đi, Elena lại có những du ký hay truyện ngắn xinh xắn. Bối cảnh và con người Việt Nam xuất hiện đều đặn trong những tác phẩm của bà không phải là sự ảnh hưởng đơn thuần của nơi ăn chốn ở, mà người đọc cảm thấy ở đó cả linh hồn.

Như khi viết về chiếc áo dài, có tinh tế và nặng tình với xứ sở này thì bà mới nhận ra: "Một hình ảnh đến giờ vẫn còn làm tôi xúc động là khi nhìn thấy các cô gái mặc áo dài trắng, thong thả dắt chiếc xe đạp trước cổng trường. Đó là kiểu áo, mà như tôi đã nói người phụ nữ nào có cơ hội mặc nó sẽ cảm thấy mình là một bà hoàng. Dù nó chỉ có một màu hay có được thêu những hoa văn tuyệt đẹp hay không, nó vẫn luôn lịch sự và quyến rũ".

Với Elena, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai, dịu dàng và bình yên như những trang văn của bà, như tình yêu vượt xuyên biên giới...

Nguyễn Trang
.
.