Nạn phân biệt chủng tộc tại Hollywood

Thứ Ba, 15/05/2007, 11:00
Sau những lời chúc tụng kẻ chiến thắng tại các lễ trao giải thưởng điện ảnh thường niên, mà đỉnh cao là giải Oscar vừa lắng xuống, những người quan tâm đến nghệ thuật thứ bảy lại buộc phải có cái nhìn sâu sắc hơn vào mặt trái của tấm huân chương ít khi được đề cập đến của Hollywood: nạn phân biệt chủng tộc.

Thực tế này đã phủ nhận hình ảnh của Hollywood như một địa giới tiến bộ về chính trị, nơi sắc màu duy nhất được tính đến là màu xanh của những đồng đôla.

Nhiều chứng cứ cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh vẫn tiếp tục chống lại việc tiếp nhận những người Mỹ gốc Phi mà chẳng cần đưa ra bất kỳ lý do nào. Trong khi người Mỹ gốc Phi chiếm 12% dân số nước Mỹ và 25% khán giả điện ảnh, thì số người Mỹ da đen đoạt giải Oscar còn lâu mới tương xứng tỉ lệ đó.

Sự thiếu vắng các đại diện người Mỹ gốc Phi đã gây ra những tác động lớn trong nhiều lĩnh vực: từ thể loại phim được phát hành đến cách thức mà các sắc tộc thiểu số được thể hiện khi họ nhận được vai diễn. Bên cạnh đó, mức kinh phí trần sản xuất phim của người Mỹ gốc Phi cũng thấp hơn rất nhiều so với cái gọi là các dự án làm phim chính thống.

Một phần những lời biện hộ từ các phim trường là phim của người da đen không bán được ra các thị trường ngoài nước Mỹ. Lý do đó thực tế không thể chấp nhận được. Bộ phim “Đến  nước Mỹ” của Eddie Murphy sản xuất năm 1988 là một ví dụ. Với dàn diễn viên hầu như toàn người Mỹ da đen, “Đến nước Mỹ” đã thu về 350 triệu đôla từ thị trường quốc tế.

Dư luận cho rằng tình hình cũng chưa hề được cải thiện đối với những diễn viên da đen. Theo lời Morgan Freeman, người đã ba lần nhận đề cử Oscar, thì nhiều diễn viên da đen không được phân vai vì lý do chủng tộc hơn là lý do tiền bạc và viễn cảnh dành cho họ vẫn tối như bưng kể từ khi một số đại diện gốc Phi tỏa sáng: Sidney Potier thập kỷ 60, Richard Pryor thập kỷ 70 và Eddie Murphy thập kỷ 80 và gần đây là Angela, Witney, Halle Berry.

Nếu như chúng ta nhìn lại lịch sử của giải thưởng điện ảnh danh giá và lớn nhất hành tinh này, sẽ thấy sự vô lý khi mà suốt cả 79 lần trao giải, số lượng những nghệ sĩ da màu đoạt được giải mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hattie McDaniel (vai vú già Mammy trong phim “Cuốn theo chiều gió”) là người da đen đầu tiên đoạt giải Oscar nội dung “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” (1939). Phải đợi 24 năm sau Sidney Poitier mới trở thành nam nghệ sĩ gốc Phi đầu tiên đoạt giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” trong phim “Hoa lan chuông”. Và cũng phải đến hai thập kỷ tiếp theo, Louis Gossett mới là người bổ sung vào danh sách những nghệ sĩ gốc Phi đoạt giải thưởng này.

Giải Oscar năm 2002 được coi là sự chiếm lĩnh của những nghệ sĩ da màu khi Denzel Washington và Halle Berry cùng nhau nhận giải Na - Nữ diễn viên xuất sắc. Sau đó hai năm, Jamie Foxx cũng được xướng tên ở hạng mục “Nam diễn viên xuất sắc” với vai Ray Charles - trong phim “Ray”.

Cho nên thật dễ hiểu khi mùa giải Oscar năm nay giới hâm mộ điện ảnh đặt nhiều kỳ vọng vào nữ diễn viên da màu Jennifer Hudson trong “Những cô gái mơ mộng” và nam diễn viên da màu Forest Whitaker trong “Vị vua cuối cùng của Scotland”.

Nói về vai diễn này, Forest rất kiệm lời: “Tôi may mắn được giao một vai thoạt tiên định dành cho các nghệ sĩ da trắng”. Và Forrest Whitaker đã vinh dự nhận tượng vàng ở nội dung Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, còn Jennifer Hudson vinh danh ở nội dung Nữ diễn viên phụ xuất sắc.

Một thành công cá nhân không đủ để  “điền vào chỗ trống” vốn tạo ra sự mất cân bằng trong ngành phim ảnh, nhưng khách quan mà nói những viên ngọc đen như Forrest Whitaker và Jennifer Hudson đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng  nhân tài không phụ thuộc vào màu da

Lương Lê Giang
.
.