Năm Ngọ tản mạn chuyện ngựa

Thứ Bảy, 15/02/2014, 08:00

Ngựa nòi Ảrập, ngựa Ký, ngựa Kỳ ở Trung Hoa xưa, chạy nhanh đến nỗi được gọi là ngựa "truy phong" (đuổi theo được cả gió!), nghe nói, tính ra đơn vị đo lường hiện đại, nó có thể phi 60 - 65 km/giờ. Ấy thế mà các cụ ta còn bảo: "Nhất ngôn xuất khẩu - Tứ mã nan truy" (Một lời ra khỏi miệng - Bốn ngựa khó đuổi!). Thật là "ngoa ngoắt" đến mức... chính xác!

Con ngựa (Ngọ), con giáp thứ 7 trong số 12 con giáp phương Đông; con chó (Tuất), con giáp thứ 11; là hai con vật thuộc loại trung thành, thân thiết nhất với con người từ xưa đến nay và vì thế, chúng vào trong văn học, cả nhạc, họa nữa, từ rất lâu đời.

Với con ngựa, có thể kể sơ sơ:

Con ngựa Đích Lư đưa Lưu Bị "bay" qua Đàn Khê mà thoát chết.

Con Bạch Long đưa Đường Tăng đi lấy kinh, thực ra là đồ đệ thứ tư của cao tăng này.

Ngựa nòi Ảrập, ngựa Ký, ngựa Kỳ ở Trung Hoa xưa, chạy nhanh đến nỗi được gọi là ngựa "truy phong" (đuổi theo được cả gió!), nghe nói, tính ra đơn vị đo lường hiện đại, nó có thể phi 60 - 65 km/giờ. Ấy thế mà các cụ ta còn bảo: "Nhất ngôn xuất khẩu - Tứ mã nan truy" (Một lời ra khỏi miệng - Bốn ngựa khó đuổi!). Thật là "ngoa ngoắt" đến mức... chính xác!

Ngựa bạch long đưa thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh (cảnh trong phim "Tây du ký").

Napoleon từng bảo: "Chết trên mình ngựa dễ hơn là chết trên giường bệnh", còn phương Đông thì "da ngựa bọc thây" là hình ảnh bi tráng của các chinh phu, là chí khí của người lâm trận giữ nước. Hưng Đạo Đại Vương viết: "... thì dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng!". Lê Lợi khi chưa thành công, bị quân Minh vây hãm: "Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần - Lúc Khôi Huyện quân không một đội", đã từng phải cắn răng lau mắt, giết ngựa làm lương ăn cho nghĩa quân Lam Sơn! Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long "Ngựa phi trong sắc hoa đào", rồi Người lại cho ngựa trạm chạy thẳng vào Phú Xuân (Huế), mang theo cành đào Bắc, tặng nàng Ngọc Hân, vừa là lời yêu vừa là tin báo tiệp. Thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ ta ở Việt Bắc: "Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo". Trong dân ca Nam bộ có bài "Lý ngựa ô", là bài tình ca để "Anh đưa nàng về dinh".

Đời người quá ngắn, đến nỗi nỗi buồn ấy thành ra "Sầu vạn cổ", thì các cụ ta nói: "Đời người như bóng câu qua cửa!". Truyện Kiều viết: "Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời", "Đoạn trường thay, lúc phân kỳ/ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh". "Vó câu" để chỉ nước đi, nước phi của con ngựa trẻ khỏe, đi nhanh, đi xa được. Trong "Truyện Kiều" còn có rất nhiều hình bóng con ngựa: "Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm"; "Buồng không lặng ngắt như tờ/ Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh"; "Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo"; "Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay"; "Rằng ta có ngựa truy phong/ Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi"...v.v...

"Chinh phụ ngâm khúc" cũng "đầy" ngựa: "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao"; "Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền", "Dòng nước sâu ngựa nản chân bon/ Ôm yên gối trống đã chồn", "Tên treo đầu ngựa, pháo ran mặt thành"... v.v...

Yêu, nhớ cố quốc, quê hương, các cụ bảo: "Ngựa Hồ gầm gió bấc/ Chim Việt đậu cành nam". Thơ xưa viết: "Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc", để bảo rằng, đời người quá ngắn.

Lý Bạch viết: "Vẫy tay giã biệt từ đây/ Buồn thương tiếng ngựa chiều nay lìa đàn!" là để chia tay bạn; "Sáng theo trống vàng lâm trận/ Ôm yên nằm suốt đêm hàn" là để tả cảnh chinh phu; "Ngân yên bạch mã độ xuân phong" (Cưỡi ngựa trắng yên bạc đi trong gió xuân) là vẻ phong lưu tài tử.

Đỗ Phủ viết: "Ngựa bạc xe vàng chốn đế kinh" là nói sự thành đạt,"Bắc phạt ngày ngày rung trống trận/ Tây chinh tới tấp ngựa đưa thư" là nói về thời tao loạn; "Xe chạy rầm rầm, ngựa hí vang/ Người đi cung tên đeo bên lưng" là nói về cảnh chia tay ra trận. Ông có hẳn bài "Thiên Dục phiêu đồ ca" (Khúc ca về bức tranh tuấn mã ở tàu Thiên Dục), tả ngựa cực đẹp: "Tinh thần sao mạnh mẽ/ Dáng điệu sao kiêu hùng/ Đuôi quật vào gió bấc/ Thân chồm lên không trung/ Tai vàng, lông xanh sáng/ Mắt tím đồng tử vuông/ Như rồng trong mây gió/ Biến hoá đến khôn lường"... để rồi buông tiếng thở dài: "Bây giờ trong thiên hạ/ Đâu thiếu gì ngựa hay/ Nhưng không người giỏi ngựa/ Thì hay cũng phí hoài!". Chuyện ngựa đã sang chuyện người!

Từ Bi Hồng, người vẽ ngựa nổi tiếng ở Trung Hoa, ngang với Tề Bạch Thạch vẽ thảo trùng, từng nói: "Trên đời không gì đẹp bằng đàn bà khỏa thân và ngựa phi trên đồng cỏ". Ông coi vẻ đẹp của con ngựa phi trên thảo nguyên, ngang với cụ Tiên Điền tả tấm thân người đẹp: "Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên", nội điều ấy cho thấy Từ Bi Hồng quý ngựa vô cùng!

Đỗ Trung Lai
.
.