Nài ngựa ở xứ Langbiang

Thứ Ba, 15/11/2016, 08:06
Không phải ngẫu nhiên mà những con ngựa dưới chân Langbiang, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) hằng ngày lại biết ngoan ngoãn vâng lời chủ, chiều lòng du khách. Để có được đức tính này, những chú ngựa thương chủ mến khách đã phải trải qua một thời gian dài huấn luyện gian khổ, thậm chí phải chịu đòn roi.


Đinh Văn Vương (40 tuổi) nhảy phắt lên con ngựa có tên gọi Thiên Mã giật dây cương, đạp mạnh hai chân vào bụng ngựa để trình diễn với du khách. Hiểu được lòng chủ, Thiên Mã hí vang vung chân lao về phía trước với những vó ngựa uy lực dũng mãnh chạm đất. Chỉ trong chốc lát, cả người và ngựa đã trên đỉnh một quả đồi rồi lại oai phong quay đầu phi xuống chân núi để tự hào ngạo nghễ với khách.

Nói về nghề nài ngựa ở Lâm Đồng, người K'ho dưới chân núi Langbiang đứng số 1. Đây là vùng cung cấp ngựa giống lừng tiếng một thời cho các vùng sản xuất nông nghiệp trù phú như huyện Lạc Dương, Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng để phục vụ kéo xe, thồ hàng, cày bừa.

Kran Jan Jơng (57 tuổi), ngụ dưới chân núi Langbiang kể rằng, thế hệ của ông dưới chân núi hùng vĩ này, người con trai nào không biết cưỡi ngựa, thuần ngựa thì thường bị phụ nữ chê "thiếu bản lĩnh" và chưa trưởng thành.

Anh Đinh Văn Vương bắt đầu một ngày làm việc mới với con Thiên Mã ở Khu du lịch Langbiang.

Bấy giờ, gia đình nào nghèo khó lắm cũng phải có một con ngựa trong nhà. Giàu có hơn thì năm bảy con, có khi cả bầy chăn thả hoang quanh năm suốt tháng ngoài rừng. Khi cưới xin người ta dùng ngựa để làm sính lễ thách cưới. Với người K'ho dưới chân núi Langbiang, thời bấy giờ loài vật này cũng được dùng làm thước đo của sự giàu sang hay nghèo hèn.

Năm lên 8 tuổi, Kran Jan Jơng được gia đình giao cho chăm sóc một con ngựa cỏ có giống quý hiếm để phục vụ thồ hàng, cày bừa đất đai. Cách đây gần 20 năm, khi các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa ồ ạt phát triển, loài ngựa giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của người K'ho. Người dân nơi đây coi ngựa là tài sản quý và đối đãi với nó như một thành viên tích cực trong gia đình. Ngựa ăn đời ở kiếp với người, khi chết đem chôn, thịt ngựa trở thành kiêng kị.

Rồi những cỗ máy cày, máy bừa, máy kéo xuất hiện nhanh chóng giành mất thị phần của những chú ngựa oai phong một thời cư ngụ nơi đây. Nghề chăn nuôi, nài ngựa ở chân núi Langbiang mai một dần, hình ảnh những chú ngựa thoăn thoắt thồ hàng trên những con đường trong buôn hoặc rẻo cao nào đó thưa dần rồi mất hẳn.

Bây giờ, ở thời kỳ công nghiệp hóa nông nghiệp, những chú ngựa ở xứ Langbiang đảm nhận một thiên chức mới: Phục vụ du lịch. So với ngựa kéo xe, thồ hàng trước đây, ngựa làm du lịch đòi hỏi phải có tính nhu mì, hiền hòa, đó là sự bắt buộc. Tối kị nhất ở những con ngựa làm du lịch là tính khí thất thường, hù dọa du khách, không vâng lời chủ. Do đó, nghề nài ngựa làm du lịch có cái khó riêng của nó.

Mỗi người nài ngựa dưới chân núi Langbiang có những bí quyết nghề nghiệp cho riêng mình trong việc đào tạo ngựa phục vụ du lịch. Tuy nhiên, theo ông Kran Jan Jơng, có hai điều kiện cơ bản bắt buộc để có được một con ngựa tốt biết vâng lời chủ và chiều lòng du khách, đó là yếu tố về giống và kỹ thuật nài ngựa.

Nếu như trước đây, với ngựa thồ hàng, kéo xe hoặc cày bừa, yếu tố khỏe mạnh được xem trọng thì bây giờ, ngựa phục vụ du lịch tính nhu mì, thùy mị lại được đặt lên hàng đầu. Những con ngựa có hai xoáy ở cổ thường có tính khí nóng nảy, vô kỷ luật, thích tự do và ngẫu hứng, thường xuyên bất tuân lệnh chủ. Do đó, khi lựa chọn ngựa làm du lịch, những nài ngựa chuyên nghiệp ở Langbiang thường loại bỏ những con ngựa này, họ chọn loại ngựa chỉ có một xoáy ở trán vì chúng thường có đức tính ngoan hiền, dễ dạy bảo.

Từ nhỏ những con ngựa làm du lịch đã được gia chủ cho đi theo mẹ lên Langbiang để làm quen với du khách và xe cộ qua lại. Khi được 2 năm tuổi, chủ ngựa bắt đầu siết chặt kỷ luật, đưa những con ngựa đầy tiềm năng vào khuôn khổ. Đương nhiên, với đặc tính hoang dã của nó, chẳng dễ dàng gì ngựa chịu nghe lời chủ ngay.

Lúc này, nài ngựa phải biết tung ra những "ngón võ" độc chiêu để thuần phục. Dùng vũ lực là lựa chọn ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Tức là khi nói không nghe lời thì phải đánh, phải lớn tiếng quát mắng, dạy dỗ, phải làm cho ngựa biết sợ chủ thì mới thuần phục được.

Kran Jan Jơng cho biết, trong lúc nài ngựa, không ít lần chủ bị ngựa tấn công, nhảy chồm lên cắn hoặc quay ngắt lại dùng hai chân sau tung vó cước phản pháo chống lệnh. Dĩ nhiên, những lúc thế này người nài ngựa phải thể hiện được bản lĩnh, linh hoạt tránh đỡ, dùng roi tấn công lại để giành chiến thắng, giật thế chủ động nhằm mục đích tạo uy trước ngựa. Khi đã thua chủ, ngựa bắt đầu biết sợ và dần dần ngoan ngoãn nghe lời.

Sau nửa năm thuần phục, được người nài ngựa dạy dỗ cho những kỹ năng đặc biệt để chiều lòng du khách, những con ngựa phục vụ du lịch xứ Langbiang bắt đầu hành nghề. Số ngựa vốn chẳng lúc nào nhàn rỗi. Ban ngày từ sáng sớm cho tới khi hết khách phải cùng chủ phơi nắng dầm mưa kiếm tiền. Giá mỗi lần khách cưỡi ngựa, chụp một tấm hình là 10.000 đồng. Thuê ngựa cưỡi lên đỉnh Langbiang rồi vòng về là 1 triệu đồng.

Giá đưa ra vậy nhưng nếu có khách thuê 700.000 đồng chủ ngựa vẫn đi nhưng chẳng mấy khi có khách bỏ tiền ra thuê kiểu này. Tối về, những chú ngựa chủ thả tự do vào rừng tự đi ăn cỏ, lâu lâu mới có thêm bữa cám gạo, bột bắp rắc ít hạt muối cải thiện bữa ăn cho đỡ thèm thuồng.

Mùa du lịch, lễ, tết, mỗi ngày một nài ngựa ở Langbiang kiếm được bốn năm trăm nghìn là điều không khó. Nhưng mùa vắng khách có khi ngựa đứng cả ngày, đói rã cả bụng vẫn không kiếm được đồng nào cũng thường xảy ra.

Trước lúc rời Langbiang, Kran Jan Jơng đòi tôi phải leo lên lưng con Truy Phong của ông phi một đoạn để thử cảm giác lạ. Dù rất muốn nhưng kẻ yếu nghề như tôi không đủ can đảm nên đành thoái thác hẹn vào dịp sau. Kran Jan Jơng cười bảo, nếu bạn bè ai muốn cảm giác mạnh thì hãy nhắn họ tìm đến xứ Langbiang này, những con Thiên Mã, Truy Phong, Hồng Mã, Đạm Lang… vẫn đang chờ.

Kim Ngân
.
.