NSƯT, biên đạo múa Như Bình: Xả thân vì nghệ thuật

Thứ Bảy, 18/08/2018, 08:08
Mỗi người có một kỷ niệm tuổi thơ sâu sắc. Với NSƯT Như Bình, biên đạo múa thì đó là hồi còn đang học cấp II (niên khóa 1952 – 1953), một hôm có tin Đoàn Văn công nhân dân Trung ương về tuyển diễn viên, cậu đã vượt trên sáu, bảy trăm học sinh của trường để được tuyển chọn.


Từ biệt quê hương Trấn Yên – Yên Bái, trèo đèo lội suối hàng trăm cây số đến nơi tập trung chỉ có nắm cơm độn sắn làm lương thực ăn đường, vậy mà Như Bình hăm hở, tự hào. Những tháng ngày đầu tiên đầy thử thách gian khó ấy, cậu bé và mấy người được tuyển cùng đợt chỉ được phân công làm những việc ở hậu trường như khiêng trống, chiêng cho đoàn đi phục vụ các chiến dịch, mang vác nồi niêu xoong chảo, dựng rạp làm sân khấu, đào hầm hố cho bà con tản cư…

Vào đợt biểu diễn, may mắn thì được đứng nhắc vở. Gần chục người được tuyển thời kỳ ấy, thấy không được tập văn nghệ, liền bỏ về. Cuối cùng chỉ còn lại bốn người trong đó có Như Bình. Như Bình nhớ lại: “Sau này, tôi biết là lãnh đạo muốn thử thách.

Có nhiệt tình theo cách mạng thật hay không". Bốn người trụ lại ngày ấy sau này đều được đào tạo ở trong hoặc ngoài nước, và đều thành đạt. Ngoài Như Bình còn Phạm Kỳ Lân, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách đội múa của nhà hát; Dương Viết Bát, Phó Giám đốc Nhà hát kịch. Năm 1993, cả bốn người đều được Nhà nước phong NSƯT.

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Như Bình đọc tham luận trong Hội thảo Múa cổ truyền Thăng Long.

Có thể nói, Như Bình không phụ con mắt chọn lựa tinh đời của Lưu Hữu Phước, một nhạc sỹ nổi tiếng. Sau mấy năm thử thách và “điếu đóm” cho Đoàn.- Như Bình thường đùa vui như thế. Ông được học múa theo kiểu truyền dạy của các bậc đàn anh, đàn chị. Và rồi, bằng sự đam mê, khiêm tốn học hỏi, tập đến quên ăn quên ngủ, Như Bình đã trở thành diễn viên múa chính của Đoàn Ca múa Trung ương.

Ông đã khẳng định mình qua vai diễn ở các tiết mục múa “Đôi bờ”; “Một ông hai bà”; “Theo cờ giải phóng”; “Thầy thầy tớ tớ”; được xếp múa đôi với nghệ sỹ tên tuổi Chu Thúy Quỳnh trong điệu “Đốt pháo” (của Liên Xô) năm 1955; múa đôi nam “Trống Ba Na” với nghệ sỹ Anh Nghiêm. Như Bình nổi lên như một diễn viên chính từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước.

Năm 1971, Như Bình làm đơn tình nguyện đi chiến trường miền Nam. Trong khi ở nơi tập trung ông đang học chính trị và rèn luyện thể lực chờ ngày lên đường thì bất ngờ nhận được quyết định mới. Lãnh đạo Bộ Văn hóa xét thấy gia đình ông đã có hai người ruột thịt phục vụ ngoài chiến trường, mà nhu cầu của cách mạng là về lâu về dài nên tổ chức đã quyết định đưa ông đi đào tạo ở Liên Xô. Như Bình tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật sân khấu Moskva.

Thập niên 70 thế kỉ trước, ai được chọn đi học ở Liên Xô là một niềm vinh dự lớn lao. Học múa, lại là múa balê, thông thường người ta tuyển người trên dưới mười tuổi, đằng này Như Bình đã ở tuổi ba mươi. Ông đã phải khắc phục sự hạn chế về ngôn ngữ, khó khăn về tuổi tác bằng sự miệt mài khổ luyện. Cứ đến chủ nhật hay ngày lễ, ngày nghỉ, ông lại vùi đầu trong thư viện học thêm ngoại ngữ và đọc sách, một mình trên sàn tập múa theo băng nhạc.

Ngay khi còn đang là sinh viên ở Học viện, Như Bình đã sáng tác một số điệu múa, tiêu biểu là tác phẩm “Mùa xuân bên bờ suối” được dàn dựng và biểu diễn ở Liên Xô. Tốt nghiệp Khoa Biên đạo múa, về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Như Bình vừa là diễn viên vừa thêm nhiệm vụ sáng tác và được mời dàn dựng cho nhiều đoàn nghệ thuật.

Năng lực của ông được dịp tỏa sáng. Ở giai đoạn thập niên 70, 80, Như Bình thành công qua những tác phẩm “Giấc mơ than”; “Ngọn cờ chiến thắng”; “Xuôi bè”; “Lá đỏ”; “Việt-Miên-Lào đoàn kết”; “Đường ra tiền tuyến” và đặc biệt thành công ở đại quần vũ “Kỵ mã lên đường” tại sân vận động Hàng Đẫy với hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương ra roi quất ngựa sắt xông lên đánh giặc Ân, được Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội giới thiệu.

Những điệu múa do ông sáng tác như “Vaxilo”; “Nhịp điệu tuổi trẻ” được lớp lớp thanh niên yêu thích. Ban giám khảo cuộc Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đánh giá “Nhịp điệu Tây Bắc” của NSƯT – Biên đạo – Vũ sư Như Bình là điệu nhảy được quần chúng ưa thích nhất. Tại Liên hoan các điệu nhảy Việt Nam và quốc tế, bên cạnh các giải thưởng dành cho thành tích biểu diễn, lần đầu tiên Ban tổ chức đã lập một giải đặc biệt dành cho tác giả “Điệu nhảy Việt Nam được quần chúng yêu thích nhất”.

Biên đạo Như Bình chính là tác giả duy nhất được nhận giải thưởng này với “Nhịp điệu Tây Bắc”. Qua hai cuộc Liên hoan, có đến 51 trên 59 đơn vị, cá nhân sử dụng tác phẩm này trong phần thi của mình. Họ nói rằng nhờ đó mà họ bộc lộ được tính cách của mình. Mỗi huy chương, giải thưởng có ý nghĩa riêng, nhưng quả thật đây là phần thưởng vô giá đem lại cho Như Bình niềm tự hào khi mà sáng tác của mình đạt con số kỷ lục đơn vị sử dụng.

NSƯT Như Bình nổi lên như là một chuyên gia đạo diễn. Ông có bản thành tích từng tổ chức đạo diễn 25 lễ hội và sự kiện lớn nhỏ trên phạm vi toàn quốc. Tên tuổi Như Bình bay xa vượt biên giới. Ban Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức năm 2017 đã mời đích danh vợ chồng nghệ sĩ Như Bình – Phương Châm sang để đạo diễn chương trình, được bà con Việt kiều và Đại sứ quán nhiệt liệt ngợi khen…

NSƯT Như Bình hướng dẫn múa Việt Nam tại cung thiếu nhi Moskva.

Nếu liệt kê thì có một danh sách kéo dài những sự kiện tương tự. Chẳng thế mà khắp trong Nam ngoài Bắc, các ngành, các đoàn thể cứ ở đâu có tổ chức đại hội hay lễ khánh thành… người ta thường “nhớ” tới NSƯT Như Bình giúp đỡ; không phải chỉ vì ông có tài tổ chức đạo diễn mà còn vì ở ông không có sự đố kỵ. Như Bình làm việc bằng tấm lòng đầy nhiệt huyết, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vì mục đích nghệ thuật cao cả.

Trong cặp hồ sơ lưu trữ làm kỷ niệm con đường hoạt động nghệ thuật của Như Bình, từng bản nhận xét và lời đánh giá công lao nghệ sỹ Như Bình gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại, có chữ ký của các vị có tên tuổi ở các cơ quan đoàn thể, được xếp theo thứ tự thời gian...

Một trong những kỷ niệm sâu sắc trong đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT- biên đạo múa Như Bình là chuyện ông làm đạo diễn vở kịch múa “Huyền thoại thác Yang Bay”.

Huyền thoại thác Yang Bay là một câu chuyện cổ của dân tộc Rắc-glây ở cực Nam Trung Bộ, từng được in sách, nhưng ngành Du lịch Khánh Hòa muốn huyền thoại này được kể lại bằng hình thể. Họ liền viết công văn ra Hà Nội mời đích danh NSƯT – biên đạo múa Như Bình vào làm việc và dàn dựng. Cái khó với Như Bình là trong tay ông chỉ có kịch bản chứ không có diễn viên chuyên nghiệp. Ông chỉ có thể chọn lựa diễn viên từ những cán bộ công nhân viên khu Du lịch Yang Bay, và thời gian tập luyện chỉ hai tháng. Nhưng nhiệt tình đã được truyền từ nhà biên đạo tới những diễn viên không chuyên nên vở kịch múa đã thành công ngoài sự mong đợi....

Khi buổi diễn ra mắt “Huyền thoại thác Yang Bay” kết thúc trong tiếng vỗ tay khen ngợi của khán giả, biên đạo múa Như Bình đã ôm lấy các diễn viên, nghẹn ngào: “Chúng ta vừa cùng làm rất tốt một việc tưởng không thể làm được. Tôi tự hào vì kịch múa này từ nay trở thành một phần của Du lịch Yang Bay – Khatoco Khánh Hòa”. Nói rồi Như Bình bật khóc. Đó là tiếng khóc và những giọt nước mắt hạnh phúc của sự thành công trong vở diễn mà người biên đạo có được, dù ông đã ở tuổi “nhân sinh thất thập”…

Trong đời hoạt động nghệ thuật, đó là lần thứ hai Như Bình bật khóc. Lần thứ nhất là vào năm 1969, sau chuyến lưu diễn ở Cuba về. NSƯT Như Bình kể: “Chúng tôi được vào Phủ Chủ tịch báo cáo. Lúc đầu, chỉ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp, nghe đâu Bác Hồ đang ốm. Ngờ đâu, cuối buổi tiếp, Bác đến và trao tặng trực tiếp Huy hiệu của Người. Dịp đó có các nghệ sỹ Ái Liên (cải lương); ca sỹ Thanh Huyền, diễn viên chèo Kim Liên và tôi. Đã từng được nhận huân chương, huy chương, kỷ niệm chương các loại… nhưng nhận trực tiếp Huy hiệu Bác Hồ do chính Người trao tặng, trong khi Người đang ốm mệt, tôi không giấu được sự nghẹn ngào”.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam từng nhận xét về NSƯT, biên đạo múa, diễn viên múa Như Bình: "Anh là một nghệ sĩ đầy tâm huyết với nghề, với công tác Hội. Như Bình là một nghệ sĩ nói, làm, viết, xả thân vì nghề, vì công việc".

Nguyễn Ngọc Phan
.
.