NSƯT Vân Quyền: Luôn thấy mình mắc nợ khán giả

Thứ Sáu, 31/01/2014, 08:00
Nhắc tới NSƯT Vân Quyền, không thể không nhắc tới những nhân vật đã được chị hóa thân xuất sắc trên sân khấu chèo suốt mấy chục năm qua như Thị Màu, Xúy Vân, Hồ Xuân Hương, Nàng Chúa Ba, Công chúa Ba Tư...

Cuối tháng 12/2013, khi vở diễn "Đường trường duyên phận" của Nhà hát Chèo Việt Nam được truyền hình trực tiếp trong chương trình "Nhà hát truyền hình" trên VTV1, dù chỉ vào một vai nhỏ là vợ quan Đốc học nhưng NSƯT Vân Quyền vẫn khiến cho những khán giả yêu chèo mê mẩn bởi giọng hát thanh xuân "vang, rền, nền, nảy" và đặc biệt là lối diễn tự nhiên như nhập đồng. Nhắc tới NSƯT Vân Quyền, không thể không nhắc tới những nhân vật đã được chị hóa thân xuất sắc trên sân khấu chèo suốt mấy chục năm qua như Thị Màu, Xúy Vân, Hồ Xuân Hương, Nàng Chúa Ba, Công chúa Ba Tư...

Với NSƯT Vân Quyền thì "Đường trường duyên phận" là vở diễn đặc biệt hơn một chút vì đây là tác phẩm mà người bạn đời của chị (nghệ sĩ Đoàn Vinh) làm đạo diễn. Đây cũng là một trong 2 vở diễn được Nhà hát Chèo Việt Nam chọn tham gia “Cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc” năm 2013 và giành được nhiều giải thưởng quan trọng. Nhưng dù là của "người trong nhà" nhưng NSƯT Vân  Quyền bảo không có gì ưu ái cả và chị được giao một vai diễn "rất hợp với tuổi". Nhiều khán giả và đồng nghiệp thường dành những lời khen tặng cho Vân Quyền vì chị là người nổi tiếng giữ được sự xuân sắc cả trong giọng hát lẫn hình thức nhưng chị bảo, với sân khấu, câu nói "thầy già con hát trẻ" chưa bao giờ sai cả.

"Sân khấu, màn ảnh là nơi khó che giấu những dấu vết thời gian nhất. Như mình bây giờ, vào vai bà, vai mẹ là hợp. Nhưng quan trọng hơn là những người nghệ sĩ đi trước hãy biết lui gót về phía sau để các bạn trẻ được thể hiện tài năng". Đó là tâm niệm và cũng là điều NSƯT Vân Quyền đang thực hiện trên cương vị Trưởng đoàn 2 của Nhà hát Chèo Việt Nam. Bởi chị thấu cái lẽ dù có là nghệ sĩ tài sắc đến mấy cũng không thể đứng trên sân khấu mãi được. Đặc biệt, với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống thì các nghệ sĩ không chỉ làm tốt công việc của mình mà còn phải có trách nhiệm cao cả là truyền dạy cho thế hệ mai sau.

Thấm thoắt mà đã 30 năm có lẻ NSƯT Vân Quyền gắn bó với sân khấu, kể từ cái ngày đầu tiên cô gái mảnh mai sinh ra từ làng quê Yên Dũng - Bắc Giang khăn gói lên Hà Nội học hát chèo. Đấy là tính từ thời điểm chị chính thức được các cụ nghệ nhân Cả Tam, Dịu Hương, Năm Ngũ truyền dạy thôi, chứ tình yêu chèo trong chị đã có từ lâu lắm rồi. Từ ngày mới chỉ là học sinh lớp 2, lớp 3, Vân Quyền đã không bỏ sót một chương trình dân ca và nhạc cổ truyền nào của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị nghe rồi véo von hát theo. May mắn khi chị vừa tốt nghiệp cấp 2 cũng là lúc Nhà hát Chèo Việt Nam về tuyển diễn viên.

Rụt rè đứng xem 2 ngày, tới ngày thứ 3, Vân Quyền mới dám xin vào thi. Chị vẫn nhớ khi đó, chị đã hát ca khúc "Bài ca hy vọng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để ban giám khảo chấm giọng. Sau đó là tập và hát lại một bài chèo. Ban giám khảo rất bất ngờ trước một cô bé gầy gò nơi làng quê lại có chất giọng trong trẻo, cao vút và khả năng thuộc làn điệu nhanh đến thế. Chị bảo, những làn điệu chèo ấy, chị nghe nhiều nên nó thấm vào người tự bao giờ. Lần lượt trải qua các vòng thi huyện, tỉnh, đến vòng trung ương, Vân Quyền đã một mình lặn lội đạp xe từ Bắc Giang lên Hà Nội thi rồi trở thành diễn viên của Nhà hát, cùng khóa với những nghệ sĩ nổi tiếng của làng chèo sau này như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần…

NSƯT Vân Quyền tâm sự, thế hệ các chị may mắn được được các nghệ nhân nổi tiếng của làng chèo chỉ dạy từng cách hát, từng ngón nghề. Chị ngưỡng mộ và học được cách diễn ở nghệ sĩ Dịu Hương, nghệ sĩ Thu Phong khi vào vai Thị Màu; ở NSƯT Diễm Lộc khi vào vai  Xúy Vân… Rồi lại may mắn khi về công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam thì bộ ba nghệ sĩ nổi trội về thanh, sắc thời ấy là Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Vân Quyền thường xuyên được giao vai chính. Nghệ sĩ Vân Quyền là người có khả năng hóa thân vào đủ các dạng vai từ đào thương, đào lẳng đến đào lệch. Ở dạng vai nào, Vân Quyền cũng để lại dấu ấn ám ảnh trong lòng khán giả bởi lối diễn xuất tự nhiên cháy đến tận cùng tính cách, số phận nhân vật.

Trên sân khấu chèo, những vai diễn như Súy Vân, Thị Màu… thì hầu như những nghệ sĩ nào cũng từng được trải nghiệm. Dù học tập các nghệ sĩ đi trướcâ nhưng Vân Quyền vẫn tạo được phong cách riêng không hề khuất lẫn. Vân Quyền vẫn nhớ khi được đạo diễn, NSND Trần Bảng giao cho vai Thị Màu trong vở "Quan Âm Thị Kính" chị được đích thân nghệ sĩ Dịu Hương tập cho từng câu một. Đạo diễn Trần Bảng cũng là người kỹ lưỡng. Ông yêu cầu các nghệ sĩ tập đi tập lại tới khi nào thật nhuần nhuyễn mới thôi. Cũng vì thế mà các diễn viên có thời gian đào sâu vào tìm hiểu tâm lý, tính cáchá nhân vật. Xem Vân Quyền nhập vai Thị Màu, ngoài cái vẻ lẳng lơ, đa tình thường thấy ở nhân vật này thì điều gây ám ảnh ấy lại là sự trong sáng, hồn nhiên, một tâm hồn khao khát yêu đương mãnh liệt. Vai diễn mà chị bỏ nhiều công sức nhất ấy đã mang lại cho chị nhiều kỷ niệm buồn, vui.

Tại Cuộc thi "Tài năng trẻ sân khấu" lần đầu tiên được Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức năm 1991, Vân Quyền đã đoạt giải Nhất ở lĩnh vực sân khấu chèo. Cùng được giải với chị ngày đó ở lĩnh vực cải lương là nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền. Chị thích thú tiết lộ: Chiếc Huy chương Vàng được trao ngày ấy được làm bằng vàng thật, tương đương 1,5 chỉ vàng.

Gần đây, khi Khoa Kịch hát dân tộc - Trường Sân khấu Điện ảnh tổ chức quay những tích chèo cổ kinh điển làm tài liệu giảng dạy cho các sinh viên trẻ, ban đầu họ mời NSƯT Vân Quyền diễn một màn cho nhân vật Thị Màu. Sau, nhà trường lại đề nghị Vân Quyền diễn thêm vài cảnh nữa vì "không nghĩ là sau bao năm chị vẫn giữ được nét diễn hồn nhiên, trong sáng đến thế". Trước đó, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam khi ấy là NSƯT Bùi Đức Hạnh làm album những trích đoạn chèo cổ đã chọn Vân Quyền là người lồng tiếng cho nhân vật Thị Màu.

Nhưng Thị Màu cũng từng mang lại cho chị kỷ niệm buồn. Chị kể, ngày ấy, để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn ở 5 nước Châu Âu, NSND Trần Bảng cho cả 5, 6 nghệ sĩ cùng tập vai Thị Màu, sau đó chọn ra người xuất sắc nhất. Vì biết điểm yếu của mình là khi diễn mắt chưa được "lẳng" cho đúng chất nhân vật nên Vân Quyền tập miệt mài, hăng say. Đến lúc được chọn rồi thì lại nhiều lời ra, tiếng vào cho rằng Vân Quyền chưa… xứng đáng. Sau này, biết mình không được chọn, Vân Quyền khóc lên khóc xuống nhưng bình tĩnh lại, chị hiểu những điều họ nói cũng là những điều mình chưa hoàn thiện để sau này khắc phục.

Là người được đánh giá là hội tụ đầy đủ những yếu tố của sân khấu chèo "thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần", có thể hóa thân ở nhiều dạng vai khác nhau nhưng Vân Quyền bảo, chị thích những vai có cá tính, số phận. Có lẽ, nó hợp với tạng chị ngoài đời, là người luôn mạnh mẽ, quyết liệt trong công việc. Đặc biệt, vai nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong vở diễn cùng tên là vai diễn mà chị luôn thấy hào hứng nhất. Chị bảo, chị luôn tìm thấy mình trong cái mạnh mẽ, cá tính của nữ sĩ họ Hồ này.

Thời gian gần đây, Nghi lễ Chầu văn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được đề nghị UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể văn hóa đại diện cho nhân loại nhưng ít ai biết rằng, NSƯT Vân Quyền là một trong những người đầu tiên đưa hát chầu văn, hầu đồng lên sân khấu. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà hát Chèo Việt Nam chuẩn bị chương trình biểu diễn tại Pháp với các trích đoạn "Thị Màu lên chùa", "Xúy Vân giả dại", "Tuần ty đào Huế", "Lý trưởng mẹ Đốp" là "Ba giá hầu đồng". Khi danh mục tác phẩm đưa lên, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình có yếu tố mê tín dị đoan. Đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin khi ấy là nhạc sĩ Trần Hoàn phải xem để thẩm định.

Cả đoàn hồi hộp lo lắng nhưng thật bất ngờ, xem xong, Bộ trưởng Trần Hoàn vỗ tay khen: "Hay quá, đậm đà bản sắc dân tộc, không có gì mê tín cả". Quả thực, không chỉ ở Pháp mà ở Nga, Anh, chương trình đều nhận được sự yêu thích của khán giả. Thậm chí, "Ba giá hầu đồng" được khán giả nước ngoài thích hơn cả vì họ cho rằng, nó thấm đẫm chất tâm linh nhưng lại hiện đại trong tiết tấu. Nhiều khán giả đứng dậy nhún nhảy theo giai điệu và gọi tiết mục này là "Rock Việt Nam".

NSƯT Vân Quyền nói chị luôn cảm ơn sân khấu chèo đã cho chị nhiều thứ. Những giải thưởng cao quý tại các kỳ hội diễn, những chuyến đi lưu diễn nước ngoài thường xuyên và đặc biệt là người chồng cùng nghề luôn đồng hành với chị trên mọi nẻo đường. Cuộc đời người nghệ sĩ có đủ buồn vui thăng trầm nhưng theo như NSƯT Vân Quyền chia sẻ, điều đọng lại và cũng là hạnh phúc của chị vẫn là tình cảm yêu mến của khán giả. Đó là những ánh mắt ngạc nhiên, sung sướng của khán giả Tây Nguyên khi lần đầu tiên được xem vở chèo; của những khán giả miền núi Tây Bắc xa xôi lặn lội đi cả ngày trời mới tới biểu diễn; là những ánh mắt của phạm nhân đột nhiên rưng rưng khi xem một cảnh cảm động...

Có đồng chí Giám thị trại giam đã nói với Vân Quyền: "Nhiều khi chúng tôi giảng giải cả ngày không hiệu quả bằng một buổi biểu diễn của các chị. Bởi sau khi xem văn nghệ, ý thức của các phạm nhân khác hẳn". Vân Quyền bảo, những đôi mắt ấy luôn khiến chị ám ảnh và thấy mình như mắc nợ. Để rồi tự nhủ lòng bằng bất cứ cách nào cũng phải gắn bó trọn đời với chèo

Thảo Duyên
.
.