NSƯT Tố Nga: Tiếng hát mang vị mặn mòi của biển

Chủ Nhật, 01/04/2018, 08:03
Hơn 20 năm, Tố Nga nói chị bước từ trong bóng tối hôn nhân ra ngoài ánh sáng. Album thứ 7 của chị, "Giếng quê" lần đầu tiên mới có một cuộc ra mắt báo chí đúng nghĩa. Với nhiều người, âm nhạc mang lại danh vọng, tiền bạc. Còn với Tố Nga, lớn hơn thế, âm nhạc mang lại cho chị niềm tin để đi qua những tháng ngày không bình yên của cuộc đời.


Tố Nga đó, vẫn mặn mòi, đằm thắm như vùng đất chị sinh ra, Hà Tĩnh. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nói về Tố Nga, rằng: "Ai đã nghe Tố Nga hát thì sẽ bị ám ảnh không quên được". Dù dòng nhạc dân gian Tố Nga theo đuổi có rất nhiều tên tuổi và những cái bóng lớn như Anh Thơ, Tân Nhàn nhưng Tố Nga vẫn đi vào trái tim khán giả bằng một lối đi riêng. 

Những câu hát trữ tình vốn mang trong đó rất nhiều tình cảm lại được chuyên chở bằng tiếng hát nỗi niềm của Tố Nga, khiến người nghe day dứt, ám ảnh. Tố Nga hát tự nhiên như hơi thở. "Tôi đã hát bằng cả trái tim mình. Tiếng hát phải có năm tháng, có khổ đau, hạnh phúc mới thấm hết được. Cách đây 10 năm, cũng bài hát đó, tôi hát mượt mà, còn bây giờ thu lại, nó thấm đời hơn, sâu thẳm hơn".

Vì thế, ai đã nghe Tố Nga chắc cũng sẽ bị ám ảnh bởi tiếng hát của chị. Những "Giếng quê", "Neo đậu bến quê", "Khúc hát sông quê", "Mời anh về Hà Tĩnh"… qua giọng hát của Tố Nga trở nên tha thiết hơn. Chị định danh mình trong dòng dân gian bằng một chất riêng, đó là sự truyền lửa trong từng câu hát. Với Tố Nga, âm nhạc không còn là kỹ thuật, mà kỹ thuật đã được chuyển hóa nhuần nhuyễn chạm đến trái tim khán giả. Chị được biết đến nhiều với những ca khúc xứ Nghệ, đặc biệt Tố Nga được cố nhạc sĩ An Thuyên tin tưởng giao cho thể hiện nhiều ca khúc mà ông sáng tác, trong đó nổi tiếng nhất là "Hà Tĩnh mình thương". Cũng với ca khúc này, Tố Nga dành được Huy chương Vàng và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Với Tố Nga, âm nhạc là nơi chị chia sẻ với khán giả những vui buồn trong cuộc đời, chứ không phải nơi kiếm tìm sự nổi tiếng hay tiền bạc… Cái tâm thế đó sẽ một phần quyết định giọng hát của bạn sẽ đi đến đâu trong hành trình dài phía trước. Không vội vàng mà âm thầm làm việc, như con tằm rút ruột nhả tơ, mọi thứ sẽ đến. Tâm thế làm nghề đó, bây giờ không có nhiều trong giới trẻ. Bởi họ tìm đến âm nhạc nhiều khi không vì đam mê, vì tình yêu mà họ tìm kiếm những điều khác ngoài âm nhạc. Đó là một thực trạng buồn của nhiều người trẻ. Còn Tố Nga và thế hệ chị, thuần khiết hơn.

NSƯT Tố Nga và con trai.

Âm nhạc với Tố Nga, trước hết là đam mê, là tình yêu mà chị muốn dành cho nó. Cách đây gần 20 năm, cô gái bé nhỏ Tố Nga từ Hà Tĩnh xách vali trốn mẹ ra Hà Nội lập nghiệp. Lúc đó chị đang công tác ở Sở Văn hóa, công việc ổn định. Nhưng giấc mơ trong tâm hồn Tố Nga luôn cựa đạp. Mảnh đất bé nhỏ ấy không đủ chỗ cho chị vẫy vùng. Chị quyết tâm ra đi, đến những chân trời rộng hơn, thỏa mãn giấc mơ âm nhạc của chị.

Tố Nga bắt đầu từ những ngày gian khó ấy, chạy xô từng quán cà phê sinh viên kiếm tiền tự nuôi sống mình. Và tiếng hát của Tố Nga cũng lớn lên theo năm tháng. Không ra mắt báo chí, ít xuất hiện trước truyền thông nhưng gần 20 năm, Tố Nga vẫn đều đặn làm các sản phẩm âm nhạc để lưu giữ lại hành trình làm nghề của mình. Chị tự nhận mình thuộc típ người cũ, trong xu hướng phát hành online thì Tố Nga vẫn trung thành với album, với sự đầu tư khá tốn kém về tiền bạc chị dành dụm được từ đi hát.

Nhiều người khi có ánh hào quang, họ sẵn sàng chối bỏ quá khứ của mình. Còn Tố Nga, chị cảm ơn những tháng ngày vất vả đó, giúp chị lớn lên và có những nhìn nhận đúng đắn hơn về nghề của mình. Một nghề nhọc nhằn nhưng cũng rất dễ sa ngã, nếu không có bản lĩnh.

Vì thế, ngay từ đầu, chị đã có một tâm thế làm nghề vững vàng. Không nổi tiếng như các đàn chị hay đàn em  sau này, như AnhThơ, Tân Nhàn, Phương Thảo, nhưng tiếng hát của Tố Nga tìm được nhiều tri âm, làm dịu lòng bao trái tim xa quê. Không chỉ là vùng đất nặng tình nặng nghĩa Hà Tĩnh mà bất cứ đâu, miền quê nào, khi nghe Tố Nga đều thấy nặng lòng.

Vậy âm nhạc dân gian, có gì mới mẻ để tạo dấu ấn cho người nghệ sĩ? Những "Hà Tĩnh mình thương", "Khúc hát sông quê", "Giếng quê"… có rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đã hát. Tố Nga cười: "Âm nhạc quan trọng là chạm tới cảm xúc của khán giả. Hát dòng nhạc này, nhiều người nghĩ là dễ nhưng nếu không có học hành bài bản và không có những trải nghiệm sống, người nghệ sĩ không truyền được chiều sâu tàng ẩn trong từng giai điệu".

Abum "Giếng quê" của NSƯT Tố Nga gồm 9 ca khúc: "Giếng quê" (sáng tác của Thuận Yến), "Nhớ Mẹ" (nhạc Mạnh Chiến - thơ Đậu Hoài Thanh), "Lời hẹn tình quê" (nhạc Lê An Tuyên - thơ Nguyễn Hùng - Lê An Tuyên), "Điệu ví giặm là em" (nhạc Quốc Nam - lời Lê Văn), "Huyền thoại núi Hồng" (sáng tác Quốc Việt), "Câu đợi câu chờ" (sáng tác Ngọc Thịnh), "Quê hương em là núi Hồng sông Lam" (nhạc Vũ Quốc Nam- thơ Trịnh Văn Vinh), "Mơ quê" (sáng tác Nguyễn Tài Tuệ), "Về Hà Tĩnh người ơi" (sáng tác Xuân Thuỷ) là một dấu mốc trong đời nghệ sĩ của Tố Nga. Chị muốn tri ân mảnh đất sinh ra và cũng là một dấu mốc quan trọng trong đời nghệ sĩ, 20 năm gắn bó với âm nhạc.

Với Tố Nga, sau hai mươi năm làm nghề, lần đầu chị được mở toang cánh cửa lòng mình giải thoát khỏi những muộn phiền chất chứa. Âm nhạc của đàn bà tuổi 40 đời hơn, chất chứa hơn, mặn mòi hơn. Không ai dễ dàng để chối bỏ cuộc hôn nhân của mình. Tố Nga mất 8 năm sống trong giằng néo, trong khổ đau. Chị không muốn làm tổn tương đến người thân của mình.

 Và trong những ngày tháng ấy, Tố Nga trốn vào âm nhạc và những chuyến thiện nguyện. Chị đi nhiều, hát để cho vơi bớt nỗi buồn. Những chuyến thiện nguyện lên vùng núi cao hay về quê hương Hà Tĩnh đều có bạn bè lặng lẽ đồng hành. Chị muốn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.

Tôi hỏi Tố Nga, âm nhạc ở đâu trong những bộn bề cuộc sống của chị. Âm nhạc ở đó, trong tâm hồn chị, cứu rỗi cho những khổ đau, mất mát. Có thể nói, gần 10 năm trong bóng tối hôn nhân, âm nhạc là chốn nương thân của Tố Nga. Vì thế mà tiếng hát của chị cũng mang vị mặn của muối, của nước mắt, của sự trải nghiệm.

Tố Nga nói, những năm tháng đó, khán giả chính là nguồn động lực cho chị hát. Với những nghệ sĩ như chị, đôi khi hạnh phúc đến từ những điều bé nhỏ, khi những bài hát của chị có thể khiến ai đó buồn, vui, yêu thêm cuộc đời này. Và họ, đôi khi chỉ là những người lao động bình thường. Chị nhớ, có một cậu khán giả trung thành của chị đang lao động ở Cộng hòa Séc, ba bốn năm không có đủ tiền mua vé máy bay về thăm mẹ. Và trong những tháng ngày cô đơn đó, những đêm tối tĩnh lặng, họ dùng âm nhạc của Tố Nga để giải thoát khỏi những bế tắc của cuộc sống. Tố Nga nhận được nhiều tin nhắn sẻ chia ấm áp như thế.

Chị tâm sự: "Những tình cảm âm thầm đó khiến tôi thấy ấm áp, nó là thứ còn lại trong đời nghệ sĩ. Hào quang hay danh vọng rồi cũng đi qua, chỉ còn lại tình người, nó thấm rất sâu trong trái tim mình. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ những lá thư, những dòng sẻ chia của khán giả như thế".

Ở tuổi 40, Tố Nga như được hồi sinh. Chị có nhiều năng lượng hơn để làm việc, để ca hát. Cuộc sống của một bà mẹ đơn thân không quá vất vả vì chị có con trai bên cạnh. Khép  lại cánh cửa quá khứ, người phụ nữ mạnh mẽ trong Tố Nga đang bước tiếp những bước đi vững vàng hơn, tự tin hơn trong hành trình phía trước. Chị tự tin gặp báo chí, sẻ chia với họ câu chuyện cuộc đời. Và tôi hiểu, có một điều còn lại trong tâm hồn chị, đó là tình yêu với âm nhạc, một tình yêu bền bỉ, thủy chung sẽ đi cùng chị đến cuối con đường.

Phan Chi
.
.