NSƯT Thuý Mùi: Không thể ngồi đợi khán giả

Thứ Năm, 21/11/2013, 08:00
NSƯT Thúy Mùi nói: Trong bối cảnh bão hòa các loại hình giải trí như hiện nay, mình phải chủ động đi "gõ cửa" các đơn vị, các nhà trường để "tiếp thị" cái mà mình đang có chứ không thể cứ mãi ngồi đợi khán giả đến tìm mình. Vì thế, quanh năm bốn mùa, Nhà hát của chúng tôi không bao giờ rảnh rỗi, lúc nào cũng có việc gì đó để làm, có vở để biểu diễn phục vụ khán giả...

Thời gian qua, Nhà hát Chèo Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an đã có nhiều chương trình đi lưu diễn tại các trại giam trên cả nước. Riêng trong nửa đầu năm 2013 này, Nhà hát đã thực hiện hơn 20 suất diễn tại các trại giam khu vực miền Trung. Các buổi biểu diễn  đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả, đặc biệt là các phạm nhân. Với mong muốn những người đã từng có quá khứ lỗi lầm sẽ yên tâm cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, dự kiến từ đây tới hết năm, Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ tiếp tục có chuyến đi lưu diễn tại các trại giam ở khu vực phía Bắc như Phú Sơn, Quyết Tiến... Nhân dịp này, báo Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội.

- Thưa NSƯT Thúy Mùi, được biết, từ khi lên làm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, chị đã đặc biệt chú ý tới việc tổ chức cho anh chị em đi biểu diễn cho phạm nhân ở các trại giam?Từ đâu chị có quyết định này?

+ Tôi cho rằng, những người phải "vào trại" đều ít nhiều có những uẩn khúc, có số phận đặc biệt. Trong trại giam, họ cũng ít có cơ hội được tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật, trong đó có chèo. Theo tôi, làm nghệ thuật là làm cho cuộc đời này thêm tươi, thêm đẹp, thêm nhân ái và chèo cũng phải làm được như thế. Chính vì thế, tôi đã chủ động đề xuất với lãnh đạo Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) về các chương trình phối hợp này. Đến nay, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có cơ hội đem lời ca tiếng hát và các tiểu phẩm đến các trại giam trên cả nước và nó trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình đi lưu diễn hàng năm của Nhà hát.

- Nghe nói, cátxê các buổi diễn của đoàn cho các sô diễn này thường thấp hơn nhiều so với những hợp đồng biểu diễn bên ngoài. Vậy đâu là động lực để chị tiếp tục duy trì những sô diễn đặc biệt này trong suốt những năm qua?

+ Điều chúng tôi hướng đến trong những sô diễn này chính là tính nhân văn. Sau nhiều đêm diễn, không chỉ có các phạm nhân tiếp cận với các nghệ sĩ để tỏ lòng cảm mến đối với chèo mà chính các cán bộ Công an trong các trại giam cũng dành tình cảm đặc biệt cho các nghệ sĩ. Những tình cảm ấy luôn quyến luyến chúng tôi trong lần trở lại sau. Vì thế, cátxê cho một chương trình biểu diễn có vài chục diễn viên tham gia, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng và được yêu mến như NSƯT Quốc Anh, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Xuân Hinh... đều chỉ là 20 triệu, chỉ bằng cátxê của một mình Quốc Anh khi nhận sô ở ngoài, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ nhận lời. Anh em nghệ sĩ chúng tôi đều mong rằng, các phạm nhân sẽ cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình, còn các cán bộ chiến sĩ ở các trại giam vốn là người chịu nhiều thiệt thòi sẽ yên tâm công tác, góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội, cho cuộc sống hôm nay.

Tiết mục biểu diễn của NSƯT Quốc Anh luôn nhận được sự hưởng ứng của cán bộ và phạm nhân ở các trại giam.

- Vừa qua Nhà hát đã "chạy nước rút" với 4 vở chèo cùng lúc. Trong bối cảnh sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà hát "lần chẳng ra", vậy mà xem ra chèo Hà Nội vẫn là "người ăn không hết"?

+ Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 vừa diễn ra tại Hải Phòng chính là cơ hội tốt để chúng tôi thể hiện mình, cho nên tôi nói với anh em là không thể bỏ qua cơ hội này. Nhà hát Chèo Hà Nội có 3 đoàn thì cả 3 đoàn đều có vở đi Hội diễn: Đoàn 1 với "Vương nữ Mê Linh", đoàn 2 với "Nguyễn Công Trứ", đoàn 3 với "Nắng quái chiều hôm". Còn vở thứ 4 - "Phùng Khắc Khoan" - Nhà hát dựng theo đơn đặt hàng của huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cũng vừa được công diễn vào cuối tháng 10 và được truyền hình trực tiếp trên VTV. Vì thế, thời gian này anh chị em trong Nhà hát cực kỳ bận rộn, có ngày chúng tôi phải "chạy" 3 vở vào các buổi sáng, chiều, tối. Bận rộn và mệt, nhưng mà vui. Với người nghệ sĩ, còn gì hạnh phúc hơn là sân khấu của mình luôn đỏ đèn, vé bán luôn hết, đúng không?

- Thưa NSƯT Thúy Mùi, trong khi nhiều nhà hát phải sống chung với cảnh tối lửa tắt đèn, ấy vậy mà nghe nói vé bán 3 đêm biểu diễn "Vương nữ Mê Linh" vào các tối trung tuần tháng 10 của nhà hát đã được bán hết trước đó cả tuần. Chắc hẳn chị phải có "bí quyết" nào chứ?

+ Ngoài sự tâm huyết với nghề như bao nghệ sĩ khác, từ nhiều năm nay, tôi đã có quan niệm rằng, phải tổ chức cho anh chị em trong Nhà hát có một đời sống ổn định thì họ mới yên tâm tận hiến với nghề được. Vì thế, tôi cùng họ không ngại bươn bả đi kiếm hợp đồng biểu diễn ở khắp nơi. Trong bối cảnh bão hòa các loại hình giải trí như hiện nay, mình phải chủ động đi "gõ cửa" các đơn vị, các nhà trường để "tiếp thị" cái mà mình đang có chứ không thể cứ mãi ngồi đợi khán giả đến tìm mình. Vì thế, quanh năm bốn mùa, Nhà hát của chúng tôi không bao giờ rảnh rỗi, lúc nào cũng có việc gì đó để làm, có vở để biểu diễn phục vụ khán giả và anh chị em nghệ sĩ thì có thêm tiền bồi dưỡng. Hiện nay, công tác truyền thông của Nhà hát được làm rất tốt, chuyên nghiệp và hiệu quả.

- Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 có 17 đơn vị tham gia với 23 vở diễn. Chị có đi xem hết các vở chèo của các đơn vị bạn không?

+ Tôi vẫn chăm đi xem các vở diễn của bạn nghề để còn rút kinh nghiệm cho nhà hát của mình. Trước khi liên hoan diễn ra, tôi có xem "Linh thiêng đền Mẫu" của Nhà hát Chèo Việt Nam và hai vở của Nhà hát Chèo Thái Bình là "Nguyễn Công Trứ" và "Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn". "Biết mình, biết người" cũng là một yếu tố quan trọng của thành công mà.

- Nghe nói, để chuẩn bị cho Liên hoan chèo toàn quốc lần này, chị đã mạnh dạn giao các vai chính cho các nghệ sĩ trẻ của nhà hát. Ngày "đem chuông đi đánh nước người", các nghệ sĩ trẻ ấy đã thực sự khiến chị an lòng chưa?

+ Tôi phải tự tin mà nói rằng, hiện nay Nhà hát chúng tôi đang có một dàn diễn viên trẻ, đẹp và đầy tài năng. Tôi cũng "trông giỏ, bỏ thóc", biết các cháu nó có khả năng làm được mình mới giao vai, chứ không thể mạo hiểm được. Tôi biết cảm giác của người diễn viên khi có một vai diễn tham gia Liên hoan sân khấu nó quan trọng thế nào, có khi là bước ngoặt lớn thay đổi cả cuộc đời. Vì thế, tôi cũng mạnh dạn và tin tưởng trao cho các em, các cháu cơ hội ấy. Với "Vương nữ Mê Linh", tôi giao hai vai quan trọng nhất là Trưng Trắc cho nghệ sĩ trẻ Hoài Thu, vai Thi Sách cho nghệ sĩ trẻ Quốc Phòng, việc tập luyện cũng vì thế mà vất vả hơn, thời gian kéo dài hơn đến vài tháng. Thế nhưng không vì thế mà không làm. Sẽ đến lúc các diễn viên trẻ ấy là những người "làm chủ" sân khấu, như thế hệ của chúng tôi mấy chục năm trước.

- Chị đúng là một mẫu nghệ sĩ luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Đến nay, dự án đưa sân khấu chèo vào học đường của chị đến đâu rồi?

+ Điều vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi suốt bao năm qua là tại sao chèo chưa hấp dẫn được khán giả trẻ? Tôi cho rằng, cần chú trọng việc xây dựng và đào tạo khán giả trẻ bằng cách đưa các trích đoạn chèo vào biểu diễn trong các nhà trường, đó là một cách đầu tư cho tương lai của chèo. Với học sinh bậc tiểu học, tôi đưa vào biểu diễn các vở chèo được xây dựng từ các câu chuyện cổ tích, còn với bậc trung học tôi đưa vào các trích đoạn chèo kinh điển như: "Thị Màu lên chùa", "Xã trưởng mẹ Đốp", "Súy Vân", "Thầy đồ dạy học"... Những chương trình này được các em rất yêu thích. Có một nghệ sĩ sau khi xem chúng tôi biểu diễn trong nhà trường đã nói rằng, anh ấy thật bất ngờ vì không nghĩ xem một vở chèo mà lại sôi động, thú vị như một trận bóng đá vậy!

- Nghe nói, bây giờ ngoài làm Giám đốc Nhà hát, làm đạo diễn, chị vẫn sẵn sàng lên sân khấu biểu diễn bất cứ lúc nào?

+ Đúng vậy! Tôi luôn cảm thấy sung sướng nhất là được làm chuyên môn. Nó như cái thứ nghiệp chướng vậy, cứ động vào là mê, là say không rứt ra được. Quản lý thực ra là công việc... bất đắc dĩ mà thôi. Bất cứ khi nào cần thiết là tôi có thể lên ngay sân khấu làm diễn viên phụ, làm biên đạo múa, làm đạo diễn... Hiện nay tôi đã làm đạo diễn của 4 vở: "Ngọc Hân công chúa", "Chuyện tình người mất tích", "Thạch Sanh" và "Vương nữ Mê Linh". Tôi cũng rất yêu công việc mới này!

- Xin cảm ơn NSƯT Thúy Mùi!

Phan Cẩm Linh (thực hiện)
.
.