NSƯT Thanh Vinh: Giọng ca đặc biệt của nhóm "ngũ lão"

Thứ Năm, 16/07/2020, 18:01
So với các thành viên trong nhóm "ngũ lão" hiện nay như: NSND Quang Thọ và các NSƯT Dương Minh Đức, Quang Huy, Mạnh Tuấn thì NSƯT Thanh Vinh có vẻ kín tiếng hơn cả. Hầu như chưa hề có một bài báo hay một chương trình nào nói về con đường sự nghiệp của ông, về người nghệ sĩ ngày ngày lặng lẽ "rút ruột nhả tơ" cống hiến cho nghệ thuật bằng tình yêu và lòng say mê lớn lao.


Bền bỉ và đắm say

Không có thói quen ra đĩa hay làm Liveshow, không thích nói về mình, trong khi lại phải thường xuyên theo vợ làm công tác ngoại giao ở nước ngoài nên Thanh Vinh ít có cơ hội xuất hiện trước công chúng. Đó có lẽ là lý do mà nhiều người còn lạ lẫm với cái tên Thanh Vinh. 

Vốn là cậu học sinh đam mê ca hát nên khi tốt nghiệp THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông), ông gia nhập Đội Tuyên - Văn (Tuyên truyền văn hóa) của Tổng cục Kỹ thuật. Hằng năm, trong 8 tháng các "hạt nhân" văn nghệ của Tổng cục lại tập một chương trình đi diễn từ Hà Nội vào đến Quảng Bình (khi chưa giải phóng miền Nam). Năm 1976, đội văn nghệ của ông đã vào biểu diễn tại thành phố mang tên Bác.

Ở tuổi xấp xỉ 67 nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Vinh vẫn rất trẻ trung, tâm huyết.

Cứ tưởng cuộc đời ông sẽ gắn bó với binh nghiệp như người bạn Dương Minh Đức trong nhóm "ngũ lão", nhưng không, đã có một sự kiện thay đổi số mệnh của ông. Đó là khi ông thu 8 bài hát với ban nhạc Mùa Thu của nhạc sĩ Phú Quang. Giọng hát nam cao, khỏe khoắn, đầy nội lực cùng với việc được người nhạc tài năng phối phí đã giúp ông tìm được "bến đỗ" mới. 

Ông rời quân ngũ sau 9 năm gắn bó và thi vào Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với ca khúc "Hà Nội niềm tin và hy vọng" của nhạc sĩ Phan Nhân do nhạc sĩ Đỗ Dũng đệm đàn piano bằng giọng Mi trưởng.

Làm việc trong môi trường ca hát chuyên nghiệp, ông vẫn đau đáu việc chưa được đào tạo một cách bài bản. Nghĩ vậy, ông đã thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) với kết quả thủ khoa và sau khi học hết năm thứ nhất, ông lại có một suất cử đi học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Tchaikovsky tại Mátxcơva (Liên Xô cũ). 

Việc đi học nước ngoài của ông cũng như một sự sắp đặt của số phận, bởi sau 13 năm gián đoạn, Việt Nam mới có một suất du học tại ngôi trường danh giá này. Ông đã cùng với 4 nhạc sĩ khác, trong đó có nhạc sĩ Lê Anh Tuấn (hiện là Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khăn gói sang xứ sở Bạch Dương để tham gia học dự bị đại học 1 năm và học chuyên ngành 6 năm.

Về nước năm 1989, khi ấy ông đã 36 tuổi, một độ tuổi đầy sự chín chắn, chững chạc trong giọng hát, tưởng chừng từ đây ông sẽ được "mở toang" cánh cửa trên con đường biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài năm, ông lại cùng vợ sang công tác ngoại giao tại đất nước Thụy Điển. 

Tại đây, với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, ông đã vừa trông con vừa đến xin thực tập tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Thụy Điển. Điều đặc biệt là tại Học viện này không có giọng nam, vì thế bà Phó Giám đốc Nhạc viện đã nhờ ông giảng dạy thêm về giọng nam cho sinh viên. Được "tầm sư học đạo" tại một đất nước nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới, đó là một lợi thế của Thanh Vinh.

Khoảng thời gian từ năm 1992-2005, khi đã về Việt Nam sinh sống, ông xuất hiện trên tivi nhiều hơn, mỗi tuần từ 2 đến 3 lần. Thanh Vinh đã ghi dấu với những ca khúc như: "Chúng con bên giấc ngủ của Người", "Tháng ba Tây Nguyên", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Bên kia sông Đuống, "Chào sông Mã anh hùng"… 

Đặc biệt với ca khúc "Chào sông Mã anh hùng" ghi dấu ấn với ông trong một kỷ niệm khó quên. Đó là khi mới trở về nước trên đường đi xe bus từ Big C Thăng Long về Học viện Ngoại giao thì bất ngờ trên xe phát bài hát "Chào sông Mã anh hùng". Khi ấy ông đã yêu cầu phụ xe đừng tắt đài để ông nghe nốt ca khúc. Người phụ xe băn khoăn hỏi lại: Bác thích bài hát này à?. Ông điềm nhiên trả lời: Đó chính là tôi đang hát. 

Kể lại câu chuyện này với tôi hôm nay, ông bảo đúng là có những ca khúc của một thời đã qua tưởng chừng đã rơi vào quên lãng nhưng không, nó vẫn luôn khắc khoải trong trái tim người hát.

Vẫn đầy tâm huyết

Nói về nhóm "ngũ lão" của mình, Thanh Vinh cho biết, đó là nhóm dành cho những giọng hát đình đám trên 60 tuổi. Buổi ban đầu nhóm do các nghệ sĩ: NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSND Hoàng Chè, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy thành lập. Thế nhưng, khi NSND Doãn Tần yếu thì Thanh Vinh được gọi vào nhóm và hiện nay NSƯT Quang Huy (nguyên Giám đốc Nhà văn hóa Từ Liêm, Hà Nội) cũng được thế chỗ cho NSND Hoàng Chè vừa mới qua đời. 

"Hát nhóm mà lại có đến 5 người là vô cùng khó. Hát với nhau phải hợp nhau về mọi mặt, rất may là bọn mình đều học cổ điển nên màu giọng giống nhau, "ăn nhau". Khi hát nhóm thì phải biết nghe nhau, không thể mạnh ai người ấy hát, đôi khi phải biết gìm bớt cái của mình để hòa cùng cái chung", NSƯT Thanh Vinh chia sẻ.

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Vinh biểu diễn trong một chương trình truyền hình trực tiếp gần đây.

Với góc nhìn của người ca hát, giảng dạy lâu năm, ông đánh giá, hát không thiên về bản năng mà phải biết dùng kỹ thuật thanh nhạc khác nhau. Ông trăn trở, đối với nền thanh nhạc Việt Nam hiện nay, thế hệ trẻ thuận lợi hơn thời của ông ngày xưa. Phương tiện thông tin, đĩa phong phú hơn, ký xướng âm vỡ bài gõ Google là ra nên nhiều khi các học viên dễ rơi vào việc học thuộc theo kiểu truyền khẩu còn đánh từng nốt một thì hạn chế. 

"Chỉ cần đĩa nhạc beat vài bài là đi kiếm tiền, là thành nghệ sĩ là quá dễ dàng. Đôi khi các bạn bỏ qua những môn như: Lý thuyết âm nhạc piano, ký xướng âm, lịch sử âm nhạc, phân tích tác phẩm. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng cuộc sống xã hội đã tạo ra xu thế đó. Nhiều khi các bạn nhà xa, xa bố mẹ vào thành phố sống thuê nhà bao thứ phải lo trong khi gia đình ở quê lại không có điều kiện thì kiếm được tiền cũng là rất cần thiết. Tôi biết có những bạn rất chăm nhưng do cuộc sống, cơ chế xã hội tạo áp lực cho việc đi học nên nhiều lĩnh vực bị hạn chế. Nhiều bạn hát dùng sức mà không dùng kỹ thuật nhiều nên đôi khi hát 2,3 bài cùng lúc là hết hơi", nghệ sĩ trăn trở.

Hiện nay, bước vào tuổi xấp xỉ 70 nhưng nghệ sĩ Thanh Vinh vẫn chưa hết tâm huyết và sự say mê với âm nhạc. Ông vẫn thường xuyên tham gia ca hát trong các chương trình nghệ thuật, dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên. Dàn dựng cho những cơ quan, xí nghiệp nhưng ông cho phép mình làm qua loa, mà phải "ép" họ vào trong khuôn khổ, đó cũng là cách để ông giúp họ hiểu thêm giá trị của nghệ thuật chân chính. 

Ngoài ra ông vẫn tham gia công tác giảng dạy thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội suốt từ năm 1991 đến nay. Mỗi năm ông thường dạy 2 lớp đại học, 1 lớp trung cấp. Ông nói, khi đã ra quân nhưng ông vẫn có nhiều duyên nợ với ngôi trường này, bởi ở đây ông có những người bạn, người anh em rất thân, như cố Thiếu tướng An Thuyên - nguyên Hiệu trưởng nhà trường, người mà đã cùng ông thi chung một năm khi tác giả "Ca dao em và tôi" mới từ Quân khu 4 ra.

Tự nhận giọng hát đã xuống sức, nếu như ngày xưa hát 10 thì giờ còn 7,8, thế nhưng, hễ có ai, có chương trình nào mời, ông lại tất tả biểu diễn, bởi ông bảo cái nghề này không biểu diễn thường xuyên thì rất dễ "hết đát". "So với đồng nghiệp lớn tuổi, tôi có thuận lợi hơn là làm đazinang nhiều thứ, biết nhiều thứ, làm nhiều việc, hát nhiều giọng, dựng nhiều dạng", nghệ sĩ hóm hỉnh cho biết.

Ngô Khiêm
.
.