NSƯT Thanh Ngoan: Cần tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ

Thứ Năm, 27/02/2014, 08:00

NSƯT Thanh Ngoan là cái tên rất đỗi quen thuộc với làng chèo. Hiện chị là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - đơn vị có vai trò "anh cả" của bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống. Thông minh, sắc sảo, lại mặn mà cuốn hút với giọng hát đặc biệt nên dù đã là Giám đốc một nhà hát danh tiếng, song tên tuổi Thanh Ngoan vẫn có sức hút mạnh mẽ với các sô diễn, nhất là trong những ngày xuân...

- Thưa NSƯT Thanh Ngoan, việc Nhà hát Chèo Việt Nam chọn vở diễn "Bắc Lệ đền thiêng" mang đậm chất tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt để tham gia Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc hồi cuối năm ngoái có phải là cách "đón đầu" các lễ hội tưng bừng trên cả nước trong mùa xuân này?

+ Nghi lễ thờ Mẫu có vai trò quan trọng hàng đầu trong tín ngưỡng của người Việt, vì thế từ lâu nhà hát chúng tôi đã ấp ủ có một vở diễn về đề tài này. Tín ngưỡng ở đây không phải là mê tín dị đoan, mà nhiều người đến với nghi lễ hát văn một cách tự nguyện và ở đó họ cảm thấy thoải mái hơn, thanh thản hơn. Cũng như hát chèo, hát xẩm, ca trù, hát văn cũng là một nét văn hóa, một loại hình nghệ thuật cần được gìn giữ. "Bắc Lệ đền thiêng" là câu chuyện về vùng đất Bắc Lệ lúc thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, có sự hư cấu trên cơ sở một câu chuyện có thật. Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về "Bắc Lệ đền thiêng", rằng đây là vở diễn mang yếu tố tâm linh nhưng rất trong sáng. Đây cũng là bài ca về câu chuyện giữ nước của người dân Bắc Lệ thông qua việc giữ ngôi đền Bắc Lệ, giữ những câu hát văn. Ngôi đền đó chính là văn hóa!

- Được biết, Nhà hát Chèo Việt Nam đang chăm lo đào tạo một đội ngũ trẻ kế cận bởi có một thực tế là hiện nay đang có một sự hụt hẫng đáng kể. Theo chị, sự bắt đầu này có... hơi muộn so với thực tế không?

+ Tôi thấy không chỉ riêng với chèo mà với các bộ môn nghệ thuật nói chung, người ta cứ hay kêu ca rằng thiếu tác giả kịch bản, thiếu đạo diễn, thiếu diễn viên trẻ tài năng. Song bằng kinh nghiệm thực tế của mình, tôi cho rằng đó là do nhiều khi chúng ta không dám mạnh dạn giao cho người trẻ những việc khó, luôn nghĩ rằng quá sức với họ, thì họ chẳng bao giờ có cơ hội để thử sức mình, nói gì đến kinh nghiệm thực tế. Những nghệ sĩ lớn như bác Bùi Đắc Sừ, bác Doãn Hoàng Giang, bác Xuân Huyền... là những nghệ sĩ tài năng, đã quá nổi tiếng và họ đã "yên vị" ở ngôi vị đó quá lâu rồi. Đã đến lúc phải cho người trẻ cái sân để người ta thể hiện chứ.

Từ vài năm nay, Nhà hát Chèo Việt Nam chủ trương "giao việc" cho người trẻ. Người ta có khuyết thiếu một tí nhưng mình dám giao việc cho người ta, thì họ mới có động lực, tâm huyết để cống hiến cho nhà hát. Hai vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm ngoái, nhà hát đã thử nghiệm sử dụng toàn bộ nhân lực mà đoàn hiện có với phương châm đi Hội diễn không nhất thiết là cứ phải có Huy chương Vàng. Ví dụ như tác giả trẻ Trần Đình Văn là người đã có một số vở diễn ở đâu đó, nhưng năm ngoái Nhà hát phải "đặt hàng" để cậu ấy có một vở đi tham gia hội diễn. Đó là vở "Đường trường duyên phận" và đoạt giải. Người của nhà hát viết kịch bản cho nhà hát diễn, do đạo diễn của nhà hát làm mà thành công cũng là điều đáng tự hào chứ.

NSƯT Thanh Ngoan.

- Những điều chị vừa chia sẻ ở trên, có phải chính là tâm trạng chị từng gặp phải cái ngày còn chân ướt chân ráo đến với làng chèo?

+ Nói thế cũng đúng. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm vào năm 1981, khi Liên hoan tiếng hát chèo diễn ra tại Thái Bình, tên Thanh Ngoan có trong danh sách những người đi dự thi. Lúc ấy có những người đặt câu hỏi với Giáo sư Trần Bảng - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam rằng: "Ơ, thế cái Nhà hát Chèo Việt Nam "chân giày" đi đâu hết rồi mà lại cho... "chân đất" đi thi thế này?", bởi họ thấy tôi mới là sinh viên năm thứ 3 khóa đào tạo tại nhà hát, chưa có tên tuổi gì. Tôi biết rằng, lúc đó Giáo sư Trần Bảng chọn tôi là vì muốn đoàn của Nhà hát đi dự thi có các thế hệ tiếp nối nhau, từ học sinh đang học nghề cho đến thế hệ nghệ sĩ đã thành danh và tôi luôn biết ơn cơ hội mà Giáo sư đã dành cho tôi. Thanh Ngoan được giao hát một bài "Phú nẩy" trong vở "Trương Viên".

Cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều cuộc thi để có thể thấu hiểu rằng làm nghề thế nào để không hổ thẹn với nghề chứ không phải làm để lấy danh nhưng lại là danh hão. Năm 2014 này, nhà hát cũng sẽ tuyển sinh một lớp học sinh dự kiến là khoảng 30 em, học tại nhà hát theo mô hình kết hợp với Trường Sân khấu - Điện ảnh để tăng cường lực lượng trẻ kế cận cho Nhà hát trong tương lai.

- Thời còn đi học, chị thường được học nhiều với các thầy cô nào? Ai là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với sự nghiệp của Thanh Ngoan?

+ Tôi rất may mắn được theo học nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Dịu Hương, NSND Năm Ngũ, NSND Bùi Trọng Đang, NSND Mạnh Tuấn, NSƯT Lệ Hiền, NSƯT Diễm Lộc... Các thầy cô ngày xưa dạy theo kiểu "truyền nghề", không căn cứ vào tiết học gì cả, mà dạy cho đến khi học sinh nắm chắc, nắm cốt lõi, bài bản thì mới thôi. Mỗi điệu hát lại là thế mạnh của một thầy cô, vì thế Thanh Ngoan cũng bị ảnh hưởng theo. Ví dụ hát điệu "Phú nảy" bây giờ tôi vẫn hát theo cách thầy Năm Ngũ dạy, còn điệu "Năm cung" thì lại là ảnh hưởng của cô Dịu Hương, các điệu trần tình, ngâm thì lại ảnh hưởng từ thầy Bùi Trọng Đang. Cô Lệ Hiền lại dạy cho tôi các điệu "Sắp", cụ Mạnh Tuấn thì dạy tôi các vai hề.

- Được đánh giá là diễn viên có thanh, có sắc trong làng chèo và chắc hẳn trong đời nữ diễn viên chèo, những vai "nữ chín", "đào thương" luôn là điều nhiều người hằng mong muốn. Vậy cơ duyên để chị đến với các vai "đào lệch" như thế nào?

+ Khi đi học, tôi có lợi thế luôn là người được đánh giá có giọng hát tốt. Nhưng có cái không lợi thế đó là ngoại hình không được mảnh mai, trong lớp hay bị gọi là Ngoan "béo". Mà trong chèo, các vai "nữ chín" hoặc "đào thương" bao giờ cũng dành cho các cô gái đẹp có thân hình mảnh mai cơ. Vì thế, khi đi học tôi vẫn được học tất cả các vai như Súy Vân, Thị Màu, Thị Phương... nhưng khi vào vở ngay từ vai diễn đầu đời đã được giao vào vai Đào Huế trong trích đoạn "Tuần Ty - Đào Huế" của vở "Chu Mãi Thần". Thành công với vai diễn có tính cách quyết liệt này, lại thấy giọng Ngoan khỏe, âm vực, đài từ tốt, dần dà mọi người bắt đầu giao cho các "vai mụ" đầy tính cách, thậm chí là cả các vai hề. Thế là thành cơ duyên, cả đời cứ gắn bó với những vai chua ngoa đanh đá như Mụ Sùng trong "Quan Âm Thị Kính", mụ Kim trong "Súy Vân", vai hề Giáp Ất trong "Cô gái và anh đô vật", vai Hoàng hậu trong "Thằng Cuội", vai cô hầu trong "Hoàng tử có đôi tai bò", vai Nô Ha trong "Hoàng hậu Ba Tư", vai chủ quán Hồng Châu trong vở "Hồ Xuân Hương", vai Hoạn Thư trong "Kiều"...

- Tiếp quản cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cũng là lúc chị gặp phải rất nhiều khó khăn để chèo lái con thuyền này đúng không, thưa NSƯT Thanh Ngoan?

+ Khó khăn là tình hình chung của sân khấu truyền thống chứ không riêng gì Nhà hát Chèo Việt Nam. Từ khi tiếp quản Nhà hát, tôi kêu gọi anh chị em nêu cao tinh thần đoàn kết, tiết kiệm, coi tài sản, tiền bạc của nhà hát chính là tiền bạc, tài sản của mình. Ban giám đốc nhà hát luôn tạo điều kiện hết mức để anh chị em có công việc thường xuyên, tận dụng nhân lực sẵn có của nhà hát để đầu tư dàn dựng vở diễn mới, hạn chế thuê người ngoài. Và chúng tôi bảo ban nhau mà làm, đóng góp cho nhau. Chính vì thế, hơn 1 năm qua, nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Nhà hát đã khôi phục lại được 5 chiếu chèo truyền thống nhằm tạo dựng lại thói quen xem chèo của người Hà thành, có thêm kinh phí để hoạt động, thường xuyên có những lời mời đi lưu diễn ở các địa phương và dự định sẽ đưa chương trình biểu diễn vào các "tua" du lịch.

Có việc làm là có tiền, dù thù lao còn chưa được cao như mong muốn nhưng tôi hy vọng với sự giúp đỡ của cấp trên, sự hợp lực của tập thể anh chị em trong nhà hát, chúng tôi sẽ làm được điều đó trong các năm tiếp theo.

- Nghe nói, sau một cuộc họp của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch với giám đốc các nhà hát, ý kiến phát biểu "kêu khổ" của chị sau đó rất được quan tâm?

+ Tôi không kêu khổ, tôi chỉ chia sẻ và nói lên thực trạng của nhà hát và lãnh đạo Bộ thấy nó hợp lý nên đã dành cho nhà hát của tôi những sự quan tâm nhất định. Tôi cũng xin khẳng định lại rằng hơn 1 năm qua, nếu không có sự quan tâm về đường lối cũng như sự tăng cường hỗ trợ về mặt tài chính, thì tôi là phụ nữ, chẳng phải ba đầu sáu tay gì mà kéo được cả một rơ moóc 160 con người đâu.

- Xin cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.