NSƯT Thanh Hiền: Buồn vui nghiệp diễn
Lặng lẽ và khiêm nhường, có thể một số khán giả không nhớ tên chị nhưng gương mặt và các nhân vật chị đóng đã để lại nhiều thiện cảm trong lòng người xem. Chị là NSƯT Thanh Hiền.
1. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng vai Mến trong bộ phim "Sao Tháng Tám " của đạo diễn Trần Đắc. NSƯT Thanh Hiền tâm sự rằng, đó là vai diễn đầu tiên trong đời chị, khi chị đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Lớp diễn viên của chị khi ấy có 17 người, nhiều người sau này trở thành những diễn viên tên tuổi như NSƯT Phương Thanh, NSƯT Minh Châu, NSƯT Diệu Thuần, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Bùi Bài Bình... Ấn tượng của chị về những tháng ngày tham gia phim "Sao Tháng Tám" không phải là sự gian khổ, vất vả mà lại là áp lực tâm lý. Được mời vào vai Mến khi mà giáo trình diễn xuất còn chưa được học hết, bên cạnh chị lại là những nghệ sĩ đã nổi tiếng như nghệ sĩ Thanh Tú, Trần Phương... Những điều ấy đủ để một sinh viên non nớt như chị mất tự tin ở mình.
Chị thú nhận là lo lắng, căng thẳng đến mức run quá không diễn được. Chị nhớ mãi cảnh quay Mến vác bao thóc chạy. Đạo cụ dành cho diễn viên là một bao trấu. Dù không phải là người Hà Nội gốc nhưng từ bé, chị chưa bao giờ phải lao động nặng. Cùng với áp lực tâm lý, chị tập mãi vẫn chưa ra được dáng vẻ khó nhọc của người vác thóc. Có lúc chị cảm thấy bất lực. Nhìn cả đoàn làm việc nghiêm túc, nghệ sĩ Thanh Tú còn tình nguyện vác làm mẫu nhiều lần để chị tập theo, chị lại tự nhủ phải cố gắng để không làm mọi người thất vọng. Và rồi, sau nhiều lần tập lên tập xuống, chị đã nhận được những ánh nhìn khích lệ của mọi người trong đoàn.
Cảnh quay khó nhất với chị khi ấy là cảnh Mến bộc lộ tình yêu với người chiến sĩ cộng sản. Đạo diễn Trần Đắc yêu cầu quay cận cảnh nên tất cả tình cảm đều chỉ thể hiện bằng ánh mắt. Với chị, điều đó thật khó khăn vì lúc ấy chị chưa yêu ai bao giờ, nếu có cũng chỉ là chút cảm mến kiểu học trò. Bối cảnh là căn phòng chỉ rộng 4m2, quay cận cảnh nên tay chân như bị thừa thãi khiến chị càng bối rối, lúng túng. Thấy vậy, đạo diễn Trần Đắc liền bảo: "Cháu hãy thật thoải mái. Lúc diễn, cháu cứ nhớ đến người mà cháu yêu quý nhất ấy". Nghe lời ông, chị nghĩ ngay đến mẹ và rưng rưng xúc động. Thấy đạt, đạo diễn ra lệnh quay liền 3 đúp. Dù đạo diễn hài lòng nhưng chị vẫn hồi hộp. Khi phim "Sao Tháng Tám" được công chiếu, chị lặng lẽ mua vé tới 3 lần để xem khán giả phản ứng thế nào với vai diễn của mình. Nhận thấy sự xúc động của khán giả khi xem cảnh ấy, chị mới thực sự yên tâm.
Thế nhưng, chị thú thực là mỗi lần xem lại "Sao Tháng Tám", chị vẫn ngượng với một cảnh mà chị cho rằng, nếu được làm lại, chị sẽ làm tốt hơn (dù có thể nhiều người không để ý). Ấy là cảnh Mến đang mải mốt vét chút thóc vãi trên bàn cân thì bàn chân của mụ địa chủ bất ngờ chặn phía trước. Lẽ ra, theo tự nhiên, Mến sẽ phải hơi rụt bàn tay lại hoặc vét thật nhanh số thóc còn lại nhưng trong phim, tay Mến vẫn bình thường. Một chút thay đổi, dù chỉ ở bàn tay thôi cũng sẽ khiến hành động chân thực hơn. Sau này, khi có kinh nghiệm chị mới nhận ra ngày xưa mình diễn xuất hồn nhiên quá. Sau "Sao Tháng Tám", chị liên tiếp được tham gia những phim như "Ngày ấy bên sông Lam", "Bình minh xôn xao", "Tiếng gọi phía trước"... Với chị, đó là vinh dự lớn trong nghiệp diễn.
NSƯT Thanh Hiền trong một cảnh phim. |
2. NSƯT Thanh Hiền đến với nghệ thuật hết sức tình cờ. Là con gái Bắc Giang, cả gia tộc không có ai làm nghệ thuật, cô thiếu nữ Thanh Hiền với gương mặt ưa nhìn và dáng người dong dỏng ngày ấy dù đã từng mê mẩn khi xem phim "Người về từ đồng cói" nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ có một ngày mình trở thành diễn viên. Tình cờ, một lần đạo diễn Phạm Văn Khoa và đạo diễn Huy Thành về Bắc Giang tìm diễn viên cho phim "Chị Dậu" lại quen với chú họ của chị làm trong ngành văn hóa. Gương mặt ăn hình của cô học sinh đã lọt vào mắt xanh của hai đạo diễn. Ngay sau đó, chị nhận được giấy gọi vào Trường Sân khấu Điện ảnh mà không cần qua sơ tuyển. Ngày ấy, nhiều người cho nghề diễn viên là nghề "xướng ca vô loài", nhưng may mắn là cha mẹ chị lại ủng hộ chị theo điện ảnh.
Chị bảo không biết có phải vai diễn đầu tiên của chị là một cô gái nông thôn nhà nghèo nên vận vào hay không mà sau này, hầu hết vai diễn của chị cũng đều là những phụ nữ nông thôn vất vả, có hoàn cảnh éo le. Tôi hỏi, chị có bao giờ thấy mình thiệt thòi khi trên phim chỉ toàn ăn mặc xoàng xĩnh, trang điểm qua loa. Chị bảo không, thuận lợi là khác vì với những vai diễn ấy, chị không phải hóa trang nhiều. Mình ngoài đời thế nào, cứ thế mang vào phim. Với hơn 30 năm làm nghề, đã đóng hàng trăm vai diễn, chị vẫn bảo nếu cho chị làm lại, hoặc nếu có kiếp sau chị vẫn chọn nghề diễn.
Với NSƯT Thanh Hiền, yêu nghề là yêu một cách thiết thực, cụ thể. Chưa bao giờ chị phải nhờ nhắc lời thoại, hay cần sự trợ giúp của nước mắt giả. Chị luôn yêu cầu đạo diễn đừng nhắc lời thoại, nó khiến chị bị phân tán cảm xúc. Chị quan niệm, thoại không thuộc thì khó có thể diễn xuất tốt. Và để làm được điều ấy, chị giữ nguyên tắc không đóng nhiều phim một lúc. Phim này đóng máy thì chị mới bắt tay vào phim kia. Dù vai lớn hay nhỏ, chị luôn nghiên cứu trước kịch bản và chú ý sao cho hành động nhân vật "đời" nhất. Ví dụ như đập trứng vịt lộn thì phải diễn đạt "nóng" như thế nào, dù có khi quả trứng ấy đã để mấy ngày trong... tủ lạnh.
Bây giờ mỗi khi đi đóng phim, NSƯT Thanh Hiền thuộc lứa cứng tuổi nhất đoàn. Sợ các đạo diễn trẻ ngại không dám góp ý với cánh diễn viên già, chị thường quán triệt trước: "Em phải chú ý vào diễn xuất của chị đấy nhé, có gì chưa ổn là phải góp ý ngay". Bản thân chị nhiều đêm về suy nghĩ thấy hôm trước đóng chưa đạt lại đề nghị "cho chị quay lại".
3. Tôi hỏi rằng, chị có buồn khi mà gõ vào Google, thật khó để tìm được chút thông tin về chị. Chị bảo sự thực là không vì chị chủ động chọn cuộc sống như vậy. Tính chị như thế. Ngay từ trẻ đã thế rồi. Cắm cúi vào đóng phim xong, bạn bè rủ nhau đi cà phê cà pháo, chị lại thích về nhà dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Hai vợ chồng đều là nghệ sĩ, nhưng từ lúc con còn nhỏ đến bây giờ, việc nhà một tay chị đảm đương. Ngày con còn nhỏ, chị thường mang con đến trường quay. Mỗi khi tới cảnh của mình, chị lại nhờ bạn bè trông hộ. Có lần quay cảnh bão gió, con trai chị khi ấy mới 4 tuổi thấy thế sợ quá khóc thét lên: "Các cô chú ơi, cứu mẹ cháu với, mẹ cháu chết mất". Có lẽ, quen với trường quay từ nhỏ nên con trai chị tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, đi làm được 4 năm lại bí mật thi đỗ vào Khoa Đạo diễn của Trường Sân khấu Điện ảnh và quyết định đi theo con đường của ba mẹ.
Nhiều người ở tuổi chị đã toan ngơi nghỉ, chị vẫn có mặt thường xuyên ở trường quay, vẫn theo đoàn làm phim từ 6 giờ sáng đến 11 - 12 giờ đêm, đến mức bạn bè trêu đùa chị là "anh hùng xa lộ". Tôi bảo, chị là người hạnh phúc khi ở tuổi này vẫn được làm nghề đều đều. Có một cuộc hôn nhân suôn sẻ, con cái ngoan ngoãn. Chị cười bảo, mình vốn không bon chen nên hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mình vẫn đam mê nghề diễn lắm, con cái lớn rồi, nhờ trời sức khỏe dẻo dai nên vẫn làm nghề được. Chỉ có điều chị vẫn chưa toại nguyện là chưa được đóng vai phản diện vì đạo diễn không tin là chị có thể... ác được. Chị thú nhận chị là người ít thay đổi lắm, nhiều khi đi gội đầu, người ta cứ "xui" uốn tóc kiểu nọ kiểu kia cho hợp mốt nhưng chị từ chối.
Chị bảo: "Ngày trẻ trung không thay đổi, giờ thay đổi làm gì". Đùa vậy, nhưng chị là người biết rõ mình là ai và hợp với cái gì. Bất cứ điều gì không tự nhiên, không phải là mình luôn khiến chị cảm thấy khó chịu. Đến bây giờ khi ngồi với tôi, không một chút son phấn, tóc để tự nhiên, chị giản dị như bất kỳ một phụ nữ nào ở tuổi ngũ tuần. Và khi nhìn chị tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều cho chồng con để ngày mai lại bắt đầu cho những cảnh quay mới, tôi nghĩ rằng đó cũng là hạnh phúc