NSƯT Thanh Hà: Phiêu với chiếc máy quay

Thứ Tư, 04/01/2012, 08:00
"...Tôi vẫn chia sẻ với học trò của mình rằng, ngoài lòng yêu nghề và nhiệt tâm với nghề thì cần có kiến thức. Thậm chí, một người quay phim thành công còn phải biết cách phối hợp với đạo diễn và cả ê kíp để pha trò giúp diễn viên bớt căng thẳng trong những cảnh quay khó hoặc khi gặp những diễn viên "đặc biệt"...

Khác hẳn với hình dung của nhiều người về những nhà quay phim: hơi "bụi phủi", hầm hố, thậm chí khá ồn ào và... nóng tính, nhà quay phim Phạm Thanh Hà lại có dáng vẻ trầm tĩnh, lặng lẽ và ôn hòa khiến nhiều người không nghĩ rằng, anh là "cha đẻ" của những thước phim được quay trong bối cảnh chiến tranh ác liệt của một thời như "Trung Du" (đạo diễn Trần Phương), "Điệp vụ thứ nhất" (đạo diễn Nguyễn Quang), "Cầu Ông Tượng" (đạo diễn Phi Tiến Sơn), "Sinh mệnh" (đạo diễn Đào Duy Phúc), "Chớp mắt cùng số phận" (đạo diễn Lê Ngọc Linh) và những bộ phim video và phim truyền hình dài tập như "Trăng tỏ thềm lan" (đạo diễn Lê Đức Tiến), "Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ (đạo diễn Trần Phương)... Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh nhân dịp ra mắt bộ phim "Mùi cỏ cháy" mà anh là nhà quay phim chính. Bộ phim hiện đang được dư luận rất quan tâm.

- Thưa NSƯT Phạm Thanh Hà, thời gian gần đây, một trong những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng "Mùi cỏ cháy"(đạo diễn Hữu Mười; biên kịch Hoàng Nhuận Cầm) đã nhận được không ít lời khen ngợi của khán giả. Có nhiều người rời khỏi rạp chiếu phim mắt vẫn ướt nhoèn và tấm tắc rằng, đã lâu rồi họ mới được xem một bộ phim hay và xúc động đến thế về chiến tranh. Là một trong những người có đóng góp ít nhiều vào sự thành công của bộ phim, anh có suy nghĩ gì về điều này?

+ Trước "Mùi cỏ cháy" tôi đã quay nhiều phim nhựa về chiến tranh nhưng cho đến khi quay "Mùi cỏ cháy" và xem đi xem lại bộ phim một cách trọn vẹn tôi mới thực sự ưng ý. Vất vả với phim hơn một năm trời để được làm khán giả buổi phim ra mắt, các thành viên làm nên bộ phim đều xúc động. Đây là một bộ phim về chiến tranh cách mạng mà nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã lấy cốt truyện từ những người bạn của anh: Có người đã hy sinh như anh Nguyễn Văn Thạc, có người còn sống như anh Hoàng Nhuận Cầm, Đoàn Tuấn… Tôi cho rằng, bộ phim thành công  vì nó được chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt và là sự hợp sức của nhiều con người. Riêng với bản thân tôi, đây là một bộ phim đòi hỏi rất nhiều cảnh quay khói lửa, cảnh quay trên địa hình bán sơn địa, dưới nước… Chính vì thế, bộ phim đã mang đậm tính chân thực của chiến tranh mà vẫn tươi mới một không khí của hiện đại nên đã thuyết phục được người xem.

- Có thể nhận thấy, bộ phim có quy mô khá hoành tráng, bối cảnh thì rộng lớn, nhiều diễn viên quần chúng tham gia… Có lẽ để quay được những cảnh này đòi hỏi trình độ và khả năng bao quát của người quay phim chính phải rất cao. Anh đã làm thế nào trong điều kiện máy móc, con người khá hạn chế của nền điện ảnh chúng ta?

+ Cũng vì phải quay nhiều nơi, đặc biệt chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi chúng ta vẫn chưa có một phim trường rộng lớn để chuyên quay những cảnh chiến tranh, nên dường như tận dụng được những địa thế có sẵn trong tự nhiên là yếu tố tiên quyết. Điều khó nhất là những diễn viên chính tham gia ở phim này là những diễn viên trẻ, còn đang đi học nên kinh nghiệm diễn xuất chưa có nhiều. Họ lại phải diễn thật chứ không có người đóng thế ở những cảnh nguy hiểm, bởi thế, chúng tôi phải cẩn trọng hết mức. Chẳng hạn, để quay cảnh anh lính đang bắn trả địch quyết liệt thì một quả đạn pháo nổ ngay trước mặt. Để có cảnh này, tôi đã gợi ý công binh tiểu đoàn 93 đi theo đoàn dùng một lượng nhỏ thuốc nổ  ngay gần diễn viên. Đồng thời dọn dẹp sạch gạch sỏi để khi quay nổ vừa an toàn cho diễn viên, vừa bảo đảm ấn tượng cho cảnh quay. Hay như cảnh quay các chiến sĩ quyết tử khi lội qua sông sang bên kia chiến tuyến, chúng tôi cũng phải rất khó khăn trong việc xác định vị trí máy, độ cao máy quay vì ngay bờ bên kia là một doanh trại quân đội, không thể quay vào hình. Việc quy định cỡ cảnh để đặt được góc máy chính xác cũng được bàn luận kỹ. Đạo diễn Hữu Mười có sáng kiến quay bờ nam và bờ bắc sông Thạch Hãn - Quảng Trị cùng một bên, những cải tạo địa hình sau đó dựng cảnh, lấy phông cảnh khác nhau. Do đây là những cảnh quay đêm nên không một ai nhận ra. Những cảnh quay dưới nước, sau đó hoàn thiện hình ảnh quay bằng kỹ xảo 3D để tăng hiệu quả. Phải quay đi quay lại hàng chục lần ở bể bơi mới đạt được kết quả như mong muốn.

- Đã có một thời, khán giả cho rằng, phim về chiến tranh của mình ít lột tả được cái bi tráng và quật cường của những con người trong chiến tranh. Anh nghĩ thế nào về điều này?

+ Điều này có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, khó mà nói được là do ai. Cũng phải tùy từng điều kiện cần và đủ của từng phim. Còn với riêng tôi, do quay nhiều phim về chiến tranh nên tôi có kinh nghiệm hơn một số người khác. Có những bộ phim chẳng hạn như phim "Đôi vòng ngọc" (đạo diễn Nguyễn Quang), có cảnh diễn ra trong vòng chưa đầy 20 giây mà chúng tôi phải sử dụng hết 13 quả nổ. Cái khó của cảnh này là máy quay chuyển động trên cần trục. Cảnh quay bắt đầu từ đặc tả những bước chân của lính ngụy Sài Gòn, máy lia ngang rộng ra một cửa hầm có lính ngụy chạy ra thì bắt đầu cho nổ. Sau đó máy quay bồng lên cao cảnh quay lúc rộng, lúc hẹp và quay đến đâu thì ở đấy sẽ phát nổ. Và cảnh quay đã "nuốt trọn" 13 quả nổ khói, nổ lửa trong một cảnh quay phức hợp, quét góc tới hơn 300 độ. Có thể nói, những cảnh quay chiến tranh sau này của tôi đã có tới cả hàng trăm qủa nổ nhưng vẫn mang dấu ấn từ bài "test" ấy. Trong phim "Sinh mệnh", tôi đã sử dụng mô hình máy bay để tạo kỹ xảo. Thay vì treo mô hình máy bay trên cáp để thả trôi xuống, máy quay phải chốt cứng, không lia được. Tôi sử dụng cần trục nhỏ (thường dùng để treo đèn) để lái và máy quay lia theo mô hình máy bay. Cách này vừa khai thác được phông cảnh, lại tạo được cảm giác chân thực hơn nhờ động tác lia máy. Xin nói thêm, chiếc cần trục-boom đèn đã cũ rích này cho đến giờ chẳng ai động đến. Chỉ có tôi dùng nó để làm hiệu quả ánh sáng của pháo sáng, ánh lửa bom đạn trong "Sinh mệnh", "Chớp mắt cùng số phận", và "Mùi cỏ cháy".

- Với những đồ dùng có vẻ cổ xưa này, anh có bao giờ lo lắng sẽ gặp phải những nguy hiểm có thể xảy ra với mình và đồng nghiệp?

+ Để có những cảnh quay đẹp và hấp dẫn, chúng tôi đành phải mạo hiểm. Trong phim "Cầu ông Tượng", khi quay toàn cảnh thành phố Viên Chăn, đạo diễn Phi Tiến Sơn và tôi cùng ngồi trên trực thăng. Dù đã buộc người và máy quay cẩn thận, tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại cảm giác lúc cửa trực thăng mở và tôi nhao ra, đầu chúi xuống, mặt cắm thẳng xuống dưới đất từ độ cao 300 m để quay toàn cảnh thành phố Viên Chăn. Tôi đã biết một kinh nghiệm trong khi quay trên cao là không nên nhìn thẳng xuống mặt đất, nếu có thì chỉ nhìn qua ống kính thôi nên cuối cùng cảnh quay cũng hoàn thành. Hay như khi quay phim "Hoa đào" (đạo diễn Nguyễn Hoa Vinh) để nói lên việc một làng hoa Hà Nội do xây cất nhiều hết đất trồng đào nên đôi vợ chồng cậu câm đã mang hoa đào lên sân thượng để trồng. Chúng tôi vác thiết bị lên sân thượng của tòa nhà cao 17 tầng, tháo ra vác cần trục theo thang máy rồi lên sân thượng lắp lại, và những vật dụng cần thiết để lắp ráp quay cảnh hoa đào trên nóc nhà. Khi quay, cần trục và máy quay đều nhao ra khỏi sân thượng để ghi hình dãy phố Nam Trung Yên hiện đại và sâu hun hút. Nói dại, nếu vô tình một chiếc ốc vít nào của cần trục siết không kỹ, bị bật thì cả người, máy quay và cần trục lao xuống phố đông thì lại tha hồ mà… nổi tiếng! (Cười!). Đây là một cảnh quay khá mạo hiểm, nhưng tôi vẫn làm để giúp đạo diễn Nguyễn Hoa Vinh, nguyên là học sinh của tôi khi tôi dạy Vinh môn "nghiệp vụ quay phim" cho lớp đạo diễn điện ảnh K23 Trường Đại học sân khấu điện ảnh có những góc máy đẹp.

- Nhân nói về học trò tôi mới nhớ ra, trong nghề quay phim, anh còn là thầy giáo của rất nhiều thế hệ học trò ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh thường khuyên các học trò của mình điều gì khi đến với nghề quay phim điện ảnh, truyền hình?

+ Tôi đã có gần chục năm tham gia đào tạo các khóa quay phim của trường và cũng đã có những học sinh thành đạt từng quay phim ngắn được giải và đang từng thành nghề như: Nguyễn Duy Nghĩa, Trang Minh, Lê Thiên Tài, Trương Quốc Huy… Tôi vẫn chia sẻ với học trò của mình rằng, ngoài lòng yêu nghề và nhiệt tâm với nghề thì cần có kiến thức. Thậm chí, một người quay phim thành công còn phải biết cách phối hợp với đạo diễn và cả ê kíp để pha trò giúp diễn viên bớt căng thẳng trong những cảnh quay khó hoặc khi gặp những diễn viên "đặc biệt". Tôi vẫn nhớ kỷ niệm hồi quay bộ phim "Đứa con vùng đồi" (đạo diễn Trần Trung Dũng) trong đó có cảnh đứa bé 9 tuổi phải khóc xin bố đừng đánh chị nó nữa… Nói mãi, dọa mãi, khuyên mãi nhưng cậu bé vào vai ấy không thể nào khóc được. Thậm chí càng quát cậu càng cười. Tôi bèn nghĩ ra một cách để lấy nước mắt của cậu. Tôi bảo cậu: "Lúc nãy có người mách với bác là mày hút thuốc lá. Bác sẽ phản ánh điều này với bác Tiến (là quản lý Trung tâm xa mẹ, nơi cậu bé đang học)". Đến lúc này vì sợ quá (và một phần bị oan) nên cậu bé khóc như mưa như gió, thanh minh là cháu không hút thuốc. Tôi đã bấm máy sẵn rồi nên chỉ việc ghi hình lại và cảnh quay đạt hiệu quả rất tốt! Cảnh quay đã xong mà cậu bé vẫn khóc như mưa, không dừng lại được...

- Xin cảm ơn NSƯT Phạm Thanh Hà!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.