NSƯT Quốc Trượng: Hề cũng phải khóc

Thứ Ba, 14/09/2010, 09:04
Quốc Trượng đến với khán giả yêu sân khấu bắt đầu từ vai anh Tùng “Lò gạch” trong vở kịch "Người đàn bà bất hạnh" của tác giả Trần Trí Trắc  gần 20 năm trước. Vai diễn đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Quốc Trượng trở thành một trong những hề chèo được nhắc đến nhiều...

Sau vai diễn ấy, anh đã tham gia và đoạt Huy chương Vàng các vai như:  Hề Leo tỉnh ngộ trong vở "Nước mắt bà Chúa kho", Anh Khoèo trong vở "Anh Khoèo tật nguyền", Hề Mỡ trong vở "Lời ước nguyền", Hề Bột trong vở "Nữ tú tài"... Hiện NSƯT Quốc Trượng là Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.

- Thưa NSƯT Quốc Trượng, nhắc đến anh, nhiều người vẫn nhớ đến vai anh "Tiến... Tùng lò gạch" trong vở "Người đàn bà bất hạnh". Thật khó để vượt qua được thành công của chính mình, song, đó cũng là một niềm hạnh phúc. Anh có thể cho khán giả biết cảm xúc của mình về vai diễn ấy?

+ Thậm chí cho đến bây giờ, niềm hạnh phúc của tôi vẫn chưa vơi vì nhiều người vẫn gọi tôi là "anh Tùng lò gạch", mặc dù như bạn biết, đã gần 20 năm trôi qua. Đây thực ra là vở kịch tốt nghiệp của tôi và anh bạn cùng lớp Xuân Hinh trong đợt tốt nghiệp khóa Sân khấu đầu tiên của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh (năm 1989). Đến năm 1991, tôi đã lấy một trích đoạn trong vở diễn đó tham gia cuộc thi tài năng Sân khấu trẻ toàn quốc và đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc. Để được khán giả nhớ đến, tôi cũng đã trăn trở rất nhiều với vai diễn, làm sao để có được tiếng cười thâm thúy, sâu sắc, qua việc thể hiện nỗi khát khao có thằng cu nối dõi tông đường của anh chàng có tới 7 con "bươm bướm". Khi anh định tòm tem với cô bán kem thì bị vợ phát hiện đánh ghen một trận kinh hồn, kết cục là anh ta lại về "tắm ao ta" và cho ra lò một con "bươm bướm" nữa. Đó là vai tôi dành nhiều tâm sức và những thành công của nó đã vượt ra ngoài mong đợi.

Trong những năm đầu thập niên 90 ấy, tôi dường như không lúc nào thoát ra khỏi hình ảnh của anh Tùng Lò gạch. Các ngày lễ như 8/3; 20/10... kể cả ngày thường, tôi luôn bận rộn với các suất diễn suốt ngày đêm. Buồn cười nhất là đi ra đường, gặp tôi mọi người đều gọi tôi là "Anh Tùng ơi",  "Anh lò gạch ơi", "Anh bảy con bươm bướm ơi!". Có khi họ hỏi "kỹ" hơn: "Con cái anh đâu rồi mà đi một mình ở đây". Hồi ấy, tôi chưa lấy vợ, thỉnh thoảng phải ra chợ mua đồ ăn, có người thương vì tưởng hoàn cảnh nhà túng thiếu như trong kịch, còn không lấy tiền rau.

- Thực ra, anh đã may mắn vì tìm được một vai diễn khác biệt trên sân khấu: Từ ánh mắt đến nụ cười, giọng nói đều rất cá tính, hợp với những vai hài chính diện nên dễ... lấy lòng người?

+ Hình như yếu tố hài của tôi đã được phát lộ khi tôi bước chân vào phòng thi để thi vào khoa Sân khấu Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh. Chả là hồi đó, tôi chưa biết thi xử lý tình huống thế nào vì chưa có ai dẫn dắt. Khi thi, tôi đang diễn thì bỗng ở phía Ban giám khảo có tiếng: "Gâu, gâu, gâu". Tôi quay lại, mặt méo xẹo: "Thầy cứ đùa!". Thế là thầy cô được trận cười vỡ bụng. Sau này tôi mới biết, thầy tung ra tình huống ấy nhằm thử phản xạ kịch của mình. Đáng lẽ tôi phải diễn đại loại như: "Chó, chó, sao mày lại đuổi theo ông" hoặc một phản xạ nào đại loại thế để chứng minh đang có sự hiện diện của một chú chó ở đây, thì tôi lại hơi... thật thà. Tuy nhiên, có lẽ duyên may đã cho mình đỗ vào trường. Khi học năm thứ 3, thấy tính tôi ưa tếu táo, cứ có mặt ở đâu là ở đấy vui như tết, các thầy thử phân công tôi đóng hề ông Mãng và tôi đóng được. Nhưng chỉ đến vai anh Tùng “lò gạch” trong vở "Người đàn bà bất hạnh" như đã nói ở trên thì tôi mới thực sự quyết định sẽ gắn bó lâu dài với vai hề. Tôi được trời phú cho thân hình mập và khuôn mặt "không giống ai", nên đã tận dụng lợi thế đó chọc cười thiên hạ qua nhiều vai hề sau này như hề Bột, hề Mỡ, thầy bói mù đi chợ, anh lái lợn...

- Cho đến nay, anh đã diễn tới vài chục vai hài và cũng đã gom góp được ngót cả chục Huy chương Vàng trong các cuộc thi Liên hoan sân khấu. Anh có kỷ niệm gì ấn tượng trong suốt chặng đường làm nghề của mình?

+ Mấy chục năm làm nghề, kỷ niệm nhiều lắm. Nhưng tôi nhớ nhất là vai hề "Anh khoèo tật nguyền", kể về chuyện anh khoèo tật nguyền phải ngửa mũ đứng ở đường ăn xin để nuôi thầy lo nghiệp lớn. Tôi nhớ, khi nhà hát đem vở diễn này tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quân ở Nhà hát Lớn TP HCM, tôi đang ngửa mũ vừa khóc vừa hát một câu quen thuộc "Lạy ông đi qua, tôi lạy bà đi lại" thì có một bà cụ già từ dưới sân khấu đi lên, kéo tôi lại cho tiền vào mũ, rồi bà òa khóc trên sân khấu. Bà lấy khăn lau nước mắt, bà lau cả cho tôi và bảo: "Con ơi, khổ thân con, bà thương con quá, giời đã sinh con ra tật nguyền lại nghèo túng, thôi thì con cố chịu đựng mà sống...". Thực ra, đó là một vai diễn xúc động và tôi cũng đã khóc ròng cùng nhân vật. Vở diễn đó và bản thân tôi đã đoạt Huy chương Vàng. Ngay khi trở về Hà Nội, đoàn đã công diễn ở các rạp như Hồng Hà, Đoàn chèo Kim Mã, Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô thì bất cứ suất diễn nào của vở này, khán giả cũng vừa khóc vừa lên sân khấu cho tiền. Hồi đó, chủ yếu toàn tiền 500 đồng, 1.000 đồng, chỉ có vài tờ 5.000 đồng, 10.000 đồng, thế mà có những hôm được ngót... triệu bạc.

- Cả cuộc đời làm một "hề chèo" nhưng khi làm đạo diễn, anh lại dựng những vở chèo chính luận. Điều này có vẻ hơi... trái khoáy?

+ Điều này thì phải nói đến truyền thống gia đình. Tôi sinh ra ở miền quê quan họ Bắc Ninh, ngay từ bé những làn điệu dân ca đã thấm đẫm tuổi thơ tôi. Tôi nhớ, ngày ấy, cả làng mới có một nhà tậu được chiếc tivi đen trắng chạy ắc quy. Tôi mê hát chèo, hát quan họ đến nỗi hôm nào có chương trình dân ca là bỏ hết mọi việc để xem. Tôi được bầu làm đội trưởng văn nghệ làng suốt những năm học phổ thông trung học. Nhà tôi 12 người đều biết hát quan họ, nhưng không có ai theo con đường nghệ thuật. Tôi sinh ra có khiếu hát chèo nhưng không phải đã là có khiếu hề chèo, điều này một phần do mình rèn luyện mà nên. Bởi vậy, khi làm đạo diễn, tôi muốn mình sẽ dựng được những vở chèo chính luận để chuyển tải các thông điệp của văn hóa, đời sống và tất nhiên, không thể thiếu hình ảnh anh hề...

- Nhiều người cho rằng, hề chèo chuyên đi mua vui cho thiên hạ ắt hẳn cũng sẽ tự cân bằng cho cuộc sống của mình. Bản thân anh thì sao?

+ Tất nhiên, đời sống của người nghệ sĩ cũng phải tự mình biết cân bằng và thông cảm lẫn nhau. Tôi nhớ, sau thành công của vai anh Tùng “lò gạch”, trở về nhà, ông anh cả của tôi hồi ấy cũng làm cán bộ trên huyện đã khuyên tôi bỏ nghề hát xướng để học kinh tế rồi sẽ xin cho vào ngành tài chính, nhưng tôi nhất quyết không chịu. Tôi yêu chèo đến mức, khi ở trường, vị quản lý Ký túc xá phải kêu lên: "Cái lũ thằng Quốc Trượng, Xuân Hinh nó có bị sao không nhỉ, thấy chúng nó đêm hát ngày hát, đi tắm hát, ăn cơm hát...". Sau này, cũng vì duyên chèo mà tôi cưới được cô vợ cùng nghề. Hồi đó, khi tôi cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam, đóng hề trong vở hài kịch "Cá mè đè cá chép", đạo diễn Hà Quốc Minh mời Lâm Thanh, lúc đó là sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh vào vai vợ ông thuyền chài. Đóng đi đóng lại thế nào mà cô ấy "mê" luôn anh hề. Tuy nhiên, có một kỷ niệm mà lắm lúc nhắc lại tôi vẫn thấy cái số mình cả đời đi mua vui cho thiên hạ, đến ngày vui nhất của mình thì lại gặp phải chuyện trớ trêu. Số là, trước ngày cưới đúng một hôm thì vợ tôi bị đau ruột thừa phải đi mổ cấp cứu. Trong khi giấy mời đã gửi hết bạn bè, người thân. Gia đình hai bên vẫn quyết tâm tổ chức. Tôi đành đến xin các bác sĩ cho vợ tôi về nhà chừng 15 phút. Hồi đó, chưa mổ nội soi như bây giờ nên vợ tôi trong ngày cưới vừa phải băng bó vừa phải dìu đi rất cực khổ. Được mấy phút sau thì lên xe cấp cứu tiếp tục đến bệnh viện. Chỉ trơ cái thân chú rể là tôi ở lại tiếp khách. Đúng là "cười ra nước mắt"!

- Có ai đó từng nói: "Đã làm hề thì thôi làm quan, đã làm quan thì đừng làm hề nữa". Anh đang đặt mình ở vế thứ hai và đó là lý do lâu nay, anh vắng bóng trên sâu khấu?

+ Việc tôi vắng bóng trên sân khấu không phải do làm quản lý, nếu có thì cũng một phần nhỏ thôi. Tôi nghĩ, làm anh hề chèo thì ở một độ tuổi nhất định cũng sẽ mất đi sự duyên dáng. Trên sân khấu, một hề chèo già, lại có phần mập mạp thì thường không tạo được hiệu quả tốt như mong đợi nữa. Tốt nhất là mình nên nhường sân cho các diễn viên trẻ.

- Vâng, xin cảm ơn anh!

Song Kim (thực hiện)
.
.