NSƯT Nguyễn Chánh Tín: Người không chỉ của một thời

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:13
Phải, "người không chỉ của một thời" - đó là cảm nhận của bất cứ ai khi đã đến và nghe "những khúc vọng xưa" ở "Tiếng xưa" của Nguyễn Chánh Tín. Anh hát như chưa bao giờ được hát mặc dù đó là những bản tình ca quá đỗi "nằm lòng" của một "thời hoa đỏ". Anh ca như thể ngày mai không còn được ca, bổi hổi bồi hồi, nồng nàn, say đắm, trải lòng mình qua những tình khúc vượt thời gian, tri ân khán giả - những sẻ chia ngọt bùi mà họ dành cho anh, cho những thời khắc "đen tối" nhất của cuộc đời người nghệ sĩ ấy.

"Ngoài kia tuyết rơi, rơi/ Em không đến với anh chiều nay/ Ngoài kia tuyết rơi đầy...". Giai điệu của "Tuyết rơi" vang lên trong khán phòng khiến thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng lại. Chánh Tín đưa người nghe trở về với "tuổi đá buồn", với những rung động thuở hồng hoang và cả một biển trời nhung nhớ. Rồi "nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi...".

Âm hưởng trầm buồn đậm chất "cô liêu" của bài hát bất giác đưa ta về với Chánh Tín xưa, Chánh Tín thuở hơn 40 năm về trước - một Chánh Tín trẻ măng thư sinh, người đã "hớp hồn" khán giả bằng bài hát "Nghìn trùng xa cách" của cố nhạc sĩ Phạm Duy trên sân khấu trường Mạc Đĩnh Chi đêm ấy. Sân khấu lặng phắc. Chỉ một vầng sáng nhỏ đủ thấy chàng thư sinh áo trắng bên gốc cây hát khúc tình phụ, "đốt" cuộc đời với điếu thuốc trên môi rồi dụi nó dưới gót giày. Sân khấu cuộc đời chìm dần, chìm dần vào bóng tối. Sáng hôm sau, cả Sài Gòn như "bừng tỉnh", hơn 40 tờ báo của thành phố đã đồng loạt đưa tin về "hiện tượng" của đêm biểu diễn ấy và đích thân nhạc sĩ Phạm Duy đã đến tận nơi để chúc mừng cậu học trò tài năng đã thể hiện xuất sắc nhạc phẩm tâm huyết của ông. Với thiên bẩm đầu đời được đánh dấu bởi huy chương vàng liên hoan ca nhạc học sinh năm ấy, cộng với sự dìu dắt của cố nhạc sĩ Phạm Duy, chàng thanh niên Chánh Tín như người đi đôi hài bảy dặm bước thẳng vào các phòng trà ca nhạc nổi tiếng bấy giờ như Queen Bee, Tự Do, Khánh Ly, Lệ Thu, Macabane... nhưng gương mặt điển trai với tố chất nghệ sĩ của một con nhà nòi (bố là một hào kiệt của "nhạn trắng Cà Mau" và mẹ là một hoa khôi Bạc Liêu hát hay đàn giỏi) đã không cho phép Chánh Tín "đứng ngoài" ánh hào quang của nghệ thuật thứ bảy; và thế là, một lần nữa - Chánh Tín lại đi đôi hài bảy dặm bước tiếp vào lĩnh vực điện ảnh với những thành công suôn sẻ của "Đời chưa trang điểm" (1973), "Vĩnh biệt tình hè" (1974) và "Vòng tay học trò" (1974).

Với giải thưởng đúp "huy chương vàng điện ảnh" và giải "Kinh Khánh" cho ca nhạc do 40 tờ báo Sài Gòn hàng đầu bình chọn, cái tên Nguyễn Chánh Tín đã trở nên "hot" hơn bao giờ hết, và thực sự làm mưa làm gió các sân khấu lớn nhỏ chốn Sài Thành với thù lao vào hàng ngất ngưởng của giới giải trí. Không chỉ là át chủ bài thời chế độ cũ trên cả 3 phương diện: ca sĩ, kịch sĩ (đoàn kịch Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng) và diễn viên điện ảnh, Chánh Tín còn nhanh chóng "có duyên" với kịch nghệ và điện ảnh cách mạng qua 2 vở "Hoa sim gai trắng" + "Cho tình yêu mai sau" và hai bộ phim "Tình đất Củ Chi" và "Giữa 2 làn nước" khi Sài Gòn giải phóng (1975). Nhưng phải đến "Ván bài lật ngửa" (đạo diễn Lê Hoàng Hoa) thì anh mới thực là anh, Chánh Tín mới thực là Chánh Tín khi đã "đóng đinh" được tên tuổi mình trong lòng khán giả yêu phim của nhiều thế hệ.

Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm.

Với kịch bản hoàn hảo, một ngoại hình lý tưởng, gương mặt điển trai cộng với lối diễn xuất nội tâm và sự lột tả tâm lý nhân vật một cách tinh tế, Nguyễn Chánh Tín đã khắc họa thành công chân dung nhà tình báo vĩ đại Phạm Ngọc Thảo trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta thời Diệm - Nhu lúc miền Nam còn tạm chiếm. "Ván bài lật ngửa" là "điểm sáng" của điện ảnh Việt Nam, là cuộc đời và sự nghiệp được "sang trang" và cũng là bộ phim "để đời" của Nguyễn Chánh Tín. Có thể nói, với vai diễn Nguyễn Thành Luân - sự hóa thân tuyệt vời của người nghệ sĩ - Nguyễn Chánh Tín đã mặc nhiên một bước lên "sao" và trở thành người hùng màn bạc "thượng thặng" trong trái tim triệu người hâm mộ.

Với vẻ phong trần và hành trang điện ảnh danh giá: Giải đặc biệt LHP lần thứ 6 (1983), Bông Sen Bạc liên hoan phim lần 7 (1985) và giải nam diễn viên xuất sắc nhất LHP lần 8 (1985) cộng với bề dày gạo cội của một ca sĩ và kịch sĩ, Chánh Tín trở thành biểu tượng của sự quyến rũ, đa tình, nét ga lăng, đào hoa và tài hoa. Không chỉ là biểu tượng, anh còn là "thần tượng" của rất nhiều người. Nam giới ngưỡng mộ anh, phụ nữ lại càng "cuồng si" anh - con người có đến hai biệt danh cho sự nghiệp ca sĩ và điện ảnh là: một "Frank Sinatra của Việt Nam" và "Alain Delon Việt Nam".

Ông bà ta có câu "nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Các cụ cũng lại có câu "sinh nghề tử nghiệp". Câu châm ngôn tưởng như "cũ mèm" ấy - tiếc thay - đã "rơi" đúng trường hợp của Nguyễn Chánh Tín. Anh phá sản hoàn toàn sau khi bộ phim định mệnh "Dòng máu anh hùng" bị ăn cắp bản quyền ở nước ngoài. Không bán được phim, không tiền chi trả ngân hàng, căn nhà duy nhất - nơi lưu giữ bao kỉ niệm của vợ chồng anh - buộc phải "đội nón ra đi". Trắng tay, cũng là lúc Chánh Tín đổ bệnh. Đau đớn về thể xác, mệt mỏi về tinh thần, bệnh anh mỗi lúc nặng hơn. Cùng đường, Chánh Tín đã phải thỉnh cầu báo chí lên tiếng với Cục Thi hành án cho mình thư thư ít bữa để chữa bệnh và có thời gian tìm nhà.

Chuyện chỉ có vậy, nhưng cũng từ đây bi kịch đã bắt đầu phong tỏa gia đình anh. Có thể nói, đây là thời điểm "bi thương" nhất trong cuộc đời của Nguyễn Chánh Tín. Nếu như nghệ sĩ Hoàng Lan trong cơn bĩ cực được bè bạn trong giới giúp đỡ do diễn viên Ngọc Lan đứng ra quyên góp hộ vào chính tài khoản của chị (Ngọc Lan) thì Nguyễn Chánh Tín lại không có cái "may mắn" ấy. Anh được đông đảo người hâm mộ cả nước thương yêu giúp đỡ dưới sự tiên phong đầy cảm động của nghệ sĩ Chí Trung nhưng lại vào thẳng tài khoản của Nguyễn Chánh Tín nên vô hình trung anh "lãnh đủ" mọi điều tiếng. Chưa hết, "tai nạn" vẫn đeo bám anh - con người già tuổi nghề nhưng non "tuổi đời" với đấu trường showbiz - anh đã gục hẳn, nhập viện trở lại khi những trải lòng chân thật của mình trên báo chí đã bị dư luận săm soi, phản hồi, quy chụp là thực dụng, "được voi đòi tiên", rằng tình cảm của họ đã bị trao nhầm. Họa vô đơn chí, giữa tứ bề thọ địch của búa rìu dư luận và những trận "cuồng phong" của báo chí - thậm chí có tờ mang tính "hạ bệ" và "hủy diệt", Chánh Tín đã nhập viện (thở ôxi) sau cú sốc quá lớn. Mọi việc tiếp xúc với báo chí, anh ủy nhiệm lại cho người trợ lý.

... "Anh ấy chết mất..." - tôi hiểu tâm trạng xót xa của cựu danh ca Bảo Yến khi chị nói về Chánh Tín, người đồng nghiệp, người anh rất đỗi "có tình có nghĩa, có thủy có chung với anh em bè bạn". Đúng, quả là xa xót, khi "cú ngã" của anh, cũng như của Siu Black, Cẩm Vân, Phước Sang, Kim Tử Long, Thương Tín - nhưng nó "đau" hơn, vết thương lòng nặng hơn, bởi anh "trót" là ... Nguyễn Thành Luân.

Nhưng chị Bảo Yến ơi, tin tôi đi, Chánh Tín không thể chết bởi anh biết mình biết ta, biết "mình làm mình chịu", biết đứng dậy bước tiếp, biết "trở lại từ sự khởi đầu". Anh ấy làm sao có thể chết khi cuộc đời này còn có những người như chị, như tôi, như Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Thanh Thanh Hiền, Thanh Tú, Minh Hằng, Minh Hòa, những diễn viên điện ảnh khóa 2, những người sinh ra và lớn lên trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và hàng vạn khán giả trong và ngoài nước luôn yêu mến ủng hộ anh - người nghệ sĩ chân chính của họ.

Ca nhạc đưa anh vào đời, điện ảnh cho anh những vai diễn, dấu ấn để đời thì nay anh lại trở về bên đời với ca nhạc, bến xưa - "Bến an bình" (Tên bài hát trong nhạc phim "Đại ca U70" do Chánh Tín sáng tác và thể hiện). Anh đã không "trách chi cuộc sống ưu phiền", anh cũng chả "phân tích chi bài toán nhân gian" (Lời bài hát "Bến an bình"). Đời anh đã từng có "mưa hồng", "tuyết rơi", "ngàn trùng xa cách", nhưng nay đã "buồn ơi chào mi" và "thu hát cho người". Vẫn thế, phong độ, lãng du, đam mê, xúc cảm. Những "khúc vọng xưa" ở "Tiếng xưa", những ánh mắt rưng lệ nơi khán giả phòng trà... NSƯT Nguyễn Chánh Tín - với tôi - người không chỉ của một thời !

Tuyết Lan
.
.