NSƯT Ngọc Thoa: Người không nhớ hết "con" mình
Nhắc tới tên bà, người ta nhớ ngay tới vai những bà mẹ nông thôn tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con hết mực. Những nhân vật của bà có thể có tên, có thể không có tên nhưng đều được bà hóa thân một cách chân thực, xúc động trong từng ánh mắt, cử chỉ. Bước vào tuổi thất thập, bà vẫn xuất hiện đều đặn trên phim trường khi gặp được nhân vật ưng ý. Gần đây nhất là vai mẹ Minh trong phim "Hai phía chân trời" đang phát sóng trên VTV1. Bà là NSƯT Ngọc Thoa.
Giờ đây, NSƯT Ngọc Thoa vẫn đi đi về về giữa 2 căn nhà. Một là căn nhà của các con ở bên Gia Lâm và một là ngôi nhà cũ của vợ chồng bà trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà chia sẻ, ông mất đã 15 năm, tuổi già như gió như sương nên con cái lo lắng không cho bà ở một mình. Bà cũng không muốn căn nhà nằm trong khu tập thể của Nhà hát kịch Việt
NSƯT Ngọc Thoa trên màn ảnh và ở ngoài đời dường như không có điều gì khác biệt. Vẫn gương mặt dịu hiền và giọng nói trong veo đặc trưng không lẫn vào đâu được. Điều đó có một phần ảnh hưởng từ đức tính giản dị, rất ít khi trang điểm khi lên hình của bà. NSƯT Ngọc Thoa là một trong số hiếm hoi những nghệ sĩ đã bước vào tuổi thất thập nhưng vẫn đóng phim đều đều. Khi bộ phim "Hai phía chân trời" phát sóng cũng là lúc bà bắt tay vào phim "Mắc cạn". Và giờ đây, khi chúng tôi ngồi trò chuyện cùng bà thì một chồng kịch bản nữa đã được đạo diễn gửi tới chờ bà nhận vai. Bà chia sẻ, đóng phim với bà giờ đây không phải vì mục đích mưu sinh nữa. Ở tuổi này, nhu cầu có đáng là bao. Con cái cũng đã trưởng thành, tự lập. Đóng phim với bà trước hết là để vui, để được gặp bạn bè, đồng nghiệp. Sau nữa là để thấy mình còn có ích với xã hội. Và nhất là được gặp khán giả. Nhiều khi bà cũng định nghỉ ngơi một thời gian nhưng ra ngoài, khán giả gặp lại nhắc khéo: "Lâu lắm rồi tôi không được gặp bà trên tivi", bà lại nhúc nhắc đi đóng phim. Và đi đóng phim cũng là để thỏa nỗi nhớ nghề vẫn canh cánh bên lòng. Con cái không can ngăn nhưng có nhắc nhở bà phải giữ gìn sức khỏe, đừng nể quá, đóng phim nhiều vất vả mà sinh ốm.
Sinh ra tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng nghệ sĩ Ngọc Thoa lại lớn lên tại Hải Phòng. Khi Nhà hát kịch Việt Nam về Hải Phòng công diễn vở kịch "Luba" - vở diễn với sự dàn dựng của nghệ sĩ Liên Xô đã khiến Ngọc Thoa mê mẩn và quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật. Vào thời điểm Nhà hát Kịch Việt
NSƯT Ngọc Thoa là một nghệ sĩ may mắn ghi dấu ấn ở cả 3 lĩnh vực: sân khấu, phim truyện nhựa và phim truyền hình. Năm 1964, Nhà hát Kịch Việt Nam dựng vở "Người đứng gác dưới ánh đèn neon" dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Trung Quốc, vai A Hương ban đầu được giao cho một nghệ sĩ khác nhưng sau đó, đạo diễn lại yêu cầu thay vai. Ngọc Thoa đã không ngần ngại xung phong được đảm nhiệm vai này. Khi đoàn đang tập tại Hạ Long đúng vào thời điểm Mỹ ném bom xuống Vịnh Hạ Long nhưng điều đó vẫn không làm giảm tinh thần hăng say luyện tập của các nghệ sĩ. Vở diễn ra đời, gây tiếng vang lớn. Tối nào khán giả cũng xếp hàng dài mua vé. Vài chục năm sau, có khán giả gặp bà vẫn thủ thỉ: "Ngày ấy, bà làm tôi khóc hết nước mắt vì thương A Hương".
Sinh ra ở thành phố, lớn lên sống đời nghệ sĩ nhưng NSƯT Ngọc Thoa có khả năng hóa thân vào vai phụ nữ nông thôn rất "ngọt". Hỏi vì sao bà có thể làm các công việc nhà nông một cách thành thạo thế, bà bảo đó là nhờ thói quen quan sát. Mỗi lần đi thực tế tại nông thôn, bà thường chú ý xem các bà, các mẹ cấy lúa, gặt lúa, trồng lạc, nhổ sắn như thế nào. Từ vai diễn đầu tiên trong phim truyện nhựa "Người cầu may" của đạo diễn Tự Huy, nghệ sĩ Ngọc Thoa liên tục được các đạo diễn tín nhiệm mời đóng các vai bà mẹ trong các phim: "Người yêu đi lấy chồng", "Tết này ai đến xông nhà", "Thương nhớ đồng quê", "Canh bạc", "Chơi vơi"... và nhiều phim truyền hình khác. Nhiều người đùa, NSƯT Ngọc Thoa là người có nhiều "con" nhất và quả thật đến giờ, bà cũng không nhớ nổi mình có bao nhiêu người "con"... trên phim nữa. Vì nhập vai các bà mẹ nông thôn ngọt lịm như vậy nên mỗi lần có dịp đi các tỉnh, NSƯT Ngọc Thoa lại được bà con yêu quý như người nhà, mời ăn ngô khoai luộc. Bà bảo, đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng và cũng là những giây phút bà tự hào nhất về nghề của mình.
Theo nghề tới nửa thế kỷ, luôn vào vai các vai bà mẹ nhưng mỗi lần nhận vở, bà đều suy ngẫm kỹ lưỡng để tìm cách diễn mới. Bà có một quy tắc là không bao giờ học thuộc lòng lời thoại mà đọc toàn bộ kịch bản, sau đó nghiên cứu nhân vật của mình trong từng bối cảnh, mối quan hệ với các nhân vật khác để có cách diễn phù hợp. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn luôn hết mình với vai diễn. Khi sẵn sàng dầm mưa cả ngày trong tiết trời giá lạnh khi quay "Mây trắng ánh sao" hay sẵn sàng tự mình lăn từ trên cầu thang xuống trong một cảnh quay mà không cần người diễn thế, khiến đạo diễn phải chắp tay xin...
Phần lớn các vai diễn của bà đều là những bà mẹ tần tảo, hiền dịu nhưng không chỉ có vậy, NSƯT Ngọc Thoa còn chinh phục khán giả bằng vai người đàn bà cay nghiệt trong phim "Mụ Lẫm". Bà kể, đây là bộ phim mà phần lớn thời gian quay vào ban đêm nên vô cùng vất vả. Nhân vật bà Lẫm có tạo hình ấn tượng là bộ tóc trắng muốt nên trước mỗi lần quay, bà đều được nhân viên hóa trang xịt một lớp gel trắng dày cộp. Thế nên, hôm nào 1- 2 giờ đêm bà cũng phải gội đầu để 7 giờ sáng hôm sau lại tiếp tục hóa trang, quay. Không chỉ vậy, bối cảnh quay của phim ở khu nghĩa địa. Một lần đang quay, chân bà vô tình thụt xuống cái hố sâu, một mảnh sành cứa vào chân chảy máu. Lúc ấy, nhiều người trong đoàn bảo bà để hôm sau quay tiếp nhưng bà lại nghĩ, nếu dừng lại sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người. Bà đành nén đau, băng bó tạm vết thương để tránh nhiễm trùng rồi tiếp tục diễn. Vết thương ngày ấy giờ đã thành sẹo nhưng nó là một kỷ niệm về vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp diễn xuất của bà. Rồi cảnh bà Lãm chết, phải nằm chơ vơ trên một tấm ván khiêng ra ngoài đồng giữa trời nắng to cũng là một cảnh quay rất vất vả. Kể tới đây, bà quay sang tôi cười: "Vì đóng vai người già nhiều nên tôi được ngồi bàn thờ, ngắm chuối xanh rất nhiều lần rồi. Nhiều người hỏi, đóng những cảnh ấy có ngại không? Tôi cho rằng đó chỉ là vai diễn, là công việc. Còn sống, chết mỗi người đều có số hết".
NSƯT Ngọc Thoa lại nhớ khi xưa, trong đoàn nghệ sĩ đi biểu diễn cho bộ đội tại các chiến trường xem; xe đang đi bất ngờ địch bắn phá. Nhờ có một lèn đá che chắn mà xe chở các nghệ sĩ an toàn, còn chiếc xe đi cùng gặp nạn. Hay một lần bà cũng nghệ sĩ Bích Châu biểu diễn tại một trận địa. Tới giờ giải lao, một chiến sĩ mang nước tới mời các nghệ sĩ uống cho đỡ mệt. Vừa uống ngụm nước, bất ngờ hai nghệ sĩ nghe tiếng hô to "Nằm xuống" cùng cái ôm choàng của người chiến sĩ. Dứt tiếng bom, hai nữ nghệ sĩ tỉnh dậy thì thấy người chiến sĩ vẫn đang che cho mình nhưng vết thương trên đầu anh máu chảy rất nhiều. Mặc dù được băng bó ngay nhưng người chiến sĩ đã hy sinh sau đó. Giờ đây, NSƯT Ngọc Thoa vẫn thấy day dứt vì chiến tranh bom đạn nên không kịp hỏi tên tuổi, quê quán người chiến sĩ năm xưa đã lấy thân che mảnh bom cho hai nghệ sĩ. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, bà vẫn thầm tạ ơn người chiến sĩ anh dũng đó. Bà bảo, giữa chiến tranh, sống chết chỉ trong gang tấc mà mình vẫn còn sống được thì chuyện đóng vai người chết có là gì quan trọng.
Có một điều thú vị ở NSƯT Ngọc Thoa là hầu hết những nhân vật bà đóng đều là vai mẹ chồng, bà nội trong khi ngoài đời nghệ sĩ Ngọc Thoa chỉ là mẹ vợ, bà ngoại vì bà sinh được hai cô con gái. Bà bảo, nghề diễn viên dễ khiến cho người phụ nữ trở thành người vợ đoảng, người mẹ đoảng nhưng nhìn hai người con ngoan ngoãn, thành đạt, nhìn cách bà cắt đặt công việc cho con, cho cháu mới thấy NSƯT Ngọc Thoa là người phụ nữ chu toàn, luôn biết cân bằng giữa sàn diễn và đời thực. Khi các con còn nhỏ, mỗi đợt bà và chồng là đạo diễn - NSƯT Dương Viết Bát đi công tác thì các con được gửi bà ngoại hoặc tự chăm sóc nhau nên bà bảo, con nghệ sĩ thiệt thòi là thế. Có lẽ vì cứ lo, cứ thương con thiệt thòi nên như bao người mẹ khác, ngoài giờ đóng phim, bà lại tất bật nấu ăn, đón cháu, dọn dẹp nhà cửa cho các con yên tâm công tác