NSƯT Mỹ Uyên: Đủ trải nghiệm để hóa thân vào nhiều vai diễn
Tới phòng vé của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, nhiều người gặp "bà bầu" - NSƯT Mỹ Uyên đang ngồi làm việc cùng nhân viên bán vé. Chuyện bà Phó giám đốc nhà hát ngồi đón từng khán giả tới rạp vẻ như không lạ trong bối cảnh sân khấu xã hội hóa Sài Gòn. Càng không lạ hơn với NSƯT Mỹ Uyên.
Ký ức buồn
Sinh ra ở xã Hiệp Ninh, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (nay là phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh), nơi cách Sài Gòn cả trăm cây số, ký ức tuổi thơ của Mỹ Uyên thật bình yên giữa vòng tay bà, mẹ và các dì.
Bà ngoại chị là vợ một thương gia người Hoa, buôn bán rất giỏi nên kinh tế gia đình vững. Sẵn có tâm lý muốn bao bọc các con, bà yêu cầu tất cả ba chàng rể phải về ở chung. Điều bà không ngờ, mong muốn đó đã trở thành nguyên nhân làm rạn nứt, rồi đổ vỡ hạnh phúc của những cô con gái.
Lên tám tuổi, cô bé Uyên dần quen với cảnh cha thường xuyên vắng nhà làm ăn xa. Cha cô làm trong ngành lâm nghiệp, nay Gia Lai, mai Đắc Lắc, ngày kia Lâm Đồng. Ban đầu ông chỉ vắng nhà một tuần. Sau đó hai tuần, ba tuần và rốt cuộc biền biệt. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi những xì xào về vợ bé của ba đến tai mẹ. Những xáo trộn sau đó là phần đời không thể quên với Mỹ Uyên. Lần cuối cùng, ba chị chỉ ngoái lại nhìn chị rồi cùng mẹ con người vợ bé đi đâu mất biệt. Đã hơn ba mươi năm..
Trong gia đình, bà ngoại, chứ không phải mẹ, là người có ảnh hưởng nhiều nhất tới Mỹ Uyên. Mẹ chị quá hiền lành và đôi khi quá thụ động với sự bao bọc của bà. Các dì cũng thế. Từ những cảm nhận thuở nhỏ, cô bé Uyên đã có ý tưởng muốn vượt thoát, khẳng định bản thân. Ý nghĩ ấy lớn dần sau những lần được cùng mẹ lên thăm cậu Hai ở Sài Gòn.
"Lấy ngắn nuôi dài" và những vai diễn nhiều kỷ niệm
Quá say sưa với hấp lực Sài Gòn, Mỹ Uyên đã thuyết phục bà và mẹ cho phép lên đó trọ học ở nhà cậu Hai. Trở thành 1 trong 15 thí sinh lọt vào chung kết cuộc thi Gương mặt điện ảnh của Hội Điện ảnh TP HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước là trải nghiệm đáng kể với Mỹ Uyên. Thấy các bạn thí sinh khác diễn xuất giỏi quá, lại biết các bạn đều học Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP HCM, Mỹ Uyên cũng đăng ký thi vào đó.
NSƯT Mỹ Uyên cùng ê-kip vở diễn "Rạo rực" trong buổi công diễn đầu tiên. |
Suốt năm học đầu, Mỹ Uyên và cậu Hai không cho gia đình biết. Cả nhà đều tin cô đang theo học một trường kinh tế nào đó để thỏa chí làm giàu. Định kiến "xướng ca vô loài" từ lâu đã ăn vào nếp nghĩ của một gia đình trọng gia phong kiểu nệ cổ.
Mỹ Uyên làm đủ mọi nghề có thể để sống và học. Cô đi bán vé ở rạp Thăng Long, đi chụp ảnh người mẫu, đi đóng phim quần chúng, xin các vai diễn phụ để rèn luyện khả năng diễn xuất, v.v…
Ra trường, Mỹ Uyên chợt giật mình: không phải cứ học xong trường nghệ thuật là có thể trở thành nghệ sĩ. Và ở giai đoạn "chưa là ai cả", cô buộc phải "lấy ngắn nuôi dài". Cô cùng mẹ mở shop quần áo trẻ em tại căn nhà bà ngoại mua cho ở quận Bình Thạnh, cùng bạn thuê mặt bằng mở quán cà phê. Vừa kinh doanh, vừa làm nghề, Mỹ Uyên thầm lặng nuôi giữ đam mê thiết tha với sân khấu.
Ra trường, Mỹ Uyên cùng một lớp các diễn viên cùng lứa được chọn về Đoàn kịch thành phố (nay là Nhà hát kịch thành phố). Có rất ít vở diễn. Những diễn viên mới ra nghề khó có cơ hội đứng trên sân khấu, dù là vai phụ. Thực tiễn khiến chị hoang mang, dù vẫn năng nổ làm người mẫu, đóng phim truyền hình, xin và nhận bất cứ vai diễn nào được giao.
Hơn hai năm sau, vai diễn đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của Mỹ Uyên trên sân khấu chuyên nghiệp là vai nữ nô lệ da đen Merita trong vở kịch "Con cáo và chùm nho" chuyển thể từ truyện ngụ ngôn của Aesop. Nhắc lại, chị vẫn đầy cảm kích với người thầy, đạo diễn Trần Minh Ngọc.
Tuy chỉ là vai diễn phụ nhưng Merita xuất hiện suốt vở kịch. Vốn được đánh giá là "đào đẹp" nhưng trong vở này, chị phải hóa thân thành một cô hầu gái da đen xấu xí, thô tháp. Mỹ Uyên còn nhớ, vở diễn mở màn lúc tám giờ tối nhưng bao giờ chị cũng phải tới từ bốn giờ chiều để lo hóa trang, nhất là đánh phấn cho đen và bôi môi cho dầy. Vai diễn Merita được khán giả và báo chí giành nhiều ngợi khen.
Dù thành công thì Merita vẫn chỉ là vai phụ. Phải đợi tới bảy năm sau, nhờ sự tin tưởng và giúp đỡ của NSƯT Ái Như, lần đầu tiên trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Mỹ Uyên mới được nhận vai nữ chính trong đời. Đó là vai Diễm trong "Chuyện của Diễm", một vai có tính cách rất phức tạp. Làm thế nào thể hiện "cho ra" nhân vật đó trở thành áp lực và thách thức lớn với Mỹ Uyên. Gói gọn, chị chỉ giải thích bằng một từ: nỗ lực
Mỹ Uyên trong chương trình "Nhịp sống gia đình" của kênh truyền hình ANTV. |
Chị chia sẻ, dù đã tham gia khá nhiều vai diễn như trong "Cõi tình", "Gương mặt kẻ khác", "Sống thử"… v.v… được khán giả khen ngợi, nhưng chị vẫn tâm đắc nhất với vai Diễm. Nó là dấu mốc giúp chị tự tin khẳng định vai trò một nghệ sĩ sân khấu và có thể vững tâm đeo đuổi sự nghiệp.
Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần được nhiều anh em nghệ sĩ coi như cái "tổ đường" của nghề. Nó như ngôi nhà khởi nguồn để từ đó nhiều nghệ sĩ dần trưởng thành, định vị tên tuổi và… "ra riêng", xây dựng "nhà" mới của mình. Đó là NSƯT Ái Như và NSƯT Thành Hội với Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, NSƯT Hồng Vân với Sân khấu kịch ở Super Ball, nghệ sĩ Thành Lộc với Sân khấu kịch ở Ideacaf,…
Mỹ Uyên cũng từng nuôi khát vọng có được sân khấu riêng. Cũng có lúc chị muốn đầu quân cho một sân khấu khác. Nhưng chính NSƯT Hồng Vân đã đề nghị Mỹ Uyên ở lại, gắn bó với sân khấu kịch 5B. Giống như bà chị cả lo lắng cửa nhà bố mẹ sẽ tan hoang khi đứa lớn đứa nhỏ lần lượt dắt díu nhau đi, cái tình của NSƯT Hồng Vân khi nói điều ấy đã níu chân cô diễn viên trẻ giàu tham vọng Mỹ Uyên ở lại.
Không đơn thuần chỉ là ở lại và chấp nhận cảnh "nước nổi thì bèo nổi", Mỹ Uyên cùng NSƯT Công Ninh bắt tay bỏ vốn dựng kịch. Vở "Cõi tình" khi ấy chỉ "dám" có ba nhân vật, trong đó hai diễn viên đã là hai… "ông, bà bầu", còn một người nữa mời thêm, nếu có lỗ vẫn đủ tiền trả cát-sê. Ấy thế mà lại thành công rực rỡ. Nghề dạy nghề, chị trở thành "bà bầu" từ lúc nào chẳng biết. Chị say sưa với việc đọc chọn kịch bản, đề xuất lãnh đạo sân khấu những vở hay, sau khi được duyệt lại lo tổ chức dựng.
Năm 2010, chị trở thành Phó giám đốc Nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần.
Sau những khóc, cười
Gần nửa cuộc đời chị vẫn chưa lên xe hoa, dù luôn mở lòng khi tình yêu gõ cửa. Chị thừa nhận, đã không dưới vài lần chị dứt ruột nói lời chia tay khi người ta buộc chị chọn giữa gia đình và nghệ thuật. Những lúc cô đơn nhất, chị tới với những đứa trẻ thiệt thòi ở các trung tâm thiện nguyện. Chị lặng lẽ tới, lặng lẽ giúp các em tất cả những gì có thể. Và chị vui khi chúng rất nhớ chị.
Khởi đầu từ vị thế của một người vô danh, NSƯT Mỹ Uyên thấu hiểu những truân chuyên của diễn viên trẻ. Các em bây giờ phải đối mặt với nhiều cám dỗ hơn so với thời chị. Vì thế, lúc làm các vở diễn xã hội hóa, Mỹ Uyên đã chủ trương tạo cơ hội cho các em tự khẳng định trên sàn diễn. Nhiều năm qua, chị tự hào đã góp phần đào tạo các lứa diễn viên mới, không chỉ cho sân khấu 5B. Ngay trong lịch diễn, chị cũng sắp xếpđể các nghệ sĩ trẻ có suất diễn vào những giờ đẹp nhất dịp cuối tuần.
Tới giờ, khi nhìn lại, NSƯT Mỹ Uyên vui mừng vì đã được thể hiện mọi trạng thái tâm lý và cá tính nhân vật phức tạp. Chị từng đóng vai người điên, vai ác, vai hiền, vai lẳng… Chị cho rằng mình may mắn khi được trải nghiệm thực tế nhiều nên đủ kiến thức và vốn sống để thể hiện nhân vật. Luôn sống hết mình với nhân vật trên sân khấu, những khóc cười bên ánh đèn và phông màn luôn đem lại cho chị thật nhiều xúc cảm và trải nghiệm.
Chị bảo, chính tình cảm của khán giả dành cho sân khấu 5B nói chung và cho chị nói riêng đã khiến chị dốc mọi tâm huyết cho nghề. Chị đã thấy có cậu con trai cõng bố từ tầng ba nhà hát xuống xe sau khi xem kịch. Chị cũng gặp đôi vợ chồng cao niên bắt taxi đi từ Biên Hòa lên Sài Gòn để xem kịch buổi tối.
Cứ sau mỗi lần đó, chị tự nhắc mình làm tốt hơn nữa vai trò nghệ sĩ. Và chị vẫn thường kể những kỷ niệm ấy cho bạn đồng nghiệp, các diễn viên đàn em, như một cách để mỗi người biết "kiềm giữ mình" trước những cám dỗ và đua chen của cuộc sống