NSƯT Minh Châu: Không được nửa vời

Thứ Tư, 11/06/2008, 14:15
"Tôi bao giờ cũng đọc kỹ kịch bản trước khi nhận lời vào vai diễn. Kịch bản hấp dẫn tôi là kịch bản mà ở đó tính cách các nhân vật phải rõ ràng, không nhạt phèo như nước ốc. Tôi thích kiểu nhân vật đằm, sâu, nổi loạn, và phải đi hết mọi cung bậc tâm lý. Buồn phải buồn đến tận cùng, đau phải đau đến tận cùng, không được nửa vời" - NSƯT Minh Châu tâm sự.

Từng nổi tiếng với nhiều vai diễn trong các phim như "Người đàn bà nghịch cát", "Cô gái trên sông", "Những ngôi sao không ngủ", "Đứa con người hàng xóm"... Minh Châu là gương mặt nghệ sĩ chiếm được tình cảm của khán giả nhiều thế hệ. Thành công trên màn ảnh, nhưng trong đời sống riêng chị lại gặp nhiều éo le, trắc trở. Câu chuyện cuộc đời của Minh Châu là câu chuyện về sự dấn thân và trả giá để làm nghệ thuật của một người đàn bà đẹp...

Làm nghề, đừng nửa vời

- Lâu lâu không thấy chị xuất hiện trên màn ảnh, chị đã chán nghề rồi chăng?

+ Điện ảnh chính là cuộc sống của tôi nên nếu nói là chán thì không bao giờ. Tôi vẫn làm nghề đấy thôi, nhưng chỉ có điều không thường xuyên, ồ ạt. Năm vừa rồi tôi tham gia 25 tập phim "Hậu họa" của đạo diễn Nhuệ Giang, được giải thưởng Cánh diều vàng. Thế cũng đủ để thấy mình hạnh phúc vì vẫn còn có duyên với nghề, vẫn được khán giả yêu mến, ghi nhận.

- Nghe nói chị là diễn viên rất "kén" kịch bản. Theo chị thế nào là một kịch bản hay?

+ Tôi bao giờ cũng đọc kỹ kịch bản trước khi nhận lời vào vai diễn. Kịch bản hấp dẫn tôi là kịch bản mà ở đó tính cách các nhân vật phải rõ ràng, không nhạt phèo như nước ốc. Tôi rất chán những nhân vật có đời sống nội tâm đơn giản.

Tôi thích kiểu nhân vật đằm, sâu, nổi loạn, và phải đi hết mọi cung bậc tâm lý. Buồn phải buồn đến tận cùng, đau phải đau đến tận cùng, không được nửa vời. Mỗi năm tôi chỉ tham gia vài phim, vì kịch bản hay bây giờ rất ít. Với tôi, giờ đây đóng phim không phải để nổi tiếng hơn và cũng không phải để kiếm tiền nên chỉ đơn thuần là lòng yêu nghề thôi.

- Một vài đạo diễn than rằng Minh Châu là diễn viên rất bướng, thường hay "chiến đấu" với đạo diễn, đòi sửa kịch bản. Câu chuyện này cụ thể như thế nào, thưa chị?

+ Thực tình mà nói tôi cũng thường hay căng thẳng với đạo diễn về nhân vật mình nhập vai. Vai nào tôi cảm thấy nhân vật có ít đất diễn, tôi nghĩ cách xin thêm, có khi cả một trường đoạn dài. Tham vọng của tôi là làm "đầy" nhân vật.

Khi đọc kịch bản hay ở trong từng cảnh quay, tôi luôn tự hỏi những diễn biến tâm lý nhân vật của mình đã hợp lý chưa, đã có chiều sâu chưa? Và khi cảm thấy cần phải bổ sung, tôi mạnh dạn đề xuất với đạo diễn và cố gắng bảo vệ ý kiến của mình cho đến khi đạo diễn thấy hợp lý và đồng ý cho mình thêm vào kịch bản.

Theo tôi nghĩ, một diễn viên có trách nhiệm với nhân vật của mình, yêu nhân vật của mình thì thường hay dằn vặt làm thế nào để nhân vật của mình để lại ấn tượng sâu đậm nhất với khán giả.

- Đã khi nào những cuộc căng thẳng giữa chị và các đạo diễn trở nên "không thể hòa giải" được không?

+ Tôi luôn chọn cách cương quyết mà không gay gắt, cố gắng để đạo diễn hiểu ra vấn đề và thấy hợp lý, đồng ý cho mình thay đổi lời thoại hay thêm đất diễn. Tất nhiên mình phải tự tin vào những hiểu biết, những đề xuất của mình. Vì thay đổi kịch bản không phải chuyện dễ dàng. Đạo diễn có khi còn phụ thuộc vào tác giả kịch bản nữa.

Nhân đây cũng nói luôn, chỉ có ở Việt Nam mình mới có chuyện thêm bớt kịch bản khi làm phim. Ở các nước có nền điện ảnh tiên tiến, người ta chuyên nghiệp từng khâu. Họ có chuyên gia viết lời thoại, chuyên gia tâm lý để xử lý từng nhân vật, từng cảnh quay, nên diễn viên không bao giờ phải loay hoay nghĩ đến chuyện sửa kịch bản cả.

- Nhân nói về chiều sâu tâm lý của nhân vật, tôi có một băn khoăn muốn bày tỏ, là thế hệ của chị và các diễn viên đi trước từng để lại trong lòng công chúng những vai diễn rất "nặng", rất "sâu". Trong khi đó xem các diễn viên trẻ hôm nay nhập vai vào nhân vật, khán giả ít bắt gặp cảm nhận đó. Chị có thể cắt nghĩa gì về điều này?

+ Các em bây giờ thông minh lắm, được học hành đầy đủ lắm. Họ hơn thế hệ chúng tôi về nhiều thứ. Nhưng họ diễn không sâu có lẽ vì họ đang bị trượt đi trong một đời sống tốc độ phát triển quá nhanh, nhiều thứ chi phối, nhiều lời mời gọi.  Khi bước chân vào nghề, thế hệ chúng tôi dường như chỉ có một con đường duy nhất và tâm niệm sống chết với con đường ấy. Các em bây giờ có nhiều con đường, và điện ảnh có khi chỉ là con đường phụ.

Tôi đã từng tham gia công tác đào tạo diễn viên trẻ bên truyền hình tổ chức và thấy rất nhiều em đến với điện ảnh chỉ vui vẻ như một cuộc chơi, một nghề tay trái. Họ đóng phim cho vui nên họ cũng không quá "nặng lòng" với nhân vật của mình.

Hơn nữa phải nói thật, tiền cát-xê dành cho diễn viên của ta quá "bèo", nên đòi hỏi sự đầu tư kỹ càng của diễn viên trẻ cũng khó. Tôi cho rằng nếu bây giờ ta  trả cho các bạn mỗi vai diễn 100 triệu đồng chẳng hạn, họ sẽ ý thức tốt về nghề hơn, làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn...

- Để nhân vật có được sức nặng về tâm lý thì chắc chắn người diễn viên phải có những trải nghiệm đời sống tốt, vốn sống lớn. Với các diễn viên trẻ về tuổi đời, để có được vốn sống dày dặn hóa thân vào nhân vật, lời khuyên của chị là gì?

+ Đọc sách - đó là kinh nghiệm của tôi. Khi tôi còn trẻ, tôi đặc biệt yêu văn học và đọc rất nhiều tiểu thuyết hay trên thế giới. Những tác phẩm văn học kinh điển tôi đều đã "ngốn" sạch. Trong tiểu thuyết, đời sống tâm lý nhân vật cực kỳ sâu sắc. Những vốn liếng ấy quan trọng vô cùng với người diễn viên. Bây giờ các em ngại đọc sách, đó là một thiệt thòi không gì bù đắp được.

- Chị thích làm việc với kiểu đạo diễn như thế nào?

+ Tôi thích được làm phim với những đạo diễn khó tính như: Bạch Diệp, Đặng Nhật Minh, Nhuệ Giang... Họ là những đạo diễn luôn luôn có tham vọng đạt tới điều họ mong muốn qua bộ phim, về giá trị tinh thần. Họ khiến mình không thể hời hợt với vai diễn.--PageBreak--

Bao năm vẫn đi về lẻ bóng

- Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên, vì sao đến giờ này người đàn bà đẹp Minh Châu vẫn đi về lẻ bóng?

+ Tôi đã từng "ham hố" một đời sống gia đình bình yên, trọn vẹn và ổn định. Nhưng đó mãi vẫn chỉ là mơ ước, giống như một lớp sương mờ phủ trước mắt mình. Và khi lớp sương tan đi còn lại một thực tế khắc nghiệt với đầy những mâu thuẫn, thất vọng. Trải nghiệm cuộc sống càng nhiều tôi càng hiểu rằng, những thân phận nghệ sĩ thường có một mẫu số chung nào đó, là sự không bình yên. 

Trời cho người nghệ sĩ một phẩm chất quan trọng để làm nghệ thuật, đó là sự nhạy cảm. Nhưng cũng bởi quá nhạy cảm mà những hệ lụy của nó khiến cho ta khó kiếm tìm một cuộc sống như ta mong đợi. Tôi thường hay dặn mình, nhạy cảm quá là không tốt đâu, hãy đơn giản mọi điều thì sẽ yên ổn. Nhưng tôi không làm được.

- Một mình nuôi con và làm nghệ thuật, chị đã trải qua những tháng ngày gian khó như thế nào?

+ Chồng tôi mất năm 1999 nhưng kỳ thực chúng tôi đã ly thân từ năm 1991. Hồi chúng tôi lấy nhau, gia đình nhà chồng tôi không đồng ý. Nhưng chúng tôi yêu nhau và quyết lấy nhau cho bằng được. Anh ấy là kiến trúc sư, vì yêu tôi mà đi học thêm ngành đạo diễn điện ảnh.

Lấy nhau rồi tôi mới hiểu anh ấy còn nghệ sĩ hơn nhiều lần cái tính nghệ sĩ của tôi. Mọi thứ trong nhà tôi cáng đáng, định đoạt hết, từ việc sửa điện cho đến việc đi xin học cho con. Rồi đến một ngày tôi đi làm phim về, thấy cửa phòng mình khóa trái, tôi xách valy và mang con gái theo ra khỏi nhà, từ đó không quay lại.

Tôi đưa con đi ở nhờ hết nhà người thân này đến bạn bè khác, rất cơ cực. Bây giờ nghĩ lại tôi tự hỏi, làm thế nào mà mình lại có thể vượt qua những ngày khó khăn, không nhà cửa, tiền bạc, không gia đình như vậy.

- Nghe nói có thời điểm chị bỏ nghề diễn viên, đi buôn bất động sản và trở nên giàu có?

+ Thực ra thì không phải chuyện buôn bán to tát như người ta đồn thế đâu. Hai mẹ con tôi đi ở nhờ khắp nơi. Tiền đóng phim dành dụm được, tôi mua một cái nhà nhỏ. Gọi là nhà cho sang chứ gọi là túp lều cũng chẳng sai. Nó chỉ rộng chừng 8m2, lại ở nơi hôi hám, rất khổ. Thế rồi có nhà bên cạnh họ ngỏ ý muốn mua túp lều ấy để thông sang cho rộng hơn. Họ trả giá hời nên tôi bán.

Tôi cầm tiền đi mua được một chỗ khác rộng hơn một chút. Nhưng môi trường ở đó giống như "xóm liều", chỉ toàn dân tệ nạn, nghiện ngập. Sợ ảnh hưởng tới con, tôi lại bán nhà đi mua chỗ khác. Mỗi lần bán nhà tôi lời ra một tí. Giá nhà đất bắt đầu sốt lên, tôi quyết định mang con về nhà chị gái ở nhờ.

Còn tiền bán nhà thì để mua đất. Mua chỗ này bán chỗ khác, có khi vừa mua xong người ta đã trả giá cao, có lãi, lại bán. Cứ như vậy khoảng 3 năm tôi dừng hẳn việc đóng phim, thậm chí có lúc còn có ý nghĩ bỏ hẳn nghề. Rồi tôi cũng có tiền để mua cho mình cái nhà tử tế, lo được cho con gái mình ăn học đàng hoàng.

- Con gái chị có theo nghề của mẹ không?

+ Tôi không muốn con theo nghề mình. Vì đời nghệ sĩ nó nghiệt ngã lắm. Cháu học giỏi, sau đó đi học kiểm toán ở Mỹ, đã lấy chồng và làm việc ở Mỹ. Sắp tới có thể vợ chồng nó sẽ về làm việc ở Việt Nam.

- Con gái lấy chồng xa, chị lại tiếp tục cảnh sống một mình, đối diện với nỗi cô đơn. Chị tìm nguồn vui cuộc sống như thế nào?

+ Tôi có nhiều bạn bè và họ là nguồn vui, chia sẻ với mình lúc buồn, lúc khó khăn.

- Người ta nói, những người làm nghề với nhau lại thường hay mắc thói tị hiềm, ít khi trở thành thân thiết. Chị có nhiều bạn thân là đồng nghiệp không?

+ Tôi có một số bạn thân là đồng nghiệp. Về góc độ bạn bè, tôi chỉ xin có một nhận định như thế này. Người ta nói trong lúc khó khăn mình sẽ nhận ra ai là bạn tốt thì đúng rồi. Nhưng trong lúc mình thành công mình cũng có thể nhận ra ai là bạn không tốt. Đã từng có những ánh mắt làm tôi lạnh người, lúc tôi được nhận giải thưởng hay thành công trong nghề nghiệp. Nói chung, để có một người bạn thủy chung với mình suốt đời là rất khó để kiếm tìm.

- Xin cảm ơn NSƯT Minh Châu

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.