NSƯT Lý Thái Dũng: Mỗi bộ phim là một thách thức

Thứ Năm, 20/11/2014, 08:00
Công việc quay phim đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo không ngừng nghỉ. Hết cảnh này sang cảnh khác, hết phim này sang phim khác, không phim nào giống phim nào và không có sự lặp lại. Công việc ấy đòi hỏi người làm phải có cái nhìn sắc sảo, phải có sự hình dung đồng điệu. Người quay phim cũng phải là người am hiểu để có thể chuyển dịch ngôn ngữ từ văn học sang thành hình ảnh, cùng với đạo diễn kể lại câu chuyện một cách tốt nhất bằng hình ảnh...

NSƯT, nhà quay phim Lý Thái Dũng là người thực hiện nhiều cảnh quay cho các phim truyện nhựa nổi tiếng như "Ngã ba Đồng Lộc", "Hàng xóm", "Thung lũng hoang vắng",  "Tết này ai đến xông nhà", "Vũ điệu tử thần", "Những người viết huyền thoại", "Chơi vơi", "Lời nguyền huyết ngải"... Ngoài nhiều giải thưởng cá nhân trong nước, năm 2010 nhà quay phim Lý Thái Dũng từng được tôn vinh là một trong 5 nhà quay phim xuất sắc nhất châu Á trong Liên hoan phim châu Á tổ chức tại Hồng Kông với "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Chia sẻ với phóng viên Văn nghệ Công an, NSƯT Lý Thái Dũng cho hay: "Với tôi, mỗi bộ phim đều là một thách thức!".

- Thưa NSƯT Lý Thái Dũng, là Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, đơn vị nhận "đặt hàng" sản xuất bộ phim truyện nhựa "Sống cùng lịch sử" vừa lùm xùm với các tít báo "phim triệu đô ra rạp không bán nổi một vé" - chắc hẳn có những tác động không nhỏ tới tâm trạng của cá nhân anh?

+ Tất nhiên là tôi buồn rồi. Không ai làm điện ảnh có thể dửng dưng trước một việc như thế. Sự việc cũng đã lắng xuống, nên bây giờ điều tôi muốn nói ở đây là xã hội ta, trong đó có các nhà báo đang có một sự thiếu tìm hiểu, thiếu cảm thông, thiếu thiện chí và cả thiếu công bằng với điện ảnh. Với cách nhìn nhận, đánh giá như thế này, các bạn ấy đã vô tình góp phần một lần nữa nhấn chìm một nền điện ảnh đang vô cùng khó khăn từ 20 năm nay.

Trong cuộc đời làm phim của tôi, tôi chưa thấy có một nhà báo nào đi theo đoàn làm phim chúng tôi để tìm hiểu, quan sát việc làm phim trọn vẹn 24 giờ chứ chưa nói một tuần hay một tháng để thấu hiểu việc làm phim, dù chỉ ở giai đoạn quay tiền kỳ để biết làm một bộ phim ở Việt Nam vất vả như thế nào. Tôi còn nhớ khi chúng tôi đang quay phim "Ngã ba Đồng Lộc" thì có một đoàn phóng viên của VTV3 vào chứng kiến chúng tôi làm việc khoảng 1 tuần gì đó và họ đã có được những phóng sự tuyệt vời, có sự cảm thông sâu sắc với chúng tôi.

NSƯT Lý Thái Dũng (trái) cùng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khi thực hiện phim “Những người viết huyền thoại”.

- Được biết, cha anh là một người chẳng hề xa lạ với giới điện ảnh: đạo diễn - NSƯT Lý Thái Bảo. Điều này có là lý do ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp của anh không?

+ Bố tôi là đạo diễn học khóa đầu tiên của điện ảnh Việt Nam cùng với các đạo diễn nổi tiếng như Hải Ninh, Trần Vũ, Bạch Diệp... Ông chỉ làm đạo diễn 2 phim truyện nhựa, sau đó chuyển sang làm phim tài liệu và từng đảm nhiệm các các vị trí như Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Xưởng phim Tài liệu Trung ương, Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam. Tôi vốn là người thích máy móc, công nghệ, thiết bị nên ước mơ của tôi là học chế tạo máy ở Trường Đại học Bách khoa cơ. Khi đó bố tôi cũng nói rằng tùy con lựa chọn thôi, nhưng ngành quay phim là một ngành rất hay, rất đặc biệt bởi nó một nửa là ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật nhưng cũng có một nửa là phẩm chất nghệ sĩ. Thực sự thì lúc đó tôi thích học đạo diễn, bởi đạo diễn "oai" hơn. Nhưng bố tôi nói rằng, tôi còn trẻ quá, mới 18 tuổi thì nên học quay phim, đến khi có đủ trưởng thành, đủ tích lũy thì sang học đạo diễn vẫn chưa muộn. Nhưng đến nay, sau 30 năm gắn bó với máy quay, tôi vẫn chưa hết đam mê đối với công việc quay phim.

- Tại sao công việc quay phim lại hấp dẫn anh đến vậy, trong khi ngay từ đầu cuộc trò chuyện này anh đã nói đến những nỗi cực nhọc khi làm phim ở Việt Nam?

+ Đó là vì công việc quay phim đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo không ngừng nghỉ. Hết cảnh này sang cảnh khác, hết phim này sang phim khác, không phim nào giống phim nào và không có sự lặp lại. Công việc ấy đòi hỏi người làm phải có cái nhìn sắc sảo, phải có sự hình dung đồng điệu. Người quay phim cũng phải là người am hiểu để có thể chuyển dịch ngôn ngữ từ văn học sang thành hình ảnh, cùng với đạo diễn kể lại câu chuyện một cách tốt nhất bằng hình ảnh.

- Có thể nói, bộ phim "Sự tích dã tràng" anh cộng tác với đạo diễn Nguyễn Khánh Dư đánh dấu sự thành công khởi đầu trên con đường quay phim chuyên nghiệp của anh. Đâu là lý do để một nhà quay phim gạo cội kiêm đạo diễn như Nguyễn Khánh Dư lựa chọn một tay máy trẻ hợp tác với mình?

+ Được cộng tác với một người nổi tiếng như Nguyễn Khánh Dư là một vinh dự lớn cho tôi. Tôi không rõ lắm lý do nào mình được chọn, có thể vì lúc đó tôi là quay phim của xưởng phim thanh thiếu niên mà "Sự tích dã tràng" là một phim dành cho thiếu nhi, song tôi thấy ông rất thoải mái và tin tưởng khi hợp tác với tôi. Năm đó tôi cũng không còn quá trẻ nữa, tôi đã 30 tuổi, cũng là lúc bắt đầu vững vàng rồi.

- Đến nay, anh đã thực hiện quay hơn 20 phim truyện nhựa với đủ các dạng đề tài từ phim chiến tranh, phim tâm lý xã hội đến phim kinh dị. Với anh, bộ phim nào khiến anh cảm thấy mình phải đối mặt với nhiều thách thức nhất?

+ Thực ra, mỗi bộ phim với tôi luôn là một thách thức mới. Nó trở nên khác nhau là bởi được làm ở những thời điểm khác nhau, trên nền tảng công nghệ và giá trị tài chính khác nhau nên những thách thức cũng khác nhau. Tôi cũng nói thêm rằng, chưa có ở đâu mà quá trình làm phim gánh nặng trách nhiệm lại đè lên vai người quay phim nhiều như ở Việt Nam. Đó là vì hệ thống thiết bị, công nghệ và cả con người hỗ trợ cho người quay phim chính ở Việt Nam rất ít ỏi, người ta vẫn quen với việc chỉ "một người, 1 máy" là có thể làm được phim, trong khi ở nước ngoài con số này ít nhất gấp cả chục lần.

- Người quay phim luôn là người đứng ở những vị trí "đầu sóng ngọn gió", đặc biệt trong việc quay các bộ phim chiến tranh, người quay phim thường phải ở những vị trí rất nguy hiểm. Với những phim về đề tài chiến tranh mà anh đã làm, đã có khi nào anh gặp phải những mối nguy hiểm cận kề?

+ Nói chung, việc làm phim chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn rất thủ công và nhiều nguy hiểm, nhất là trong việc thực hiện các cảnh quay liên quan tới việc tạo hiệu ứng hình ảnh khi bắn súng, lửa cháy, bom nổ... Năm 1997, khi chấp nhận làm phim "Ngã ba Đồng Lộc" ngay tại địa danh lịch sử này đã là một nguy hiểm rồi, vì dưới lòng đất vẫn có thể còn nhiều bom mìn chưa phát nổ. Song vì các lý do lịch sử, tâm linh mà đoàn làm phim vẫn quyết định quay ngay tại đây với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng công binh. Trong các phim như "Những người viết huyền thoại" hay phim truyền hình "Đường lên Điện Biên"... khi tạo hiện trường các cảnh bom nổ chúng tôi đều phải chôn dưới đó các vật liệu như bánh mì, xốp... để khi quả nổ tung lên sẽ đỡ ảnh hưởng tới diễn viên, người quay, song cũng nhiều khi vẫn bị đất đá văng vào mặt, vào người là chuyện bình thường. Cũng may là chưa có tai nạn nào đáng tiếc xảy ra.

- Trong số những phim anh đã làm có "Thung lũng hoang vắng" và "Tâm hồn mẹ" của nữ đạo diễn Nhuệ Giang. Làm việc với một trong số không nhiều nữ đạo diễn điện ảnh của Việt Nam, anh thấy có điều gì khác biệt so với khi làm việc với các đồng nghiệp nam không?

+ Là đạo diễn, theo tôi phẩm chất hàng đầu là sự quyết liệt. Đạo diễn Nhuệ Giang là nữ giới, nhưng chị ấy cũng là người rất quyết liệt, chị ấy đi đến tận cùng, làm đến tận cùng điều mình mong muốn, tâm huyết. Với đạo diễn Nhuệ Giang, điều đặc biệt với tôi có lẽ nằm trong các đề tài mà chị ấy đã chọn. Đó là sự chia sẻ, đồng cảm rất lớn đối với phụ nữ và trẻ em. "Thung lũng hoang vắng" là một bộ phim rất thú vị. Nhiều năm nay, cứ dịp 20-11 là Đài truyền hình các tỉnh lại chiếu lại phim này như một sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với các cô giáo ở vùng cao.

- Với anh, chắc hẳn trong quá trình làm "Thung lũng hoang vắng" có nhiều kỷ niệm, nhiều trải nghiệm độc đáo?

+ Bạn hãy tưởng tượng mình đang ở trong một thung lũng vào một buổi sáng sớm hay lúc chiều tà, khi sương mù tràn ngập thung lũng đó. Khi những đứa trẻ người dân tộc tan học, chúng chỉ đi khoảng 10 mét thôi, hình của chúng đã ẩn vào trong sương mù, không còn nhìn thấy nữa. Nhưng tiếng bước chân, tiếng cười đùa thì còn vẳng mãi đến cùng với tiếng suối róc rách, tiếng chim rừng, tiếng lục lạc, tiếng cối giã gạo... Âm thanh không song hành với hình ảnh ấy luôn tạo ra một sự kích thích đặc biệt khiến người nghe tò mò xem cái âm thanh ấy phát ra từ đâu, trốn ở chỗ nào. Những âm thanh ấy gợi nên sự chia sẻ, cảm thông, đồng thời nó cũng tạo nên sự cô đơn kinh khủng. Giữa biển mây, con người trở nên quá nhỏ bé, bởi cứ bước ra khỏi nhà là chìm vào mây. Theo tôi "Thung lũng hoang vắng" là một bộ phim không thể nào quên đối với những ai đã từng tham gia làm phim này.

- Xin cảm ơn NSƯT Lý Thái Dũng!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.