NSƯT Khánh Hòa: Giấc mơ "vượt Trường Sơn" giữa thời bình

Thứ Sáu, 19/08/2016, 16:15
Nhiều người nói Khánh Hòa khác người vì những câu chuyện chị chia sẻ có phần xa lạ, thậm chí lạc lõng trong thị trường âm nhạc hiện nay, khi mà mọi người đang chạy theo sự nổi tiếng, những hào quang. Còn tôi, nghe Khánh Hòa hát, nhìn cách dấn thân của chị trong một tình yêu không điều kiện với âm nhạc, với bộ đội, tôi chợt liên tưởng tới thế hệ ca sĩ ngày xưa, mang tiếng hát vượt Trường Sơn, đến nhà máy, hát cho đồng bào tôi nghe. Một thế hệ nghệ sĩ với trách nhiệm công dân, gắn bó với đời sống như hơi thở.


1.Khánh Hòa say mê kể cho tôi về những chuyến đi, gia tài lớn nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của chị. Những chuyến đi mang lại cho chị cảm xúc và trải nghiệm để hát. Trong thời buổi mà dường như ai cũng "chọn việc nhẹ nhàng" thì sự dấn thân của Khánh Hòa gần như là cá biệt, thậm chí nhiều người bảo chị "hâm". Nhưng chị tự nguyện lựa chọn nó bằng tình yêu, bằng sự dấn thân của chính mình. Đó là chuyến đi đến với Trường Sa năm 2009.

Khánh hòa nói, chị có một tình yêu đặc biệt với người lính mà vì tình yêu đó, chị sẵn sàng xách ba lô lên và đi Trường Sa, say sóng nằm bẹp trên boong tàu cả mấy ngày  lênh đênh trên biển. Sụt 4kg. Thế nhưng, ra đến đảo, gặp bộ đội, tinh thần của chị như được xốc lại, quên hết mỏi mệt. Chị hát một mạch 10 bài tặng bộ đội. Với Khánh Hòa, chuyến đi đó như "cá gặp nước".

NSƯT Khánh Hòa.

Giữa Trường Sa mênh mông sóng nước, chị thấy mình bé nhỏ, bé nhỏ cả trước sự hy sinh của những con người đang sống và làm việc ở đây. Khánh Hòa tâm sự: "Tôi hiểu rằng, mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi, chỉ muốn sống cho ý nghĩa, muốn sau này trở về cát bụi, những sản phẩm tinh thần của mình sẽ ở lại với bộ đội, với người dân và có thể mang lại niềm vui cho một ai đó, trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc đời".

Khánh Hòa nhớ mãi cảm giác đứng giữa Trường Sa và cất tiếng hát cho các chiến sĩ nghe. Cảm giác đó với chị thiêng liêng lắm. Và cũng lúc đó, chị hiểu rằng, mình có một duyên nợ nào đó với bộ đội. Nếu không làm ca sĩ, Khánh Hòa đã chọn con đường binh nghiệp. Năm 2010, chị lại xin phép quay trở lại Trường Sa để hát cho bộ đội nghe.

Có người hỏi Khánh Hòa, chắc ra Trường Sa hát được trả cát xê cao lắm. Chị chỉ cười: "Tôi chọn con đường này đơn giản vì tình yêu và mối duyên đưa tôi đến với Trường Sa. Tôi thấy mình quá bé nhỏ trước sự hy sinh của những con người nơi đây". Một album về Trường Sa được ấp ủ.

Năm 2012, Khánh Hòa cùng đoàn làm phim quay trở lại mảnh đất này để thực hiện Album về Trường Sa. Nếu ai đã từng đi quay phim, lại quay phim ở Trường Sa mới hiểu được những vất vả, cực nhọc của người làm nghề. Mất hai năm trời ấp ủ, Album "Gần lắm Trường Sa" mới hoàn thành.  Album được thực hiện trong vòng gần 1 tháng trời, Khánh Hòa và đoàn làm phim đã có những ngày quay tại Vùng 4 Hải quân, Quân cảng Cam Ranh, Nha Trang, Mũi Né Phan Thiết, Cảng Cát Lái và các đảo ở Quần đảo Trường Sa.

Chỉ vỏn vẹn 15 ngày trên đảo, đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết, và thời gian eo hẹp, lịch làm việc lúc nào cũng từ 2, 3 h sáng. Có những lúc chị lịm đi vì nắng nóng, vì lịch làm việc quá dày đặc, nhưng tình yêu đã giúp chị vượt qua tất cả. Thậm chí Khánh Hòa còn tranh thủ khoảng nghỉ hiếm hoi để hát cho bộ đội nghe. Chị nói, có lẽ tình yêu đã cho chị sức mạnh. 

Nhiều người bảo sao chị phải cầu kỳ đến thế, chỉ cần hát những bài hát về Trường Sa là được. Sao phải lặn lội ra tận nơi. Nhưng với Khánh Hòa, dù làm bất cứ việc gì cũng phải tận tâm với nó. Chị muốn được sống, được tắm mình trong không khí của con người, của tình yêu ở mảnh đất đặc biệt này. Và chính sự cầu thị, chính tâm thế làm nghề đó đã giúp chị vượt qua những khó khăn về điều kiện sống để có những thước phim ca nhạc đặc biệt về Trường Sa.

2. Nghe Khánh Hòa hát, tôi chợt nghĩ đến đời sống ồn ào ngoài kia. Chị, như con tằm rút ruột nhả tơ, lặng lẽ, khiêm nhường. Nhìn một góc nào đó, mọi người sẽ nghĩ rằng Khánh Hòa lạc thời. Nhưng không, chị đang đi đúng hướng của trái tim mình. Chị ám ảnh bởi những nghệ sĩ ngày xưa, thế hệ của những nghệ sĩ xẻ dọc Trường Sơn, mang tiếng hát của mình vượt qua mưa bom, bão đạn, hát cho bộ đội nghe. Rồi một thế hệ, mang tiếng hát đến nhà máy, công trường, hát cho người lao động. 

Khánh Hòa làm nghề với tâm thế đó, được dấn thân, được cống hiến và được mang tiếng hát say mê của mình đến với mọi người, những con người ở khắp mọi miền đất nước. Với chị, hạnh phúc của người nghệ sĩ không phải là sự lộng lẫy trên ánh đèn sân khấu, trong những bộ váy áo rực rỡ. Hạnh phúc đối với chị là được hát, được mang tiếng hát của mình phục vụ bộ đội.

Nếu ai đã từng nghe Khánh Hòa hát, mới hiểu được những ân tình chứa đựng trong từng bài hát của chị. Những ân tình ấy đã vượt ra khỏi sự điêu luyện của kỹ thuật, chỉ còn lại cảm xúc. Và tôi tin, cứ mộc mạc, chân tình như thế, những bài hát của Khánh Hòa sẽ chạm tới trái tim người nghe, đặc biệt là những người lính.

Khánh Hòa hát tặng họ bằng chính những trải nghiệm của chị, bằng sự thấu hiểu và tình yêu của chị với những người lính. Năm 2016, Khánh Hòa quyết định làm một album về miền núi. Năm 2014, chị xin lên thâm nhập thực tế ở vùng miền núi phía Bắc. Nhiều người thắc mắc, việc của ca sĩ là hát thôi, tại sao cứ phải đi thực tế.

Nhưng với Khánh Hòa, không thể hát bằng những cảm xúc vay mượn. Chị muốn đến đó, cảm nhận đời sống của bộ đội, những khó khăn vất vả của các chiến sĩ, của đồng bào nơi đó, cảm nhận tình quân dân… mới có cảm xúc để hát. Chị bỏ hết show ở Hà Nội, đi thực tế vùng biên cương, để sống và để cảm xúc của mình ngấm trong từng bài hát.

Bìa đĩa nhạc của NSƯT Khánh Hòa.

"Để đi đến hành trình này, tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thậm chí cả những chông gai. Nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ rằng, cứ đi rồi sẽ đến. Mệt sẽ dừng lại nghỉ và bước tiếp. Đôi khi nhìn lại hành trình của mình tôi cảm giác như một giấc mơ".

Vâng, chỉ có thể là giấc mơ mới đưa cô bé Khánh Hòa từ vùng núi của Thanh Hóa ra tận Hà Nội. Khánh Hòa kể, chị yêu ca hát từ bé. Chị lớn lên trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa, việc học âm nhạc là một điều xa xỉ. Khánh Hòa hát bằng bản năng, bằng đam mê của mình. Nhưng trong tâm hồn cô bé ấy vẫn luôn nuôi dưỡng khát vọng được ra Hà Nội, được bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. 

Khánh Hòa ra Hà Nội, nhưng tấm giấy thông hành đầu tiên của chị không phải vào nhạc viện mà là lấy chồng và sinh con. Nhiều người nghĩ rằng, chị đã yên phận đàn bà với gia đình, con cái. Nhưng giấc mơ vào Nhạc viện vẫn thôi thúc chị. Khi con đủ lớn, chị mới bước chân vào nhạc viện để bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình, học làm nghề một cách bài bản.

Phải có một tình yêu đến độ nào Khánh Hòa mới vượt qua được những trở ngại về tuổi tác, gia đình để bắt đầu sự nghiệp của mình. Tốt nghiệp nhạc viện, chị đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Và cứ thế, Khánh Hòa mải mê với những đam mê của mình.

"Nghệ thuật như mưa dầm thấm lâu, không thể bắt mọi người thích ngay một bài hát mà phải làm việc, phải lao động thực sự. Những gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim, đó là con đường ngắn nhất để chinh phục khán giả. Mình hãy luôn là mình, không chạy theo điều gì cả, sự nổi tiếng hay ngôi sao cũng chỉ là hào quang nhất thời mà thôi, điều còn lại là tiếng hát, có chạm đến cảm xúc mọi người".

Và trong mạch chảy xô bồ của đời sống, Khánh Hòa đã chọn cho mình một lối đi riêng, bằng sự lao động, bằng niềm đam mê và bằng cả tình yêu của chị. Nghe Khánh Hòa hát, xem Khánh Hòa xuất hiện trong các MV của mình, mới thấy sự cầu toàn, lỹ lưỡng của chị. Khánh Hòa tự tay chuẩn bị những bộ trang phục cho mình.

Lên tận Lùng Tám ở Hà Giang - một làng thuê dệt quần áo truyền thống để chọn những bộ trang phục đẹp nhất. Tiền đi hát sự kiện, lễ hội, Khánh Hòa gom góp làm đĩa, để thỏa mãn đam mê của mình. Nhưng Khánh Hòa may mắn hơn nhiều nghệ sĩ, khi các Album của chị được phát hành rộng rãi trong toàn quân.

Khánh Hòa say sưa nói về bộ đội, về những chuyến đi, những chuyến đi chưa bao giờ dừng lại trong cuộc đời làm nghề gần 20 năm của chị. Nhưng sau những chuyến đi của chị có bóng dáng của một người chồng, lặng lẽ ủng hộ, hiểu và chia sẻ với chị. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

Chị nói, chị là người may mắn, vì sau mỗi chuyến đi, chị luôn có một mái ấm để trở về, để tâm hồn nghệ sĩ ấy không bị lạc lõng trong đời sống hôm nay. Và chị, như  con chim họa mi, sẽ cất tiếng hát của mình, tự do, phiêu lãng giữa đất trời, giữa núi rừng, giữa biển cả. Hát cho tình yêu chưa bao giờ vơi trong trái tim chị…

Phan Nguyễn
.
.