NSƯT Diệu Hương: Người "giữ" di sản ca Huế ở Hà Nội

Thứ Sáu, 09/02/2018, 09:02
Ngày cuối năm Đinh Dậu, trong cái rét ngọt bao phủ Hà Nội, NSƯT Diệu Hương mở một tiệc nhỏ tri ân bạn bè và người hâm mộ để giới thiệu với khán giả album ca Huế chị vừa ra mắt. Trong khán phòng nhỏ ấm cúng tận tầng 19 phố Lý Thường Kiệt, những thức điệu ca Huế cổ trong album "Mười thương" của chị đã vang lên... 


Những điệu hát kinh điển làm nên thương hiệu... ca Huế trong kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam như "Cổ bản", "Lý tử vi", "Phẩm tuyết" đã đánh thức họ trở về một miền xa thẳm với lối hát và ca từ vừa sang trọng, vừa lịch lãm, vừa da diết sâu lắng. Diệu Hương hát ca Huế hay đến nỗi nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long phải thốt lên: "Giọng hát của em đã đủ đưa em lên vị trí là người giữ gìn di sản ca Huế giữa lòng Hà Nội".

Đây là album thứ hai, cũng là sự nỗ lực bứt phá đến cùng với tình yêu ca Huế của NSƯT Diệu Hương ra mắt khán giả mộ điệu nhạc cổ truyền ở Hà Nội kể từ khi chị lạc bước một mình ra Hà Nội năm 2010. 7 năm, một quãng thời gian không ngắn nhưng cũng không hề dài đối với những dự án nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động cật lực và đặt cả trái tim mình trong sự tận hiến.

Với Diệu Hương, 7 năm ra Hà Nội một mình với con nhỏ, không có bờ vai đàn ông bên cạnh để nương tựa là xâu chuỗi những khó khăn nhọc nhằn của người đàn bà trót đam mê nghiệp hát. Album thứ nhất là "Mười yêu xứ Huế" chị ra mắt năm 2016. Và trong tình yêu của khán giả với ca Huế chị hát, những ngày tháng đầu tiên của năm 2018, khi cái Tết Mậu Tuất đang đến gần, chị lại chào xuân mới với album ca Huế "Mười thương".

Diệu Hương sinh ra không phải để hát ca Huế. Nửa đời chị lận đận với những bản tình ca trong trẻo, hay những bản nhạc mới vui nhộn như tâm hồn thuần khiết và nhan sắc "tiên nữ giáng trần" của cô gái Quảng Trị chân chất mộc mạc.

Và trong những ngã rẽ, những khúc quanh của số phận, trong những được mất của đời người phụ nữ hồng nhan mà đa truân, ca Huế đã lựa chị, đã chọn chị, đã trao cho chị cái vương miện gai góc mà cũng vô cùng đẹp đẽ này. Tôi cứ nghĩ, trong cuộc dạt trôi đó, tổ nghiệp đã dẫn chị đi đúng đường, đặt chị trong lâu đài âm nhạc một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam, và trao cho chị một sứ mệnh thiêng liêng là giữ trong khu vườn âm nhạc vàng son một thuở dòng ca Huế cổ truyền quý giá của dân tộc.

Trong cuộc lột xác thần kỳ (nguyên là ca sĩ của dòng nhạc mới, trở thành giảng viên thanh nhạc của Học viện âm nhạc Huế, khi ra Hà Nội, có một cơ hội về Đài Tiếng nói Việt Nam để hát chuyên về ca Huế), Diệu Hương đã nắm bắt thật chắc cơ hội chị có được trong tay. Học hát, tìm hát như ngậm ngải tìm trầm, đắm say với hát như con tằm nhả tơ.

Giờ đây Diệu Hương đã nghiễm nhiên trở thành ca sĩ hát giọng Huế ở Đài Tiếng nói Việt Nam và phụ trách luôn dòng nhạc ca Huế trong chương trình "Ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam". Cũng trong 7 năm chính thức định cư ở Hà Nội và cũng là định danh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, chị vinh dự được nhận danh hiệu NSƯT vào năm 2012 vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật dân tộc.

Một người phụ nữ đẹp như Hương, đầy đặn cả thanh lẫn sắc, với dung nhan và tài năng ấy, Hương có thể chọn một con đường khác để gia nhập thế giới showbiz nhanh hơn, nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng Hương đã trụ lại với ca Huế. Một lựa chọn khó cho làm nghề bởi ca Huế là dòng nhạc khó hát và kén chọn người hát.

Ca sĩ muốn hát được ca Huế, ngoài giọng hát thiên phú còn phải có trình độ về kỹ thuật thanh nhạc cao, cách xử lý âm điệu và nhả chữ điêu luyện, đúng nhịp đúng phách. Và quan trọng hơn nữa là ca sĩ phải tìm học hát ca Huế từ những nghệ nhân nổi tiếng trong dòng nhạc này để lấy kinh nghiệm. Không phải ngẫu nhiên mà người ta xếp ca Huế là dòng nhạc sang trọng, cao cấp.

Khác với nét lẳng của dòng nhạc hát ả đào, chất ngất nỗi sầu bi như chầu văn, hay đa tình như dân ca quan họ Bắc Ninh, ca Huế sang trọng, mực thước. Đắm say, da diết đấy nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là cách hát chừng mực kiêu sa... và hấp dẫn cả khách nghe lẫn người hát bởi ý thơ và lời nhạc quyện vào nhau, hòa tan vào nhau đến nỗi không thể thay thế và tách rời.

Ca Huế càng hát càng say, càng ngấm âm nhạc cho đến lời ca. Muốn hát được ca Huế đi vào lòng người, người nghệ sĩ hát bằng trái tim, bằng chính tâm hồn và sự trải nghiệm của họ.

Để hát được ca Huế, rồi tiến tới phụ trách dòng nhạc này tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trên nền cơ bản là giảng viên thanh nhạc, Diệu Hương có lợi thế là người miền Trung, sinh ra và lớn lên trong cái nôi âm nhạc của Bình - Trị - Thiên một thời.

Từ nhỏ đã được tắm trong những làn điệu ca Huế, dân ca Bình - Trị - Thiên. Lớn lên trong đội văn hóa tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Diệu Hương có may mắn đi nhiều trải nghiệm nhiều ở mọi vùng quê trên đất Bình - Trị - Thiên khói lửa. Tuổi trẻ xông xáo, năng động và nhiều nhiệt huyết, cùng những trải nghiệm nghề quý giá từ những nghệ sĩ đi trước, Diệu Hương tích lũy nhiều kiến thức về âm nhạc dân ca cho mình.

Thế nên khi có điều kiện, tiếp cận với ca Huế, Hương đã mày mò vào Huế tìm gặp các nghệ nhân của dòng nhạc này để học hỏi, trò chuyện, tìm hiểu và thưởng thức cách hát của các nghệ nhân. Đạt được danh hiệu NSƯT, mang được giọng hát đặc biệt của mình tới khán giả khắp nơi trên cả nước, Diệu Hương cũng đã trải qua bao nhọc nhằn vất vả của sự nghiệp học hành.

Ngoài học ở thực tế, ở trường đời, học từ những nghệ sĩ đi trước, chị còn chính thức theo học ở Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Hà Nội, rồi tiếp tục học lên thạc sĩ ở Học viện Âm nhạc Việt Nam. 

Tôi biết Diệu Hương ngày chị mới ra Hà Nội, hai mẹ con chị còn ở trong khu kí túc xá của Học viện Âm nhạc Việt Nam. Ngày đó, chị còn chưa tìm được cho mình một chốn nhỏ bình yên đủ cho hai mẹ con chị giữa Hà Nội bộn bề đông đúc. Rất nhiều lần làm việc cùng Hương, nói chuyện và nghe Hương hát, tôi cứ tự hỏi vì sao một người đàn bà đẹp đến thế, một nhan sắc vừa hiện đại, vừa đậm nét cổ truyền với cổ kiêu ba ngấn, làn da trắng nõn nà, thần thái vừa sang trọng, vừa rực rỡ thế mà đời riêng lại lận đận truân chuyên. Không biết có phải ông trời vẫn thường vận nét long đong truân chuyên vào những phận má hồng để thử thách lòng can đảm, bản lĩnh của họ?

Nhiều lúc nhìn thấy Hương một nách hai con nhỏ, một chiếc xe đạp điện đi lại như con thoi giữa lòng Hà Nội để hát. Hay bỏ lại hai đứa con cho mẹ ruột để một mình khăn gói lên đường cho những chuyến đi lưu diễn xa, thấy trào lên một nỗi thương. Diệu Hương như người đàn bà ngậm nỗi buồn vào trong để hát. Lên sân khấu chị rực rỡ như một đóa sen hồng, lộng lẫy kiêu sa đấy, cất tiếng hát chứa chan đấy mà sao cảm giác vẫn lặng lẽ với nỗi cô đơn toát ra.

Cô đơn nhưng không buồn lụy, đấy mới là tính cách của Diệu Hương. Luôn can đảm, mạnh mẽ, và chọn một lối sống thảnh thơi bên dòng đời xô bồ cuộn chảy kia. Nếu không bận đi diễn, chị lại chơi thể thao với món yêu thích nhất là bóng bàn. Chơi thể thao cũng là niềm đam mê của Hương, thể thao giúp chị trẻ hơn, phóng khoáng, rắn rỏi hơn, và cũng lạc quan yêu đời hơn. 

Không bận diễn xa, tối tối chị lại lên câu lạc bộ xẩm Hà Thành để hát theo lời mời của các nghệ nhân ở đây. Ở đó, trong một không gian đặc biệt của Hà Nội là phố đi bộ bên Hồ Gươm, chị bước lên sân khấu ở tượng đài Lý Thái Tổ hát cho mọi người nghe. Khi xưa, âm nhạc Huế chỉ để dành cho vua, chúa thưởng thức. Giờ đây, trong một không gian vừa thơ mộng, vừa cổ kính ở giữa lòng Hà Nội, bên tượng đài Lý Thái Tổ, Chùa Một Cột, và mặt hồ gươm xanh biếc, chị hát cho tất cả những ai đang thong thả dạo bước bên hồ nghe.

Chị hát vì tình yêu đam mê với ca Huế, hát để giữ gìn di sản ca Huế giữa lòng Hà Nội. Hát để đánh thức những miền yêu thương xưa cũ vọng về trong tiềm thức mỗi con người. Hát ở đây chị gặp được những khán giả dễ thương, họ là những cụ già, thậm chí họ từng là nghệ sĩ, nghệ nhân của một thời, giờ nương theo giọng hát của chị để cay xè mắt nhớ ký ức vàng son một thuở. Họ là những người ngoại quốc lần đầu đến Việt Nam, hay đã từng dừng chân rất nhiều lần bên phố đi bộ Hồ Gươm, dừng bước lắng nghe những điệu thức ca Huế lay động hồn người.

Nghệ sĩ Diệu Hương sinh năm 1977 tại Quảng Trị. Chị hoạt động nghệ thuật từ năm 1995 tại Đoàn nghệ thuật Quảng Trị. Trong 7 năm liền tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ Diệu Hương đoạt 4 huy chương vàng. Năm 2001 giành được giải ca sĩ trẻ trong chương trình Sao Mai.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hệ thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Việt Nam, chị chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam công tác.  Sau 15 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Diệu Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT tháng 5 năm 2012 vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật dân tộc.
Như Bình
.
.