NSƯT Bùi Cường: Gã Chí Phèo may mắn

Thứ Năm, 17/06/2010, 14:52
Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm từng nói rằng, gặp gỡ Bùi Cường, ngồi trò chuyện với ông, ít khi chúng ta phải buồn. Có lẽ, điều khiến Bùi Cường, dù ở tuổi 62, vẫn hóm hỉnh trẻ trung chính là cách ông biết nắm bắt tâm lý người đối diện để cùng lắng nghe và chuyện trò.

Ông được khán giả biết đến với vai diễn Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", vai diễn đã mang lại cho ông Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983), Huy chương Vàng dành cho đạo diễn (phim "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" - năm 2004), Giải Nhất phim đầu tay của Hội Điện ảnh Việt Nam (năm 1996) với phim "Người đàn bà không con"...

Con đường đến với điện ảnh của Bùi Cường ngỡ như rất ngẫu nhiên nhưng lại thật "hợp lý". Tốt nghiệp phổ thông, Bùi Cường học Trung cấp Kỹ thuật Điện rồi về làm việc ở Xí nghiệp Điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông đã tham gia Đội kịch Công nhân thành phố và đã từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn "Anh Tư".

Hồi đó, có một đạo diễn đàn anh đã từng khuyên Bùi Cường: "Cậu có năng khiếu đấy, cậu nên đi diễn chuyên nghiệp". Câu nói khích lệ ấy rồi cũng bị rơi vào quên lãng, nếu không có một ngày, một người bạn quen đến nhờ ông viết hộ tiểu phẩm để dự thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh. Ông nghĩ bụng, tại sao mình không thử nhỉ? Hồi đó, Bùi Cường đã bước vào tuổi 25, cái tuổi không còn trẻ để bắt đầu học đại học. Đắn đo mãi, đến ngày cuối cùng, ông mới nhờ người yêu (là vợ ông bây giờ) đi nộp hồ sơ hộ.

Bùi Cường vẫn nhớ, ông diễn vở kịch "Dạy em". Trong Ban Giám khảo có đạo diễn Phạm Văn Khoa (sau này chính là người đã mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo), ông đã thử phản xạ tình huống: Khi Bùi Cường đang "dạy em" dọn dẹp nhà cửa, thì có một tiếng gọi "Cường ơi!", như một thói quen, Bùi Cường trả lời: "Ơi, chờ tao tí!", rồi quay sang cậu em bảo: "Thấy chưa, anh chưa kịp ăn cơm tối, bạn anh đã gọi đi làm ca rồi, vậy mà em không chịu giúp đỡ anh chăm lo nhà cửa…". Sau này, Bùi Cường mới "chột dạ" nghĩ, hồi đó, có lẽ do may mắn ông mới đỗ, chứ chẳng ai lại xưng hô với các thầy giáo trong Ban Giám khảo là "mày tao" như thế!

Nghệ sĩ Bùi Cường và nghệ sĩ Đức Lưu trong vai Chí Phèo và Thị Nở (phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Bùi Cường trúng tuyển vào lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 cùng các diễn viên sau này là những tên tuổi nổi bật của điện ảnh Việt Nam như Vũ Đình Thân, Thanh Quý, Minh Châu, Phương Thanh… Bùi Cường tốt nghiệp xong được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Cũng từ đó, ông bắt đầu con đường điện ảnh của mình với những thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt, với vai diễn Chí Phèo, Bùi Cường đã "đóng đinh" dấu ấn của mình vào tâm trí khán giả.

Ông kể lại: "Một buổi sáng, đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa gọi tôi đến bảo: "Cường này, mình đang làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", phim chuyển thể từ 3 tác phẩm "Sống mòn", "Lão Hạc" và "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, mình muốn mời Cường vào vai Chí Phèo, Cường thử nhé!". Tôi vừa mừng vừa lo khi nhận lời đạo diễn Phạm Văn Khoa.

Mấy ngày sau đó, tôi và chị Đức Lưu (người vào vai Thị Nở) cùng nhau đến gặp nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên. Ban đầu, khi tôi hóa trang với một cái mặt đầy vết sẹo nham nhở, thể hiện dấu tích còn lại của anh Chí khi hành nghề đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ nhưng anh Nguyên góp ý, nên để ít sẹo thôi, đặc biệt phải có một vết sẹo cắt từ trên lông mày qua mắt xuống tận gò má. Hồi ấy, đồ hóa trang chưa có nhiều như bây giờ nên người hóa trang phải đến bệnh viện xin keo dính tạo sẹo ở mắt, còn chị Đức Lưu sang Bệnh viện Việt - Đức để làm răng giả.

Hôm diễn thử, hóa trang xong, tôi vào cơ quan. Đang đi thì anh bảo vệ quát: "Thằng kia, mày đi đâu đấy, ra khỏi đây ngay!". Lúc đó, tôi ú ớ bảo: "Ơ… Cường đây mà!". Anh bảo vệ ra tận nơi nhìn tôi từ đầu tới chân với vẻ mặt kinh hãi rồi bảo: "Mày vào vai gì mà rách rưới, xấu xí như thằng dở người!". Tôi hý hửng vào trường quay và mừng thầm trong bụng vì anh bảo vệ là người quen mặt hàng ngày còn không nhận ra, có nghĩa là mình đã hóa trang thành công".

Bùi Cường cho biết, khi vào vai Chí Phèo, một phần thành công là nhờ ông tìm được cho Chí Phèo một dáng đi say rượu "không giống ai" cùng một tiếng cười "chó hóc xương" không trộn lẫn. Đặc biệt, chính Bùi Cường đã xin phép đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa để anh Chí được hát một giai điệu sau đêm hoan lạc với Thị Nở.

Đạo diễn Phạm Văn Khoa từng phân vân rằng, người ta chỉ quen nghe Chí chửi, chứ mấy ai nghĩ Chí biết hát. Bùi Cường kể: "Tôi rất biết ơn bà bảo mẫu của các con tôi, bởi vì tôi đã lấy câu đồng dao mà hàng đêm bà vẫn ru con gái tôi ngủ, một giai điệu "chả đâu vào với đâu" cả: "Tính tính, tang tang/ Anh đang đãi tép/ Anh thấy cô mình đẹp/ Anh đổ tép đi/ Anh thấy cô mình đi/ Anh xúc tép lại…". Không ngờ, câu hát này được gán vào cái miệng say khật khưỡng của Chí Phèo lại hợp vô cùng".

Tuy nhiên, để có được một vai diễn "để đời", Bùi Cường đã nhiều lần phải tập uống rượu đến… say xỉn. Đặc biệt, cảnh quay khó nhất đối với Bùi Cường chính là lúc Chí Phèo nhìn thấy Thị Nở nằm tênh hênh ở vườn chuối. Sự vô ý của Thị đã khiến lòng Chí… rạo rực. Bùi Cường kể lại: "Đạo diễn đã phải thuê một người mẫu đóng thế cho nghệ sĩ Đức Lưu trong cảnh Chí Phèo sờ vào bộ ngực "tơ hơ" của Thị Nở trong đêm trăng ở vườn chuối. "Đúp" đầu tiên, khi đạo diễn hô "bắt đầu" thì tôi "chộp" ngay vào ngực Thị Nở. Đạo diễn "mắng" tôi: "Chưa để khán giả thấy cái đẹp của cô thôn nữ Thị Nở, cậu đã vội "chộp" rồi!". Tôi ngượng chín cả mặt. Đến "đúp" thứ hai, rút kinh nghiệm lần trước vội quá, thì lần này anh quay phim lại "ngán ngẩm" bảo tôi: "Ngắm" gì mà lâu quá vậy!".

Đến "đúp" cuối cùng thì tôi đành "cầu cứu": "Lúc nào thấy Chí nên chộp lấy ngực Thị thì các anh hô cho một tiếng, chứ tình trạng này, tôi tin là anh Chí cũng không đủ tỉnh táo để "diễn" nữa rồi!". Cả đoàn làm phim và dân tình xung quanh được một trận cười… vỡ bụng. Anh em trong đoàn sau này đùa bảo rằng, tôi cố tình diễn dở cảnh ấy (để được diễn… nhiều lần), nhưng quả thật, có những chi tiết dù nhỏ nhưng nếu không cẩn trọng, người diễn viên có thể làm hỏng bộ phim với công sức của tập thể trong nhiều ngày trời".

Sau thành công của một loạt vai diễn tiếp theo như Trần Tuấn trong phim "Phút thứ 89", Trần Quân trong phim "Kẻ giết người", Mộc trong phim "Không có đường chân trời", Năm Hòa trong phim "Biệt động Sài Gòn"… NSƯT Bùi Cường "lấn sân" sang lĩnh vực đạo diễn và ngay từ phim truyện video hài đầu tay "Người hùng râu quặp", thành công đã mỉm cười với ông. Qua bộ phim này, Bùi Cường đã có công góp phần đưa tên tuổi Minh Vượng trở thành một trong những vai nữ hài ăn khách trên phim trường Việt Nam.

Bùi Cường nhớ lại: "Tôi mời Minh Vượng vào vai nữ chính, đây cũng là lần đầu tiên chị xuất hiện trên màn ảnh trong thể loại hài. Minh Vượng vào vai bà vợ béo nhưng khi ấy chị còn "thanh mảnh" đến nỗi, đoàn làm phim phải "chế tạo" thêm các phụ tùng để chị độn cho thêm phần đẫy đà. Những năm 90, "Anh hùng râu quặp" trở thành một trong những phim ăn khách nhất. Có lần Minh Vượng đến gặp tôi còn nói: "Mừng quá anh ạ, ra chợ bà bán rau nhận ra mình còn không lấy tiền!".

Tuy làm nhiều phim, nhưng có lẽ đến bộ phim dài tập "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", tên tuổi của đạo diễn Bùi Cường mới thực sự có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Đó là một cửa ải nhọc nhằn mà phải "bạc cả tóc" - như lời Bùi Cường nói, ông mới đạt đến sự thành công. Đây là bộ phim lịch sử nên làm phim để vừa giữ được tính chân thực mà vẫn phải hư cấu để "hút khách" không phải là chuyện đơn giản. Cũng may, bên cạnh ông có nhiều cố vấn giỏi nghề nên cuối cùng bộ phim cũng đã lên sóng và thu hút được một lượng khán giả lớn.

Kể về kỷ niệm khi làm phim "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", NSƯT Bùi Cường cho biết: "Khó khăn nhất đối với tôi là đi tìm hai diễn viên đóng hai bà vợ của vị tướng. Tôi đã tìm được diễn viên vào vai bà vợ cả đúng như trong kịch bản thì đến phút cuối, cô diễn viên bận việc và phải "đốt đuốc" tìm người thay thế. Đến bà vợ thứ 2, là một cô người lai nên tôi cũng tìm "mỏi mắt" mới được một diễn viên… không chuyên có ngoại hình giống với nhân vật. Điều khiến tôi ái ngại khi mời một diễn viên không chuyên đóng phim là lúc cần khóc thì có thể cô ấy không nuôi cảm xúc để khóc được, vai diễn sẽ vô hồn. Nhưng, tất cả những lo ngại của tôi cuối cùng đã không xảy ra. Bộ phim đã thành công hơn cả sự mong đợi của chính tôi cũng như cả ê kíp làm phim".

Cho đến nay, thật khó mà liệt kê ra hết các tập phim NSƯT Bùi Cường đã làm. Ông bảo, đời ông, ngoài sự chuyên cần, còn may mắn đủ bề, trong đó cái may lớn nhất là ông có hậu phương vững chắc, một người vợ tảo tần, tháo vát chăm lo đời sống kinh tế, nuôi dạy con cái lớn khôn để ông chuyên tâm cho nghệ thuật...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.