NSƯT Bùi Bài Bình: "Ma làng" giữa phố
Bùi Bài Bình đi vào nghệ thuật thứ 7 với những vai chính diện hiền lành, chân chất trong các bộ phim như "Kén rể", "Bức tường không xây", "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh", "Thị trấn yên tĩnh", "Lấy nhau vì tình", "Mưa dầm ngõ nhỏ", "Ẩn diện thiền cô", "Sơn ca trong thành phố", "Ngày chủ nhật vắng Chúa"... đặc biệt là vai Hòa trong phim nhựa "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhưng gần đây, Bùi Bài Bình diễn rất thành công dạng vai phản diện: một Trưởng thôn trong "Hương đất", một Tòng trong "Ma làng", một Khuếnh trong "Gió làng Kình"... Nói về những thành công trong diễn xuất của mình, Bùi Bài Bình cho rằng, anh là một người yêu công việc, đam mê với nghề và có nhiều cơ hội để thể hiện niềm đam mê đó.
Quán cà phê, cũng là nhà của hai vợ chồng diễn viên Bùi Bài Bình - Ngọc Thu lúc nào cũng đông khách. Dường như cái duyên bán hàng của vợ cộng với sự hóm hỉnh của chồng đã khiến nhiều khách hàng "mát lòng" khi ngồi vừa thưởng thức cà phê, vừa ngắm phố phường và nghe đủ chuyện vui mà Bùi Bài Bình mang về từ hậu trường các bộ phim anh đóng. Không "đểu", không âm mưu như một số vai diễn gần đây của anh trên màn ảnh nhỏ, đời thường của Bùi Bài Bình ngoài những lúc ngồi uống bia giải khát cùng bạn bè ở quán nhậu, là những lúc anh trở về gia đình, bên cạnh người vợ đã đi cùng anh suốt một chặng đường dài và hai cậu con trai lớn phổng phao, giống bố như đúc trong ngôi nhà nhỏ mà chị Ngọc Thu vẫn nói đùa là "tổ chim cu của đôi bạn già"!
Bùi Bài Bình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tốt nghiệp cấp III, anh đi học sửa chữa ôtô ở Công ty Cầu đường Hà Nội. Một hôm, mấy người bạn nghe tin có đoàn tuyển diễn viên bèn rủ nhau đi thi, dù chẳng biết sẽ phải thi những gì. Nhìn mọi người thi trước nên phần nào biết cách diễn tiểu phẩm, đến lượt Bùi Bài Bình, anh vứt cái ví của mình ra giữa sân khấu rồi bắt đầu diễn cảnh có một gã đang vừa đi vừa huýt sáo thì nhìn thấy một chiếc ví của ai bị rơi, mắt bỗng sáng lên, nhặt ví lên nhìn lơ láo xung quanh, rồi giơ ví ra hỏi Ban giám khảo: "Của ông à, của bà à, của cô à…". Không ai nhận, Bùi Bài Bình lén lút nhét ví vào túi quần. Xem xong tiểu phẩm của Bùi Bài Bình, đạo diễn Phạm Văn Khoa khen: "Được, thằng này diễn có cặp mắt rất "gian".
Nghệ sĩ Bùi Bài Bình trong phim "Ma làng". |
Đợt đó, Bùi Bài Bình trúng tuyển vào khóa II của Trường Sân khấu điện ảnh cùng các diễn viên: Thanh Quý, Diệu Thuần, Quốc Trọng, Bùi Cường, Ngọc Thu, Vũ Đình Thân…
Học năm thứ 2, Bùi Bài Bình được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng vai Trác trong phim "Kén rể", một công tử quần loe, tóc dài, suốt ngày cầm đàn ghi ta, đánh đàn, chơi gái. Thời ấy, đàn ông bị cấm không được phép để tóc dài nên Bùi Bài Bình được cấp thẻ chứng nhận được… để tóc dài. Vì có cái thẻ ấy mà Bùi Bài Bình đi đâu cũng rất "oai", thậm chí còn cố tình lượn lờ để "trêu" các đồng chí cờ đỏ. Có hôm anh bị "tóm" thật, nhưng vẫn rất tự tin giơ thẻ chứng nhận nuôi tóc để đóng phim, vậy là được tha.
Dù đóng nhiều phim với tính cách hiền lành, tốt bụng, thân thiện, luôn được yêu quý nhưng cho đến vai Hòa "hâm" trong phim "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì Bùi Bài Bình mới bộc lộ hết được cái "chất" của mình. "Mùa ổi" kể về một ông Hòa đã 53 tuổi nhưng hiền khô, hiền đến mức khiến nhiều người lợi dụng sai bảo ông tất cả những việc không tên trong khu tập thể mà ông không bao giờ khó chịu. Một lần, ông Hòa lần mò tìm đến ngôi nhà của một quan chức cấp cao mà cứ ngỡ đấy là nhà mình. Thực chất căn nhà này trước đây là của gia đình ông Hòa, bản thân ông đã sinh ra và lớn lên ở đó, nhưng nay căn nhà đã qua tay nhiều chủ. Năm 13 tuổi, ông đã bị ngã từ trên cây ổi xuống đất, từ đó trí não không phát triển nữa, trong tâm thức những kỷ niệm về gia đình đầm ấm có mẹ cha, anh chị em, có cây ổi với những quả ổi chín mọng mãi mãi dừng lại lúc ông mới 13 tuổi. Bùi Bài Bình tâm sự rằng, để diễn được vai Hòa, anh đã đi cùng "nguyên mẫu" suốt 3 tháng trời để bắt chước từng hành động, cử chỉ của người đàn ông ấy, kể cả cách ăn mặc, cách cười ngây ngô… Thậm chí gia đình anh và nhân vật thân nhau đến nỗi, kể từ khi bộ phim hoàn thành đến nay, nhân vật ấy ngày nào cũng như ngày nào thường mang mấy bông hoa đến nhà Bùi Bài Bình cắm lên bàn thờ quan thần tài, uống cà phê một mình rồi đi về. Với vai Hòa, Bùi Bài Bình đã đoạt được giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13, góp phần đưa bộ phim "Mùa ổi" đoạt được giải A do Hội điện ảnh Việt Nam trao tặng.
"Mùa ổi" cũng khép lại chặng đường Bùi Bài Bình vào vai một con người "hiền lành, tử tế, tốt bụng". Bốn năm sau đó, anh xuất hiện trở lại trên màn ảnh với một hình ảnh mới: vai Trưởng thôn với tính cách phản diện trong phim "Hương đất" của người bạn đồng môn - đạo diễn Quốc Trọng. Và đến vai Tòng trong "Ma làng", Khuếnh trong "Gió làng Kình" (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), Bùi Bài Bình thực sự "tỏa sáng" với vẻ đáng ghét của cái nhìn đểu cáng, cái nhếch mép xảo quyệt và sự ti tiện của một con quỷ đội lốt người.
Về hành trình làm người "đểu", Bùi Bài Bình kể lại: Khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đưa "Ma làng" cho anh đọc, anh đã mừng rỡ nhận lời, dù không kém phần hồi hộp vì sẽ là một thử thách mới dành cho anh. Nửa năm sau đó, Bùi Bài Bình sống trong tâm trạng của một kẻ xảo quyệt như Tòng. Anh học cách quan sát những kẻ gian manh, thu nhận vào đầu mọi hành động, cử chỉ, lời nói, từ cái liếc mắt gian giảo, những cái nhếch môi đầy mưu mô... Xem phim, nhiều người thừa nhận rằng, Bùi Bài Bình không phải đang diễn mà anh đang sống cuộc sống của một người khác. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã cho anh một mảnh đất rộng để anh được thể hiện khát khao cống hiến cho nghệ thuật. Không ít người xem phim đến quán cà phê gặp Bùi Bài Bình đều phải thốt lên: "Sao anh ác thế?". Cậu con trai bé của Bùi Bài Bình thì giận bố và bảo: "Lần sau bố đừng đóng vai đểu nữa, bạn bè con xem phim ghét bố mà… ghét lây cả con!". Bạn bè, đồng nghiệp ngồi quán bia thì chỉ biết thốt lên: "Trông mày khốn nạn quá, Bình ạ!".
Bùi Bài Bình là người biết "chắt lọc" từ đời sống. Anh khẳng định, chính đời sống này đã là một nguồn tư liệu cho người diễn viên có thể sống với tất cả nhân vật mà màn ảnh cần, khán giả cần. Khi ra đường, hay khi uống bia, uống cà phê, anh thường quan sát, để ý những cử chỉ, dáng điệu, cách nói năng, đi đứng của mọi người, đặc biệt là những hành động phản cảm như một cách thu nhận thực tế cho một nhân vật nào đó trong tương lai của mình. Có lần, anh nhìn thấy một gã cả hàm răng đang bình thường lại có một chiếc bịt vàng, trông rất rởm đời. Sau này, đóng vai một tướng cướp, anh đã hóa trang giống hệt hình ảnh đó. Mọi người đều khen anh… sáng tạo!
Tuy nhiên, nói gì thì nói, nghề diễn cũng vô cùng khắc nghiệt đối với những người yêu nghề và chi chút cho nghề như anh. Bùi Bài Bình kể lại: Hồi đóng phim "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh" của đạo diễn Vũ Phạm Từ, Bùi Bài Bình đóng cảnh anh bộ đội bị thương nhiều ngày trong rừng và anh phải lê đi trong đêm tối, giữa cơn đói khát, bỗng dưng có trận mưa đổ xuống, anh hứng những giọt mưa uống để xua đi cơn khát. Cảnh đó Bùi Bài Bình đóng rất đạt. Đến sáng hôm sau, bỗng dưng nhìn thấy cái hố lấy nước mưa đêm qua đầy… phân bò, phân trâu mà kinh hãi! Hay như trong cảnh cuối cùng của phim "Gió làng Kình", Khuếnh (Bùi Bài Bình đóng) sau khi phá phách làng xóm, đã không còn mặt mũi nào ở lại đó nữa nên phải bỏ làng ra đi. Trước khi lặng lẽ rời làng, Khuếnh đưa hết toàn bộ số tiền đã từng vơ vét được của người dân cho đứa cháu ruột (Công Lý đóng). Hai chú cháu nước mắt đầm đìa chia tay nhau trong đêm mưa gió mùa đông. Cảnh này được quay trên đê gần cầu Đuống, trong một tối mùa đông trời rét căm căm. Để tạo cảnh mưa gió, đoàn phim đã phải điều động bốn xe phun nước. Trong khi mọi người áo đơn áo kép mà còn run vì rét, thì Bùi Bài Bình và Công Lý chỉ mặc một chiếc áo mỏng, đứng dưới mưa nhân tạo phun xối xả diễn cảnh chia tay đầy nước mắt… Sau khi diễn xong cảnh này, 2 diễn viên mặt mũi tím tái, tay chân lạnh cóng. Về nhà, Bùi Bài Bình đã bị ốm suốt một tuần.
Sau khi xong một loạt vai phản diện và "ẵm" giải thưởng Nam diễn viên truyền hình được yêu thích nhất, Bùi Bài Bình đang tạm ngừng công việc diễn xuất để giảng dạy cho những lớp diễn viên mới vào nghề. Anh cho rằng, các diễn viên trẻ có nhiều triển vọng, có nhiều lợi thế nhưng chưa chịu khó tìm tòi, chưa thực sự "sống" với nghề diễn. Họ vẫn diễn với cái tôi của chính mình trên màn ảnh nhỏ mà chưa hóa thân vào nhân vật.
Bùi Bài Bình cho rằng, diễn viên cần có ba yếu tố: tài năng, lao động và thời cơ. Anh cũng đã có đủ những yếu tố ấy, cũng như đã có đủ vinh quang mà nghề diễn mang lại, nhưng với anh, chặng đường phía trước vẫn là một cuộc tìm tòi để người diễn viên thể hiện chân thực khuôn mặt đời sống