NSƯT Ánh Dương: Bí quyết "níu" nghề

Thứ Ba, 24/12/2013, 08:00

Hơn 30 năm NSƯT Ánh Dương gắn bó với sân khấu tuồng, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn tủi cũng chẳng phải ít. Đã có lúc ngậm ngùi tưởng phải "buông tay" vì không níu được nghề, nhưng rồi Ánh Dương vẫn ở lại với tuồng. Đến hôm nay, anh đã có thể mỉm cười tự hào mà nói rằng sẽ đi trọn con đường với nghệ thuật tuồng, được sống với nghề, được làm nghề và tiếp lửa cho thế hệ học trò kế cận, cho dù con đường ấy luôn đầy chông gai nhọc nhằn. Với NSƯT Ánh Dương, đúng là lửa thử vàng, gian nan thử sức...

Tìm đến nhà NSƯT Ánh Dương mới hay anh vừa trải qua nỗi đau buồn mất đi người cha đáng kính. Một nỗi day dứt với anh là đã không kịp về nắm tay cha trước khi cha về nơi cuối trời. Hai vợ chồng anh vốn biết cha già thích ăn bưởi Diễn, đã mua sẵn mấy chục quả đợi cuối tuần về thăm cha như mọi khi, thế mà thành ra không kịp...

Lo tang gia xong, còn chưa kịp bớt muộn phiền, anh lại tất tả trở về Hà Nội, trở lại sàn tập vì vở "Võ Tam Tư trảm cáo" mà đoàn 2 của anh dựng đang vào hồi nước rút để chuẩn bị cho buổi tổng duyệt. Trong vở diễn này, NSƯT Ánh Dương vào vai Tiết Cương - một nguyên soái oai hùng trong các trận chiến với Võ Tam Tư, chồng của nhân vật tuồng nổi tiếng Hồ Nguyệt Cô.

NSƯT Ánh Dương chợt nhớ lại cách đây hơn chục năm, mẹ anh cũng mất đúng vào dịp Nhà hát Tuồng Việt Nam dựng vở "Hồ Quý Ly" do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn để chuẩn bị tham dự Liên hoan Sân khấu Chèo - Tuồng - Dân ca tại Nha Trang năm 1999. Ánh Dương lúc đó còn khá trẻ đã được giao vào vai Hồ Quý Ly - một vai diễn rất quan trọng và việc luyện tập cũng tốn nhiều công sức vì phải diễn võ thuật, nội tâm nhiều. Lúc ấy, nỗi buồn đau mất mát quá lớn khiến anh tưởng chừng khó tập trung cho vai diễn. Nỗi thương mẹ già cả đời vất vả lam lũ vì con, lúc con nghèo khó, vất vả, có mẹ ở bên giúp đỡ, chia sẻ, đến khi vợ chồng có điều kiện hơn một chút thì mẹ lại không còn, khiến anh áy náy khôn nguôi.

Lúc ấy, nhiều người lo Ánh Dương tâm trạng ngổn ngang rối bời sẽ khó hoàn thành tốt vai diễn, nhưng rồi cuối cùng anh cũng đã gạt được nỗi buồn riêng để nhập tâm xuất sắc vào vai diễn khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nghệ sĩ Ánh Dương còn nhớ, lúc đó đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang đã phải vừa động viên anh cố gắng, vừa nói vui với các đồng nghiệp: "Thằng này đúng là giỏi thật. Trong lúc tâm trạng như thế mà nó vẫn diễn được một cách bạo liệt nhưng cũng đầy tình cảm...". Đúng là nghề chẳng phụ người, mùa hội diễn năm ấy Ánh Dương đã thành công rực rỡ với Huy chương Vàng cho vai diễn Hồ Quý Ly.

Những tiếng vỗ tay, những lời tán thưởng, động viên của anh em bạn nghề dành cho anh trong đêm diễn ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong đời nghệ sĩ lắm gian nan của Ánh Dương. Anh nói như trút bầu tâm sự: "Những khoảnh khắc tỏa sáng đầy niềm vui như thế cũng chẳng kéo dài lâu và cũng không có nhiều trong một đời nghệ sĩ. Có thể, ngay sau đêm ấy, họ lại phải đối mặt với những vấn đề thường nhật, với cơm áo gạo tiền, bươn chải với những sô diễn bên ngoài nhà hát để có tiền đóng học, mua sữa cho con. Mà việc kiếm tiền bằng nghề, lại là nghề diễn tuồng thì xưa nay chưa bao giờ là chuyện dễ.

Đồng lương luôn eo hẹp, cát sê thấp, có khi phải đi chuẩn bị cho đêm diễn từ 3-4h chiều bao gồm cả công việc dựng sân khấu, làm hậu đài, diễn xong lại dỡ sân khấu, về đến nhà chẳng mấy khi trước 12h đêm, nhưng tiền bồi dưỡng có khi chỉ được mấy chục ngàn. Khi còn độc thân thì không sao, giàu nghèo sướng khổ gì chỉ có một mình chịu, nhưng khi đã là trụ cột trong gia đình, là bố của hai đứa trẻ thì trăm thứ bà rằn phải lo. Tôi còn có bố mẹ già ở quê cần chăm lo phụng dưỡng, đúng là gánh nặng cả hai vai. Thế nên có những lúc đời sống eo hẹp quá, tôi cũng định "buông tay", không níu nghề nữa, định "bật" ra ngoài để kiếm sống và lo cho gia đình. Nhưng đúng là "Đã mang lấy nghiệp vào thân...", để từ bỏ một thứ đã gọi là "duyên nghiệp" cũng chẳng phải chuyện dễ dàng...".

Trong giai đoạn khó khăn ấy, người vợ tảo tần của nghệ sĩ Ánh Dương vốn là công nhân của một nhà máy may, thường xuyên phải đi làm ca đêm nhưng vẫn nhận hàng về làm tại nhà để có thêm thu nhập. Có hôm hàng nhiều quá, chị phải làm thâu đêm. Những lúc như thế NSƯT Ánh Dương cũng phải lăn xả vào giúp vợ. Anh làm thợ may lành nghề tới mức đến giờ vẫn thường xuyên tự cắt may quần áo cho mình.

Vốn con nhà nông, quen vất vả sớm hôm, anh chẳng bao giờ nề hà. Lúc nào người ta cũng thấy anh chạy đôn chạy đáo, vừa làm việc nhà giúp vợ, vừa lo việc cơ quan, lại nhận sô bên ngoài để có đồng ra đồng vào. Anh tâm sự: "Có những đêm mưa phùn gió bấc, một mình lóc cóc sang tận Bắc Ninh để diễn rồi lại đi về, nghĩ cũng ngậm ngùi thương mình, thương cái nghề của mình sao quá vất vả. Nhưng rồi lại nghĩ, làm nghề gì chẳng vất vả, nghề nào cũng phải nỗ lực cả thôi. Từ khi lên Hà Nội học, tôi cũng đã tự bươn chải để lo cho cuộc sống và việc học hành để bố mẹ ở quê đỡ khổ. Ngày ấy, tôi thường đi lấy thuốc lá bỏ mối cho các cửa hàng kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống đấy...".

Thay vì mê tuồng, NSƯT Ánh Dương mê chèo từ nhỏ. Có năm, các cô chú ở Nhà hát Chèo Việt Nam về quê tuyển sinh, Ánh Dương đã qua được vòng sơ tuyển, phải lên Hà Nội thi tiếp một vòng nữa. Khi ấy, cậu bé Ánh Dương lại thi đỗ vào cấp 3 nên bố mẹ cũng không muốn cho đi. Thế rồi 2 năm sau, cơ duyên lại đến khi Nhà hát Tuồng về quê tuyển sinh và tất nhiên cậu thanh niên Ánh Dương cũng chẳng bỏ qua cơ hội ấy. Lúc ấy, ý nghĩ về nghệ thuật sân khấu của Ánh Dương còn thơ ngây lắm.

Cứ ngỡ trở thành nghệ sĩ là được lên sân khấu hóa thân vào những bậc đế vương, quan văn, tướng võ đạo mạo trên khán đài. Đang học lớp 9 thì lên theo học hệ trung cấp tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, lúc ấy Ánh Dương mới được tiếp xúc với câu hát tuồng đầu tiên. Sau ba năm học, Ánh Dương thực sự thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn của một diễn viên tuồng khi luôn phải biểu diễn vũ đạo mạnh, cử chỉ, lời nói, lời hát đều phải mạnh mẽ, dứt khoát nên rất tốn sức, nếu không muốn nói là nhọc nhằn.

Lúc ấy, Ánh Dương với dáng người cao nhưng gầy nhẳng, chỉ có 50 kg, tự thấy mình sức khỏe có phần yếu hơn các bạn, nên anh định "dứt áo" sang học thanh nhạc. Biết được dự định này của anh, nghệ sĩ Quang Tốn, Bạch Trà, Đinh Lan đã giữ anh lại, không cho đi bởi với con mắt xanh trong nghề, họ đã nhận ra giọng hát của Ánh Dương là rất hiếm với tuồng. Các nghệ sĩ đàn anh đã truyền dạy và giao cho Ánh Dương một vai diễn lớn - đó là vai Phàn Định Công trong trích đoạn tuồng "Phàn Định Công đề cờ" trong vở tuồng "Sơn Hậu". Vai diễn lớn đầu đời này cũng chính là dấu mốc quan trọng giữ nghệ sĩ Ánh Dương ở lại với làng tuồng. Cũng chính nhờ vai diễn thành công này mà sau đó, Ánh Dương liên tục được giao đảm nhiệm các vai "kép chính" trong các vở mà Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng như "Triệu Đình Long cứu chúa"; "Lê Hoàn"; "Giông tố"; "Hồ Quý Ly", "Otenlo", "Romeo và Juliet"... NSƯT Ánh Dương có sở trường vào các vai "kép mặt trắng" - là những vai được hóa trang đẹp, được coi là các vai chính diện trong nghệ thuật tuồng.

Năm 2013 này, NSƯT Ánh Dương một lần nữa thành công với vai diễn quan đại thần Nguyễn Tri Phương trong vở "Nhạn cô thần - Nguyễn Tri Phương"  - một vở tuồng được đánh giá dàn dựng công phu, đầy sáng tạo. Vai diễn này cũng đã mang về cho nghệ sĩ Ánh Dương thêm một Huy Chương Vàng trong Liên hoan sân khấu Tuồng toàn quốc năm 2013 diễn ra tại Quảng Ngãi.

Bây giờ, cuộc sống của NSƯT Ánh Dương và gia đình đã khá giả hơn xưa nhiều nhưng anh vẫn nhớ những cơn đói cồn cào sau những buổi tập, buổi diễn múa đao, múa kiếm tốn nhiều năng lượng mà chỉ đủ tiền mua cái bánh mì hoặc cốc chè đỗ đen để... bồi dưỡng. Một mình lóc cóc đi học, trải qua các kỳ thi mà chưa một lần bố mẹ già ở quê có điều kiện lên xem để động viên như các bạn cùng trang lứa, khiến có lần Ánh Dương sau buổi diễn tủi thân đến chảy nước mắt. Nhưng đúng là "lửa thử vàng, gian nan thử sức", Ánh Dương ra trường với tấm bằng loại giỏi và đến nay đã có trong tay 4 tấm Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Anh có một gia đình nhỏ ấm áp để đi về với người vợ hiền và các con ngoan ngoãn... Với anh, có lẽ đó cũng là phần thưởng xứng đáng của cuộc đời...

Nguyệt Hà
.
.