NSƯT - Đại tá Trần Nhượng: Ước được vào một vai chính diện

Thứ Hai, 03/03/2014, 08:00

Khác với vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn, mưu mô, xảo quyệt trong một số vai diễn mà NSƯT - Đại tá Công an Trần Nhượng đã tham gia, ngoài đời anh là người hiền lành, ít nói, với một tác phong đủng đỉnh, chậm chạp, không giống những gì người đời hình dung. Thế mới biết, cái gọi là cái tài hóa thân của người nghệ sĩ.

- Thú thực, nói đến Trần Nhượng là người ta thường nghĩ đến những vai không mấy… lương thiện.  Anh nghĩ gì về việc này? 

+ Khởi đầu đến với nghề diễn, tôi thường được phân vai diễn chính diện kiểu khắc khổ như nông dân, bộ đội hay thương binh... Sau này thì lại chuyên những vai phản diện. Bởi đạo diễn nhìn vào khả năng để phân vai phù hợp với diễn viên. Mặt khác, tâm lý của đạo diễn cũng quen: Anh đã làm tốt cái này rồi thì anh cứ tiếp tục phát huy mặt mạnh đó, mà lười khai thác mặt khác của diễn viên. Những thử nghiệm đó có thể làm họ mất thời gian, không an toàn. Tôi vẫn mong mình sẽ được đóng thêm những "màu" khác như diễn hài hay một tay giang hồ hoặc một trùm ma túy. Gần đây, tôi được mời tham gia một vai Công an làm trưởng ban chuyên án, nhưng khi đọc kịch bản và trao đổi với đạo diễn loanh quanh thế nào rồi cuối cùng tôi lại nhận vào vai trùm ma túy. Thế là tưởng vào vai chính diện rồi lại vẫn quay về vai phản diện. Trong bộ phim "Gác kiếm" sắp chiếu rạp gần đây, tôi cũng vào vai một trùm xã hội đen. Tôi cho rằng những vai phản diện gắn với tôi đôi lúc như định mệnh vậy.

- Trong poster của "Gác kiếm", có hình ảnh của một "ông trùm Trần Nhượng" rất ngầu. Anh có thể chia sẻ thêm về vai diễn này?

+ Nhân vật có tên là Phương Ấn Độ, không xuất hiện từ đầu đến cuối phim nhưng là vai diễn thể hiện chủ đề bộ phim. Anh ta lạnh lùng, độc ác, nhưng trong sâu thẳm có những góc rất nhân văn. Việc anh ta lo sợ cô con gái nuôi biết được thân phận của mình, những hành động nhỏ như anh ta đắp thêm chiếc áo cho cô con gái nuôi ngồi ngủ gục xuống bàn khi viết kịch bản "Nhật ký giang hồ"… đều cho thấy tình yêu thương ở con người này vẫn còn, ẩn chứa sau một vẻ ngoài tàn nhẫn kia. Trong một lần tranh giành quyền lợi với một băng đảng khác, khi nhóm kia bắt cô con gái nuôi để uy hiếp Phương Ấn Độ đòi nhường địa bàn hoạt động, để đổi lấy tính mạng con gái, anh ta đã chọn cứu con và quyết định rửa tay, gác kiếm… Bộ phim này sẽ được chiếu tại các rạp ngày 21/2.

- Sau những vai quan chức tiêu cực, trùm ma túy, trùm giang hồ…, anh còn mong mình được vào vai một nhân vật kiểu nào nữa?

+ Tôi muốn mình sẽ được vào một vai chính diện, chứa nhiều nội tâm, kiểu một người hoàn toàn hiền lành, nhẫn nhịn, đau khổ, thất vọng, hoang mang… Đó là một nhân vật mang trong mình nhiều bi kịch.

- Anh bắt đầu với sân khấu, nhưng lại được biết tên nhiều hơn với truyền hình. Hiện có quan điểm cho rằng, diễn viên tham gia truyền hình sẽ làm hỏng vai trò ở sân khấu, anh nghĩ thế nào về điều này?

+ Đúng là Trần Nhượng bắt đầu từ sân khấu, được phong danh hiệu cũng nhờ sân khấu, nhưng lại được khán giả biết đến nhiều hơn nhờ đóng phim truyền hình. Quan điểm như bạn nói đúng là có không ít người đã nghĩ thế. Nhưng tôi cho rằng, diễn viên khi đứng trên sân khấu và tham gia phim truyền hình sẽ hỗ trợ cho nhau rất tốt. Khi tham gia cả 2 lĩnh vực này, diễn viên sẽ trưởng thành lên rất nhiều vì phân biệt được sự khác nhau giữa điện ảnh và sân khấu. Họ cũng có cơ hội nâng cao chuyên môn cho chính mình.

- Người ta vẫn nói nhiều về thực trạng xuống dốc của sân khấu hiện nay. Với riêng anh thì nguyên nhân nào là mấu chốt?

+ Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sự lép vế của sân khấu hiện nay là chúng ta không có tác phẩm hay để hút khán giả. Vậy tác phẩm hay ở đâu? Có được câu trả lời không hề đơn giản. Ngày xưa, thập niên 80, chúng ta có những kịch bản sân khấu đi vào lòng người, dự báo được cuộc sống, nói được tiếng nói người dân. Kịch bản ngày nay không đáp ứng được điều này. Sức hút của sân khấu hiện nay cũng không bằng các loại hình khác, thiếu sự mới mẻ. Người Việt Nam ta dễ bị hấp dẫn bởi tính hiếu kỳ, trong khi sân khấu hiện nay lại thiếu cái lạ, cái mới.

- Sân khấu miền Nam sau khi xã hội hóa có những bước khởi sắc đấy chứ, thưa anh?

+ Khác với sân khấu miền Bắc, sân khấu xã hội hóa của thành phố Hồ Chí Minh vì bỏ tiền túi ra, họ cần phải tính thu hồi vốn, có lãi, nên phục vụ theo nhu cầu khán giả kiểu cung - cầu. Cũng bởi thế, nên công việc của họ là phải nghĩ được cách để kéo khán giả đến rạp mua vé. Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam tôi đang điều hành cũng đi theo con đường xã hội hóa. Có một nghịch lý là chúng tôi phải tự kiếm tiền để bảo tồn di sản của đất nước. Ngoài công việc Bảo tồn và lưu trữ các trước tác nghệ thuật, các giá trị của Nghệ thuât Sân khấu truyền thống (vật thể và phi vật thể), chúng tôi đã dựng vở theo hướng cung - cầu như: "Quỷ ám", "Biển và bờ". Những ngày công diễn đầu tiên luôn kín rạp Kim Mã. Nhưng sau đó cũng không giữ được nhiệt bởi một phần do khán giả Hà Nội chưa có thói quen đến rạp mua vé xem sân khấu. Vé của một số đoàn hiện nay vẫn được bán theo hợp đồng cơ quan, có tính ủng hộ nhiều hơn, thậm chí có nhiều khi họ mua vé nhưng cũng chẳng đi xem. Lượng vé bán cho khán giả yêu sân khấu đi xem rất ít nên hoạt động xã hội hóa sân khấu miền Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

- Nhìn lại toàn bộ những vai diễn mà mình đã tham gia, anh tâm đắc với nhân vật nào nhất?

+ Cuộc đời nghệ sĩ, mỗi vai diễn đều có một sự tâm đắc riêng. Nhưng với sân khấu, tôi ấn tượng hơn cả là vai Robert trong vở "Nữ ký giả" (Huy chương Bạc - năm 1985). Ấn tượng bởi lúc đó, tôi gầy chỉ 49-50kg, cao 1m68, đóng vai người Mỹ. Trong khi nhiều bạn diễn khác đóng vai Việt Cộng lại cao to hơn mình rất nhiều. Vở diễn được thi và biểu diễn tại Sài Gòn, nơi mà người dân họ đã từng sống với Mỹ mấy chục năm, thế mà nhiều người vẫn phải tấm tắc "Mỹ còi nhưng rất Mỹ". Như vậy, tôi đã khắc phục được vấn đề hình thể để làm tốt vai diễn của mình bằng cách diễn, tác phong, tạo hình bên ngoài, cách di chuyển.

Với các vai diễn trên truyền hình, tôi cũng rất tâm đắc với vai ông Rạng trong phim "Khát chữ". Đó là một người nông dân giản dị, mộc mạc, trong khi bình thường ở ngoài đời tôi là người đàn ông có phần chải chuốt, luôn quan tâm đến ngoại hình, cách ăn mặc. Vai ông phó chủ tịch tỉnh trong phim "Chủ tịch tỉnh" cũng là một vai diễn của tôi được nhiều người nhắc tới. Nhiều người khi tiếp xúc và ngay cả bà xã tôi cũng bảo ở ngoài đời tôi hiền lành, trầm tính, có phần chậm chạp. Nhưng nhiều vai trong phim tôi thành những con người hoàn toàn khác: sắc sảo, nhanh nhẹn, hoạt bát, mưu mô, xảo quyệt, ghê gớm, kinh khủng và lạnh lùng đến rợn người …

-  Để hóa thân vào các nhân vật một cách hoàn hảo nhất, bí quyết của anh là gì?

+ Tôi nghĩ là do trời phú cho mình một năng khiếu trong nghề diễn, cộng với việc tích lũy kinh nghiệm, vốn sống khiến tôi khi cần có thể "biến mình" thành nhân vật khác một cách thuận lợi.. Một điều nữa, đó là tôi luôn chú ý quan sát. Đi đường tôi hay để ý mọi thứ diễn ra trước mắt, đến mức bà xã hay lo lắng cho tôi, sợ nguy hiểm khi lái xe. Tôi tự cho rằng mình là người có độ hóng cao. Điều này cũng có cái tốt vì tất cả được ghi vào bộ nhớ, khi cần là tôi có thể lôi nó ra một cách dễ dàng.

- Sau những lần đổ vỡ và hiện tại đang tận hưởng một gia đình hạnh phúc, kinh nghiệm của anh là gì cho một cuộc hôn nhân bền vững?

+ Tôi nghĩ, mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, vì vậy không thể có lời giải chung cho các bài toán khác nhau. Nhưng theo tôi, điều quan trọng trong một gia đình là phải có sự hy sinh cho nhau, và đúng như kinh nghiệm của các cụ là phải biết nhường nhịn. Định mệnh và quy luật cuộc sống là điều không thể nói mạnh được, nhưng với tôi, sự nhường nhịn và hy sinh là điều quan trọng nhất để làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

- Giờ đây, ở tuổi này, khi đã có một danh hiệu, cuộc sống tương đối đủ đầy, còn có mơ ước nào mà anh đang hướng tới?

Hiện tại tôi có vợ đẹp, con cái ổn định, niềm đam mê với nghề diễn tôi vẫn được thỏa khi vẫn tiếp tục tham gia đóng phim, đó là những điều may mắn. Nhưng điều khiến tôi phải suy nghĩ và đau đáu nhiều nhất bây giờ là ở vai trò làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Việc tự hạch toán trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế này, phải xoay xở giải quyết lo cho Trung tâm luôn khiến tôi phải đau đầu.

Một số phim gần đây NSƯT Trần Nhượng tham gia và đã công chiếu trên truyền hình là: "Bản di chúc bí ẩn", "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc", "Gia đình là số 1". Hiện tại, NSƯT Trần Nhượng đang tham gia đóng phim truyền hình: "Cao hơn bầu trời", "Khi đàn chim trở về", "Cung đường trắng".

Mỹ Thịnh (thực hiện)
.
.