Nhân 60 năm Điện ảnh Việt Nam (1953-2013)

NSND Trà Giang: Vẻ đẹp khó tàn phai

Thứ Ba, 02/04/2013, 08:05
Có vẻ đẹp nào mà lại là "vẻ đẹp không tàn phai"? Có nhan sắc nào mà lại không phai tàn theo năm tháng? Vậy mà có. Cái đẹp về trí tuệ, tài năng, tâm hồn. Vâng, tôi muốn nói đến NSND Trà Giang - cánh chim đầu đàn của điện ảnh Việt Nam, niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam, một "Nữ hoàng điện ảnh" tài sắc vẹn toàn, người đã được Nhà nước trao tặng "Thành tựu trọn đời" về sự đóng góp lớn lao của chị cho điện ảnh nước nhà.

Đã tròn 60 năm điện ảnh lớn dậy, tôi không thể không nhớ đến người nữ diễn viên đa tài, đẹp người đẹp nết, vẻ đẹp không chỉ của một thời ấy…

Mới đó mà đã 60 năm. Nửa thế kỷ, bao thế hệ, một đời người. Năm tháng trôi qua, nhưng "Chị Tư Hậu", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Ngày lễ thánh", "Huyền thoại mẹ", "Mối tình đầu"… vẫn hiển hiện từng nét từng nét trong trái tim người hâm mộ. Và ám ảnh. Nỗi ám ảnh - kỳ lạ - vẫn lớn dậy theo thời gian. Chị Tư Hậu với cảnh đời trầm luân đã "theo" họ trong suốt những năm dài của lịch sử. Đêm tối. Biển đen như mực. Người phụ nữ trẻ phẫn uất lao mình ra sóng. Bỗng tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên như xé rách màn đêm. Chị khựng lại. Đứa con bé bỏng đã kéo chị trở về với thực tại. Chị lại bổ vào bờ ôm bé trong vòng tay mà nấc nghẹn. Một trường đoạn xúc động của lòng mẫu tử, một diễn xuất tuyệt vời của tài năng đã chinh phục hoàn toàn khán giả. "Chị Tư Hậu" đã đánh một dấu son triển vọng, một cột mốc đi lên, một khởi đầu đầy ấn tượng trong cuộc đời nghệ sĩ của Trà Giang. Nhắc đến Trà Giang là nhắc đến "Chị Tư Hậu". Thật khó có một diễn viên nào trẻ tuổi đời , trẻ tuổi nghề lại có thể đảm nhận và hoàn thành xuất sắc một vai diễn nặng ký đến như vậy - Giải bạc LHP Moskva 1963. Năm đó Trà Giang mới 18 tuổi.

NSND Trà Giang nhận giải Thành tựu trọn đời.

10 năm sau, Dịu - người nữ cán bộ trung kiên bất khuất của miền Nam dũng cảm đối mặt với kẻ thù ngày đêm để giữ trọn khí tiết với cách mạng, trọn đạo thủy chung với người chồng tập kết trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" lại ra mắt người xem với sự đón nhận nhiệt thành của khán giả. Có thể nói, Dịu là đỉnh cao của diễn xuất, là sự tích lũy dày dặn của kinh nghiệm sống và tài năng thiên bẩm, là sự kết hợp hài hòa giữa những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, sức sáng tạo khôn ngừng với một cảm thụ nghệ thuật tinh tế, tới độ thăng hoa trước ống kính của chị. Với đôi mắt đặc biệt giàu biểu cảm của ngôn ngữ điện ảnh, với hình tượng nhân vật Dịu đầy sức thuyết phục ấy, Trà Giang đón nhận giải Vàng liên hoan phim Quốc tế Moskva 1973.

Trà Giang - cái tên gợi sự trìu mến nơi khán giả. Giữa chốn xô bồ, ngổn ngang của điện ảnh hôm nay, người ta vẫn yêu quý, ngưỡng mộ và nhắc tới chị. Làm gì có khái niệm "cát sê", "chạy sô", "ảnh nóng", cảnh nóng, "hot boy", "hot girl", thời đó. Cũng chả có "kiều nữ", "đại gia", "diva" hay "biểu tượng sex". Chỉ có mộc mạc, chân phương, say nghề và khổ luyện. Nghèo đói, khó khăn nhưng người thật, việc thật, vui và "đầy văn hóa".

Không chỉ vậy. Ngoài đời, Trà Giang sống một cuộc sống "không ngôi sao", hòa đồng,  dịu dàng và nhân ái. Chị bảo chị "không đẹp" mà chỉ "ăn ảnh". Trả lời cho câu hỏi vì sao chị không tiếp tục bồi dưỡng thế hệ trẻ mà lại "rẽ ngang" về sớm thì chị rằng: Chị "không đủ nhẫn nại, kiên trì làm cái công việc của người dạy dỗ", chị "bất lực khi thấy các em trẻ chểnh mảng chuyện học hành không chịu trả bài, chỉ muốn nổi tiếng sớm". Và cũng thật ngỡ ngàng khi người nữ nghệ sĩ tài danh ấy thổ lộ "chưa có vai diễn nào thực sự ưng ý" và thực ra thì chị còn "có thể vào những vai dữ dội và nổi loạn nữa nhưng chưa có điều kiện".

Biết dừng lại đúng lúc để gìn giữ hình ảnh mình, bỏ lại sau lưng một thuở vàng son, NSND Trà Giang giờ đây sống và mãn nguyện với những gì chị có và chị yêu: hội họa và con cái. Vẽ là giải pháp giúp chị chiêm nghiệm cuộc sống, trải lòng mình với nỗi niềm riêng. Chia sẻ với con - nữ nghệ sĩ violon quốc tế Bích Trà - là "món quà số phận" mà ông Trời ban cho chị. Quá khứ đã lùi xa nhưng hiển vinh thì còn đó: Một Thành tựu trọn đời - một vẻ đẹp khó tàn phai. Với tôi, NSND Trà Giang - một thời và mãi mãi!

Tuyết Lan
.
.