NSND Trà Giang: Người biết chọn điểm dừng

Thứ Hai, 20/04/2009, 11:00
Sau khi hóa thân thành nữ biệt động hy sinh trên sông Ninh Kiều trong phim "Dòng sông hoa trắng" (Đạo diễn NSND Trần Phương) vào cuối thập kỷ 80, NSND Trà Giang không đóng phim nữa. Có người bảo bà "giữ tiếng", nhưng bà khẳng định không phải vậy. NSND Trà Giang cho rằng: "Cái "duyên" trời cho người diễn viên chỉ nên làm vừa "đủ" mắt của khán giả, không nên để khán giả phải vì mình mà "cố" xem "rốn"!

Trong một khán phòng rộng của Trung tâm Hội nghị Quốc tế chật chỗ ngồi của nhiều doanh nhân thành đạt, bà là nữ nghệ sĩ duy nhất được trao giải "Nữ doanh nhân Tâm - Tài" bởi những việc làm từ thiện trong năm 2008 vì cộng đồng người nghèo, trẻ khuyết tật, mồ côi... NSND Trà Giang ngoài đời và trên màn ảnh không khác nhau là mấy: Bà vẫn dịu hiền, điềm đạm, nhân hậu, ánh mắt biết nói của bà làm cho người đối diện tin tưởng và chia sẻ…

Tôi tiến đến gần chỗ ngồi của NSND Trà Giang chỉ để xin bà số điện thoại và mong có một cuộc hẹn, như một cách để được gần người diễn viên tôi đã từng ái mộ. Bà cười: "Cô không dùng điện thoại di động. Tối nay con đến nhà khách số 10 Chu Văn An nhé. Cô đợi".

Theo lời hẹn, tôi ghé thăm bà. Trong phòng khách sạn nhỏ xinh đầy đủ tiện nghi, có một bó hoa hồng thơm ngát đặt ngay ở bàn nước. Bà có vẻ mừng vì tôi thích hoa. Bà kể: "Hôm qua, cô đến thăm nhà một người bạn ở Hà Nội, họ đã mua bó hoa ấy tặng cô, con thấy có đẹp không? Hoa ở Hà Nội thơm lắm, mùi thơm đầy quyến rũ. Ở Sài Gòn hoa đẹp, nhưng không có mùi thơm như vậy đâu nghen!".

Tôi hỏi một câu bâng quơ trong lúc bà đang sửa lại mái tóc vẫn rất dày dặn của mình: "Là người thường đi những chuyến công tác xa thế này, sao cô không dùng điện thoại di động cho tiện?". Bà cười: "À, cô cũng biết vậy, nhưng mà cô dùng không quen. Không có thì thôi, có rồi đi đâu lại phải nhớ một thứ gì đó thuộc về mình, rối rắm lắm. Mà dạo này cô cũng ít nhận lời đi xa, có cuộc gì quan trọng liên quan trực tiếp đến mình cô mới đi thôi. Bạn bè, anh em có việc gì gọi về nhà riêng ở Sài Gòn là gặp cô ngay thôi mà. Cần gì dùng điện thoại di động".

NSND Trà Giang, hoa hậu Mai Phương Thúy và diễn viên Kim Khánh.

NSND Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi. Năm 1955 bà theo gia đình tập kết ra Bắc. Được thừa hưởng năng khiếu từ người cha của mình (NSƯT Nguyễn Văn Khánh, Trưởng đoàn Văn công Liên khu V) nên ngay từ bé, Trà Giang đã rất thích âm nhạc, thích múa, hát. Và cũng không ai khác mà chính cha của bà đã là người đầu tiên "đọc" ra được năng khiếu diễn xuất của cô con gái nhỏ. Chính ông đã chụp các bức ảnh chân dung cho bà để khuyến khích bà gửi đơn đăng ký dự thi tuyển sinh lớp diễn viên điện ảnh.

"Không biết nhờ tài chụp ảnh của ba hay nhờ tôi "ăn ảnh" - NSND Trà Giang nói - nên tôi có tên được chọn học ở Trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên cùng với các lớp anh chị như: Kim Chi, Minh Đức, Thụy Vân... Thời ấy, các chuyên gia nước ngoài thường sang hỗ trợ đào tạo cho ngành điện ảnh trẻ Việt Nam, cho nên chúng tôi được rèn luyện bài bản lắm. Ai cũng háo hức chờ đợi vai diễn, mong muốn được thử vai...

Khi phim "Vợ chồng A Phủ" khởi quay, chị Đức Hoàn được chọn đóng vai cô Mị, chị Mai Châu vào vai bà vợ cả Thống lý Pá Tra, anh Trần Phương vào vai A Phủ; còn chúng tôi cũng được chọn đóng vai các cô gái dân tộc vùng cao Tây Bắc, mà chỉ là diễn viên quần chúng, không thấy rõ mặt cô nào đâu, nhưng ai cũng rất vui và háo hức…".

Tính từ buổi ấy cho đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, NSND Trà Giang đã khẳng định được tên tuổi của mình qua 17 vai diễn. Nhiều vai diễn của bà đã mang lại cho nền điện ảnh Việt Nam những hình tượng nhân vật người phụ nữ trong chiến tranh dịu dàng, tiết hạnh mà quả cảm, can trường… để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem nhiều thế hệ như chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên (1963), Dịu trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (1972), mẹ Thu trong "Em bé Hà Nội" (1974), Nhân trong "Ngày lễ thánh" (1976), Lan trong "Mối tình đầu" (1977), Hương trong "Huyền thoại về người mẹ" (1987), Vợ ba Đề Thám trong "Thủ lĩnh áo nâu" (1987)...

Sau khi hóa thân thành nữ biệt động Cần Thơ hy sinh trên sông Ninh Kiều trong phim "Dòng sông hoa trắng" (Đạo diễn NSND Trần Phương) vào cuối thập kỷ 80, Trà Giang không đóng phim nữa. Có người bảo bà "giữ tiếng", nhưng bà khẳng định không phải vậy. Sau những ngày tháng chiến tranh, đất nước chuyển qua một thời kỳ khác, bà thấy đề tài của những năm Đổi mới không còn phù hợp với bà nữa.

NSND Trà Giang cho rằng: "Cái "duyên" trời cho người diễn viên chỉ nên làm vừa "đủ" mắt của khán giả, không nên để khán giả phải vì mình mà "cố" xem "rốn"! Mặc dù niềm hạnh phúc mà nghề diễn đã mang lại cho tôi thì nhiều không kể hết.

Có lần, trong giờ giải lao phiên họp Quốc hội, một đại biểu đến tìm tôi, bắt tay cảm ơn vì quá cảm kích về nhân vât chị Tư Hậu. Và thật bất ngờ anh ấy xưng chính là... chồng chị Tư Hậu thật ở ngoài đời. Tôi sung sướng đến chảy nước mắt mà không tin được tại sao lại có được sự tình cờ hay đến vậy. Anh còn cho biết các con của chị Tư Hậu cũng quý mến và luôn mong gặp được tôi… Tôi nghĩ, chỉ có làm điện ảnh thì cuộc đời tôi mới có sự gặp gỡ tình cờ như vậy mà thôi".--PageBreak--

Hiện nay, hầu hết thời gian của mình NSND Trà Giang là ngồi bên giá vẽ để chuyển tải những tâm trạng của mình qua cây cọ. Từ ngày người chồng yêu thương của bà ra đi vào cõi vĩnh hằng, bà mất đi một người để sẻ chia tâm sự những buồn vui của cuộc đời.

Cây piano Bích Trà, người con gái duy nhất của bà cũng đã đi du học tận trời Tây xa xôi. Dường như nỗi cô đơn được bà chuyển hết vào tranh, với gam màu tím, vàng chủ đạo. Bà thích vẽ hoa và tĩnh vật vì ở trạng thái này bà được tĩnh lặng đến cùng với những cảm xúc của mình trong căn phòng ngập sắc màu với những trạng thái dịu nhẹ, gợi cảm xúc buồn, buồn nhưng không tê tái mà là yên bình, sâu lắng.

Có một dạo bà lại vẽ nhiều tranh phong cảnh. Một số bức vẽ phong cảnh nông thôn, có khi là cánh đồng buổi chiều; làng quê trưa nắng hoặc một làng quê biển với ngôi nhà lá nghèo nàn, một lu nước nhỏ đơn sơ... Lúc ấy, gam màu vàng của cát dễ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người vẽ.

Chẳng hạn, vẽ một bãi biển Quảng Trị, gam màu cát vàng chiếm khoảng không gian rộng và màu của nước biển, của trời trải dài nó là sự cảm nhận đầy ấn tượng của bà về vùng quê biển miền Trung. Hoặc bức "Hoàng hôn trên sông Trà" là màu của ráng chiều lấp lánh, trong khoảnh khắc ánh sáng sắp chìm khuất.

Đôi khi thế giới trong tranh đã giúp bà tìm lại những ngõ phố quen thuộc ở Hà Nội lúc chớm thu: Hà Nội với hình ảnh Hồ Gươm và cô gái ngồi một mình dưới tán phượng đỏ. Hình ảnh Hà Nội này rất quen thuộc với nhiều người nhưng NSND Trà Giang lại thích cái sắc màu ấm áp, nhẹ nhàng ấy. Cảnh sắc rất trong sáng nhưng vẫn gờn gợn một nỗi buồn nhẹ, lãng mạn. Vẽ tranh cũng là cách bà "đi" lại dọc chiều dài đất nước, những nơi mà bà đã dừng chân để hóa thân vào vai diễn của mình.

Ở tuổi gần "thất thập cổ lai hy", NSND Trà Giang hiện sống cùng ba mẹ và chịu sự "quản thúc" của hai cụ từng bữa ăn giấc ngủ. Bà kể: "Vì tôi không dùng điện thoại di động nên mỗi lần có đi đâu tụ tập với bạn bè, mải vui, 10h đêm chưa về tới nhà mà quên không gọi điện thoại báo với hai cụ là y rằng các cụ sẽ gọi điện tùm lum tới khắp bạn bè của tôi hỏi thăm và khi không còn cách nào trút bỏ lo lắng là hai cụ có thể gọi tới… công an vì nghĩ là tôi bị… bắt cóc! Còn khi tôi ngồi vẽ tranh, đang say sưa với bức vẽ của mình mà quên cả giờ giấc là má tôi thế nào cũng đi ra đi vào, nhắc nhở khuya rồi, con đi ngủ đi, thức khuya hại sức khỏe lắm… Đó, các cụ vẫn coi tôi như đứa trẻ lên hai vậy đó".

"Trong gia đình - NSND Trà Giang nói - Ba tôi là người hiểu tôi hơn vì ông cũng là một nghệ sĩ. Ở tuổi này (94 tuổi) mà cụ vẫn có riêng một phòng trưng bày đủ các loại lá ép khô để tặng bạn bè. Có những hôm tôi mua hoa về nhà cắm vào bình, trước hết là cho đẹp căn nhà, sau là để làm mẫu cho bức tranh tĩnh vật của mình. Đến ngày hoa đã héo, tôi định bỏ đi thì cụ giữ lại "ấy, ấy, để đó cho ba", vậy rồi bạn biết sao không, đến tối vào buồng của cụ thì ngổn ngang trên sàn nhà toàn cánh hoa là cánh hoa. Cụ phơi cho nó bay bớt hơi nước và ép vào các quyển sách, tạp chí, tờ báo… Trong nhà có bao nhiêu sách báo thì cụ mang ra dùng để ép hoa hết. Ép hoa khô rồi, cụ lại ghép thành các hình và ép platic lần cuối rồi mang tặng bạn bè như một thú vui của cụ lúc tuổi già. Tôi hoàn toàn tôn trọng các sở thích của cụ, mặc dù má tôi nhiều khi cằn nhằn vì các sách báo tạp chí bị… mốc thếch vì nhựa hoa".

Dường như những câu chuyện của các cụ thân sinh khiến NSND Trà Giang trẻ lại. Đôi mắt bà ánh lên niềm hân hoan như được trở lại thời thơ trẻ. Mặc dù tôi biết rằng, trong đôi mắt đẹp ấy có cả nước mắt, có cả nỗi cô đơn thăm thẳm của một người đàn bà suốt đời bị ám ảnh bởi những nhân vật của mình, có cả sự chia phôi, mất mát...

Tôi hỏi NSND Trà Giang: "Hiện tại, cô mong ước điều gì?". Bà cười: "Cô ước có sức khỏe tốt, vẽ được nhiều tranh đẹp, tranh bán được nhiều tiền để giúp đỡ những trẻ em tật nguyền, mồ côi không nơi nương tựa. Bớt đi được một nỗi đau trong cuộc đời là cô có thêm một niềm vui, chỉ đơn giản vậy thôi!"

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.