NSND Mẫn Thu: Nghề cũ, làm sao quên?

Thứ Sáu, 05/04/2013, 08:00
Khi tôi gọi điện nhờ NSND Minh Gái dẫn tới gặp bà, chị bảo đến nhanh kẻo bà đi lưu diễn nước ngoài. Với những nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu tuồng hiện nay như Minh Gái, Hương Thơm… thì NSND Mẫn Thu là bậc "sư phụ" trong nghề. Căn nhà của NSND Mẫn Thu nằm ngay trong khuôn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam nên dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn chưa bao giờ rời xa không gian nghệ thuật...

Mùa xuân này, NSND Mẫn Thu bước vào tuổi thất thập. Cũng là tròn 15 năm bà rời xa sân khấu tuồng về nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng khán giả yêu tuồng và đồng nghiệp chưa bao giờ quên bà, người đã hóa thân vào những vai diễn trong các tích tuồng mà sau này ít ai vượt qua được như "Đào Tam Xuân", "Mộc Quế Anh dâng cây", "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Mị Châu - Trọng Thủy"... Bà còn là người thầy của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau này như Minh Gái, Hương Thơm... Với bà, giờ đây, công việc thường nhật là tất tả nội trợ, lo cho con cháu, nhưng chỉ cần nhắc tới tuồng là bà như được sống lại với niềm đam mê lớn của cuộc đời.

Khi tôi gọi điện nhờ NSND Minh Gái dẫn tới gặp bà, chị bảo đến nhanh kẻo bà đi lưu diễn nước ngoài. Với những nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu tuồng hiện nay như Minh Gái, Hương Thơm… thì NSND Mẫn Thu là bậc "sư phụ" trong nghề. Căn nhà của NSND Mẫn Thu nằm ngay trong khuôn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam nên dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn chưa bao giờ rời xa không gian nghệ thuật. Vẫn văng vẳng tiếng đàn, tiếng hát, vẫn háo hức khi chứng kiến không khí các em các cháu rục rịch đi lưu diễn. Thỉnh thoảng, những nghệ sĩ trẻ trước khi vào vai vẫn xuống nhờ bà thọ giảng cách hát, cách diễn. Có lẽ nhờ đó mà bà cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ nghề, nhớ cái nghiệp đã gắn bó với mình nửa thế kỷ.

Nếu không có gì thay đổi, sắp tới bà sẽ sang Hà Lan biểu diễn. Có được cơ duyên này là bởi, gần đây, NSND Mẫn Thu tham gia trình diễn trong các chương trình múa trừu tượng và đương đại của biên đạo múa người Pháp gốc Việt Ea Sola Thủy. "Hạn hán và cơn mưa" là vở diễn thứ 4 bà tham gia. Trước đó là những vở như "Cánh đồng âm nhạc", "Thế đấy thế đấy", "Khúc nguyện cầu". Tham gia một lĩnh vực nghệ thuật hoàn toàn khác biệt với nghệ thuật tuồng, một phong cách làm việc hoàn toàn mới mẻ đã mang lại cho bà nhiều cảm xúc. Bà bảo, chẳng còn một NSND tuồng ở trên sân khấu múa đương đại nữa mà chỉ là một nghệ sĩ lần đầu biểu diễn múa nên cái gì cũng phải học, từ dáng đi đến động tác.

Không biết thì phải học là lẽ thường tình, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào - đó là điều mà NSND Mẫn Thu luôn tâm niệm. Không phải nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật truyền thống nào cũng có được cách nghĩ "hiện đại" như bà. Nhưng trên tất cả, có lẽ sẵn mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm nên bà có thể cảm nhận và thể hiện rất tốt ở một lĩnh vực nghệ thuật khác biệt như thế. Múa đương đại cho bà cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Với bà, những chuyến đi không chỉ cho bà điều kiện được biết đây biết đó mà còn sống trong không gian mà người nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo hết mình. Ở đó, khi nghệ sĩ biểu diễn, không gian yên tĩnh đến độ người nghệ sĩ có thể nghe thấy tiếng thở của mình. Nhưng khi chương trình kết thúc lại là rào rào những tràng vỗ tay khiến nghệ sĩ xúc động đến rơi nước mắt.

Nói vậy rồi NSND Mẫn Thu lại chạnh lòng khi nghĩ đến nghệ thuật tuồng. Giờ đây, không chỉ khán giả mà ngay cả một số người làm nghề cũng hờ hững với tuồng. Bà bảo, mình là người hạnh phúc và may mắn được sống và cống hiến khi nghệ thuật tuồng đang ở giai đoạn đỉnh cao, khi mà mỗi vở diễn ra đời, khán giả háo hức ngồi xem kín rạp. Thế hệ nghệ sĩ của bà ngày ấy cuộc sống đơn sơ, đạm bạc nhưng đầy ắp lòng yêu nghề. Hai vợ chồng cùng đoàn, có khi đi lưu diễn mấy tháng trời ở vùng sâu, vùng xa. Con còn nhỏ thì mang theo. Mẹ diễn trên sân khấu, con ngủ ngon lành trong thùng gỗ để bên cạnh. Con lớn một chút thì gửi nhờ ông bà trông hộ, mẹ đằng đẵng lưu diễn tỉnh xa. Bà bảo, ngày ấy sao mà vô tư, ai cũng như ai, nghĩ ngợi lo toan tư lợi gì đâu. Có những buổi diễn ở bên này vĩ tuyến 17, bên kia súng giặc bắn vọng sang ầm ầm. Hay những đêm biểu diễn ở miền núi, khán giả cầm đuốc đi xem sáng rực quanh đèo, nhìn xa như những con rắn khổng lồ. Diễn xong thì ăn ở nhà dân, nghỉ ở nhà dân. Có nồi khoai, mẻ sắn bà con lại mang tặng các cô chú văn công. Chính tình cảm chân thành, mộc mạc mà ấm áp của khán giả đã thắp lửa niềm đam mê trong lòng mỗi người nghệ sĩ.

NSND Mẫn Thu luôn tâm niệm, mình là người người may mắn được hưởng lộc của Tổ nghề nên được phong tặng danh hiệu NSND, được khán giả nhớ đến. Nhưng ai cũng hiểu, để thành danh trên sân khấu là điều không hề dễ dàng. Ngoài cái duyên sân khấu trời cho thì việc luyện tập tới "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" là điều đương nhiên. Với nghệ thuật kịch hát như tuồng thì chỉ riêng việc hát thôi là phải "thổ tận can tràng", tức là luyến láy, nhả chữ từ gan ruột mới hy vọng lay động được khán giả. Diễn cũng phải đến bờ, đến góc mới ra được chất của tuồng. Với NSND Mẫn Thu, để thành công trên sân khấu tuồng, để được khán giả yêu thương, nhớ tới thì quá trình ấy là một cuộc lột xác vượt lên chính mình. Vượt qua cái nhút nhát, mặc cảm của một gái quê để làm nghệ thuật.

Sinh ra ở làng Trác Bút, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, có cha là một nghệ sĩ tuồng của thôn, từ bé Mẫn Thu đã yêu tuồng và học thuộc lòng các bài hát của cha. Khi Nhà nước có quyết định thành lập Đội Tuồng Trung ương, NSND Quang Tốn và NSND Bạch Trà trực tiếp tới các làng quê để tuyển diễn viên. Biết tin, cô bé Mẫn Thu nhờ một người anh chở sang dự thi. Do tính nhút nhát nên đến tận xẩm tối, khi người dự thi đã gần hết mà Mẫn Thu vẫn không đủ can đảm lên thi. Được động viên mãi, Mẫn Thu mới dám đứng lên hát mấy câu mà mình học được. Thi xong, cũng chả dám nghĩ là mình được chọn. Một tháng sau, khi đang cấy trên đồng thì Mẫn Thu nhận được tin báo trúng tuyển rồi khăn gói quả mướp lên Hà Nội. Ngày ấy, khu văn công ở cạnh chùa Hà chỉ là mấy gian nhà sơ sài bằng tre cót ép. Mấy cô diễn viên trẻ cứ ban ngày tập luyện ở khu văn công, đêm sang ngủ nhờ bên chùa Hà. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên ra khỏi lũy tre làng, nỗi nhớ nhà cộng với bản tính hay xấu hổ nên có lần Mẫn Thu bị thầy Quang Tốn mắng: "Là nghệ sĩ đứng đâu cũng phải múa, phải hát, chứ xấu hổ như thế thì làm nghề sao được". Đã thế, đôi tay từ bé đã quen với cấy cày gặt hái nên không được mềm mại như các bạn. Rất nhiều đêm, Mẫn Thu khóc thầm vì nghĩ chắc mình không theo được nghề. Nhưng về quê thì lại sợ bố mẹ mang tiếng với bà con làng xóm. Thật ra, trong sâu thẳm tâm hồn, Mẫn Thu yêu tuồng lắm. Các bạn tập được, sao mình không tập được. Thế là học ngày học đêm. Để tay chân được mềm, Mẫn Thu phải ngâm tay trong nước muối ấm. Để luyện giọng, Mẫn Thu từng chui đầu trong chiếc chuông chùa hét thật to. Không chỉ học thầy trong giờ giảng chính, Mẫn Thu còn chăm chú ngồi xem các thầy biểu diễn không sót một buổi nào, bởi như bà bảo, lên sân khấu mới là lúc nghệ sĩ thăng hoa nhất.

Bí quyết thành công của nghệ sĩ Mẫn Thu là phải hết mình, dù hóa thân vai phụ hay vai chính. Có thể chỉ là vai quân báo, chạy ra sân khấu, nói một câu rồi vào nhưng câu nói ấy cũng phải đầy cảm xúc. Thế nên, khi NSND Bạch Trà hóa thân vào vai Đào Tam Xuân, dù cảnh trước, Mẫn Thu vừa đóng vai con của Đào Tam Xuân nhưng bà Bạch Trà vẫn yêu cầu Mẫn Thu đóng vai quân báo cho mình. Một phương châm mà bà học được từ những người đi trước là "Học cho đến chết thì diễn mới sống" đã giúp bà thành danh với nghề, để giờ đây, giới tuồng vẫn truyền tụng rằng những tích tuồng như Đào Tam Xuân, Mộc Quế Anh, Ngũ biến… không ai qua được "bà Thu".

Lần đầu tiên vào vai chính Mộc Quế Anh, Mẫn Thu đã khiến khán giả và đồng nghiệp sửng sốt bởi khả năng hóa thân của mình. Nhưng ít ai biết rằng, trước đó là bao buổi tập đi bằng gối tới trầy xước, tóe máu. Ngày ấy, sàn tập lổn nhổn đất, đá, chỉ được trải bằng lớp cót mỏng, đầu gối không được bọc vải. Mỗi buổi tập xong là bầm tím chân tay. Nhắc tới NSND Mẫn Thu là người ta nhớ tới những vai võ tướng, những nhân vật có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt. Nhớ tới bà là nhớ tới một Hồ Nguyệt Cô trong nỗi đau xé lòng, điên dại khi phải trở về kiếp cáo, là Mộc Quế Anh hồn nhiên, chân chất, mãnh liệt trong tình yêu, là một võ tướng Đào Tam Xuân oai phong lẫm liệt...

Trò chuyện với NSND Mẫn Thu, rất dễ nhận thấy sự ngậm ngùi ở người nghệ sĩ này khi nhắc tới tuồng. Không buồn sao được khi bản thân một số nghệ sĩ tuồng không giữ được tình yêu nghề như xưa. Về hưu, bà bảo các em các cháu nghệ sĩ muốn nhờ bà giúp gì về nghề, bà sẵn sàng truyền dạy nhưng thỉnh thoảng mới có người học hỏi bà điều này, điều kia. Có thời gian một số nghệ sĩ trẻ quay sang hát dân ca để chạy show. Bà từng buồn khi cô con gái cả, được đánh giá là tài năng sân khấu tuồng, đã 13 năm gắn bó với nghệ thuật nhưng rồi cuối cùng cũng chọn một cuộc sống ngoài ánh đèn sân khấu. Nhưng bà tôn trọng sự lựa chọn của con. Cũng như bà, người nghệ sĩ đắm đuối với những vai diễn tuồng, giờ đây lại bình yên tròn vai người vợ, người mẹ, người bà cuộc sống gia đình để thấy niềm vui của con cháu là hạnh phúc của mình

Thảo Duyên
.
.