NSND Mai Phương: Đã mang lấy nghiệp vào thân...

Thứ Tư, 14/03/2012, 08:00
Là nghệ sĩ đàn tỳ bà đầu tiên của Việt Nam được phong tặng danh hiệu NSND, nghệ sĩ Mai Phương tâm sự rằng bà đã dành cho cây đàn tỳ bà cả "trái tim lẫn khối óc". Có lẽ chính bởi vậy mà cuộc đời bà cũng chìm nổi lênh đênh theo những tiếng buông buồn của tiếng đàn mà cả đời bà gắn bó.

Nhìn cách NSND Mai Phương chơi đàn, đôi lúc tôi có cảm nhận từng giọt sầu, giọt tủi trong lòng bà cũng đang rơi theo tiếng đàn trầm bổng làm mê đắm lòng người...

NSND Mai Phương tiếp tôi trong căn nhà rộng nhưng đồ đạc lại khá đơn sơ. Trò chuyện một lát, bà gỡ cây đàn tỳ bà trên tường xuống, đánh tặng tôi bản nhạc "Chỉ một niềm tin" do chính bà sáng tác cho cây đàn của mình. Đã hơn 40 năm từ khi bản nhạc ra đời, đã hàng trăm lần ôm đàn biểu diễn "Chỉ một niềm tin" nhưng NSND Mai Phương vẫn có những cảm xúc thật khó tả: một khi đã hòa mình vào cung đàn, bà không còn biết gì đến xung quanh nữa. Nhiều lúc đôi mắt bà khép lại và mái đầu pha sương lắc lư theo tiếng đàn du dương. Dường như, chỉ còn lại bà với cây đàn mà thôi. Và nỗi buồn vốn đeo đẳng trong lòng bà như tan biến. Chỉ sau khi bản nhạc kết thúc, NSND Mai Phương mới "trở lại" thực tại bằng đôi mắt mở to và buồn. Có lẽ, đôi mắt đó đã nhiều lần rơi lệ...

NSND Mai Phương thừa nhận: "Không giỏi tề gia nội trợ, đó chính là khiếm khuyết, là lỗi của tôi. Ngày xưa còn trẻ, tôi đi biểu diễn nhiều, chồng tôi giúp đỡ tôi rất nhiều trong chuyện bếp núc, trông nom con cái và tôi rất biết ơn ông ấy vì điều đó. Có đợt tôi đi biểu diễn ở nước ngoài dài ngày khi con gái đầu mới lên 2 tuổi, mọi việc phải phó thác cho chồng lo toan, thương lắm! Người phụ nữ khi đã lựa chọn dấn thân vì nghệ thuật nhiều khi khiến gia đình của chính mình phải chịu thiệt thòi bởi thiếu đi bàn tay săn sóc sớm khuya. Từ ngày nghỉ hưu, ông ấy buồn nên uống rượu nhiều hơn, nhiều lời trách móc hơn nên tôi rất buồn. Có nhiều khi không thể khóc trong nhà, tôi lao ra ngoài đường, đến một quãng vắng, hét lên thật lớn và nước mắt tuôn rơi... Khóc lên được cũng là cách giải tỏa nỗi buồn. Nó khiến tôi được thanh thản hơn".

Chịu sầu, chịu khổ và nhận phần khiếm khuyết về mình, nhưng đôi mắt nghệ sĩ Mai Phương trĩu nặng cùng tiếng thở dài. NSND Mai Phương tâm sự rằng, cho dù cuộc sống có thế nào đi nữa, thì bà vẫn tâm niệm số phận đã trao vào tay mình cây đàn tỳ bà và bà đã dành cho nó cả trái tim và khối óc mà không cảm thấy ân hận vì điều đó. Với cây đàn tỳ bà, Mai Phương đam mê và đeo đuổi nó, hóa thân vào nó như một con thiêu thân tự ném mình cho lửa để cháy lên, sáng lên rực rỡ. Nhưng cũng bởi quá đắm say với nó nên nhiều khi không có thời gian chăm lo đúng mức cho chồng con. Đó chính là điều khiến bà cảm thấy bị dằn vặt, day dứt và đôi khi nghĩ lại vẫn cảm thấy trái tim mình đau nhói. Đó vừa là sự hy sinh vừa là sự trả giá âm thầm của người nữ nghệ sĩ. Đằng sau những vinh quang, những tràng pháo tay là những sầu khổ không biết nói cùng ai, là những giọt nước mắt lặng thầm rơi.

NSND Mai Phương nhìn bề ngoài và nghe giọng nói dễ cho ta một cảm giác bà là cứng cỏi, kỳ thực, ẩn chứa bên trong lại là một trái tim mềm yếu, dễ xúc động. Có nhiều nữ nghệ sĩ tôi biết cũng có số phận không may mắn, thậm chí nhiều khi lâm vào hoàn cảnh éo le, nhưng nước mắt họ lặn vào trong. Còn với nghệ sĩ Mai Phương, hình như nước mắt cứ chực lăn ra ngoài...

Hằng ngày NSND Mai Phương vẫn làm bạn với cây đàn.

Theo dòng hồi tưởng, NSND Mai Phương cho biết: Năm 9 tuổi bà đã trúng tuyển và sau 9 năm theo học bộ môn đàn tỳ bà của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), bà được giữ lại làm giảng viên bộ môn này và gắn bó với ngôi trường đó suốt 38 năm ròng (từ năm 1969 đến 2007 thì nghỉ hưu). Ngoài công việc giảng dạy, bà còn tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, tham gia nhiều tốp nhạc, nhóm nhạc nổi danh một thời như nhóm "Phong Lan", "Hương Sen", "Con Gái", "Cúc Vàng" và có nhiều chuyến đi lưu diễn ở nước ngoài. Những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, nghệ sĩ Mai Phương vinh dự có 3 lần được tham gia biểu diễn tại Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức ở Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc và nhiều chuyến đi biểu diễn ở Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, Hồng Kông...

Trước chuyến đi biểu diễn ở Hồng Kông, dù đã biết có mang bé gái thứ 2 nhưng bà vẫn theo đoàn lên đường bởi không muốn lịch trình biểu diễn của đoàn vì mình mà thay đổi. Đó là những ngày tháng đầy nhiệt huyết, đam mê và khát vọng, dường như chỉ có ăn, ngủ và đàn tỳ bà. Khi ấy, tuy đã lập gia đình nhưng chưa quá vướng bận việc con cái nên mối quan tâm, niềm say mê của Mai Phương đổ dồn hết vào cây đàn. Bà sáng tác một số tác phẩm nổi tiếng với cây đàn tỳ bà và đoạt Huy chương Vàng tại các Hội diễn âm nhạc toàn quốc như "Chỉ một niềm tin", "Niềm tâm sự", "Khúc nhạc quê hương", "Suy tư", "Đêm trắng", "Kỷ niệm quê hương"... Bà soạn giáo trình để giảng dạy bộ môn đàn tỳ bà bởi trước đó, các thầy giáo bộ môn này phần lớn là các nghệ nhân, chủ yếu truyền dạy học trò bằng kinh nghiệm của mình qua các bản nhạc cổ chứ chưa hề có giáo trình. Thời gian rảnh rỗi, bà lại lao vào tập luyện với các tốp, nhóm để đi biểu diễn ở khắp nơi cùng với các nghệ sĩ như Khắc Trí (đàn bầu), Thế Dân (đàn nhị), Tiến Vượng (sáo), Hương Tú (trống)... đều là những tên tuổi lớn trong dòng âm nhạc dân gian.

Những năm tháng ấy, tên tuổi Mai Phương được nhiều người biết đến, lịch diễn, lịch dạy của bà lúc nào cũng kín đặc. Bà cũng sớm cho ra mắt các CD riêng được khán thính giá đón nhận như CD "Chỉ một niềm tin", CD "Tiếng đàn Mai Phương". Cây đàn tỳ bà như có một ma lực hấp dẫn Mai Phương, khiến bà luôn bận bịu tối ngày. Càng dấn thân bà càng cảm thấy bị cây đàn tỳ bà cuốn hút bởi những nốt nhạc nhấn nhá đòi hỏi kỹ thuật cao, những cung buông tha thiết, lay động lòng người...

Mãi 14 năm sau khi lập gia đình và phải dày công đi chạy chữa vất vả, nghệ sĩ Mai Phương mới sinh được con gái đầu lòng. Khi ấy bà đã chạm tuổi 40. Chồng bà là một người đàn ông hiền lành, chân thật, chịu thương chịu khó nên những khi bà đi biểu diễn liên miên, ông thay bà chăm sóc hai con nhỏ, đưa đón con đến trường... Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra bình thường nhưng lâu dần nó bắt đầu bộc lộ những bất ổn. Người đàn ông ấy buồn vì cảm giác xa vắng hình bóng vợ trong chính căn nhà mình. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người đàn ông này tìm đến rượu. Cứ say là nói, nói linh tinh đủ thứ trên đời và cuối cùng "đối tượng" để ông trút cơn say chính là người vợ tội nghiệp của mình. "Bởi vậy bây giờ, mỗi khi say ông ấy lại trách cứ này nọ rằng tôi "mê đàn, mê nhạc viện, ôm đàn suốt ngày nhiều hơn ôm chồng ôm con" cũng phải chịu thôi. "Đã mang lấy nghiệp vào thân" rồi, biết làm thế nào! ấy vậy, nhưng lúc tỉnh táo, ông ấy hiền lắm, lại hỏi: "Hôm qua anh như thế thật à?", rồi lại mau mắn tranh phần đi chợ, mua cái này cái kia về nấu nướng cho vợ con ăn như để ăn năn, chuộc lỗi... Thế nhưng ông ấy không biết rằng, ngay cả những lời nói trong cơn say của ông đã để lại trong lòng tôi những vết thương day dứt...".

Bây giờ, khi đã vào tuổi xế chiều, lịch giảng dạy cũng như đi diễn của NSND Mai Phương thưa vắng hơn xưa nhiều. Bà đã trở về trọn vẹn với vai trò nội trợ, ngày ba buổi chăm lo cơm nước cho chồng con. Nhưng trong cuộc sống vẫn còn đó nỗi buồn dằng dặc khó nguôi cùng nỗi nhớ những cung đàn xưa khiến bà không thể rời xa nó một ngày. Nghệ sĩ Mai Phương thổ lộ rằng, ngày nào bà cũng phải mang đàn ra đánh. Đó chính là cách để nghệ sĩ Mai Phương gửi vào đó nỗi niềm tâm sự ngọt ngào xen lẫn đắng cay.

"Đời con người, mấy ai được vẹn toàn đâu em! Người ta về già vợ chồng vui vầy với con, với cháu. Mình thì lại nhiều lúc cứ thăm thẳm nỗi buồn. Thôi, trăm đường cứ đổ cho số phận là xong!" - NSND Mai Phương bộc bạch như thể tự trấn an, tự xoa dịu lòng mình. Bà bảo rằng, khi chơi đàn tỳ bà, dây buông của nó bao giờ cũng ngân lên điệu buồn tha thiết và có vẻ như nó đã "ám" vào số phận Mai Phương. Nhưng khi tôi hỏi: "Nếu được chọn lại từ đầu, bà có chọn lại đàn tỳ bà không?", thì nghệ sĩ Mai Phương bất ngờ nở nụ cười: "Có chứ! Đó là định mệnh mà! Số phận đã trao vào tay tôi cây đàn, tôi không bao giờ ân hận đã sống chết vì nó!"...

Hà Anh
.
.