NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác!

Thứ Ba, 26/08/2014, 08:00
Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thành công của một vở diễn. Tính đến nay, NSND Lê Huy Quang đã giữ vai trò họa sĩ thiết kế cho trên 300 vở diễn sân khấu. Công việc này luôn được ông đầu tư sâu, nghiêm túc nhưng không bao giờ kém phần bay bổng, lãng mạn đã tạo nên một dấu ấn rất riêng trong giới mỹ thuật sân khấu. Không dừng lại ở đó, với thơ và hội họa, NSND Lê Huy Quang cũng có những khám phá độc đáo không lẫn với ai...

1.NSND Lê Huy Quang cho biết, từ thời còn trẻ trai đến nay, ông luôn là người bận rộn. Bận rộn với những suy tưởng, sáng tạo, với công việc thường ngày và cả những buổi… trà sớm rượu trưa với bạn quý. Ông cũng thừa nhận rằng, ông rất sợ sự rảnh rỗi, sợ sự bon chen, đố kỵ, tranh giành... Ông thẳng thắn: "Đời tôi không sợ cái xấu, không sợ cái ác nhưng tôi sợ sự đố kỵ, nhất là sự đố kỵ trong nghệ thuật. Nó tiêu diệt lòng trung thực và khiến con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, là mầm mống tiêu diệt sự sáng tạo...".

Và ngót 50 năm lăn lộn trong đời sống nghệ thuật đã đủ cho ông rút ra một trải nghiệm sâu sắc rằng: "Ở đời phải biết thua người khác. Biết thua người khác chính là đã thắng được bản thân mình. Phải biết sức, tài mình đến đâu để sống đúng với mình. Ngay cả một dân tộc cũng phải sống đúng cội nguồn và văn hóa của mình. Cuộc đời nếu không biết thua thì không làm được gì. Biết thua không phải là "mất", mà đó chính là cái "được" vô hình mà không phải ai cũng ý thức được". Bởi thế, ném mình vào sự bận rộn dường như cũng là cách ông lánh mình ra xa những thói hư tật xấu ở đời. Nhiều người cũng giống như tôi, từng băn khoăn về sự "phân thân" độc đáo này của ông, rằng làm sao ông có thể cùng lúc làm nhiều việc đến thế, ông chỉ cười mà rằng: "Ở đời nhiều người đang mất rất nhiều thời gian để kèn cựa, săm soi người khác, mà không biết rằng nếu dành thời gian ấy để vào việc có ích thì cũng được vô khối.

Tôi đã ý thức được điều đó từ sớm và chọn được lối đi riêng cho mình. Tôi vẽ tranh, vẽ bìa sách, minh họa, làm thơ, làm báo, làm sân khấu… quá bận rộn như thế, để không còn thời gian đố kỵ, tranh giành, bon chen với ai và không còn thì giờ để đi nói xấu người khác...". Ý thức sớm về "bản ngã" và trung thành với quan điểm "phải khác" - điều mà nghệ sĩ Lê Huy Quang từng "tuyên ngôn" trong thơ mình: "Nghe như gió chuyển sang mùa/ Giọng nói bạn bè đã pha màu đố kỵ/ Bay đi một cọng lá vàng/ Tất cả mọi người đều tiến lên hối hả/ riêng ai lùi lại một mình/ Tất cả mọi người đều reo lên hỉ xả/ riêng ai ngơ ngác lặng câm/ Tất cả mọi người đều vỗ tay như sấm/ ai như vô hình bay lên/ Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên? Nhưng mà Phải khác. Mới nên chữ Người".

"Phải khác" là tên bài thơ cũng đồng thời là tên tập thơ dày dặn gồm 108 bài của Lê Huy Quang (NXB Hội Nhà văn, 2009) viết từ những năm 1968 với những "cách tân" từng làm dấy lên nhiều ý kiến tranh luận. Lê Huy Quang cho rằng, nếu thơ của mình được bạn bè thuộc, đọc lên dù chỉ là dăm ba câu, thậm chí là một câu trong các cuộc đàm đạo văn chương, trong các cuộc trà dư tửu hậu cũng là điều đáng vui và tự hào lắm thay!

2. Quê cha Thạch Hà, Hà Tĩnh, nhưng Lê Huy Quang lại sinh ra và lớn lên trên quê mẹ Đô Lương - Nghệ An. Xưa kia, cha ông là một nghệ nhân tuồng cổ từng theo gánh hát rong ruổi khắp nơi, nên từ ấu thơ, cậu bé Lê Huy Quang đã đắm chìm trong không gian của sân khấu tuồng và bị sân khấu mê hoặc. Sau này ra Hà Nội, trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, cứ như là duyên nợ, ông lại về công tác ở Nhà hát Tuồng Trung ương và gắn bó với tuồng suốt 30 năm. Ông thường tự nhận mình là "gã nhà quê xứ Nghệ" nhưng nhìn vào gia tài sáng tác của ông thì quả là chẳng "nhà quê" chút nào, thậm chí có thể gọi là "tay chơi" có tiếng.

Trong số 300 vở diễn ông từng thiết kế mỹ thuật, thì có tới gần 100 vở tuồng của các nhà hát tuồng trong Nam ngoài Bắc, trong đó có thể kể ra đây những vở nổi tiếng một thời của Nhà hát Tuồng Việt Nam như "Lý Chiêu Hoàng", "Nghêu Sò Ốc Hến", "Hoàng hôn đen", "Chu Văn An", "Thánh Gióng", "Ôtenlô", "Ơđíp làm vua"... NSND Lê Huy Quang chia sẻ: "Tuồng là sân khấu truyền thống, cung đình, bác học. Không gian của sân khấu tuồng là cách điệu, ước lệ, tượng trưng... nghĩa là phải biến cái trống thành cái đầy, biến cái không thành có, biến cái hữu hạn thành vô hạn...". 30 năm gắn bó với sân khấu tuồng, qua từng vở diễn đã khẳng định dấu ấn tư duy độc đáo, một bản lĩnh vừa ngang tàng nhưng cũng không kém phần lãng mạn của Lê Huy Quang trên sân khấu.

Ngoài công việc "chính danh" này, Lê Huy Quang còn âm thầm vẽ. Cũng giống như khi làm thơ, không cầu thơ phải được in ngay hay xuất hiện ngay trên các báo, Lê Huy Quang vẽ không nhằm mục đích chăm chăm để triển lãm (năm 2000, ông đã có triển lãm cá nhân về "Hội họa - Đồ họa - Trang trí", là triển lãm duy nhất của ông cho đến nay). Việc làm thơ hay vẽ với ông trước hết phải là để thỏa mãn nhu cầu "phải vẽ" của chính mình trước. Không nệ thực, không tả thực, không bị chi phối bởi hiện thực, nhưng cũng không tìm đến những hình thức biểu hiện cầu kỳ lạ lẫm - hội họa Lê Huy Quang được giới họa sĩ gọi là "hội họa của tâm tưởng, suy cảm", trong đó nhiều tác phẩm như vẽ trong hoài niệm, nên có lẽ đã có một sức lay động rất riêng và dường như đã chạm được vào những sợi dây cảm xúc vô hình, khó diễn tả của người thưởng thức. Cũng trong suốt những năm tháng gắn bó với sân khấu, tự lúc nào ông đến với vai trò nhà biên kịch và say mê với hình tượng người lính. Đến nay NSND Lê Huy Quang đã có tới 20 kịch bản sân khấu, trong đó có nhiều vở đã được dàn dựng và phát sóng như "Khoảng trống vô hình", "Trái tim mồ côi', "Họ vẫn là người lính", "Nước mắt trên dòng Thạch Hãn", "Khoan dung", "Thiên đường hay tù ngục", "Phía trước là niềm tin"…  

3. Nếu viết đầy đủ về Lê Huy Quang thì phải là: Họa sĩ, nhà thơ, nhà báo - NSND Lê Huy Quang. Nhưng trong bài viết này, tôi xin được gọi ngắn gọn là NSND Lê Huy Quang như phong cách rất "mộc" và "dị bản" của ông. NSND Lê Huy Quang hiện là Phó Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); đồng thời là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Trang trí Hội Mỹ thuật Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Từ 3 vai trò này, tôi bỗng có một sự liên tưởng nhỏ giữa ông với thế đứng của một cái kiềng ba chân: bình thản mà vững chãi, đơn độc mà gắn kết. Bởi thế, việc thiếu đi một "chân kiềng" nào dường như cũng khiến cho con người của Lê Huy Quang trở nên... thiếu hụt.

Cũng thật sự hiếm có một NSND lại là Hội viên của đồng thời 4 Hội: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam như Lê Huy Quang. Ông tâm sự rằng: "Với tôi, hội họa cho tôi trí tuệ, lý trí; thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình; sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, về cái đẹp cũng như thân phận con người; công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh với tư cách của một công dân. Khi tôi kết hợp các loại hình này lại, tạo nên phong cách sáng tạo của riêng mình. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương diện: bút lông và bút sắt. Cho đến giờ tôi vẫn luôn cho rằng, mọi danh lợi ở đời chỉ là thứ hào nhoáng bên ngoài, tác phẩm nghệ thuật mới là thứ còn lại với thời gian. Tôi cũng biết rằng, mình sinh ra để làm nghệ thuật, ngoài nghệ thuật ra tôi cũng không biết làm gì khác...".

Có lẽ bởi quan niệm trước sau như một như thế, nên dường như lúc nào nghệ sĩ Lê Huy Quang cũng trăn trở, cũng hối hả làm việc trong cảm giác lo lắng thời gian với mình là hữu hạn. Và ông cũng mong sao cuộc đời mình, cái còn lại ngoài những tác phẩm nghệ thuật còn là những tình cảm tốt đẹp của công chúng, của bạn bè.

Và vẫn như thuở ban đầu đến với nghệ thuật, cho đến nay tuổi đã bước vào thất thập, nghệ sĩ Lê Huy Quang vẫn y nguyên như thế. Vẫn tóc dài, nhẫn bạc, vòng bạc, vẫn đi guốc mộc và niềm đam mê sáng tạo, khám phá tìm tòi chưa bao giờ ngưng nghỉ. Những năm gần đây, ngoài làm thơ, viết báo, minh họa, viết kịch bản sân khấu và vẽ tranh, NSND Lê Huy Quang vẫn tiếp tục thiết kế mỹ thuật cho nhiều vở diễn như "Thạch Sanh" (Nhà hát Chèo Hà Nội), "Đường trường duyên phận" (Nhà hát Chèo Việt Nam). Và tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp năm 2010, NSND Lê Huy Quang đã đoạt giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho thiết kế mỹ thuật của vở "Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ" (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế), bổ sung vào gia tài hơn 20 Giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc về sân khấu, hội họa, đồ họa, minh họa… mà ông sở hữu. Quả thực, NSND Lê Huy Quang đã nói là làm, ông xác định với bản thân, với bạn bè và với cuộc đời là "Phải khác" và đúng là ông đã sống một cuộc đời nghệ sĩ "rất khác"...

Nguyệt Hà
.
.