NSND Lan Hương: Ở đời, đừng "ăn thua quá"

Thứ Tư, 11/07/2012, 08:01

Có lần ngồi trò chuyện với NSƯT Kim Thư, nhắc đến Hương "bông", bà bảo: "Mình rất nể vợ chồng Hương - Kỷ (NSND Lan Hương - NSƯT Đỗ Kỷ). Vợ chồng chúng nó hoàn cảnh nào cũng sống được, mà lại rất chuyên tâm với nghề". Hương "bông" nhớ lại thời bao cấp khó khăn: "Gia đình đôi bên đều là công chức bình thường, bọn mình lấy nhau hai bàn tay trắng, phải tự mua sắm từ cái bát, cái bếp dầu. Nghèo lắm. Chỉ biết bảo nhau thôi thì phải cố gắng, đã chọn cái nghề mình yêu, phải đi với nó đến cùng"...

Xuất hiện trong quán cà phê, giản dị từ áo quần đến gương mặt mộc, chị như chìm khuất vào đám đông. Thảng hoặc mới có người nhận ra chị, bà vợ ông bí thư trong phim "Bí thư Tỉnh ủy" lúc nào cũng bận bịu lợn gà quần ống thấp ống cao, hay bà mẹ chồng tốt với con dâu đến mức khó tin trong phim "Vệt nắng cuối trời" đang phát trên truyền hình. Tôi chúc mừng chị vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, và tò mò hỏi chị về số tiền đi kèm danh hiệu. Chị "khoe" không giấu giếm, tiền thưởng được hơn 10 triệu đồng, đủ để khao bạn bè. Tôi lại hỏi sang tiền lương, chị bảo vẫn thế, đâu phải cứ đạt danh hiệu NSND thì được tăng lương. Rồi như chợt nhận ra tôi đang quá đà, chị cắt lời: "Thôi đừng bàn chuyện tiền nong nữa em nhé".

Nghệ danh của chị là Lan Hương. Để tránh nhầm với nghệ sĩ Lan Hương "Em bé Hà Nội" bên Nhà hát Tuổi trẻ, bạn bè thường gọi chị là Hương "bông", vì mái tóc xoăn tự nhiên rất đặc trưng của chị. Đã tham gia hàng trăm vai diễn, cả sân khấu và điện ảnh, nhưng chị vẫn không dám nhận mình là người nổi tiếng. Bản tính chị vốn ngại xuất hiện trước công chúng, ít khi phát ngôn trên báo chí truyền thông. Thế nên mới có chuyện hồi chị vào vai chính trong một vở diễn, ra đường gặp khán giả, họ cứ khen diễn viên vào vai ngọt quá, đẹp quá, mà không hề biết mình đang nói chuyện với chính người diễn viên ấy. Tôi chia sẻ với chị, nhiều nghệ sĩ tôi gặp họ rất quan trọng chuyện hình thức. Và họ muốn tạo ra một khoảng cách nhất định nào đó với công chúng. Hương "bông" bảo, chị không có ý nghĩ ấy. Trên sàn diễn, chị có thể vào vai một bà chúa, một mệnh phụ giàu có, nhưng ở ngoài đời, chị muốn mình giống mọi người. Vẻ ngoài của một diễn viên sao lại không quan trọng chứ, nghề của thanh sắc mà, nhưng không có nghĩa là mình lệ thuộc vào nó, tốn quá nhiều tiền của, thời gian cho nó. "Xét cho cùng, muốn bền nghề, thì hình thức lại không phải yếu tố quyết định, mà quan trọng là phải rèn nghề cho sắc, cho tinh"- Chị kết luận.

Có lần ngồi trò chuyện với NSƯT Kim Thư, nhắc đến Hương "bông", bà bảo: "Mình rất nể vợ chồng Hương - Kỷ (NSND Lan Hương - NSƯT Đỗ Kỷ). Vợ chồng chúng nó hoàn cảnh nào cũng sống được, mà lại rất chuyên tâm với nghề". Hương "bông" nhớ lại thời bao cấp khó khăn: "Gia đình đôi bên đều là công chức bình thường, bọn mình lấy nhau hai bàn tay trắng, phải tự mua sắm từ cái bát, cái bếp dầu. Nghèo lắm. Chỉ biết bảo nhau thôi thì phải cố gắng, đã chọn cái nghề mình yêu, phải đi với nó đến cùng".

Sân khấu sau thời kỳ hoàng kim lâm vào tình trạng khủng hoảng, khán giả hiu hắt, các buổi diễn nhạt thưa, nhiều diễn viên nổi tiếng bỏ nghề đi làm việc khác vì thu nhập không đủ sống. Để trụ lại với nghề, Đỗ Kỷ đi làm cửu vạn ở Ga Hàng Cỏ. Ban ngày anh đi tập vở, tối đi diễn, diễn xong về nhà thay quần áo rồi 3-4 giờ đêm ra ga, đợi tàu Thống nhất Bắc - Nam về, bê vác giấy dầu, gạo, mì tôm để kiếm chút tiền nuôi con. Hương "bông" thì ở nhà dệt áo len thuê, xe sợi kiếm tiền. Hết mùa áo len, chị nhận làm đồ may. Có lần khách nhờ may áo cưới, cần mẫn suốt ngày suốt đêm để hoàn thành sản phẩm, mà ngại không dám lấy tăng tiền công. Đỗ Kỷ biết chuyện thì trách yêu vợ: "Em đúng là không biết làm giàu". Hương "bông" bảo chồng: "Em mà biết làm giàu thì em đã không lấy anh".

Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ trong phim “Nếp nhà” của đạo diễn Vũ Trường Khoa.

Hương "bông" nói, kỳ thực thì chưa khi nào vợ chồng chị nghĩ đến chuyện làm giàu cả. Chỉ mong làm sao xoay xở để cuộc sống đừng khó khăn, túng quẫn quá mà phải bỏ nghề. Được cái, cả hai vợ chồng chị đều ưa một cuộc sống giản dị. Việc nhà, việc con cái, anh sẵn sàng chia sẻ với chị, không nề hà khó khăn. Sân khấu gặp khủng hoảng, là lúc thời kỳ phim truyền hình bung ra, anh chị xoay sang đóng phim. Hương "bông" chia sẻ, chị không ngại bất cứ việc gì, dù là nhỏ nhất. Chị cùng chồng đi lồng tiếng cho phim. Đến nay họ đã lồng tiếng cho hàng trăm bộ phim truyền hình. Rồi chị đi đọc quảng cáo, làm MC cho một số chương trình truyền hình, kể chuyện cổ tích cho trẻ em, tham gia chương trình câu chuyện truyền thanh trên đài phát thanh… "Mình làm việc 10 đến 12 tiếng một ngày là bình thường. Có những ngày cao điểm mình làm việc tới 16 tiếng. Ngày nghỉ lễ mình càng phải chạy sô, vì nhiều chương trình".

Mới đây nhất, chị vào vai người kể chuyện trong chương trình "Chuyện kể trước lúc 0h" trên kênh ANTV. Hỏi vui, chị làm việc quần quật như thế thì tiền để đâu cho hết, Hương "bông" cười: "Đúng là ở phương Tây mà làm việc như mình thì không để đâu hết tiền thật. Nhưng ở ta thì chỉ là tạm đủ để trang trải cuộc sống. Ví dụ như đi đọc truyện trên đài phát thanh, mỗi lần lên sóng mình chỉ được mấy chục ngàn thôi. Nhưng mình quan niệm "năng nhặt chặt bị", cứ cần cù thì thế nào cũng sống được. Vả lại, những công việc mình làm quan trọng nhất là nó đều liên quan đến nghề diễn viên, là cơ hội cho mình rèn nghề, có thêm vốn sống. Đến khi mình diễn trên sân khấu hay ngoài phim trường, vai diễn cũng vì thế mà có chiều sâu hơn".

Nghe Hương "bông" ví dụ về hành trình một ngày lao động của chị, từ Đài Truyền hình Hà Nội chạy sang Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Quán Sứ, lại chạy ngược lên Truyền hình Công an nhân dân đóng vai người kể chuyện "trước lúc 0h", rồi chạy vòng về Hãng phim để lồng tiếng, rồi chạy đến phim trường hay hối hả về Nhà hát tập vở…, chưa kể thời gian chợ búa, cơm nước, chăm lo gia đình, con cái, tôi có thể hình dung chị tất bật thế nào. Ai bảo nghề diễn viên là nhàn nhã, chỉ có hào quang dưới ánh đèn và quần áo đẹp, đồ dùng hàng hiệu? "Hồi đóng phim "Bí thư Tỉnh ủy" mình chạy từ Phú Thọ về Hà Nội đã nửa đêm, đạo diễn lại yêu cầu phải đến xưởng lồng tiếng ngay. Gần sáng mới về đến nhà, ngủ một lát lại qua Nhà hát làm việc bình thường. Nghề diễn chưa bao giờ là nghề nhàn như nhiều người tưởng. Nó cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt như bất cứ nghề nào trên đời. Nếu bạn trẻ nào đó chọn nghề vì nghĩ rằng nó sẽ mang đến cho mình sự nổi tiếng, kiếm tiền dễ, lại nhàn thân, thì ý nghĩ đó hết sức sai lầm".

Khi chưa gặp Hương "bông", tôi nghe có người nhận xét về chị, rằng, chị là người "dĩ hòa vi quý", không quyết liệt, nên ít có đột phá trong nghề. Chị thường thành công ở những vai chính diện có tính cách nhu mì, hiền thục hơn là những vai phản diện sắc sảo, ghê gớm, cá tính mạnh. Hương "bông" chỉ cười khi nghe chuyện này. Chị bảo, trong nghề, mỗi người có thế mạnh riêng của mình. Đó là cái Trời cho, không ai giống ai. Riêng nói về sự "quyết liệt", chị phản biện: "Một người có ý chí, quyết tâm không có nghĩa là người hiếu thắng đâu. Trong nghề, mình là người dám sống chết và trả giá. Mình có thể lao động bằng hai, bằng ba người khác, để nuôi nghề. Trong khi nhiều người lo quần áo đẹp, quan hệ này nọ để tiến thân, mình chỉ cắm cúi làm việc, vừa là để kiếm sống, vừa là để dùi mài kinh nghiệm, học hỏi. Mình chưa khi nào có ý nghĩ bỏ cuộc, ngay cả lúc khó khăn nhất. Khi muốn vào vai một nhân vật nào đó trong một vở diễn mà mình thích, mình không tìm cách này cách khác để tranh giành vai. Mình quan sát cách làm việc của đạo diễn và tự tập vai cho nhuần nhuyễn. Đến lúc thích hợp, mình đề nghị đạo diễn cho diễn thử. Bằng cách này, rất nhiều đạo diễn đã ngay lập tức trao vai cho mình. Mình đã làm cho họ thấy, rằng mình, chứ không phải ai khác, phù hợp với vai diễn đó. Trong ứng xử cuộc đời, thật lòng mình cũng chưa khi nào muốn nhất cả. Lúc nào mình cũng sẵn sàng nhún xuống, ai nhất là mình nhì ngay. Ở Nhà hát, ai nói mình "ăn thua" trong công việc, mình nhường luôn, quay đi đóng phim cho đầu óc thanh thản. Vì chỉ khi đầu óc thanh thản mình mới diễn hay được. Mọi sự khổ trên đời đều do "ăn thua" mà ra, cho nên, ở đời đừng "ăn thua" quá. Càng sống, mình càng nhận thấy đây chính là giải pháp tốt nhất, an toàn nhất. Sống như thế lòng rất nhẹ, và mình như được trẻ ra".

Sẵn sàng "nhún" xuống để được bình an, người hời hợt có thể sẽ hiểu về Hương "bông" sơ sài theo nghĩa "dĩ hòa vi quý". Nhưng nhìn vào những gì chị đã lao động, cống hiến cho nghệ thuật, để trở thành NSND như hôm nay, tôi thực sự kính phục chị. Đơn giản là chị đã sớm nhìn ra những phiền toái mà một người làm nghệ thuật có thể sẽ gặp trên đường đi, để không bị nó cuốn vào. Bao nhiêu người đã bỏ dở sự nghiệp của mình, vì những cám dỗ của đồng tiền. Bao nhiêu người đã tự làm hoen ố tư cách của mình, vì những hiềm khích, đố kỵ, vốn đầy rẫy trong nghề nhiều hào quang nhưng cũng không ít giả dối này. Chị bình tĩnh sống, bình tĩnh làm nghề, không than van, trách móc: "Mình không có "đại gia" nào, chỉ có "đại gia chồng" thôi, nhưng là đại gia tinh thần. Điều này rất quan trọng đấy. Mình phải cảm ơn vì anh ấy đã đặt hạnh phúc gia đình lên trên tiền bạc. Bọn mình đã "chống lưng" cho nhau những ngày gian nan nhất, để lo cho gia đình, con cái, và động viên nhau làm nghệ thuật. Đến giờ phút này mình đã thực sự hiểu, không có con đường tắt nào đưa ta đến thành công cả, nếu ta không nỗ lực hết mình".

Chia tay NSND Lan Hương, tôi nghĩ, những nghệ sĩ trẻ bắt đầu bén duyên với nghệ thuật hôm nay có thể xem chị là một tấm gương để soi vào, dù tôi biết chưa khi nào chị muốn trở thành một tấm gương. Không chỉ thành công trong sự nghiệp, mà chị còn là người "giữ lửa" cho một gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan ngoãn, trưởng thành. Nếu có thể xem là bí quyết, thì bí quyết của chị Hương "bông" rất đơn giản: "Trong cuộc sống nói chung và gia đình nói riêng, mọi sự đổ vỡ xảy đến là khi người ta nghĩ cho mình nhiều quá, yêu mình nhiều quá, mà không chịu hy sinh vì người khác"

Bình Nguyên Trang
.
.