NSND Đoàn Dũng: "Vinh quang và cay đắng, cứ đè nặng hai vai"
Trong suốt buổi chuyện trò, khi nói về đời nghệ sĩ, ông cứ nhắc đi nhắc lại hai câu trong một ca khúc của nhà văn Hữu Ước - một người bạn của ông. Ông bảo: "Đợt ra Hà Nội lần này, việc chính của mình là dự giải thưởng Cánh diều vàng. Nhưng việc quan trọng không kém là mình đưa tiễn một người bạn nghệ sĩ tuổi đời còn kém mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Đời nghệ sĩ nó mong manh lắm. Niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều. Đằng sau tấm màn nhung khép mở và tiếng vỗ tay của khán giả là rất nhiều cay đắng, cực nhọc. Cho nên khi đến thăm bạn Hữu Ước ở tòa soạn Báo CAND, mình vẫn bảo, cậu viết về đời những kẻ làm nghệ thuật sao mà trúng quá đi: "Vinh quang và cay đắng/ Cứ đè nặng hai vai".
NSND Đoàn Dũng và NSND Thế Anh thường hay "cặp kè" với nhau, mỗi khi hai ông có dịp cùng ra Hà Nội. Họ là bạn thân thiết từ khi còn là sinh viên khóa đầu tiên trường Sân khấu điện ảnh. Trong nghề diễn, NSND Thế Anh gắn bó với điện ảnh nhiều hơn sân khấu, còn NSND Đoàn Dũng lại đính tên mình vào nhiều vai diễn nổi tiếng trong sân khấu hơn. Không những thế, ông còn là một người thầy đáng kính của không ít nghệ sĩ danh tiếng. Cuộc đời ông đã đi qua nhiều khúc quanh, với đủ ngọt ngào, sướng khổ mà nghệ thuật mang lại. Và cũng chỉ có hai chữ nghệ thuật mới đủ sức nặng để neo ông với mọi câu chuyện, mọi đề tài.
Thoạt nhìn, NSND Đoàn Dũng có vẻ ngoài của một "ông tướng" hơn là một diễn viên. Ông có dáng người thấp đậm, một chút gai góc trong cảm nhận của người đối diện, không hào nhoáng, bắt mắt như thông thường ta vẫn gặp ở người diễn viên. Nhưng khi ông cười, hay nghe ông nói chuyện, mới hay đằng sau cái vẻ thô nhám ấy là một tâm hồn sâu sắc và vô cùng lãng mạn. Và ăm ắp trải nghiệm của người đã đi phần lớn đường đời của mình bằng trái tim luôn đau đáu vì những giá trị thật, những vẻ đẹp thật mà hôm nay đang bị rất nhiều cái giả trùm lấp.
Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng. Cái nghệ danh Đoàn Dũng của ông là dấu ấn về một mối tình thời học trò thoảng qua nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai trong ông. Ông kể: "Hồi tôi học phổ thông, là học sinh giỏi. Buổi lên nhận phần thưởng, cùng với tôi có một cô bé rất xinh đẹp, để mái tóc dài đen thướt tha. Cô đứng cạnh tôi và tên cô là Đoàn Quế Hương. Tôi cảm thấy mình phải lòng cô ngay từ giây phút ấy. Lớn lên chút nữa, tham gia vào đoàn kịch thanh niên, tôi lấy nghệ danh của mình Đoàn Dũng, là cách ghép cái họ Đoàn của người con gái xinh đẹp cùng trường mình thầm yêu trộm nhớ vào tên mình".
Từ trái qua: NSND Đoàn Dũng, nhà văn Hữu Ước, NSND Huy Thành và NSND Thế Anh. Ảnh: Trang Dũng. |
Đoàn Dũng trở thành một trong những cái tên nổi trội trên sân khấu Việt
Đoàn Dũng sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Miện, làng ven đô Hà Nội. Lúc nhỏ ông được cha mẹ dạy theo nền nếp gia phong của một gia đình Hà Nội gốc. Trọng nghĩa tình hơn tiền bạc là bài học lớn mà ông mang theo từ truyền thống gia đình. Là người yêu văn chương nghệ thuật, Đoàn Dũng tham gia các đội văn nghệ của trường, của Đoàn thanh niên từ rất sớm. Rồi ông chọn thi vào khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chuyện không thành, ông tình nguyện vào bộ đội pháo binh. Hết thời gian tại ngũ, ông có ý định đi học sĩ quan pháo binh. Nhưng từ thẳm sâu, tình yêu nghệ thuật trong ông vẫn cháy. Nó kéo ông ra khỏi đời quân ngũ. Và ông trở thành sinh viên khóa đầu tiên Trường Sân khấu điện ảnh, cùng với những tên tuổi lớn sau này như Trà Giang, Thế Anh, Doãn Hoàng Giang, Lâm Tới…
Tốt nghiệp thủ khoa Trường Sân khấu - Điện ảnh, Đoàn Dũng về công tác tại Nhà hát kịch Việt
Và Đoàn Dũng vào Sài Gòn. Ông vẫn tiếp tục với các vai diễn trên sân khấu cũng như điện ảnh. Càng lao động càng tỏa sáng.
Đoàn Dũng vào vai chính diện hay phản diện đều đạt cả. Ông rất hợp với vai các tướng quân, nhưng cũng rất điển hình khi vào vai…tướng cướp. Vai diễn điện ảnh ấn tượng nhất của ông phải kể đến vai Đề Thám trong phim "Thủ lĩnh áo nâu". Đó là vai diễn thành công đến nỗi ông đi đâu khán giả cũng gọi ông là Đề Thám, khiến ông rất hạnh phúc.
Sau hào quang của nhiều vai diễn, NSND Đoàn Dũng lui về, dành phần lớn thời gian cho công việc của một nhà giáo, một nhà sư phạm. Ông từng là Hiệu trưởng Trường Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh và có những học trò nổi tiếng "không kém thầy" như Lý Hùng, Quyền Linh, Ngọc Hiệp, Thanh Mai. Có thời điểm, sân khấu và điện ảnh rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Người yêu nghề mai một dần đi. Nghệ thuật không đủ sức nuôi sống người nghệ sĩ. Những người còn gắn bó với nghề thì hoặc là cam chịu phận sống nghèo khổ, hoặc là "chân trong chân ngoài" để lo kiếm ăn, mưu sinh, nên chất lượng của nhiều tác phẩm nghệ thuật kém đi. Đoàn Dũng rất ưu tư trước thực trạng này. Ông gần như từ chối các lời mời làm phim, và sân khấu thì cũng thảng hoặc một vài vai diễn. Ông chăm chút vào công việc đào tạo các diễn viên trẻ. Theo ông, muốn "phục hưng" nền sân khấu điện ảnh nước nhà phải bắt đầu từ khâu đào tạo. Một khi các diễn viên trẻ còn xem nghề đóng phim diễn kịch như là trò cưỡi ngựa xem hoa, chút son phấn cho tuổi trẻ của chính họ, thì chúng ta sẽ không thể nào có các vai diễn dấu ấn và các tác phẩm hay. Đoàn Dũng chia sẻ: "Tôi rất lo là hiện nay nhiều em diễn viên trẻ nhìn nghệ thuật nó dễ quá. Nghệ thuật chưa bao giờ là việc dễ. Để đạt được một thành công nào đó anh phải học hành cho tử tế, phải nghiền ngẫm sách vở và quan sát cuộc đời, và quan trọng là phải có gu thẩm mỹ. Gu thẩm mỹ chính là thước đo văn hóa của người nghệ sĩ. Anh không có một thẩm mỹ tốt, làm sao anh có thể tạo nên cái đẹp và mang đến cái đẹp cho cuộc đời, cho công chúng".
Hơn 70 tuổi đời, đã có lúc tưởng chừng như căn bệnh thận đã đánh gục ông, nhưng NSND Đoàn Dũng vẫn luôn vui vẻ với cuộc đời. Để dành trọn tình yêu cho nghệ thuật mà vẫn có thể nuôi nấng vợ con cho bằng người, ông từng phải làm thêm rất nhiều việc để kiếm sống. Những trải nghiệm quý giá đó cũng chính là chất liệu để mỗi khi có cơ hội hóa thân vào một vai diễn nào đó, ông có thể làm cho nhân vật của mình trở nên đầy đặn hơn.
Đoàn Dũng khoe, sắp tới đây ông sẽ vào vai một ông bố có tính cách độc đoán trong bộ phim dài tập "Chân trời cỏ biếc" của đạo diễn Quốc Hưng - một học trò của ông. Lâu lắm ông mới gặp một kịch bản phù hợp, và lại được thỏa sức với niềm đam mê nghệ thuật của mình.
Hơn nửa thế kỷ làm nghề, biết bao thử thách đã phải vượt qua. Và ông lại nhắc đến hai câu của bạn ông - nhà văn Hữu Ước: "Vinh quang và cay đắng/ Cứ đè nặng hai vai". Song, sau những "cay đắng đè nặng" ấy, ông lại gật gù bảo: "Phải biết quên hết những gì là mất mát đi, chỉ giữ lại những ấm áp, ngọt ngào thôi. Làm được như vậy thì mỗi ngày mới thực sự trở thành một niềm vui, một niềm thanh thản…"