NSND Đào Mộng Long: Trăm năm quá ngắn, một tuổi dài ghê

Thứ Năm, 17/09/2009, 14:15
Để tìm hiểu thêm một số chi tiết về cuộc đời NSND Đào Mộng Long, tôi "gõ cửa" Google đối chiếu cho chính xác. Có khá nhiều thông tin mà bây giờ tôi mới biết đầy đủ! Có một chi tiết làm tôi giật mình: Ông mất đúng ngày 9 tháng 8 (2006), tức đúng ngày tôi đang tra cứu về ông!

1. Vậy là đã tròn ba năm, và giở trang sổ tay ghi ngày trò chuyện với ông năm ấy cũng đã suýt soát mười năm với những câu chữ tôi ghi cứ ríu vào nhau, hoặc có chữ viết tắt không đoán nổi, gợi nhớ những lúc ông say mê diễn đạt mà tôi không dám hỏi xen ngang, e làm giảm  nhiệt hứng câu chuyện. Xem ra những điều tra cứu từ Google thì nhanh chóng, tiện lợi thật, nhưng những tư liệu ghi trực tiếp khi đối thoại như vậy mới thật cần thiết cho người sáng tác! 

Nhớ có lần, tôi nghe ông kể: Khi ông đang lưu diễn cùng gánh Nam Hồng ở Phan Rang, nghe tin Nhật đảo chính Pháp và phong trào yêu nước đang nóng lên ở Sài Gòn, ông đã giục gánh hát phải quay về Sài Gòn ngay. Vì đây là thời cơ để ra mắt vở kịch thơ "Phạm Ngũ Lão" ông viết mấy năm trước mà không được diễn. "Phải nói thằng Tây cai trị mình ghê gớm thật! Cả cuộc đời bố tôi, cả một quãng đời của tôi, không hề được nói đến chữ yêu nước, đừng nói đến việc đưa cả một vở kịch  yêu nước lên sân khấu!" - Ông bảo vậy.  

Rồi vở kịch thơ "Phạm Ngũ Lão" được ra mắt trong niềm hào hứng khôn tả của anh chị em. Dân mê sân khấu Sài Gòn, nhiều người lần đầu tiếp xúc với kịch thơ, lại là một vở nói lên lòng yêu nước, những lời thơ hào khí được ngân vang…

Người xem xúc động khóc, người diễn cũng nén khóc để diễn cho thật truyền cảm. Lần đầu tiên trong đời, Đào Mộng Long cảm thấy thật sâu sắc một tình cảm hòa đồng giữa hàng mấy trăm con người thành một khối. Buổi diễn thành công quá mức tưởng tượng. 

Ngay hôm sau, Câu lạc bộ Bà Chiểu, nơi sinh hoạt của trí thức Sài Gòn mời đoàn đến diễn. Đào Mộng Long đến trước xem sàn diễn ra sao. Thì ra ở câu lạc bộ này chưa hề có sàn diễn, chỉ có cái bệ gỗ hơi cao, rộng độ mấy mét vuông để diễn giả đứng nói chuyện. Ông nảy ra ý định: Khung cảnh như thế thì sẽ không có phục trang, hóa trang gì hết! Phải đưa cách diễn tuồng cổ vào sân khấu kịch thơ. Đêm đó, ông đóng Phạm Ngũ Lão, vẫn mặc complê, đeo cavát, bà Thu Trang đóng bà mẹ vẫn mặc áo dài Lơ Muya, giày cao gót. Thế mà hiệu quả buổi diễn không hề kém lần diễn chính thức. Diễn viên, khán giả lại nghẹn ngào, vừa khóc, vừa xem, vừa diễn… Phải nói, tâm lý thời đại lúc ấy đã góp phần quan trọng (nếu không nói là quan trọng nhất) vào hiệu quả buổi diễn. Người xem toàn là dân trí thức, họ càng tập trung vào lời thơ và diễn xuất…

Trường đại học của Đào Mộng Long là cuộc đời và sàn diễn. Say mê nghệ thuật từ tuổi lên 5, được bố dắt đi xem tuồng hàng đêm, học hành dang dở, 15 tuổi đã lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, làm thợ kẻ biển quảng cáo, vẽ kiểu bàn ghế, làm thợ ảnh... Gia nhập gánh hát từ năm 18 tuổi, theo gánh hát sang cả Lào, Miên (tức Campuchia) biểu diễn. Mười chín tuổi đã đóng vai chính  trên sân khấu cải lương chuyên nghiệp: Vai vua trong vở "Le Cid" của Corneil (1934, gánh An Lạc). Có thể nói ông là một tài năng sân khấu bẩm sinh, bằng mẫn cảm nghệ thuật mà học thầy học bạn. Lại cũng nhờ được đi sâu vào nghệ thuật dân tộc mà ông gặp nghệ thuật sân khấu phương Tây. Ông nói đùa với tôi: "Mình làm  Brecht trước cả khi biết Brecht là ai!" (Bertolt Brecht, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Đức, 1898-1956).

Ông kể: "Năm 1981 tôi sang Đức. Tất nhiên điểm thăm đầu tiên là nhà lưu niệm B. Brecht. Tôi thấy trên giá sách của ông có hai cuốn sách chữ Hán thì trong đó một cuốn nói về sân khấu ước lệ Việt Nam. Anh bạn thư ký Hội Nghệ sĩ Đức đi cùng bảo tôi: "Xem tuồng của các bạn, chúng tôi thật bất ngờ: Sao Việt Nam lại có loại hình hiện đại đến thế!".

Ông được xem một vở kịch ở Berlin, có cảnh một cánh rừng bị bão. Trên sân khấu chỉ dựng mấy thanh gỗ, phủ vải lên và quét màu, tượng trưng cho cây, không có cành lá gì cả. Đến khi cánh rừng bị mưa bão, cây đổ, họ hạ đầu dây thừng buộc bên trên cho cây nằm xuống, sợi thừng to lòng thòng trước mắt khán giả. Họ cho sân khấu là giả, không cần giấu cái giả đi. Điều đó khác chi cái roi ngựa của kép tuồng nhà mình… thay luôn cả con ngựa. Tính ước lệ cổ truyền của ông cha ta lại gặp cái hiện đại của B. Bretch!                                        

Đào Mộng Long ngoài tài đạo diễn, tác giả kịch bản, ông đặc biệt có tài và nổi tiếng về đóng các vai... phụ. Ông quan niệm: "Với tôi, vai phụ rất khó, thậm chí có thể khó hơn cả vai chính. Số phận vai phụ trên sân khấu thật ngắn ngủi, sự hiện diện trong phút chốc… Diễn viên chỉ được phép bùng nổ sáng tạo trong một khoảng rất hạn hẹp chật chội của không gian và thời gian trên sân khấu". Ông đã vào vai thật sáng tạo, xuất sắc trong các vai phụ như cụ Ba Bơ (Bão biển), Chánh Tôn (Chị Hòa), Gôvơdơđêlin (Khúc thứ ba bi tráng). Tôi thì nhớ nhất cái ngón chân ngọ nguậy của ông già nằm khểnh trong vở "Quê hương" và cái dáng co ro, đôi mắt tinh quái của vai Siarơ trong vở "Liuba" (mà đạo diễn Liên Xô Vaxiliep đã khen ngợi: "Ông quả là một nghệ sĩ lớn! Ở sân khấu Liên Xô chẳng ai để ý đến vai phụ này cả!")

Ông kể khi diễn "Âm mưu và hậu quả" (Nguyễn Đình Nghi đạo diễn) có một cảnh phải huy động đủ loại dân Sài Gòn tham gia vai quần chúng. Còn ông vào vai sẩm. Ông nghiên cứu kịch bản và đề nghị đạo diễn dẹp hết các vai quần chúng đi, chỉ để một mình vai sẩm độc diễn, nhưng qua cách thể hiện thế nào để người xem thấy cả quần chúng chung quanh. Trong 4-5 phút ông độc diễn vai sẩm, thực tế là đưa nghệ thuật truyền thống vào kịch nói, khán giả tuy thấy một mình ông giữa sân khấu nhưng lại có cảm giác nhiều người xúm quanh khi ông thoại và diễn như đang giao đãi với mọi người. Trong một cuộc tọa đàm, đạo diễn Mônakhốp (vở "Iêckut") và đạo diễn điện ảnh Ăttăngki đều cho rằng vai diễn này đã đạt tầm cỡ quốc tế.                                

2. Tôi nhẩn nha hỏi NSND Đào Mộng Long về chuyện "làm nghề" thời trước Cách mạng. Ông đã kể nhiều chuyện vui:

 "Tám năm đầu tôi đi diễn cải lương, toàn diễn cương. Anh bảo thời ấy, các gánh hát thường đóng đô một chỗ như gánh Hiệp Thành chẳng hạn. Tối nào cũng những khán giả ấy, họ lại luôn đòi vở mới thì lấy đâu ra vở mới! Thường cứ sau một đêm diễn, tôi lại phải trả lời câu hỏi: Anh ơi, tối mai diễn gì? Tôi đáp như máy: Vở mới, cứ giới thiệu vở mới, rồi tính sau…Thế là đêm lại nằm thao thức nghĩ, vận dụng đủ những sách truyện mình đã đọc, có khi rút từ một câu chuyện, một vấn đề xã hội trên báo… Đến sáng uống cà phê với các bạn diễn là có thể nói ý đồ, vạch đề cương rồi phân vai luôn. Vì vậy, chúng tôi có cái óc rất là présent (sẵn sàng có mặt)".

Do không có kịch bản như vậy nên mỗi người đều phải sáng tạo, nhiều đêm diễn lâm vào thế bí, chỉ kéo đến 9 giờ 30 là... hết vở. Còn đến một tiếng nữa mới "hết tiền" của khán giả. Thế là lại bóp óc ra diễn thêm một tích ngắn nào đấy. Nhưng vẫn có những kịch bản nghiêm chỉnh như "Tiền và nghĩa", "Kêu cứu" ông viết trước Cách mạng. Đến giai đoạn cải tạo tư sản, ông viết thêm một đoạn cho phù hợp. Đoàn cải lương Phương Đông diễn hết đêm này sang đêm khác mà không hết khách.

Ông hào hứng kể như chuyện vừa mới hôm qua: "Hôm sau, anh Huy Cận đạp xe đến nhà tôi, anh gọi tôi, rồi hỏi ngay: Này ông nhìn mặt tôi mà đoán xem, tôi mang tin vui hay tin buồn? Hôm qua đồng chí Trường Chinh gọi tôi đến khen vở "Kêu cứu", lại còn phân tích cái hay của vở. Nghe đồng chí khen ông mà tôi nở từng khúc ruột. À mà đồng chí còn nhắn mời anh lúc nào rảnh anh qua chơi!".

Đây không phải lần đầu ông được đồng chí Trường Chinh mời gặp. Ngày diễn ở khu 4 đồng chí cũng nhờ nhà văn Hải Triều đón ông lên chơi cả buổi. Ông hạ  giọng, như sợ ai nghe thấy: "Lần này do đồng chí Trường Chinh không hẹn cụ thể, nên tôi "lẩn" được. Tôi có mối lo phải làm quản lý, xa rời sàn diễn thì nguy. Trót mang nghiệp diễn, mình như con cá, sàn diễn là nước, cá mà xa nước thì còn gì là cá! Hai năm làm quyền giám đốc kịch nói, không được diễn, thật là một thời kỳ đau khổ. Nay lên gặp, nhỡ đồng chí ấy lại bắt tôi làm... lãnh đạo nữa thì tôi chết!".                              

3.Trên trang mạng, tác phẩm sân khấu của Đào Mộng Long có danh mục đầy đủ. Tôi chỉ xin bổ sung một thể loại này: Thơ khóc bạn!. Chả là khi những người bạn cao tuổi, hoặc những người thấp tuổi hơn ông mà "chen ngang" về Văn Điển trước ông, như nghệ sĩ Anh Đệ, ông đã có mấy lời:

Anh Đệ chen hàng đi trước tôi
Vĩnh hằng cõi ấy cũng gần thôi!

Lời vĩnh biệt là lời thiêng liêng, có lúc ông đúc kết cả đời người nghệ sĩ sân khấu    vào lời viếng:                 

Dù trên sàn diễn tuyệt vời
Người đi, tác phẩm theo người cùng đi  

                     (Viếng Dịu Hương)

Với người nghịch ngợm cả trong tác phẩm như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, tác giả bài hát "Con vỏi con voi", ông cũng nhái lại bạn:  "Xuân Khoát ơi! Xuân Khoát ơi!/ Anh đã đi xa rồi/ Con voi còn để lại/ Nó ngoe nguẩy cái đuôi/ Chân ục ịch nhịp đời/ Vòi uốn cong dấu hỏi".

Câu cuối cùng đã nâng một nhà ứng tác lên tầm nhà thơ đích thực khi ông viết "vòi uốn cong dấu hỏi". Đây cũng là "Một câu hỏi lớn không lời đáp" (Huy Cận) về lẽ đời, về nghệ thuật. Rồi cả hàm nghĩa lớn ôm trùm kiếp người và nghệ thuật cũng được ông cô đúc trong đôi câu đối tết tự viết tự treo trong nhà mình:

Yêu nghệ thuật trăm năm quá ngắn
Làm kiếp người một tuổi dài ghê!

Vân Long
.
.