NSND Chu Thúy Quỳnh: Còn mãi một tình yêu

Thứ Ba, 31/03/2009, 15:30
Từng hơn chục năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc Trung ương, là Đại biểu Quốc hội 4 khóa, từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác, thế nhưng, đời sống riêng của NSND Chu Thúy Quỳnh lại sớm phải chịu nhiều thiệt thòi: Chị mất đi người chồng thân yêu - tình yêu đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời khi mới ở tuổi 40 - để lại nỗi cô đơn không gì khỏa lấp được.

Đã gần ba chục năm âm dương cách biệt, nhưng trong lòng "người đàn bà múa" ấy vẫn vẹn nguyên một tình yêu với người bạn đời, bạn diễn - cố NSƯT Mạnh Hùng.

Khi mới 14 tuổi, Chu Thúy Quỳnh đã trúng tuyển vào Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương và bắt đầu một cuộc đời đầy duyên nợ với nghệ thuật múa. Tuổi hoa niên của Chu Thúy Quỳnh gắn bó với sàn tập, khổ luyện với những động tác hình thể và cũng là nơi bắt đầu một tình yêu lứa đôi đẹp như trong mộng với người bạn diễn hơn chị dăm tuổi.

Hai người yêu nhau bằng tình yêu thật hồn nhiên, trong sáng của thuở ban đầu, là hình ảnh tự nhiên nhất của tình yêu đôi lứa. Quà tặng của Mạnh Hùng cho người yêu xinh đẹp là chiếc cặp tóc xinh xinh, là bông hoa hái được bên bờ rào, ngoài rừng, ngoài bãi hay là một quả táo tàu gói trong tờ giấy có viết thêm dòng chữ: "Quả táo này thơm và đẹp như em!".

Những điều bé nhỏ, bình dị mà họ dành cho nhau đã mỗi ngày vun đắp thêm cho tình yêu tròn đầy. Chị nhớ lại: "Có lần, khi đang tập bài múa "Tiếng gọi quê hương" cùng với nghệ sĩ Cao Minh thì tôi bị ngã lộn đầu xuống đất. Sau khi sơ cứu cho tôi xong, chúng tôi ngoảnh lại góc sàn tập thì thấy hai bạn diễn là Xuân Quỳnh (sau này là nữ sĩ Xuân Quỳnh) và Mạnh Hùng đang đứng khóc".

Năm 1964, họ làm đám cưới sau 8 năm quấn quýt bên nhau, cùng nhau biểu diễn nhiều tiết mục múa góp phần làm nên bản sắc riêng của ngành nghệ thuật múa Việt Nam như "Đôi bờ", "Theo cờ giải phóng", "Múa cung", "Những anh chàng không may"… Nhắc đến kỷ niệm xưa, người nghệ sĩ tuổi đã ngoại lục tuần vẫn còn bồi hồi, xúc động, đôi mắt long lanh hai giọt nước.

Nghệ sĩ Mạnh Hùng và Thúy Quỳnh làm đám cưới xong cũng là lúc giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Cả hai vợ chồng chị đều có tên trong danh sách gồm 12 nghệ sĩ được Nhà hát cử vào Quân khu 4 biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

Lần đầu tiên vào chiến trường, chứng kiến cảnh máy bay gầm rú, những cơn mưa rừng xối xả khiến vắt nhảy tanh tách vào người, rồi rắn rết trườn cả qua chân khi ngủ… khiến cô gái Hà Nội vốn là hậu duệ của nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An nhiều lần khiếp vía.

May mắn là trong những lúc khó khăn gian khổ ấy, họ vẫn luôn được ở bên nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau biểu diễn những tiết mục trên các sân khấu dã chiến, khi thì là một bãi cỏ, bãi cát, dưới một gốc cây to, thậm chí là ngay dưới những căn hầm tối.

Chồng chị, nghệ sĩ Mạnh Hùng lúc nào cũng giữ sự lạc quan, yêu đời. Có lần anh vào rừng hái được những bông hoa dại đẹp nhất đem về tặng vợ. Vừa cầm hoa anh vừa nhún nhảy theo điệu bài múa "Những anh chàng không may" mà hai người từng nhiều lần cùng biểu diễn, khiến bạn bè đều vui và chia sẻ với niềm hạnh phúc của họ.

Lần khác, Chu Thúy Quỳnh được cùng đoàn vào biểu diễn cho Bác Hồ xem. Ăn cơm xong Bác cho Thúy Quỳnh một quả táo. Chị không ăn, định bụng dành phần chồng. Đến khi Bác hỏi: "Sao cháu không ăn táo đi?". Chị trả lời Bác: "Cháu để dành cho nhà cháu ạ!". Bác Hồ cười và bảo: "Ăn đi, còn đây là Bác tặng cho "cái nhà biết đi" của cháu!".

Và, hạnh phúc nhân lên gấp bội khi đứa con trai đầu lòng và cũng là con trai duy nhất của anh chị ra đời. Những năm tháng ấy, dù đã xa xăm, nhưng giờ đây ngồi một mình bần thần nhớ lại, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh vẫn tâm niệm rằng mình là người hạnh phúc với một tình yêu trọn vẹn không gì thay thế, không gì đánh đổi được.

NSND Chu Thúy Quỳnh tâm sự rằng, trong cuộc đời mình, không bao giờ chị tưởng tượng ra một ngày không xa chị mất đi điều thiêng liêng nhất, đó là người chồng chị hằng thương yêu rất mực.

Sau 2 lần chị được sang nước bạn biểu diễn và nhận được nhiều lời ngợi khen, đầu năm 1983 chị nhận được học bổng sang Ấn Độ học múa. Không lâu sau đó, chị nhận được tin chồng ốm nặng phải nằm viện điều trị, chị đã gom góp vay mượn các anh chị ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ để mua vé máy bay về thăm chồng. Khi về đến sân bay Nội Bài thì một người bạn lái ôtô ra đón và đưa thẳng chị vào Bệnh viện Việt - Xô.

Vợ chồng NSND Chu Thúy Quỳnh thời trẻ.

Được tin vợ về, nghệ sĩ Mạnh Hùng lúc đó đã mệt nặng, thân hình tiều tụy trong bộ quần áo bệnh nhân dúm dó nhưng không muốn đón người bạn đời của mình trong hình ảnh ấy, nên anh đã cố hết sức để thay bộ quần áo đẹp nhất mà anh mang theo bên mình khi vào viện. Hai người ôm nhau khóc thật lâu.

Chu Thúy Quỳnh không thể tin vào mắt mình nữa, rằng tại sao chỉ trong một thời gian ngắn mà từ một người đàn ông cao to, đẹp trai, đôi mắt sáng ngời lại trở nên tiều tụy như vậy. Lúc ấy, chị chưa biết rằng chồng mình đã rơi vào lưỡi hái tử thần: Căn bệnh ung thư phổi đang từng ngày gặm nhấm thân thể và rình rập quật ngã anh.

Cũng từ đó, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh ở lại bệnh viện luôn để tiện chăm sóc chồng. Một hôm, đích thân bác sĩ Phạm Song - Giám đốc Bệnh viện Việt - Xô (sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế) - đến thăm và nói với chị: "Quỳnh ơi, Hùng chỉ còn ở được bên Quỳnh 3 tháng nữa thôi!", thì chị không còn tin vào tai mình nữa.

Tại sao một con người đẹp đẽ nhường kia, một tài năng của nghệ thuật múa còn chưa kịp cống hiến hết mình đã phải vội vã lìa xa cõi đời này? Không thể đối diện với điều khủng khiếp trước mắt, nên dường như cả hai người cùng cố giấu nhau nỗi đau đớn của sự chia lìa.

Nghệ sĩ Mạnh Hùng luôn tỏ ra khỏe mạnh, bình tĩnh, cả đến khi khối u vỡ ra cũng chỉ thấy anh nhăn mặt nén nỗi đau mà không một lời kêu la. Anh bảo vợ: "Quỳnh phải đi Ấn Độ học tiếp, anh sẽ khỏe, sẽ về trông con, lo cho con để em yên tâm lên đường".

Nhưng nghệ sĩ Mạnh Hùng không bao giờ được trở về ngôi nhà thân yêu của mình nữa. Anh đã ra đi vào một đêm hè, khi có một đồng nghiệp vào trông anh cùng Chu Thúy Quỳnh để chị chợp mắt một lúc. Sự ra đi ấy thật thanh thản, nhẹ nhàng. Dường như anh không muốn làm cho người mình yêu phải chứng kiến giây phút đau thương ấy.

Còn chị, khi tỉnh dậy đã ngất đi không biết bao lâu mới tỉnh lại… Cũng trong năm đó, Chu Thúy Quỳnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (đợt 1), nghệ sĩ Mạnh Hùng cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu này.

Sau khi làm lễ 49 ngày cho chồng, nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh định lên đường trở lại Ấn Độ hoàn tất khóa học. Nhưng có bao nhiêu khó khăn trước mắt: phần vì không có tiền mua vé máy bay, phần vì bên nước bạn thấy nghỉ học quá lâu đã cắt tên cùng mọi chế độ.

May mắn làm sao, lúc đó chị được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi lên hỏi han, động viên và có ý kiến với Bộ Văn hóa để chị được tiếp tục đi học. Nén nỗi đau thương, khổ luyện thành tài, chị được tài trợ để làm một chương trình độc diễn báo cáo tốt nghiệp dài hơn 2 giờ đồng hồ thu hút sự chú ý của nhiều bạn bè đồng nghiệp nước bạn. Tên gọi "ngôi sao múa đến từ phương Đông" dành cho Chu Thúy Quỳnh cũng có từ đó.

Nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh trở về nước tiếp tục đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và chủ yếu làm công tác biên đạo vì lúc này chị đã ngoài 40 tuổi.

Từ năm 1995 đến nay, Chu Thúy Quỳnh đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Tên tuổi chị lại càng được nhắc đến nhiều hơn khi chị đảm nhiệm vai trò Tổng đạo diễn lễ khai mạc, bế mạc Tiger Cup (1998), đồng đạo diễn Lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội với NSND Phạm Thị Thành, đặc biệt là vai trò Tổng đạo diễn lễ khai mạc, bế mạc SEA Game 22 tại Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật múa bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng, chị ngày đêm muốn truyền cho các học trò của mình ngọn lửa của niềm đam mê sáng tạo và cống hiến.

Trong căn phòng nhỏ của chị ở trụ sở Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, ngoài các bức ảnh chị tham gia các tiết mục "Cánh chim và mặt trời", "Tấm Cám", "Tiếng gọi quê hương"… được treo trang trọng, còn có bức ảnh đôi lứa Thúy Quỳnh - Mạnh Hùng bên nhau cười rạng rỡ khi chị tuổi vừa tròn mười tám.

Một bức ảnh chân dung nghệ sĩ Mạnh Hùng được để trên giá đỡ như chiếc ban thờ nhỏ. Trong tâm tưởng của chị: "Anh ấy không chết, tôi luôn thấy như có anh kề bên và lúc nào cũng có thể trò chuyện cùng nhau. Đã là con người thì ai cũng có những phút yếu lòng, nhưng không hiểu sao tôi vẫn vượt qua tất cả để bây giờ vẫn sống với những xúc cảm yêu thương của mối tình đầu. Con trai tôi, và giờ là cháu nội tôi lại giống anh ấy đến kỳ lạ, khiến tôi luôn có cảm giác anh ấy vẫn phảng phất đâu đây…"

Nguyệt Hà
.
.