Đề án "Dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới":

Mừng ít, lo nhiều

Thứ Sáu, 20/02/2009, 16:30
Sau nhiều tháng chuẩn bị và 3 lần xin ý kiến các đơn vị nghệ thuật trong cả nước về bản Đề án "Dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới", ngày 25/2 tới đây sẽ là thời hạn chót để Cục Nghệ thuật biểu diễn hoàn thiện bản đề án cùng danh mục 100 tác phẩm sân khấu được lựa chọn trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Cầm bản đề án trong tay, nhiều người quan tâm đến nghệ thuật sân khấu nước nhà đều có chung một tâm trạng mừng ít, lo nhiều...

Danh mục 100 kịch bản sân khấu được lựa chọn trong đề án bao gồm 71 kịch bản trong nước (gồm 15 vở tuồng, 15 vở chèo, 11 vở cải lương và 30 vở kịch nói) và 29 kịch bản của nước ngoài.

Thời gian tổ chức thực hiện từ nay đến năm 2020, với đối tượng được mở rộng cho tất cả các nhà hát, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài công lập với kinh phí hỗ trợ từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 100-120 triệu đồng cho mỗi vở.

Ngoài ra, mỗi nhà hát phải tự bỏ tiền túi và huy động các nguồn tài trợ khác thì mới có thể đủ tiền dựng vở. Nguồn kinh phí này được xem là khá "ít ỏi" so với chi phí thực tế để phục dựng một vở diễn, nhất là với những vở diễn của các loại hình nghệ thuật truyền thống, lịch sử và các vở diễn từ kịch bản nước ngoài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cần phải có ít nhất là 300 triệu đồng thì mới đủ chi phí phục dựng một trong các vở diễn có tính "kinh điển" hay đơn thuần chỉ là "nổi tiếng" nói trên.

Nhưng ngay cả khi vở diễn hoàn thiện rồi, vấn đề tìm kiếm khán giả để có được "tối thiểu là 80 buổi công diễn đối với tác phẩm kịch nói, 50 buổi biểu diễn với tác phẩm kịch hát trong vòng 2 năm sau khi dàn dựng" được xem là yêu cầu khá khắt khe và… xa vời mà bản đề án đề ra.

Xin đơn cử vài vở diễn có tên trong danh mục 100 tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới mới được phục dựng trong thời gian gần đây làm ví dụ cụ thể: Vở "Âm mưu và Tình yêu" của Nhà hát Tuổi trẻ do đạo diễn gạo cội Lê Hùng dàn dựng, dàn diễn viên đẹp và tài năng với kinh phí lên tới gần 1 tỉ đồng, được quảng cáo tốt mà vẫn thưa vắng khán giả.

Cảnh trong vở “Âm mưu và Tình yêu” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Cũng tương tự, vở diễn "Ngọn lửa Hồng Sơn" của Nhà hát Tuồng Trung ương phục dựng cuối năm ngoái. Ngay đêm công diễn đầu tiên, nhà hát đã phải "đánh" một chuyến ôtô vào Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh để "đón" các sinh viên đến rạp Hồng Hà… xem miễn phí cùng nhiều khách mời khác. Vậy mà, rạp vẫn vắng và đến nửa buổi thì số khán giả trẻ đã bỏ về gần hết.

Ngay cả đối với vở chèo "Tấm Cám" vừa được Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng thành công trong dịp tết vừa qua thì đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy vở diễn sẽ đạt doanh thu và số buổi công diễn mà nhà hát kỳ vọng.

Có một thực tế là, vấn đề "hâm nóng", chấn hưng nghệ thuật sân khấu cũng đã được các nhà quản lý văn hóa quan tâm từ hàng chục năm nay. Chương trình "Nhà hát Truyền hình" dự kiến dài hơi bắt đầu từ năm 2003 với mỗi tháng 1 vở diễn được truyền hình trực tiếp trên "sóng vàng" VTV1, nhưng đến nay, sau 5 năm, gần như không ai còn nhớ từng có một chương trình được đầu tư kỹ lưỡng như thế vẫn đang hàng tháng diễn ra.

Điều đáng nói ở đây là, hầu hết những vở diễn từng được lên sóng "Nhà hát Truyền hình", nay lại tiếp tục có mặt trong đề án "Dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới" như: các vở chèo "Lưu Bình - Dương Lễ", "Hồ Xuân Hương", "Trương Viên"; các vở cải lương "Đời cô Lựu", "Cây sầu riêng trổ bông", "Tô Ánh Nguyệt"; các vở kịch nói "Vũ Như Tô", "Rừng trúc", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"… và các kịch bản nước ngoài như "Mácbét", "Con cáo và chùm nho", "Ôtenlô"…

Đấy là chưa kể Nhà hát Chèo Hà Nội cũng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư một dự án trị giá tới 9 tỉ đồng để "Bảo tồn, phát huy những giá trị chèo truyền thống Hà Nội", nhưng với 2 vở diễn đầu tiên là "Quan Âm Thị Kính" và "Nàng Sita" thì hiệu ứng với khán giả cũng chưa có gì đáng kể.

Trong khi đó, vài năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ khán giả miền Bắc quay lưng lại với sân khấu bởi vì sân khấu quá thiếu vắng hơi thở đời sống hiện đại, không nói được tâm sự của thế hệ trẻ đang sống.

Nên chăng, thay vì cứ đầu tư mãi vào những vở diễn có tính "kinh điển", các nhà "hoạch định chính sách", quản lý văn hóa mà cụ thể là sân khấu hãy quan tâm hơn đến những kịch bản sân khấu đương đại, gần gũi với đời sống thì mới mong sân khấu có khán giả

Nguyệt Hà
.
.