Mũi Đôi, Mũi Điện: Nơi nào là điểm cực Đông đất liền của Tổ quốc?

Thứ Ba, 17/10/2017, 07:43
Điểm cực Bắc của Việt Nam ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Điểm cực Nam ở mũi Rạch Tàu, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Điểm cực Tây ở ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào thuộc địa phận A Pa Thải - Tà Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Riêng điểm cực Đông ở Mũi Đôi, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) hay ở Mũi Điện, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa (Phú Yên) vẫn còn đang là đề tài tranh luận, khi mà hai vị trí nêu trên đều xây lắp mốc giới cực Đông để khẳng định nơi đó đón bình minh sớm nhất trong ngày trên đất liền của Tổ quốc.

Từ điểm cực Đông ở phía Nam Phú Yên

Từ TP Tuy Hòa ngược về hướng Nam hơn 30km trên tuyến quốc lộ 29, khi đến cung đoạn uốn lượn quanh co bên lưng triền núi phía Đông đèo Cả, du khách sẽ bắt gặp doi núi từ một nhánh của dãy Trường Sơn chồm mình vươn ra phía biển; trên đỉnh núi là ngọn hải đăng Mũi Điện (còn có tên gọi khác là hải đăng Đại Lãnh) nằm bên Bãi Môn ở địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa (Phú Yên).

Trong một chuyến khảo sát hải hành vùng biển Đông Nam Á vào cuối thế kỷ XIX, Varella - một sĩ quan người Pháp phát hiện ra nơi này và đã đề xuất cho xây dựng ngọn hải đăng từ năm 1890 để hướng dẫn, hỗ trợ tàu thuyền vận hành trên biển. Do hậu họa chiến tranh thế giới thứ hai nên năm 1945, ngọn hải đăng Mũi Điện tạm dừng hoạt động một thời gian dài, đến năm 1961 mới được chính quyền Sài Gòn khôi phục lại, nhưng chỉ hoạt động vài năm rồi bỏ hoang. Mãi đến năm 1995, hải đăng Mũi Điện mới được khởi công xây dựng lại và chính thức tái hoạt động từ ngày 3-7-1997 dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ.

Ngày 22-8-2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) đã có quyết định xếp hạng Mũi Điện - Bãi Môn là di tích danh thắng quốc gia. Cũng từ thời điểm này, đặc biệt là sau khi bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ khởi chiếu từ ngày 2-10-2015, Phú Yên được ví như xứ sở "Hoa vàng trên cỏ xanh", nhiều nhóm du khách trong và ngoài nước đã tìm đến tham quan Mũi Điện.

Tháp hải đăng Mũi Điện có khối hình trụ cao 26,5m so với nền nhà và cao 110m so với mặt nước biển. Sau khi bước lên 110 bậc cầu thang hình xoắn ốc, du khách sẽ lên đến ngọn tháp hải đăng. Nhìn ra ba phía là biển xanh mênh mông mở rộng đến tận chân trời với vài mảng mây trắng lãng đãng trôi ngang, phía sau là dãy núi trập trùng uốn lượn bên biển. Gần bên chân tháp hải đăng, tỉnh Phú Yên đã xây lắp tấm bia đá granit màu đỏ, khắc dòng chữ màu vàng: "Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) - Điểm cực Đông. Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, kinh độ 109o27'06" Đông, vĩ độ 12o52'48" Bắc, cao độ 83,5m - xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên".

Những nhóm "phượt"chụp ảnh trên Mũi Đôi.

Đến điểm cực Đông  ở phía Bắc Khánh Hòa

Cách nơi đặt tấm bia "Mũi Điện - Điểm cực Đông" chừng ba cây số về phía Nam theo đường chim bay là Mũi Đôi - Hòn Đầu nằm trên bán đảo Hòn Gốm thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Sau nhiều lần tìm đến nơi này, ngày 4-8-2012, một nhóm dân "phượt" đã xây lắp ở Mũi Đôi một hình chóp tam giác đều bằng inox, trên bề mặt khắc dòng chữ: "Mui Đoi - 120o38'39.78" B - 109o027'50.03" Đ". Địa danh này cũng đã được Bộ VHTT-DL quyết định công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia từ ngày 25-3-2005.

Trước khi tìm đến Mũi Đôi, chúng tôi đã nghe một người bạn cảnh báo về hành trình vất vả và hiểm nguy. Sau hành trình xe máy hơn 80km trên quốc lộ 1A từ TP Nha Trang ngược ra hướng Bắc từ mờ sáng, chúng tôi đến phía Nam chân đèo Cổ Mã, tiếp tục rẽ phải về hướng Đông Nam thêm một chặng đường thảm nhựa ven biển mới đến Đầm Môn.

Gần 3 giờ đi bộ vượt qua những rừng cây thưa thớt có tuổi đời hàng chục năm chống chọi thời tiết khắc nghiệt và những đồi cát nhấp nhô ngập tràn nắng gió, chúng tôi dừng chân ở bãi Rạng nghỉ ngơi chốc lát trước khi bước vào hành trình "nhảy gộp" vất vả hơn 1 giờ nữa trên những tảng đá khiến mồ hôi đẫm ướt lưng áo, rồi bất chợt nhìn thấy mé biển với những con sóng bạc đầu vỗ nhẹ vào bãi cát vàng hoang sơ.

Trước khi về đích chinh phục điểm đến Mũi Đôi, chúng tôi phải đu dây vượt qua vách núi cheo leo tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Cảm giác vui sướng vỡ òa khi chúng tôi chạm tay vào hình chóp tam giác đều bằng inox đánh dấu mốc đến: "Mui Đoi - 120o38'39.78" B - 109o027'50.03" Đ". Tiếc một điều thời điểm đó không phải là lúc đón ánh bình minh trong ngày.

Ngoài đường bộ, du khách có thể đến Mũi Đôi bằng đường biển trên thuyền máy với mức chi phí khá cao và phải chọn thời điểm tiết trời trên biển thuận lợi. Sau khi thuyền cập bến, nếu muốn chạm tay vào mốc đến "Mui Đoi - 120o38'39.78" B - 109o027'50.03" Đ" du khách vẫn phải leo núi một đoạn.

Đâu mới là điểm cực Đông đúng nghĩa?

Lý giải căn cứ xác định Mũi Điện là điểm đến cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Đã từ lâu, tại Mũi Điện tồn tại cột mốc do Tổng cục Địa chính - nay là Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây lắp, với kết cấu bê tông xi măng, trên đó có khắc chìm những dòng chữ "Tổng cục Địa chính", "Cực đông", "Mốc tọa độ cơ sở biển", "Nghiêm cấm phá hoại" và một số ký hiệu chuyên môn "1-99 CPS  N-18".

Đây là căn cứ để tỉnh Phú Yên xác định điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam tại Mũi Điện. Để làm rõ vấn đề này, có thể đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xác định tính pháp lý của cột mốc đã được Tổng cục Quản lý đất đai xây lắp. Mặt khác, các cơ quan chức trách có thể sử dụng những phương tiện thiết bị công nghệ để xác định vị trí tọa độ điểm cực Đông". Lần đầu tiên vào ngày 1-1-2017, tỉnh Phú Yên đã tổ chức sự kiện lễ chào cờ đầu năm ở Mũi Điện - điểm đến cực Đông của Tổ quốc với sự tham dự của hơn 300 cán bộ - chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương.

Ngược lại những thông tin nêu trên, trong sách giáo khoa Địa lý lớp 12 do Nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ 3-2011 có nêu: "Cực đông tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa". Ở phần thi "Về đích" trong chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" phát sóng trên VTV3 ngày 25-8-2013 có câu hỏi: "Bốn cực Đông, Tây, Nam, Bắc của nước ta lần lượt nằm ở các tỉnh nào?".

Đáp án đúng được 4 thí sinh trả lời lần lượt là "Khánh Hòa, Điện Biên, Cà Mau, Hà Giang". Chỉ có điều là câu hỏi nêu trên không nêu hai từ "đất liền" khiến cho thí sinh và khán giả có thể nghĩ rằng cực Đông của Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Chương trình truyền hình "Khám phá Việt Nam" phát sóng trên VTV1 ngày 7-1-2017 khẳng định bằng tiêu đề: "Mũi Đôi - cực Đông của Tổ quốc Việt Nam". Trong phần giới thiệu vị trí địa lý Khánh Hòa trên website Đại biểu nhân dân tỉnh Khánh Hòa có nêu: "Phía Đông giáp biển Đông, điểm cực Đông: 109o27'55" kinh độ Đông tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh, cũng chính là điểm cực Đông trên đất liền của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam".

Khi giới thiệu về những địa danh du lịch "Mũi Đôi - Hòn Đầu" trong phần "Điểm đến" trên website của Tổng cục Du lịch Việt Nam thuộc Bộ VHTT-DL có nêu: "Mũi Đôi - Hòn Đầu nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa…Mũi Đôi còn là điểm cực Đông và là nơi đón ánh bình minh sớm nhất của một ngày mới trên dải đất hình chữ S".

Trong hồ sơ di tích quốc gia lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa - Bộ VHTT-DL đã ghi nhận Mũi Đôi thuộc di tích danh thắng Mũi Đôi - Hòn Đầu ở tỉnh Khánh Hòa, nằm tại tọa độ 109o27'55''kinh độ Đông, còn danh thắng Mũi Điện - Bãi Môn ở tỉnh Phú Yên, nằm tại tọa độ 109o27'06'' kinh độ Đông. Đối chiếu thông số tọa độ nêu trên cho thấy, Mũi Đôi nằm cách xa hơn Mũi Điện về phía Đông, đương nhiên đó là điểm cực Đông trên đất liền ở Việt Nam.

Mở tấm ảnh chụp từ bản đồ Google Map, kẻ một đường thẳng tại vị trí vươn xa nhất về phía Đông của Mũi Đôi đến Mũi Điện sẽ thấy tọa độ của Mũi Đôi xa hơn Mũi Điện. Cũng có giả thiết cho rằng, trục trái đất tính từ Nam cực sang Bắc cực không song song với trục của mặt trời mà chênh nghiêng một góc 23,5o, vì thế mật độ ánh sáng tại vị trí bất kỳ nào đó trên trái đất sẽ thay đổi theo chu kỳ một năm. Do những tranh luận phát sinh thời gian gần đây, ông Phan Đình Phùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Trong khi chờ cơ quan chuyên môn xác định chính xác điểm cực Đông, các hoạt động văn hóa - thể thao tổ chức ở Mũi Điện tạm gọi là miền cực Đông trên đất liền Việt Nam".

Không riêng du khách trong và ngoài nước, mà đến thời điểm này đông đảo người dân ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vẫn đang mong chờ cơ quan có chức trách lý giải câu hỏi: Mũi Điện, Mũi Đôi - Nơi nào mới đúng nghĩa điểm đến cực Đông trên đất liền của Tổ quốc?

Phan Thế Hữu Toàn
.
.