Ghi nhận từ cuộc thi “Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp 2015”

Mùa “săn” huy chương và giải thưởng?

Thứ Ba, 14/07/2015, 08:30
Ba năm trông đợi đối với giới làm nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc để hào hứng đến với cuộc thi. Nhiều niềm vui bởi sự khởi sắc của sân khấu kịch nói, nhưng có một chút băn khoăn: Quá nhiều gương mặt "thân quen" tham gia...

Từ ngày 21/6 - 6/7/2015, Cuộc thi "Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc - 2015" do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan tổ chức, diễn ra tại nhà hát Lam Sơn, TP. Thanh Hóa.

Ban chỉ đạo Cuộc thi do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương làm Phó Trưởng ban Thường trực. 2 Ủy viên: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam  Lê Tiến Thọ.

Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 19 đơn vị nghệ thuật (11 đơn vị công lập và 8 đơn vị xã hội hóa).

Mới ít cũ nhiều.

Nhìn vào danh mục 29 tác phẩm, rất ít vở diễn mới, phần lớn là lấy những vở diễn đã cũ dựng lại, hay vở diễn cũ đã diễn nhiều lần. Riêng hai đơn vị là Nhà hát Tuổi Trẻ có ba vở: "Công lý không gục ngã", "Biến dạng" và "Sống tử tế"; Nhà hát Thế Giới Trẻ có hai vở: "Bông hồng vàng", "Cát trắng như gạo", đều mới được dàn dựng trong năm 2015.

"Tiếng đàn vùng mê thảo" và "Điệp khúc vi-rút" của Nhà hát Kịch Hà Nội ra mắt từ năm 2013. Ở Nhà hát kịch Việt Nam, trong ba vở thì "Lâu đài cát" là mới nhất, nhưng cũng đã ra mắt từ năm 2014. Đoàn kịch Công an nhân dân tham gia 2 vở thì  "Người tù trao áo" là mới của năm 2015, còn vở "Đường đua trong bóng tối" đã diễn từ tháng 12/2012.

Về phía các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, TP HCM chiếm ưu thế với sáu vở diễn của sáu đơn vị, nhưng các vở diễn này hầu hết đều được dàn dựng để biểu diễn phục vụ khán giả trước khi đi thi như: "Cõng mẹ đi chơi", "Vũ nữ", "49 ngày yêu"… Kịch bản "lớn tuổi" nhất là "Bệnh sĩ" của tác giả Lưu Quang Vũ đã hơn 30 năm vẫn được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Kịch bản "Nắng quái chiều hôm" của tác giả Nguyễn Đăng Chương cũng quá 10 năm tuổi.

Một cảnh trong vở “Công lý không gục ngã”.

Năm 2012, tại cuộc thi tưởng rằng đã có một thế hệ đạo diễn mới được cho là bắt đầu kế thừa những cây đa cây đề khi NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang và NSND Xuân Huyền chỉ tham gia một vở, NSND Lê Hùng không có mặt. Thế nhưng năm 2015, gần như có mặt đủ các "lão làng" như: Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đứng tên ba vở; Đạo diễn NSND Lê Hùng đứng tên đến bốn vở. "Nhân tố mới" thật ra rất quen tên như: Xuân Bắc, Như Lai, NSƯT Công Bảy, NSƯT Tuấn Hải, riêng NSƯT- đạo diễn Anh Tú, ở kỳ trước là gương mặt mới triển vọng thì ở cuộc thi năm nay anh "bội thu" với năm vở.

Không bị giới hạn về đề tài nhưng cuộc thi năm nay chỉ có hai vở về đề tài lịch sử là: "Công lý không gục ngã" và "Khát vọng của những linh hồn". 27 vở diễn còn lại đều là đề tài chính luận, đề cập đến nạn tham ô, tham nhũng, mua quan bán chức… dưới nhiều lăng kính khác nhau, là những tấm gương phản chiếu đa chiều về cuộc sống hiện đại, đậm nét nhất là những câu chuyện khá bạo liệt về sự chuyển động của xã hội và gia đình cũng như sự tha hóa biến chất của con người từ thành thị đến nông thôn trong thời kinh tế thị trường... Và đây cũng là bữa tiệc nghệ thuật khá đa dạng khi không chỉ gồm chính kịch, hài kịch, kịch kinh dị mà còn có cả những vở nhạc kịch: "Vũ nữ", kịch sắp đặt: "Cát trắng như gạo".

Tác giả kịch bản nhiều gương mặt cũ, riêng tác giả Nguyễn Đăng Chương có đến bốn kịch bản được dàn dựng cho 5 đoàn tham gia cuộc thi: "Đường đua trong bóng tối", "Lâu đài cát", "Những phiên tòa đen trắng", "Nắng quái chiều hôm"; Xuân Đức: "Tai biến", "Điệp khúc vi rút"; Chu Thơm: "Biến dạng", "Gió từ những cánh đồng...", ngoài ra là những tác giả quen thuộc như Nguyễn Quang Vinh, Lê Chí Trung, Chu Lai, Vương Huyền Cơ, Nguyễn Thu Phương… và có lẽ gương mặt mới nhất của cuộc thi này là tác giả trẻ Trần Kim Khôi: "Bông Hồng vàng".

Thầy già con hát trẻ

Việc xuất hiện có phần ồ ạt của các đạo diễn "cây đa cây đề", hay của một đạo diễn đang "lên" nhưng không còn mới cũng có thể vì các đoàn luôn muốn chọn sự an toàn và khả năng đoạt huy chương cao khi đi thi. Những đạo diễn ở tuổi 70, xấp xỉ 80 vẫn chiếm lĩnh sân khấu ở thế mạnh, dù họ đã bị chính họ rập khuôn, công thức, hết chiêu trò sáng tạo… 

Các đạo diễn trẻ, thậm chí không còn trẻ, thường từ vị trí diễn viên chuyển sang vị trí đạo diễn vẫn chưa chứng tỏ sự chắc tay dàn dựng xử lý các tình huống, chưa có sáng tạo mới mẻ, mà vẫn bị ảnh hưởng bởi các đàn anh đi trước, do vậy ở mặt nào, dù là trẻ nhưng vẫn yếu, chưa khẳng định được phong cách riêng của mình.

Nhưng không phải vì thế mà buông xuôi, như NSND - Đạo diễn Phạm Thị Thành chia sẻ: "Sức sáng tạo của con người là vô biên, không kể tuổi tác. Nhưng để sự vận động, phát triển của sân khấu được bền vững, không bị đứt quãng thì cũng cần tạo điều kiện để những gương mặt đạo diễn mới được rèn giũa và thể hiện khả năng sáng tạo ở nhiều sân chơi chuyên nghiệp - điển hình là sân chơi dành riêng cho kịch nói được tổ chức ba năm một lần này".

Diễn viên, linh hồn của các vở kịch phần lớn là những "gương mặt thân quen". Nếu không nói là quá già, quá lão, diễn viên trong các vai chính phần lớn là NSND, NSƯT của các đoàn, diễn viên trẻ gần như rất ít và vào vai chính càng ít hơn. Vì thế có những vai diễn, diễn viên... đầu 4 nhưng vẫn vào vai ngoài 20 tuổi, sắc vóc đều kém, cho dù diễn xuất có đạt thì cũng làm mất đi cảm xúc ít nhiều.

Nhiều gương mặt thân thuộc đến nhẵn mặt bởi xuất hiện hàng ngày qua các vai diễn  trên phim truyền hình Việt giờ vàng, nên gần như ít đem đến sự thú vị cho khán giả khi xem họ diễn xuất. Giờ phải rất vất vả mới tìm được một dàn diễn viên trẻ đẹp đang tỏa sáng trên sân khấu, nhưng lại dễ dàng để tìm được một gương mặt vừa rời sân khấu để đến với điện ảnh hoặc các chương trình truyền hình thực tế. Do thiếu "đất diễn", đã xảy ra tình trạng diễn viên vào nhà hát cả chục năm trời nhưng không có nổi một vai chính.

Có lẽ đáng khen nhất là dàn diễn viên vở "Bông hồng vàng" của Nhà hát Thề Giới Trẻ - TP HCM, ngoài vai diễn phụ là NSƯT, còn lại toàn sinh viên mới tốt nghiệp, hoặc mới năm thứ 2-3 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM; và Đoàn kịch Công an Nhân dân trong vở "Người tù trao áo" đã mạnh dạn trao vai cho thế hệ diễn viên trẻ nhiều hứa hẹn sắc vóc tài năng mới của sân khấu kịch Việt Nam.

Kịch bản sân khấu cũng là một vấn đề đáng lưu ý, cảnh báo. Việc một cuộc thi mà có tác giả tham gia đến 4 tác phẩm, nhiều tác giả có 2 kịch bản thì không thể là niềm vui mà là nỗi lo lắng cho sự thiếu hụt tác giả kịch bản sân khấu.

"Thầy già, con hát trẻ" câu nói của dân gian có thể áp dụng đúng với tình trạng sân khấu kịch nói Việt Nam hôm nay, ít nhất vào thời điểm này.

Một vài băn khoăn

Trước khi kết thúc cuộc thi, có đôi điều băn khoăn khá tế nhị, liệu có sự đánh giá công bằng đối với nghệ thuật biểu diễn, kịch bản, đạo diễn, diễn viên… của các đoàn? Khi vẫn diễn ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", khi tác giả của nhiều kịch bản tham gia là người trong Ban chỉ đạo cuộc thi, hay đạo diễn cùng một vở cho 2 đoàn, không biết có thiên vị đoàn lớn? Và có chăng đây là một dịp để kiếm huy chương cho đủ chuẩn xét duyệt NSND, NSƯT của kỳ xét duyệt tới bởi 3 năm mới thi, hội diễn thì 2-3-5 năm/lần..

Tiêu chí của cuộc thi "Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc- 2015" là để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những sáng tạo mới trong nghệ thuật sân khấu. Cuộc thi còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật tập trung đầu tư xây dựng vở diễn mới có chất lượng nội dung, nghệ thuật cao. Đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Đây cũng là hoạt động tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo nghệ thuật.

16 ngày diễn ra cuộc thi, chắc chắn sẽ có một cơn mưa huy chương, ngoài việc đánh giá tài năng còn là  một cách khuyến khích động viên bộ môn nghệ thuật sân khấu kịch phát triển, tạo đà cho tương lai với những sáng tạo mới, phong phú, đa dạng hơn.

Hoài Hương
.
.