Múa minh họa, phụ họa – một vấn đề rất đáng quan tâm

Thứ Năm, 06/06/2019, 08:27
Được biết, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam dự định kết hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức "Hội thảo toàn quốc về múa minh họa, phụ họa" - một vấn đề đang rất được công chúng quan tâm…


Thời gian qua, trên sân khấu ca nhạc nhẹ cũng như trong các chương trình Liên hoan, Festival, Lễ hội… kỷ niệm của các tỉnh, thành phố trên cả nước, hình thức múa minh họa, múa phụ họa cho các tiết mục hát đơn ca, song ca, tam ca, đồng ca, và cả dàn hợp xướng nữa… đang xuất hiện ngày càng phong phú, đa dạng. Những đóng góp của  hình thức nghệ thuật này đã tạo nên một số hiệu quả nhất định cho đông đảo khán giả của một số chương trình ca nhạc nhẹ biểu diễn trên sân khấu, trên truyền hình, cũng như các chương trình lễ hội, liên hoan, kỷ niệm, cả các cuộc thi thời trang, hoa hậu…

Đây là một hình thức nghệ thuật rất phát triển và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, được các nghệ sĩ Việt Nam (nhất là các nghệ sĩ trẻ) tiếp thu, học hỏi, cũng là điều cần khích lệ và là một xu thế tất yếu… Tuy nhiên, những đóng góp đó, cũng như những  hạn chế mà múa minh họa, phụ họa thể hiện, đang còn nhiều vấn đề làm cho giới nghệ sĩ múa phải băn khoăn, trăn trở…

Như nhận xét của NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam "Chúng ta cũng nên chú ý đến sự phối hợp không tương thích giữa múa và hát, đã mang đến cho khán giả một sự kệch cỡm, phản cảm, như hình ảnh một số ca sĩ cứ đứng im một chỗ để hát, còn múa thì cứ múa. Hình tượng múa không ăn nhập gì với lời ca và tiết tấu âm nhạc…".

Được biết, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam dự định kết hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức "Hội thảo toàn quốc về múa minh họa, phụ họa" - một vấn đề đang rất được công chúng quan tâm…

Múa minh họa nếu được quan tâm dàn dựng sẽ góp phần làm tôn thêm giá trị bài hát. Ảnh minh họa

Thời gian qua, có không ít ý kiến cực đoan cho rằng "thời hoàng kim" đã qua - Múa Việt Nam đã chết! Hay nói đúng hơn - tất cả có vẻ như còn đó - nhưng "nàng tiên múa" đã không còn trẻ trung, cuốn hút, mê say, hấp dẫn nữa, trái lại "nàng" đã già cỗi với tất cả sự đơn điệu, nhàm chán. Cũng lại có ý kiến lạc quan cho rằng múa đang "hồi xuân", và đang phô diễn tất cả những vẻ đẹp vốn có của nó.

Với loại ý kiến này, có người tặc lưỡi - đấy không phải múa, mà là nhảy. Nhảy minh họa cho nhạc nhẹ. Nhảy minh họa cho thể dục nhịp điệu, thời trang và cho cả các cuộc thi hoa hậu, áo tắm nữa… Loại trừ mọi ý kiến cực đoan, cả nóng vội và lạc quan tếu, chúng ta hãy bình tâm. Bình tâm để nhìn lại mình. Bình tâm để tiếp thu một cách chọn lọc hơn những gì là tinh hoa của dân tộc và nhân loại.

Và bình tâm, chính là phải tự nâng mình hơn lên về chất lượng nghệ thuật, trong những tình thế cạnh tranh mới của cơ chế thị trường; trong xu thế đổi mới và hội nhập; để khác đi và vượt lên so với thời hành chính, quan liêu bao cấp. Những gì đã gặt hái được về học thuật, cũng như những khoảng trống phải bồi đắp - chắc chắn, rất cần sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu về múa, các cơ quan chức năng của Nhà nước - và quan trọng nhất, là của chính các nghệ sĩ múa Việt Nam.

Trong những năm gần đây, hình như múa đã và đang bắt đầu thiếu lửa. Ngọn lửa mà Thần Prômêtê đã mang đến cho loài người; và riêng với nghệ thuật múa - đó chính là ngọn lửa cháy mãi lên trong trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ - mà thiếu nó, thì mọi  kỹ thuật chỉ còn là một thứ máy móc, xơ cứng, khô lạnh, đơn điệu, nhàm chán.

Chính từ một hiện thực hiển nhiên và có vẻ đáng buồn đó, tất cả những người quan tâm đến múa đang trăn trở, với những suy nghĩ tâm huyết, để cố gắng cùng nhau tìm ra những hướng đi mới, phù hợp với cuộc sống, tâm hồn người Việt Nam - khi dòng chảy nghệ thuật múa đã bước vào năm thứ 20 của thế kỷ XXI.

Đó là mặt trời rực rỡ trên trống đồng. Những hoa văn, chim lạc, và những nam nữ vừa chèo thuyền, vừa nhảy múa; biểu hiện nguyên thủy và sơ khai nguồn gốc của múa Việt Nam. Và hòa nhập, khiêm nhường, ngọt ngào, kín đáo, tế nhị nhưng rất quyến luyến và nâng niu nhau chính là vành nón quai thao cùng manh áo tứ thân mớ ba, mớ bảy, với màu sắc tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống như cánh sen, hoa đào, hoa lý, da cam, xanh lam, xanh lục, nâu non, vàng, nhũ bạc, đen tuyền… được phủ lên một làn sa gợi mỏng, nõn nà, gợi mở nhưng duyên dáng của vùng quan họ Kinh Bắc, và văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.

Rồi còn nhiều, còn nhiều nữa, biết bao dân tộc đông người và ít người trên đất nước Việt nam chúng ta - mà mỗi dân tộc đều có những vẻ đẹp riêng, lạ lùng, độc đáo không thể nào kể hết. Cũng như khi nói đến những vẻ đẹp ấn tượng trên, là ta nói đến những bộ trang phục cho múa để đạt tới những ý tưởng thẩm mỹ; mà tự nó, đã được nghệ thuật hóa, đã được thả hồn sáng tạo vào đó, nâng cao hơn lên, để cố gắng đạt tới những ý tưởng thẩm mỹ mới mẻ, dân tộc nhưng vẫn hiện đại, tiên tiến - để hòa nhập vào khu vực và thế giới…

Trở lên trên, qua một vài nét nhấn chủ yếu của vẻ đẹp trang phục dân tộc, chúng tôi muốn nói lên một suy nghĩ nhỏ này - chính vẻ đẹp ngàn đời đó đã cùng nghệ thuật múa Việt Nam nâng cánh bay lên - với những thành công đáng ghi nhận suốt cả chặng đường trên năm mươi năm qua.

Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ mới đến nay, với cơ chế thị trường; cũng như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh… múa cũng nằm trong một cơn khủng hoảng tất yếu: trước sự tấn công ồ ạt của phim ảnh, ca nhạc, băng hình sex, video, vũ trường, mạng Intenet… và cả sự bùng nổ các loại sốp, mếch, nhà hàng lan tràn, đông đúc và không kém phần cuốn hút - nhất là với lớp khán giả trẻ…

 Với lĩnh vực mỹ thuật của múa, chúng ta phải công tâm thừa nhận rằng, thiết kế trang phục và đạo cụ cho các tiết mục múa, cũng như múa minh họa, phụ họa, đã có những đóng góp nhất định cho nghệ thuật múa. Qua các cuộc thi tài năng biên đạo trẻ, qua các liên hoan, hội diễn khu vực hay toàn quốc thời gian qua, các biên đạo đã có những tìm tòi nhất định: hiện đại, táo bạo, mới mẻ, trẻ trung, tràn đầy cảm xúc tươi mới trong ý đồ cùng với họa sĩ thiết kế trang trí, trang phục, đạo cụ cho múa minh họa, phụ họa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, còn khá nhiều ý kiến vẫn cho rằng trang phục múa minh họa, phụ họa nhìn chung là chưa hiệu quả. Sân khấu còn rườm rà, tham lam nhiều đạo cụ như các giải lụa, các loại giây chằng chịt, các loại mặt nạ, các quả chuông chùa lớn bé, các loại lưới giăng mắc, rồi đuốc của tuồng, quạt của chèo, nón lá, nón quai thao treo đầy sân khấu…

Trang phục còn lai căng, bắt chước đâu đó của nước ngoài, màu sắc lòe loẹt, kim sa, kim tuyến lấp lánh vô tội vạ, kiểu dáng có lúc tùy tiện, hở hang, khêu gợi giống như kiểu "con nhà nghèo" không ăn nhập vào nội dung của múa minh họa, phụ họa. Ngay cả các trang phục hát quan họ, tà áo tứ thân cũng bị biến dạng. Ánh sáng thì kết hợp thiếu nhuần nhuyễn, lạm dụng màn hình lét, khói, hương, đèn, nến làm cho sân khấu thiếu đi sự bay bổng, thanh thoát, lãng mạn, trữ tình mang đậm chất dân gian, dân tộc… vốn là sức mạnh hấp dẫn tuyệt vời của nghệ thuật múa.

Chính những điều này, đã làm hạn chế và ảnh hưởng đến nghệ thuật biểu diễn của các ca sĩ, làm cho khán giả không còn được thưởng thức bài hát một cách trọn vẹn - mà đó mới là mục đích chính của một chương trình ca nhạc...

Trên đây là đôi điều suy nghĩ của chúng tôi về nghệ thuật múa nói chung, trong đó có dăm ba nét về trang phục và đạo cụ cho múa minh họa, phụ họa. Có thể còn có những ý kiến đồng thuận hay trái chiều, đó là điều hết sức cần thiết để các nghệ sĩ múa tìm ra những hướng đi mới cho múa minh họa, phụ họa trong các chương trình ca múa nhạc hiện nay.

Nhưng, rõ ràng, nếu bình tâm, khách quan và công bằng nhìn lại, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tự tin để khẳng định rằng - Nghệ thuật Múa đương đại Việt Nam, trong đó có múa Minh họa, Phụ họa - như những ngọn lửa diệu kỳ - sẽ có những bước phát triển mới trong giai đoạn đổi mới và hội nhập toàn cầu đầy thuận lợi và thách thức!

Bởi, nghệ thuật bao giờ cũng là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống, đó là vẻ đẹp muôn đời, bất tử, ngọn lửa sáng tạo diệu kỳ của nhân loại - sẽ luôn cháy lên trong trái tim và tâm hồn mỗi người nghệ sĩ múa Việt Nam!

Lê Huy Quang
.
.