Tản văn

Một thời xay thóc...

Thứ Năm, 05/12/2013, 08:00
Ngày ấy, đối với người dân quê, xay thóc, giã gạo chỉ là việc làm thêm, làm tranh thủ lúc sáng sớm, giữa trưa hoặc chiều tối. Không ai dành cả buổi, cả ngày để chỉ có xay thóc, giã gạo. Việc chính là việc đồng áng, là cày bừa, cấy hái, thu hoạch… Xay thóc, giã gạo là việc phụ của người lớn nhưng lại là việc chính của trẻ con...

Trẻ con thời đó ở vào tuổi 11,12 là có thể tham gia xay thóc, giã gạo được rồi. Không làm được một mình thì xay đôi, giã đôi, phụ cho bố mẹ hoặc anh chị. Hai người, một lớn một bé, cùng kéo cái cần cối xay thóc, hoặc cùng co người nhún chân nâng cái cối giã gạo…sẽ thấy nhẹ hơn, bớt nặng nhọc hơn. Quả thực, đối với tôi, một đứa trẻ lúc đó tuy đã 11,12 tuổi nhưng vóc dáng mảnh mai, yếu ớt, lại ít lao động chân tay… thì việc xay thóc, giã gạo là một công việc nặng nhọc, thậm chí hãi hùng.

Việc xay thóc thì ít khi tôi được giao. Vì cái cần cối xay buộc cao quá, phải ngang tầm mặt, tôi không kéo nổi. Khi đó, tôi đã đôi lần thử kéo thì thấy cái thớt trên của chiếc cối xay cứ quay giật cục, như tức nghẹn, nặng nề, không đều đặn. Còn tôi thì mồ hôi nhễ nhại, mặt tái mét, bợt bạt…

Viết đến đây, bất giác nhớ câu văn của Thép Mới: "Chiếc cối xay tre, nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc". Nhịp điệu của câu văn này cũng chính là nhịp vòng quay của chiếc cối xay mà một đứa trẻ như tôi thời đó phải gò lưng kéo, đẩy… Tự mình không kéo được, mà phụ cho người lớn thì chỉ thêm vướng. Thế là gần như tôi được tha, không phải làm cái công việc nặng nhọc này.

Còn việc giã gạo thì tôi luôn bị "huy động". Thường là giã chung với bà chị tôi là chị Lịch. Vì nhà không có cối giã gạo nên chị em tôi thường phải đi giã nhờ. Cối nhà cụ Dư đặt ở đầu hồi phía đông, cạnh cây bưởi lưu niên. Cần cối là một thân gỗ nhỏ mốc mác, sứt sẹo, cũ kĩ và nhẹ. Vì vậy, nhịp chày buông xuống không đủ nặng. Giã thì nhẹ, nhưng gạo lại lâu trắng và thời gian giã kéo dài.

Cối bên bà Thạch cũng đặt ở gian cạnh, đầu hồi nhà, có lối đi thông ra mảnh vườn nhỏ, thì nặng chân hơn, gạo nhanh trắng hơn. Đôi khi, chị em tôi còn giã gạo nhờ ở cối nhà ông Xuân, ông Cẩm. Hai chị em thong thả đếm theo từng nhịp chày, khoảng mấy nghìn nhịp chày buông thì mới được một cối gạo. Giữa chừng, nếu mỏi gối chồn chân thì giải lao chốc lát. Lúc giải lao, chị tôi thường vốc một nắm gạo trong lòng cối, chuyền đi chuyền lại vào hai lòng bàn tay, miệng thổi phù phù cho cám bay đi, xem gạo đã trắng chưa. Nhưng hạt gạo vẫn hẩm, vẫn trơ lì, có lẽ do thóc phơi già nắng. Thật mỏi mệt. Có lẽ khoảng gần hai tiếng đồng hồ mới được một cối gạo. Nhiều khi mệt quá, hai chị em còn chành chọe nhau. Cậu em ít lao động chân tay, đã không chăm chỉ lại còn hay dỗi. Vì thế có khi chị phải giã một mình, vì cậu em nhõng nhẽo bỏ về.

Sau này, ở nông thôn xuất hiện chiếc máy xát gạo chạy xình xịch. Chỉ cần đổ thóc hoặc gạo đã xay vào cái miệng phễu phía trên là thấy những hạt gạo trắng tinh rào rào rơi xuống dưới. Thật tiện lợi nhiều bề. Chiếc máy có phần còn thô sơ kia đã thay thế công việc giã gạo nặng nề, ám ảnh. Tôi thầm cảm ơn ai đã làm ra chiếc máy đó, giúp người nông dân đỡ mệt nhọc…

Ngày tháng trôi nhanh, đã 50 năm có lẻ. Nhưng những nhịp chày giã gạo thong thả buông… như vẫn văng vẳng đâu đây, xa xôi mà gần gũi.

Lê Hữu Tỉnh
.
.