Một sự nhầm lẫn khi đọc "Truyện Kiều"
Trao đổi cùng ông Trầm Thanh Tuấn, tác giả bài "Về một bài văn thu hút sự chú ý của dư luận" đăng trên VNCA số 223, ra ngày 5/5/2014/.
=> Về một bài văn thu hút sự chú ý của dư luận
Nhiều ý kiến của tác giả Trầm Thanh Tuấn khá xác đáng, tôi đồng tình và xin không nhắc lại. Chỉ xin nói về sự nhầm lẫn quan trọng của tác giả. Ông Trầm Thanh Tuấn viết: "Và chúng đã nhanh chóng đặt vấn đề "Có ba trăm lạng việc này mới xong". (xin sửa cho đúng là "mới xuôi" chứ không phải "mới xong"). Chi tiết "Và chúng đã nhanh chóng đặt vấn đề" không có trong "Truyện Kiều". Người đọc (viết) có quyền "suy ra" nhưng "suy ra" phải trên văn bản của tác phẩm. Vậy "chúng" là ai? Là "bọn sai nha"?
Xin thưa: Bọn sai nha chỉ làm theo lệnh quan chứ không có quyền ra giá ("Nhanh chóng đặt vấn đề" về tiền nong). Ngày xưa ở phủ, huyện, trên có quan trị nhậm địa phương đó, dưới có bọn sai nha (gồm có lính lệ và nha lại). "Lính lệ" còn gọi là "lệ", là hàng viên chức nhỏ để quan sai phái (thường đi bắt người). Còn "nha lại" là người làm công việc văn thư trong cửa quan xưa. Vậy chi tiết "chúng đã nhanh chóng đặt vấn đề" (tức "ra giá") là do tác giả Trầm Thanh Tuấn nhầm lẫn tự đưa vào, chứ bọn sai nha không có quyền này.
Tranh minh họa cảnh gia đình Thúy Kiều gặp họa. |
Còn câu "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi" là của ai? Ai nói hay nghĩ ra trong hoàn cảnh nào? Câu này xuất hiện trước hay sau khi nàng Kiều quyết định bán mình cứu cha? Để làm rõ những câu hỏi này, ta lần lượt dựng lại sự việc mà tác phẩm "Truyện Kiều" đã nêu: Nàng Kiều chứng kiến cảnh cha và em trai bị gông cổ, bị đánh đập dã man "Rường cao rút ngược dây oan/ Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người! (câu 593 - 594). Nàng cũng biết "Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền" (câu 597 - 598). Bọn sai nha đã lợi dụng việc quan sai bắt người mà cướp phá gia đình người bị hại. Việc làm của chúng "chẳng qua vì tiền". Sống trong xã hội ấy nàng Kiều không lạ gì câu dân gian nói: "Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan".
Xin nhấn mạnh: "quan" nói ở đây không phải là bọn sai nha (bọn tay sai) mà là quan trị nhậm ở phủ, huyện. Vì vậy nàng đành gác mối tình nồng thắm với Kim Trọng mà "Quyết tình nàng mới hạ tình:/ Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha" (câu 605 - 606). Hành động "bán mình chuộc cha" này đã tác động đến người nha lại già (Lại già) họ Chung. "Già" ở đây có nghĩa là lâu năm, thành thạo phục dịch ở cửa quan. Họ Chung này lại là người có lòng tốt, có lòng thương người ("từ tâm") nên "Thấy nàng hiếu trọng tình thâm/ Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay" cho nên nghĩ đến việc giúp đỡ nàng Kiều bằng cách "Tính bài lót đó luồn đây" (câu 611). Vì làm lâu năm ở cửa quan nên họ Chung hiểu rất rõ "đặc tính" của quan là phải "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi" (câu 612). Thế nên họ Chung (lo việc giấy tờ) không làm giấy tờ ngay mà "tạm phó giam ngoài" (nghĩa là tạm thời cho giam ở ngoài tạm xá chứ không giam trong ngục) và thời gian nàng Kiều phải "quy liệu trong đôi ba ngày" (câu 614).
Tóm lại, cách diễn giải và trích dẫn ở trên đã trả lời rõ ràng những câu hỏi đã nêu là không có chi tiết "Chúng đã nhanh chóng đặt vấn đề" (ra giá) như tác giả Trầm Thanh Tuấn viết và câu "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi" là ý nghĩ của nha lại họ Chung. Câu này (câu 612) chỉ xuất hiện sau câu 605 - 606 "Quyết tình nàng mới hạ tình:/ Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha", chứ không phải bọn sai nha "đã nhanh chóng đặt vấn đề" với nàng Kiều như tác giả Trầm Thanh Tuấn bị nhầm lẫn.
Xin thưa cùng tác giả Trầm Thanh Tuấn như vậy