Một số ý kiến trao đổi xung quanh dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn

Thứ Sáu, 30/03/2018, 08:10
Bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (từ đây gọi tắt là Chương trình) vừa công bố được rất nhiều người làm nghề và các bậc phụ huynh quan tâm bởi Ngữ văn là một trong những môn học chính, góp phần rất lớn vào việc chuẩn bị những hành trang cho con em chúng ta bước vào đời. Nói như cổ nhân thì học văn có một vị thế đặc biệt để học làm người. 


Môn Ngữ văn sau nhiều lần thay đổi nội dung, phương pháp giảng dạy (nhưng không đổi mục tiêu) dường như không đáp ứng được kỳ vọng. Nó tỏ ra chưa phù hợp với những yêu cầu của thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển, chưa tương thích cả về nội dung, mục tiêu và tổ chức giảng dạy.

Chương trình lần này được soạn thảo theo hướng đổi mới toàn diện, triệt để, nhất quán suốt cả hai giai đoạn, trong đó những người soạn Chương trình xác định “nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học, được phân chia theo hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp” (tr.3).

Quả thực trong 124 trang của dự thảo Chương trình, tinh thần ấy được các nhà soạn thảo quán triệt và tuân thủ qua cách rèn luyện 4 kỹ năng đọc, viết, nói và nghe (được nhắc tới 12 lần) đồng thời cũng lựa chọn 9 chuyên đề được cho là cần thiết và phù hợp với 3 năm hệ PTTH - giai đoạn mà các nhà soạn Chương trình cho rằng chúng cần thiết bổ sung cho những tri thức cơ bản ở giai đoạn hướng nghiệp.

Hai khía cạnh thường bị cho là yếu trong nội dung các chương trình trước là ít chú ý đến rèn luyện kỹ năng và khơi dậy năng lực sáng tạo, năng lực nhận thức chủ động từ những tri thức được truyền dạy đã được Chương trình lần này nhận ra và tìm cách khắc phục.

Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học góp ý Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 22-3-2018.

Những người soạn thảo Chương trình xác định những mục tiêu cho từng giai đoạn tương ứng với mỗi cấp học dựa trên một trục mục tiêu cần hướng tới là vừa góp phần “hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp như yêu nước, nhân ái, trách nhiệm” đồng thời qua việc học tập và khơi gợi ở các em hứng thú đọc sách “tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam”, “có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, có khả năng hội nhập quốc tế, có ý thức và tác phong của một công dân toàn cầu” (tr.6).

Những người soạn thảo Chương tình cũng đặt ra mục tiêu thông qua chương trình giáo dục này “giúp học sinh phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo” (tr.6). Có thể nói cái đích đặt ra đối với một chương trình giáo dục môn Ngữ văn ở bậc phổ thông như vậy là khá cao, toàn diện.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực này, tôi xin góp thêm một số ý kiến:

1.Về xác định lĩnh vực soạn thảo chương trình: Ban soạn thảo đã xác định rất rõ đây là chương trình giáo dục ngôn ngữ và văn học nên từ bài đầu đến bài cuối cùng, hai lĩnh vực này luôn được những người soạn thảo quan tâm bổ sung kiến thức cho nhau theo hướng tích hợp tri thức.

Đó là điều đúng và cần thiết. Điểm không ổn nhất là những người soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành ra những phần tách bạch mà làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn, trong đó phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mĩ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện, đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.

Từ đầu đến cuối chương trình, quan điểm dạy kĩ năng theo 4 khâu đọc, viết, nghe và nói, môn Ngữ văn giống như là một môn Ngoại ngữ là điều không logic bởi nếu Ngữ văn được coi như là một môn Ngoại ngữ cho người học tiếng Việt thì điều này bình thường và hiệu quả, nhưng đây là môn Ngữ văn cho người bản ngữ, học trong mười hai năm có tính chất bản lề để hình thành nhân cách thì phần kĩ năng lại lấn át phần cảm thụ.

Kĩ năng dễ viết thành những nội dung cụ thể, còn cảm thụ và cảm nhận văn chương khó quy thành những điểm A, điểm B, theo những mô hình, quy trình nhưng nó lại mang tính tổng hợp, là “phương thức hết sức nhuần nhị để giáo dục tư tưởng, xây dựng nhân cách” con người. Điều này được thể hiện ra ở quan điểm, nội dung, ngữ liệu, yêu cầu, phân bố chương trình, thời lượng giảng dạy. Phần “ma trận nội dung” thể hiện đặc biệt rõ tư tưởng này và ở những nội dung chương trình phân bổ cho các lớp cũng vậy.

2. Nội dung mục tiêu chung hơi ôm đồm, khiến cho những người thực hiện khó nhớ, khó biến thành những chương trình cụ thể để hướng tới mục tiêu. Thiết nghĩ điều cần nhất đối với một học sinh là khơi gợi khát vọng hướng tới điều hay lẽ phải qua sự cảm thụ các tác phẩm văn học, hướng tới tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân ái, sáng tạo, trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Những mong muốn nêu ra nhiều, thậm chí có nội dung không nhiều như khơi dậy mĩ cảm ở học sinh khi học Văn nhưng chưa trình bày thuyết phục làm thế nào để đạt được điều này. Cảm nhận khá rõ là Chương trình chưa chú ý đúng mức đến nhiệm vụ này. 

3. Về Nội dung chương trình: Ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích, mục đích của mình. Sáu tác phẩm được chọn chỉ có riêng “Truyện Kiều” thuộc thể loại truyện thơ Nôm, còn 5 tác phẩm còn lại là loại khác.

Về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại. Phần còn lại được Chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy những nội dung gì. Về nguyên tắc, tôi cho rằng cách lựa chọn nội dung “mở” này không phù hợp, thiếu nhất quán bởi tính pháp lệnh không rõ ràng, tính chuẩn mực của nội dung chương trình chưa xác định (chỉ bắt buộc 6 tác phẩm, còn lại do người viết sách và người dạy tự chọn) sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử. 

Bởi Chương trình hướng dẫn chỉ nêu yêu cầu đánh giá mục tiêu cần đạt mà không quan tâm đúng mức đến nội dung ngữ liệu, phương thức đạt tới mục tiêu là không hợp lý, bởi độ mở như những người soạn thảo Chương trình nêu ra ở đây tiềm ẩn nhân tố khó kiểm soát. Ý định của Chương trình là tạo thêm biên độ cho sự sáng tạo, nhưng đó là những ý tưởng mang tính logic hình thức hơn là những căn cứ thực tiễn.

Thiết nghĩ, để giảng dạy về thơ lục bát cho đúng niêm luật, người ta hoàn toàn có thể chọn hai câu “Con gà con chó có lông/ Cây tre có mắt, xương rồng có gai” thay cho “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”. Phần ngữ liệu nếu không chọn cẩn thận thì chỉ đáp ứng được nhu cầu thông tin, khó đạt nhu cầu cảm thụ cái hay cái đẹp của văn chương.

Chưa kể nếu chúng ta thực hiện chương trình theo cách mở này thì có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về chính trị tư tưởng. Ngay cả giáo viên cũng sẽ khó xử lý nếu tình huống đó xảy ra chứ chưa nói đến học sinh.

Vì vậy có thể mở đường cho sự tự chủ, sáng tạo nhưng mở thế nào để tránh điều không mong muốn là việc cần suy nghĩ. Trong giảng dạy văn chương thì văn bản là yếu tố đầu tiên, có vai trò quyết định đến người học. Chọn cái gì để truyền đến những tâm hồn như tờ giấy trắng sẽ thu được kết quả theo hướng ấy.

4. Về yêu cầu kiến thức: Tôi cho rằng Chương trình đặt ra yêu cầu cao nhưng những diễn giải về nội dung, ngữ liệu, phân bố chương trình chưa tương xứng với yêu cầu và khó đạt. Những tri thức về thể loại văn học, về các yếu tố của tác phẩm văn học, về nghĩa hàm ẩn và nghĩa tường minh cũng cần giới hạn rõ ràng hơn.

Một văn bản đọc hiểu mà nhiều nghĩa hàm ẩn rõ ràng là không phù hợp, trong khi Chương trình nhấn mạnh nhiều đến yêu cầu đọc hiểu. Yêu cầu đọc hiểu văn bản bắt buộc người làm sách và giảng dạy phải chọn những văn bản đơn nghĩa, nghĩa văn bản thường là tường minh. Mà những văn bản văn học như vậy rất kém hấp dẫn, không tiêu biểu cho loại văn bản văn học đích thực.

Còn những văn bản văn học đích thực, vốn đa nghĩa, nhất là nghĩa hàm ẩn thì khó phù hợp với bốn kĩ năng đã xác định mà cần phải được dạy theo cách khác. Trong gợi ý chọn tác phẩm làm ngữ liệu, Chương trình đưa ra những tác phẩm gắn với một thể loại, có khi chỉ là một đoạn trích ngắn mà yêu cầu phải làm cho học sinh hiểu được những đặc điểm của thể loại, những yếu tố của tác phẩm văn học thì quá khó.

Chương trình dành cho học sinh THCS cũng có những điểm chưa phù hợp. Nên xem lại điều này. Các chuyên đề cho giai đoạn hướng nghiệp theo tôi không phù hợp cả về nội dung lẫn thời lượng (chẳng hạn như kiến thức về lịch sử văn học dân tộc) vì yêu cầu cần đạt rất cao trong khi nội dung chuyên đề khó đáp ứng được yêu cầu như vậy. Chẳng hạn hai vấn đề rất lớn, xuyên suốt lịch sử văn học dân tộc có thể là những chuyên đề xương sống cho văn học cần dạy ở bậc THPT là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo lại bị bỏ qua v.v…

5. Về phân bố thời lượng các môn học, chọn các tác phẩm làm ngữ liệu cho các lớp cũng nên xem xét lại. Ví dụ lứa tuổi tiểu học và THCS mà dạy các thể loại là chưa phù hợp. Ở bậc THPT, thời gian lại học môn Văn ít hơn (hơn 1 tiết/ngày kèm theo 35 tiết/ cho 3 chuyên đề, nghĩa là mỗi chuyên đề khoảng 12 tiết kể cả kiểm tra, đánh giá). Sự tích hợp ở môn học này khó đạt kỳ vọng như dự kiến.

Kết luận:

Tôi mong và hy vọng ban soạn thảo chú ý nhiều hơn đến tính chất đặc thù của môn học trong dự thảo chương trình này nếu có điều chỉnh. Nên tăng cường chất văn trong cả nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Đối với những vấn đề chưa thống nhất nên có những trao đổi giữa các chuyên gia và có thí điểm trước khi đưa ra đại trà.

Tôi đề nghị cần điều chỉnh ngay theo hướng xác định rõ các tác phẩm được chọn như là những yêu cầu bắt buộc hay ít nhất cũng chỉ hạn chế lượng tác phẩm tự chọn chiếm xấp xỉ 20%-25%, chứ không mở rộng như hiện nay. Số lượng ngữ liệu bắt buộc thấp hơn nhiều số được tự chọn là không hợp lý. Cũng nên tính đến việc dành thời lượng bổ sung những tác phẩm cần cập nhật vào chương trình.

     Tháng 3 năm 2018

Phạm Quang Long
.
.