Một số vĩ nhân và chuyện vui bên giường bệnh

Thứ Hai, 09/03/2009, 16:30
Thông thường đã ở vào tình thế phải nằm trên giường bệnh, ai chẳng buồn. Trường hợp là trọng bệnh, tâm thần càng dễ hoang mang, hoảng hốt. Ấy vậy mà ở một số vĩ nhân, người ta đã ghi lại được nhiều câu chuyện vui, nhiều lời nói hài hước, cho thấy ngoài sự thông minh, dí dỏm, các vị còn tỏ ra rất bình tĩnh, lạc quan...

Điều ấy không chỉ làm cho tâm hồn các vị thanh thản mà còn khiến bầu không khí xung quanh trở nên nhẹ nhõm, các người thân của họ cũng bớt phần lo lắng...

Trước khi mất, thi hào Đức Henrích Hainơ yếu mệt đến độ các cô hộ lý phải liên tục giở mình cho ông trên giường bệnh, vậy mà khi bạn bè vào thăm, ông vẫn đùa vui: "Các vị thấy không, đàn bà vẫn cứ bế tôi trên tay...".

Khi Sácli Saplin (tức vua hề Sáclô) ốm nặng, bác sĩ đến khám và buồn bã thông báo: "Rất tiếc tôi không đủ khả năng để làm ngài trẻ lại". Vua hề nghe vậy bèn vẫy bác sĩ lại gần, đoạn thì thào: "Tôi đâu có yêu cầu ngài làm tôi trẻ lại. Chỉ cần giúp tôi già được thật lâu cũng quý lắm rồi!". 

Khi nhà bác học Pháp Lui Paxtơ hấp hối, cha đạo tới làm lễ rửa tội và đề nghị ông: "Hãy khước từ quỷ dữ". Paxtơ phều phào đáp: "Thưa cha, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, liệu con có nên chuốc lấy kẻ thù cho mình hay không?".

Hay tin Chúttrép - nhà thơ nổi tiếng của nước Nga lâm bệnh nặng, Sa hoàng Alếchxanđrơ II ngỏ ý muốn tới thăm. Biết điều này, Chúttrép tỏ vẻ băn khoăn. Ông tâm sự với những người thân, rằng sẽ "hết sức thiếu tế nhị" nếu ít giờ sau khi được Sa hoàng tới thăm, ông từ giã cõi đời.

Hay tin văn hào Anh Bécna Sô bị ốm, hai bố con nhà nọ tới thăm ông. Cầm tay chú bé con mới 12 tuổi, Bécna Sô nói: "Này cháu, năm mươi năm sau cháu có thể tự hào nói mình đã được bắt tay Bécna Sô". Đến đây nhà soạn kịch trứ danh cười vui: "Và hẳn người ta sẽ hỏi lại cháu: Thế cái ông Bécna Sô là ông nào?".

Thi sĩ Pháp nổi tiếng Anphrết đờ Muyxê, khi biết phút giây "ly biệt" của mình đang tới gần, đã ngáp và thốt lên: "Ngủ! Ôi đến giờ tôi mới được ngủ ngon!".

Trước khi mất chừng một tháng, văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn đã ngẫm ngợi việc viết một cái gì đó "như thể di chúc".

Cuối cùng, trên giường bệnh, ông đã viết được những lời để lại cho người thân, trong đó có những yêu cầu khá hóm hỉnh về những việc người nhà và bè bạn cần lưu ý sau khi ông mất, đó là: "Khâm liệm nhanh, chôn cất, thế là xong" và" quên tôi đi, lo lắng đời sống của mình, nếu không thì là ngốc". 

Văn hào Nga Tsêkhốp vốn là một bác sĩ. Ông biết rất rõ các triệu chứng liên quan đến bệnh trạng của mình. Đêm đó, ông tỉnh giấc và lần đầu tiên trong đời ông cho mời thầy thuốc tới. Khi người này đến, Tsêkhốp bảo vợ rót sâm banh. Đoạn ông ngồi dậy nói to với thầy thuốc bằng tiếng Đức: "Tôi sẽ chết".

Sau đó, ông quay về phía vợ, nâng cốc rượu và mỉm cười một cách hết sức trìu mến, như thể giải thích hành động của mình: "Đã lâu lắm rồi anh không uống sâm banh"... Tsêkhốp thản nhiên uống hết cốc rượu rồi nhẹ nhàng nằm xuống, nghiêng người về bên trái và... vĩnh viễn ra đi.

Mới thấy, tất cả những thái độ vui hóm ấy của các vĩ nhân trên giường bệnh - đã giúp cho những người xung quanh bớt "nặng lòng" biết chừng nào, đồng thời lại lưu lạiđược những kỷ niệm rất đẹp về họ trong tâm hồn những người đang sống

Nguyễn Quốc Thái
.
.