Một số nhận định sai lệch về nhà thơ Tố Hữu

Thứ Sáu, 03/04/2009, 13:30
Nhà thơ Tố Hữu qua đời đến nay đã hơn 6 năm, vậy mà thi thoảng bạn đọc lại bắt gặp những bài viết, những dòng bình luận không được thiện chí về cuộc đời và văn nghiệp của ông.

Người viết bài này, mặc dầu trong đời chưa từng một lần có vinh dự được diện kiến nhà thơ Tố Hữu, song căn cứ vào những tài liệu mà mình thu lượm được, xin có đôi dòng trao đổi lại, ngõ hầu giúp bạn đọc nhìn nhận khách quan hơn về một số vấn đề, nhất là khi những "nhân chứng" được đề cập tới trong các bài viết nói trên đều đã không còn trên dương thế...

Trên tạp chí Hợp lưu số 96, phát hành tại Mỹ hồi tháng 10 năm 2007, tác giả Thụy Khuê - trong bài phỏng vấn xoay quanh việc NXB Thanh Niên (vào năm 2006) cho ấn hành bộ "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng"- đã có cách nhìn nhận lệch lạc về nhà thơ Tố Hữu khi đặt vấn đề: "Theo tôi thì ba nhà văn Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là ba người đã theo cách mạng từ đầu đến cuối nhưng riêng chỉ có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là giữ được nhân cách nhà văn của mình trong suốt giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm".

Theo tác giả này thì bà "đọc" được điều ấy trong "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng" và thấy rõ trong đó có những vấn đề Nguyễn Huy Tưởng "không đồng ý với Tố Hữu" và xem đấy như sự đối lập về nhân cách giữa hai nhà văn.

Là người từng đọc lại nhiều lần bộ nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi thừa nhận là trong một số vấn đề, giữa Tố Hữu và Nguyễn Huy Tưởng còn có những quan điểm khác biệt, nhất là trong biện pháp xử lý. Điều này kể cũng dễ hiểu: Nguyễn Huy Tưởng lúc bấy giờ chỉ là một trong những Ủy viên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn, còn Tố Hữu đã là Ủy viên Trung ương Đảng, là người thay mặt Đảng chịu trách nhiệm trực tiếp về tình hình văn hóa văn nghệ. Nghĩa là, so với Nguyễn Huy Tưởng, cách nhìn của ông cũng khác và trách nhiệm của ông rõ ràng là nặng nề hơn.

Vả chăng những điều mà tác giả Thụy Khuê cho là thuộc về "nhân cách", thực ra cũng chỉ là sự khác biệt trong quan điểm, nhận thức trước một số hiện tượng xã hội (mà phải đặt vào bối cảnh đất nước và tình hình dân trí lúc bấy giờ, chúng ta mới có cách nhìn nhận thấu đáo: Như việc ông yêu cầu cắt bỏ những thước phim nước ngoài có cảnh nữ diễn viên hở ngực, hở vai; hoặc yêu cầu văn nghệ sĩ khi sáng tác cần đáp ứng những nhiệm vụ chính trị tức thời, phải gắn với thực tế, nhà văn phải năng đi cơ sở...).

Và, một điều không thể không nói ở đây: Trong bộ "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng", ngoài những dòng thể hiện sự chưa đồng nhất về quan điểm trên một số vấn đề cụ thể, Nguyễn Huy Tưởng cũng đã dành cho Tố Hữu những dòng bày tỏ tình cảm rất ấm áp, thể hiện sự yêu quý, kính trọng, như: "Tố Hữu vững chắc quá, được toàn thể anh em văn nghệ sĩ kính phục" (trích nhật ký ngày 28/9/1949); "Nghĩ đến Tố Hữu, rực rỡ như vàng, như ánh sáng" (trích nhật ký tháng 12/1949); "Hôm nay lại tranh thủ ý kiến Tố Hữu. Ý kiến hay..." (trích nhật ký ngày 28/4/1959); "Lên chơi Tố Hữu. Thoải mái. Nói chuyện sắp đi Vĩnh Linh. Tố Hữu tán thành. Cần phải đi cho biết rộng" (trích nhật ký ngày 8/8/1959); "Lên gặp Tố Hữu. Nhắc chuyện 1956, một dự định kịch và tiểu thuyết của ta cái hồi ấy... Tố Hữu đã góp cho nhiều ý kiến về vấn đề này". Qua buổi gặp đó, Nguyễn Huy Tưởng thấy "yêu Đảng, yêu cách mạng" (trích nhật ký ngày 11/10/1959).

Không hiểu sao, có khá nhiều đoạn như thế này, vậy mà không thấy tác giả Thụy Khuê dẫn ra. Phải chăng, bà sợ qua đó, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy, việc tìm cách đối lập giữa Nguyễn Huy Tưởng và Tố Hữu, dù là về "nhân cách" hay về "quan điểm chính trị", cũng đều... không ổn?! 

Cuốn "Nguyễn Đình Thi - Bí mật cuộc đời", sau khi được NXB Văn học cho ấn hành (năm 2008), đã bị báo giới lên tiếng chỉ trích về một số điều sai lạc, trong đó có một số thông tin chưa được kiểm chứng và không thiện chí về nhà thơ Tố Hữu.

Cuốn sách đã được chỉnh sửa lại, tuy nhiên, ở bài viết của tác giả Lưu Hương in ngay phần mở đầu của sách, người yêu thơ không khỏi băn khoăn trước một nhận định: "Ngày trở lại Hà Nội, tôi đến gặp ông bạn là giáo sư Đại học Tổng hợp. Theo cách nhìn nhận của giáo sư thì đáng lẽ ra, ngay từ đầu, từ mấy số báo Giai phẩm có đăng bài phê bình và bình luận về thơ Tố Hữu, thì lãnh đạo văn nghệ cần phải bình tĩnh, tỉnh táo để có chủ trương khoanh vấn đề trong phạm vi tranh luận, phê bình văn học trên diễn đàn báo chí mà thôi".

Theo vị giáo sư này: "Đáng lẽ ra, cấp trên có thể gọi mấy cậu văn nghệ sĩ trẻ chơi ngông ấy (tức những người chê thơ Tố Hữu - PK) đến nói chuyện một cách thân tình, cởi mở và bình đẳng với tư cách bạn thơ thì mọi sự đã khác. Nhưng đằng này, giải quyết không khéo, cứng quá nên, từ bé xé ra to, rồi thành một vụ án chính trị". 

Phải nói rằng, những ý kiến trên, hoặc là hết sức ngây thơ (với trường hợp đó là ý kiến của người ngoài cuộc), hoặc là rất... ma lanh, mục đích để nhập nhằng đánh tráo khái niệm (với trường hợp của người biết rõ sự việc). Bởi, nếu tin vào nó, ta sẽ hiểu sai hoàn toàn bản chất của một vụ việc mà Đảng đã có kết luận. 

Trước nhất cần phải khẳng định: Trên các số Giai phẩm, chưa hề có bài viết nào "phê bình và bình luận về thơ Tố Hữu". Cuộc tranh luận xoay quanh tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu khởi đầu kể từ khi tập thơ được ấn hành ngày 8/12/1954 và kết thúc sau khi Báo Văn nghệ và Báo Nhân dân (các số ra ngày 11 và 12 tháng 8/1955) đăng bài "Ý kiến kết thúc cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc" của Hoàng Trung Thông, nghĩa là trước thời điểm tập san Giai phẩm số đầu tiên được ấn hành (xem cuốn "Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc" do Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2005).

Cũng qua cuốn sách này, bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy, việc phê bình tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu không hề đơn giản như vị giáo sư trong bài viết của tác giả Lưu Hương nghĩ. Bởi "bạn thơ" gì, "tranh luận, phê bình văn học" gì mà trước những bài thơ nổi tiếng, được xem là tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp mà lại phủ nhận tuốt tuột, với những lời lẽ quá đao búa, phũ phàng.

Ví như: "Câu thơ trong bài Việt Bắc uốn éo với một lời duyên dáng nửa mới nửa cũ đến khó chịu" (với bài "Việt Bắc"); "Lạnh lùng, bàng quan và giả dối" (với bài "Lại về"); "Tác giả truyền cho ta cảm giác nguy hiểm là ta thấy ta  nhỏ bé quá. Hình ảnh lãnh tụ choán hết cả" (với bài "Sáng tháng năm"); "Một cảnh lấp lánh ánh sáng khắp nơi, khi lại gần thì nhạt nhẽo, không thấy đẹp nữa" (với bài "Ta đi tới").

Chưa hết, với cả tập thơ "Việt Bắc" nói chung, một số tác giả còn "khái quát" lên bằng những lời nhận xét... búa bổ: "Cái yêu mến của Tố Hữu còn nhiều rơi rớt xót xa của thời đại trước, cái xót xa của con người bất lực trước xã hội, con người chưa nhận thức được đầy đủ sức mạnh của tập thể"; "Tình cảm đối với Đảng vắng mặt một cách quá rõ rệt trong tập thơ"; "Một thiếu sót lớn nữa trong thơ Tố Hữu: tính chất xa thực tế, xa quần chúng" vv và vv... Có thể nói, đọc những nhận xét trên, hiếm ai bây giờ tin rằng đó lại để dành nói về thơ...Tố Hữu. Rõ ràng, có những điều phi học thuật ẩn chứa đằng sau những lời nhận xét ấy.

Bản thân một vị tướng quân đội khi ấy là ông Trần Độ, trước những lời nhận xét này cũng đã phải lên tiếng yêu cầu các nhà phê bình "bớt lý luận dài dòng, phân tích chủ quan, trừu tượng, đôi lúc bộc lộ ý xấu...".

Còn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong nhật ký của mình, sau khi nhắc tới tên một số người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm cũng đã cho hay: "Bọn họ có người nói: Đừng viết nữa, để dành cho trẻ viết. Vô luận một bài, một sáng tác nào của anh em mà họ gọi là "cây đa cây đề", họ đều gạt đi, cho là tồi. Trong khi đó thì họ tâng bốc những bài của họ mà phần lớn là không ngửi được!" (trích nhật ký ngày 23/1/1956).

Chỉ một chi tiết này cũng đủ cho ta thấy động cơ của một nhóm người đằng sau những bài phê bình tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu. Rất may là Đảng và quần chúng (cùng một số văn nghệ sĩ chân chính) đã kịp thời lên tiếng bảo vệ nhà thơ ưu tú khỏi những lời lẽ có tính "quy chụp". Tiếc là, vào những năm gần đây, khi một số vụ việc trong quá khứ đã lùi xa, lợi dụng sự thiếu thông tin, một số người đã cố tình tung ra những cách đặt vấn đề có phần "ăn gian", làm lệch hướng nhận thức của các bạn đọc trẻ.

Năm 2008 vừa qua, dư luận cũng xôn xao về một cuốn hồi ký của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh được tung lên mạng, trong đó có một chương về nhà thơ Tố Hữu. Nhiều người không đồng tình trước ý kiến của Giáo sư Mạnh về thơ Tố Hữu: "Vì sao thơ ông không có giá trị lâu dài? Có lẽ vì ông chọn cho mình con đường làm thơ chính trị".

Trong khi, đọc cuốn "Nhà văn - tư tưởng và phong cách", bản in năm 2001 (do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành), ta lại gặp những dòng nhận xét khác hẳn của chính Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: "Thơ Tố Hữu cũng là sự chứng minh hùng hồn cho ý kiến của Sóng Hồng: Thơ chính trị là thơ trăm phần trăm như các thơ khác. Bởi vì Tố Hữu làm thơ chính trị theo đúng quy luật nghệ thuật, nghĩa là bằng trái tim náo nức của mình... Đọc thơ ông, nhiều khi như nghe thấy cái réo rắt, ngọt ngào của Kiều, Chinh phụ, của ca dao, dân ca..." và "Với thơ ông, tính thời sự không hề mâu thuẫn với tính nghệ thuật và giá trị lâu dài của tác phẩm văn học" (trang 72-73). Chao ôi, chẳng lẽ chỉ trong có mấy năm mà người ta có thể có quan điểm quay ngoắt đến 180 độ như vậy? Có người khi đọc hai nhận xét trái ngược nói trên, đã buông một câu: "Không thể hiểu nổi".

Lại một lần nữa, người ta tìm cách phủ nhận, xuyên tạc đời và thơ Tố Hữu vì một mục đích "sâu xa" khác!

Phạm Khải
.
.