Phát hành bộ tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19:

Một sắc màu trong đời sống đương đại

Thứ Năm, 26/03/2020, 09:29
Vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) đã công bố bộ tranh cổ động về chủ đề phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng. Hoạt động này diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã thú hút sự quan tâm của dư luận và đông đảo công chúng.


Ấn tượng bộ tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19:

Sau những vui mừng vì hơn 3 tuần Việt Nam không có thêm bệnh nhân mới, thì sự xuất hiện của bệnh nhân mang số 17 dường như đã làm đảo lộn tất cả. Và đúng như dự đoán của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch, số người nhiễm bệnh đã nhanh chóng tăng lên từng ngày, đến nay đã lên đến con số hơn 120.

Trong bối cảnh cần sự khẩn trương vào cuộc của các bộ, ngành; cần kết hợp các biện pháp truyên truyền để toàn dân nâng cao ý thức và chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã chỉ đạo để Cục Văn hóa cơ sở nhanh chóng tổ chức một đợt sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra.

Một trong 4 bức tranh cổ động đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phát hành rộng rãi trong chiến dịch phòng chống dịch COVID-19.

Cục Văn hóa cơ sở cho biết, vì thời gian rất gấp rút nên Cục đã gửi thư qua email đến hơn 20 họa sĩ là những người có kinh nghiệm trong sáng tác tranh cổ động để mời các họa sĩ này tham gia. Thời gian gửi tác phẩm muộn nhất vào 17h ngày 15-3-2020.

Tác phẩm tham dự đợt vận động sáng tác có kích thước 54cm x 79cm, số lượng tác phẩm tham gia không hạn chế. Sau khi kết thúc thời gian nhận tranh, Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng giám khảo, ban tư vấn đến duyệt tranh, trong đó có sự hiện diện của đại diện Bộ Y tế để lựa chọn ra những tác phẩm có chất lượng tốt phục vụ cho đợt cao điểm tuyên truyền này. Đối với những tác phẩm được chọn, Ban tổ chức sẽ sử dụng để tuyên truyền phòng chống dịch tại các địa phương trên toàn quốc, dưới mọi hình thức.

Điều rất đáng mừng là, mặc dù thời gian để các họa sĩ sáng tác và gửi tác phẩm chưa đầy 1 tuần (từ ngày 10 đến 15-3), nhưng kết thúc thời gian, Ban tổ chức đã nhận được 103 tác phẩm của 23 tác giả tham gia.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, mặc dù trong thời gian rất ngắn, nhưng các họa sĩ đã phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của một nghệ sĩ trước vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra, đó là mục tiêu đẩy lùi đại dịch đang gây nhiều lo lắng cho người dân.

Các tác phẩm tham dự đều thể hiện những thông điệp rõ ràng, gần gũi, với mong muốn chung tay, góp phần đẩy lùi đại dịch như: đeo khẩu trang đúng cách, tăng cường rửa tay đúng cách với xà phòng, tránh tụ tập đông người, tự cách ly và báo ngay cho cơ sở y tế khi có các biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, khó thở, tức ngực...

Ngoài ra, có những tác phẩm cũng đưa ra thông điệp tuyên truyền người dân cần chọn lọc khi tiếp nhận thông tin, tránh rơi vào tình trạng hoảng loạn, hoang mang. Điều này đã cho thấy, các họa sĩ vẽ tranh cổ động đã nhắm đúng, nhắm trúng những vấn đề trọng tâm, thời sự nhất để lồng ghép vào thông điệp tuyên truyền, cổ động trong tác phẩm của mình.

Kết thúc đợt vận động sáng tác, Ban tổ chức chọn 4 mẫu tranh có chất lượng tuyên truyền cao để in và phát hành. Bên cạnh đó, 1.000 đĩa chứa 14 file mẫu tranh được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn gửi về các tỉnh, thành phố, quận, huyện trong cả nước để các địa phương có thể lựa chọn những tác phẩm phù hợp in ấn, phát hành, tuyên truyền sâu rộng tại cơ sở trên địa bàn cả nước.

Sau khi các mẫu tranh cổ động tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 được công bố và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã rất thích thú chia sẻ những thông điệp này trên trang facebook cá nhân của mình. Điều đó đã cho thấy, cho đến nay tranh cổ động vẫn có vai trò nhất định trong đời sống hiện đại.

Đứng trước những vấn đề liên quan đến cộng đồng rộng lớn, đến những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước hay trong những giai đoạn có tính chất bước ngoặt - lịch sử, tranh cổ động lại càng có cơ hội phát huy sứ mệnh đặc biệt của mình.

Tranh cổ động - Không chỉ là ký ức

Có không ít người cho rằng, tranh cổ động là loại hình tranh chỉ phù hợp với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ hay thời kỳ bao cấp đang lùi xa. Vì thế, nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam hay tìm mua những bức tranh cổ động được in ấn để mang về làm kỷ niệm về một thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Một tác phẩm tranh cổ động phòng chống dịch COVID-19.

Trong những năm tháng khó khăn gian khổ ấy, những bức tranh cổ động (chủ yếu là được vẽ trên tường ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người) đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng đất nước, sau này là xây dựng đất nước. Có những khẩu hiệu từ tranh cổ động đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân và ngược lại như "Quyết chiến - Quyết thắng", "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tất cả cho tiền tuyến", "Thanh niên 3 sẵn sàng"...

 Sau này, một số ý kiến lại cho rằng đây một loại hình tranh đã thuộc về... quá khứ, thuộc về ký ức bởi nó không bao hàm trong đó nhiều giá trị nghệ thuật mà chủ yếu là vì mục đích tuyên tryền, cổ động. Nhưng có lẽ, sau kết quả của đợt vận động vẽ tranh tuyên truyền về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, nhiều người sẽ có suy nghĩ khác. Thậm chí, sẽ thấy xét ở góc độ nào đó, loại hình tranh cổ động cũng thật... đáng yêu trong những thời điểm như thế này. Nó mang lại những thông điệp hướng tới cộng đồng (có thể coi là đại công chúng - khán giả), mang tính động viên, cổ vũ cộng đồng cùng nhau thực hiện một mục tiêu, một nhiệm vụ mà xã hội, đất nước và cả thế giới đang đặt ra.

Có thể thấy, những năm gần đây tranh cổ động chủ yếu được sử dụng trong các sự kiện chính trị lớn của đất nước như chào mừng Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm ngày thành lập Đảng, hay kỷ niệm thành lập các tổ chức chính trị lớn có ảnh hưởng sâu rộng như Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên...

Bên cạnh đó, có những bức tranh cổ động của ngành y tế phát hành như phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống bệnh lao... với những hình ảnh vô cùng ấn tượng, tác động mạnh đến thị giác đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức, hành vi của nhân dân.

Tuy nhiên, có những bức tranh cổ động mang màu sắc chính trị - thời sự nhưng lại chứa đựng nhiều tâm tư, tình cảm và tác động sâu sắc đến nhận thức của nhân dân, thì phải kể đến là những bức tranh về chủ đề giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương được sáng tác, trưng bày nhiều trong những năm gần đây.

Khoảng mươi năm trở lại đây, nhiều cuộc triển lãm tranh cổ động về chủ đề biển đảo được Hội Mỹ thuật Việt Nam kết hợp với các tỉnh thành tổ chức. Các cuộc triển lãm này cũng là kết quả từ các đợt vận động sáng tác tranh về chủ đề biển đảo trên quy mô toàn quốc, thu hút nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên tham gia.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, hồi tháng 5-2014, khi phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam đã gây nên sự phẫn nộ của dư luận trong nước và quốc tế. Hưởng ứng tuyên bố phản đối việc làm này của Hội Mỹ thuật Việt Nam, các họa sĩ đã tham gia một đợt sáng tác tranh cổ động về chủ đề bảo vệ biển đảo quê hương.

Trong hơn 1 tháng đã có 125 bức tranh được gửi về ban tổ chức và hơn 60 tác phẩm được chọn đã được trưng bày tại các triển lãm ở nhiều thành phố như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Những triển lãm tranh cổ động về chủ đề biển đảo từ đó vẫn được tổ chức thường xuyên và ở quy mô lớn như những năm qua, đã có những tác động mạnh mẽ đến ý thức, tinh thần yêu nước, mong muốn bảo vệ cũng như sự nâng niu, trân trọng đối với mỗi tấc đất nơi đầu sóng ngọn gió, hải đảo quê hương.

Có thể thấy, trong dòng chảy đương đại, bên cạnh dòng tranh nghệ thuật thì mảng tranh cổ động dường như vẫn tồn tại song hành và vẫn đang đảm nhiệm những nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng trong đời sống. Những thông điệp mang tính thời sự, hướng tới đại công chúng như chủ đề bảo vệ biển đảo hay phòng chống dịch COVID-19 gây ra như thời gian qua vẫn cần được truyền tải qua hình thức tranh cổ động. Điều này đã cho thấy, dòng tranh này vẫn đang song hành cùng sự phát triển của đất nước chứ không phải chỉ thuộc về ký ức và năm tháng xưa cũ.

Nguyệt Hà
.
.