Sau hàng loạt vụ hiếp dâm tập thể xảy ra ở Ấn Độ:

Một nữ tác giả bức xúc "vào cuộc"

Thứ Tư, 18/09/2013, 08:00

Yael Farber năm nay 42 tuổi. Chị là một nhà soạn kịch Nam Phi rất quan tâm đến nạn xâm hại tình dục. Bản thân chị, ngay từ khi còn theo học tại Mumbai (Ấn Độ) cũng từng bị quấy rối tình dục. Chính vì lẽ ấy, vụ việc nữ sinh viên y khoa người Ấn Độ Jyoti Singh Pandey bị hiếp dâm tập thể và tử vong sau đó gần hai tuần hồi cuối tháng 12 năm ngoái đã khiến Yael Farber thực sự bị sốc. Trong một lần tới thăm Ấn Độ, được sự cổ vũ của nữ diễn viên Poorna Jagannathan, Farber đã quyết định phải viết một vở kịch về nạn bạo lực tình dục với nhân vật chính là nữ sinh viên Jyoti Singh Pandey.

Theo Farber, mặc dù vụ án xảy ra với Jyoti Singh Pandey từng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Ấn Độ, song thường thì những vụ việc kiểu này cũng chỉ đánh động dư luận trong một thời gian ngắn, bởi vậy, người sáng tác phải biết nắm bắt thời điểm. Đó là lý do khiến nữ tác giả quyết tâm dàn dựng vở kịch chỉ trong thời gian 8 tháng kể từ khi xảy ra vụ án đau lòng nói trên.

Vở kịch được đặt tên là "Nirbhaya" (có nghĩa "can đảm", "không biết sợ") - biệt danh mà báo chí dùng để gọi Jyoti Singh Pandey. Vở kịch, ngoài câu chuyện về vụ hiếp dâm nữ sinh viên Jyoti - được xem là trọng tâm - còn được lồng thêm 4 câu chuyện khác.

Sau khi đưa "Nirbhaya" trình diễn tại Liên hoan Edinburgh và đoạt giải Scotsman Fringe First dành cho "vở kịch mới xuất sắc", Farber hy vọng vào đúng dịp một năm xảy ra vụ hiếp dâm nói trên, "Nirbhaya" sẽ được giới thiệu với công chúng Ấn Độ, bởi, theo Farber, vở kịch này là "một sản phẩm Ấn Độ" và chị là "người nước ngoài duy nhất tham gia vào vở kịch".

Một cảnh trong vở kịch "Nirbhaya" tái hiện vụ hiếp dâm tập thể xảy đến với nữ sinh viên Ấn Độ Jyoti Singh Pandey hồi tháng 12 năm ngoái.

Trở lại vụ hiếp dâm tập thể xảy đến với cô gái đáng thương và đáng trọng Jyoti Singh Pandey. Theo Awindra Pratap Pandey - bạn trai của Jyoti kể lại thì tối hôm ấy (ngày 16/12/2012), cùng Jyoti trở về sau một buổi xem phim, hai người đã lên một chiếc xe buýt mà họ nhầm là xe chở khách thông thường. Tại đây, Jyoti đã bất ngờ bị 5 gã đàn ông trên xe tấn công. Chúng kéo cô xuống sàn xe và thay nhau hãm hiếp cô. Không những vậy, trước sự chống đối của Jyoti, chúng còn dùng một thanh sắt gỉ tấn công tình dục, khiến cô bị thương tổn nặng ở vùng kín. Awindra đã ra sức bênh vực bạn gái. Sau khi hất được một tên trong bọn xuống sàn xe, anh đã bị những tên còn lại dùng thanh sắt đập vào đầu, vào chân đến khi gục xuống. Tin là cô gái đã chết, bọn tội phạm nắm tóc cả hai kéo ra cửa xe buýt, ném xuống đường. Ác độc hơn, chúng còn cho lùi xe hòng cán lên người họ. May mà Awindra nhanh tay kéo bạn gái tránh kịp.

Jyoti qua đời tại một bệnh viện ở Singapore 13 ngày sau đó. Cái chết của cô đã khiến hàng chục ngàn người Ấn Độ xuống đường biểu tình, yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Manmohan Singh phải có chính sách bảo vệ phụ nữ và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ xâm hại tình dục.

"Trước khi qua đời, Jyoti Singh Pandey đã dũng cảm đi ngược lại quan điểm cho rằng nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp nên giữ kín những gì mà họ đã phải trải qua. Đó chính là lý do tại sao vụ việc xảy đến với cô ấy càng thêm gây xúc động đối với công chúng" - Farber nói.

Được biết, trong những năm gần đây, tệ nạn hiếp dâm ở Ấn Độ ngày càng tăng mạnh. Gần đây nhất - gây chấn động dư luận là vụ một nữ phóng viên ảnh trẻ tuổi đã bị hiếp dâm tập thể tại một góc khuất ở trung tâm tài chính Mumbai. Ở Ấn Độ, rất hiếm cảnh sát nữ, trong khi nạn nhân của các vụ hiếp dâm khi trình bày với cảnh sát nam thường phải nhận về thái độ khinh thường. Bởi vậy, trường hợp dám dũng cảm công khai vụ việc của mình trước bàn dân thiên hạ như Jyoti Singh Pandey quả là đáng trọng

Phương Hoa
.
.