Một ngũ hành văn nghệ sĩ tuổi Hợi lừng danh

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30

Nhà thơ Thanh Tịnh sinh năm Tân Hợi 1911 - năm Hợi đầu tiên của thế kỷ XX và cũng là năm nổ ra Cách mạng Tân Hợi do ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo ở Trung Quốc. Giữa các nhà thơ có tên trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân thời “Thơ Mới”, tìm được một thi nhân có vóc dáng nho nhã, dong dỏng cao như Thanh Tịnh thật hiếm.

Thơ Thanh Tịnh mỏng mảnh như chính câu thơ “một đoạn tơ trời lững thững bay” của ông. Nhưng cũng có lúc nó dựng lên một “lâu đài xương máu” (chữ Hoài Thanh) trong tập “Hận chiến trường”. Còn văn xuôi của ông trong “Ngậm ngải tìm trầm” thì man mác buồn thương, trầm buồn và u tịch như chính xứ Huế thơ mộng quê hương. Học trường Pellerin cùng Hàn Mặc Tử, Thanh Tịnh ra đời với một nắm nghề trong tay nhưng nghiệp văn nghệ vẫn kéo ông về cùng con chữ. Từng làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung bộ ngày Cách mạng Tháng Tám, Thanh Tịnh lại đầu quân phụ trách đoàn kịch “Chiến thắng” của quân đội. Chính thời kỳ này, ông sáng tạo ra thể “tấu nói” góp vào kho tàng văn học dân gian phong phú, rất được quần chúng ưa chuộng. Ông được phong là “Vua tấu nói”.

Trong di cảo của đồng chí Quyết Thắng (một trong 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi) có bài tấu nói “Toàn dân, đứng dậy” do chính Thanh Tịnh chép tay thân tặng vào ngày 20/7/1950.

Phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thanh Tịnh đi đầu trong lối viết “những đoạn văn ngắn” một thời gian dài. Sâu sắc mà hóm hỉnh, u uẩn mà hài hước, Thanh Tịnh là một văn nghệ sĩ có nhiều giai thoại. Xa quê, ở độc thân tại thủ đô, Thanh Tịnh viết: “Xa quê mấy chục năm trường/ ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân”. Thú sưu tầm tiền cổ là thú chơi theo Thanh Tịnh đến khi tạ thế năm 1988.

Bác Sáng “Mét”

Bây giờ, sau ngày Nguyễn Sáng rời khỏi Hà Nội vào Sài Gòn và từ trần ở đó vào cuối năm 1988, mỗi lần đi qua phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ), tôi vẫn không thôi ám ảnh về một dáng người đội mũ cát két đi liêu xiêu trong cơn say có cảm giác triền miên. Người ấy là danh họa Nguyễn Sáng.

Nguyễn Sáng sinh năm Quý Hợi 1923 ở Tiền Giang. Ông đồng niên và là bạn thân của Văn Cao. Nguyễn Sáng như sinh ra để vẽ và vẽ rất đẹp. Làng họa gọi ông là Sáng “Mét”. Mét ở đây không phải đơn vị đo độ dài mà là tầm vóc tài năng: bậc Mét. Chẳng những chỉ “Mét” về nghiệp họa, Nguyễn Sáng còn “Mét” ở sự dấn thân, sự dâng hiến trong đời sống. Ngay từ khi học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Sáng đã lấy một cô vợ người Đức. Sau cách mạng, vì nhập vào bí mật để vẽ đồng tiền cho chế độ mới, vợ chồng Nguyễn Sáng lạc nhau đôi người đôi ngả. Chính họa sĩ Dương Bích Liên trong đợt nghỉ phép ở chiến khu đã từng bí mật “chui vào thành” tìm người vợ này mà không tài nào tìm được. Nhờ những tuýp sơn màu Văn Cao gửi tặng trong kháng chiến, Nguyễn Sáng đã có kiệt tác “Giặc đốt làng tôi”.

Những năm tháng sống cùng nhau ở Hà Nội, Nguyễn Sáng và Văn Cao hay uống rượu với nhau ở quán cụ Cả Vạch trên phố Ngô Sĩ Liên, bên nách nhà ga Hàng Cỏ. Chính Nguyễn Sáng đặt tên cho quán là quán “Thủy Hử”. Văn Cao đã làm một bài thơ “Đêm quán” (in trong “Tuyển tập thơ Văn Cao” - 1995) để tặng Nguyễn Sáng. Sức mạnh tự do trong sáng tạo của Nguyễn Sáng cũng giống như sức mạnh tình cảm của bậc “Mét” này với con người. Nhiều năm sau ông đã kết hôn với Thủy xinh đẹp. Nhưng số phận độc hành cô đơn lại đẩy xa mối tơ vương của ông bằng cách cướp đi cuộc sống của Thủy… Thủy mất, Nguyễn Sáng đã ôm xác vợ khóc ròng như không muốn rời xa.

Nguyễn Sáng vẽ và uống rượu như hơi thở. Thiếu ba điều đó là không còn Nguyễn Sáng. Và Nguyễn Sáng cứ trào dâng như thế trong tầm vóc của một bậc “Mét” - một thiên tài hội họa Việt Nam. Thơ Nguyễn Sáng cũng đầy chất hội họa “Tết/ Đêm nay/ Hà Nội/ Có bóng tôi/ Rải dài trong đêm!/ Hai bàn tay ủ vào túi áo/ Chân giẫm lên xác pháo/ Nếm lại giọt mồ hôi…”.

Nhà thơ “áp tải”

Không nhà thơ nào trên thế giới này lại có một tên đặc biệt là “Nhà thơ áp tải” như nhà thơ Thanh Tùng. Thanh Tùng tên thật là Dzoãn Tùng quê ở Thành Nam nhưng gia đình đã sinh sống ở Hải Phòng từ lâu. Ông sinh năm Ất Hợi 1935. Trường Ngô Quyền thời cắp sách đã là nơi ông viết ra những câu thơ đầu tiên và đã được nhận giải thưởng của nhà trường. Nhưng ở tuổi thanh xuân, Thanh Tùng đã nhập dòng người xanh màu áo thợ của cửa biển cần lao.

Khi chiến tranh ập đến những loạt bom rền rĩ, Thanh Tùng đã viết ra những câu thơ rắn chắc khiến dư luận chú ý. Đấy là bài “Phố cửa biển” với nhiều thi ảnh lạ. “Nơi dòng sông chảy ra ôm choàng lấy biển/ Nơi con tầu rúc còi chào bến cảng”.  Nhưng dù sống trong một thời “đơn tuyến” trong cảm xúc như thế, “nhà thơ công nhân” Thanh Tùng vẫn viết ra được một “Thời hoa đỏ” chứa chất nhiều riêng tư đến nỗi lại khái quát được cả một thời cho bao người. Bài thơ đã được nhạc sĩ cùng thời Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc rất hay. Thanh Tùng vừa làm thợ, vừa làm thơ. Đến khi gần về hưu thì anh lại làm chân áp tải hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội “luôn luôn dốc ngược chai rượu vang”.--PageBreak--

Cứ nghĩ Thanh Tùng sẽ gắn chặt số phận bên bờ sông Lấp Hải Phòng, vậy mà số phận lại xô dạt ông vào lập gia đình mới tại TP HCM sau khi người vợ đầu tiên qua đời và người vợ thứ hai thì “biệt tăm biệt tích” sau một đêm ra đi. Thành phố trẻ phương Nam đầy nắng gió lại đón vào lòng mình một thi sĩ già đất Cảng Hải Phòng để thi sĩ phải thốt lên: “Ta vận động cả miền đất chết / Cho bông hoa nở hết thơ ngây / Tình yêu dâng xóa  vết tàn của máu / Trời lại cho ngọn gió mùa đầu…

Thanh Tùng cứ sống, cứ yêu, cứ uống rượu làm thơ như một lẽ tự nhiên quên mình đã qua “nhân sinh thất thập”.

Chàng “Du ca”

Chàng “Du ca” Trần Tiến sinh năm Đinh Hợi 1947. Bị hút hồn bởi giọng trầm mê đắm của anh trai Trần Hiếu, Trần Tiến nhập ngay vào nghiệp “cầm ca” từ ngày đầu chống Mỹ. Bài hát đầu tiên “Thanh niên lên đường ra tiền tuyến” với tiết tấu đảo phách, ca từ trẻ trung đã “nhập tâm” nhiều trai tráng thời binh lửa.

Đi Lào biểu diễn cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tiến cũng vút lên một “Cô gái Sầm Nưa” duyên dáng và đa tình. Đi dọc Trường Sơn, anh cũng phổ bài thơ “Tớ là Zin ba cầu” của Phạm Tiến Duật đầy chất lính nghịch ngợm.

Tốt nghiệp Đại học Âm nhạc cùng Nguyễn Cường, hai chàng nhạc sĩ người lên Đắk Lắk, người vào Sài gòn để tạo dựng tên tuổi mình. Vừa sáng tác vừa tự trình diễn những giai điệu của mình, Tiến có gì đó giống như Vưxốtxki - nghệ sĩ nhạc pop Nga thời cải tổ. Những bản pop và rock của anh như “Rock đồng hồ”, “Trần trụi 87”… trong chương trình “Đối thoại 87” như một hồi chuông gióng lên đầu đổi mới, pháo kích vào dinh lũy bảo thủ quan liêu bao cấp. Để có thể đưa âm nhạc vào sâu rộng trong đời sống, Trần Tiến đã cùng Trần Tài và Hồng Ngọc rong ruổi một nhóm “Du ca đồng nội” khắp nước nhiều thập kỷ qua.

Chàng “Du ca” tuổi Hợi với sức vóc “Lợn rừng” với cặp mắt “rất lẳng”, với khát khao “thích đủ thứ” đã bươn trải vừa nặng nhọc, vừa nhẹ nhàng như linh khí xứ Đoài quê hương và cái thú “bia hơi vỉa hè” vừa hòa đồng cùng nhân quần nhưng lại có biết bao nhiêu đêm cô đơn trong sáng tạo để không “lưu ban thế kỷ”, để “lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Anh đã làm ra “Trần Tiến thế kỷ mới” từ “Hà Nội những năm 2000”. Hàng loạt những bản pop viết về người thân, phố cũ, quê xưa… những biến hình đồng dao kiểu “Ra ngõ mà trông” càng đưa giai điệu Trần Tiến đến gần con người hơn. “Mưa bay tháp cổ” được trao giải “Bài hát Việt 2005” khiến cuộc đời vẫn thấy một chàng “Du ca” trai tráng trẻ trung ở tuổi “lục tuần”.

Nàng "xe-lô"

Trong buổi thu thanh nhạc phim “Chuyện của Pao”, tác giả nhạc phim đồng thời là người chỉ huy dàn nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo nổi tiếng- chợt dừng lại sau đoạn độc tấu violoncello của NSƯT Trần Thị Mơ. Anh thốt lên hồn nhiên: “Chị Mơ chơi hay quá. Tôi cứ ngỡ không phải là nhạc của mình nữa.”

Nghệ sĩ Trần Thị Mơ sinh năm Kỷ Hợi 1959 tại Thái Nguyên. Không ai ngờ được rằng cô gái xứ sở đàn Tính, hát Then lại thi vào Nhạc viện Hà Nội để học trình diễn một cây đàn dây phương Tây chính gốc - cây đàn violoncello trong dàn dây thuộc Đoàn Nhạc Giao Hưởng. Vậy mà thầy Hoàng Dương - tác giả tình khúc “Hướng về Hà Nội” rất lãng mạn, thật mát tay. Ông đã biến cô gái miền Trung Du sỏi đá này thành một nghệ sĩ violoncello hàng đầu Việt Nam. Năm 1982, Trần Thị Mơ đã được chọn tham gia cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky tại Moskva. Và cũng nhờ tài năng của mình, Trần Thị Mơ lại tiếp tục tu nghiệp trên đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky.

Ở Đoàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam những năm mà người nghe nhạc dường như quay lưng lại với thứ âm nhạc bác học cao quý này, mà chìm đắm trong những nhịp điệu pop - rock của dàn điện tử, Trần Thị Mơ cùng một số không nhiều anh em có năng lực và tình yêu với dòng nhạc này đã bằng tài năng của mình trụ vững và dần dà hướng công chúng yêu nhạc quay trở về với sân khấu sang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội bằng những chương trình nhạc thính phòng giao hưởng trong nước và thế giới đầy thuyết phục.

Tiếng đàn violoncello của Trần Thị Mơ có gì vừa xa vời vừa gần gũi, vừa rất đời lại vừa rất thánh thiện. Trần Thị Mơ không chỉ nhập thần khi chơi các tác phẩm kinh điển mà còn rất có ý thức khai thác, đưa các tác phẩm Việt Nam tới tầm vóc của nó. Tiếng đàn Trần Thị Mơ đã thật chín ở năm tuổi 49 này

Nguyễn Thuỵ Kha
.
.