Một góc nhìn về cuộc thi tài năng biểu diễn múa năm 2020

Thứ Sáu, 30/10/2020, 15:04
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức cuộc thi Tài năng biểu diễn múa năm 2020. Cuộc thi nhận được sự quan tâm lớn của khán giả yêu nghệ thuật múa.


Đây thực sự là sân chơi của những anh tài, nơi tìm kiếm, phát hiện và tạo bệ đỡ cho những tài năng múa tỏa sáng. Tuy nhiên cũng còn không ít trăn trở sau khi cuộc thi khép lại.Những thay đổi tích cực

Theo Ban tổ chức, cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 ghi nhận số lượng thi sinh dự thi đông nhất từ trước đến nay với hơn 80 thí sinh và gần 180 tiết mục. Cuộc thi được tổ chức tại hai khu vực: Phía Bắc tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội, từ ngày 12-15/10/2020 và phía Nam tại Nhà hát Quân đội, TP Hồ Chí Minh, từ ngày 9-10/10/2020. Ban tổ chức đã trao 6 giải Nhất, 14 giải Nhì, 16 giải Ba và 6 giải khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc nhất.

Ban giám khảo của cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa 2020”. 

Đây không phải là lần đầu tiên cuộc thi Tài năng biểu diễn múa được tổ chức. Rút kinh nghiệm từ những cuộc thi trước, cuộc thi lần này được tổ chức chuyên nghiệp và "chuyên môn hóa" cao hơn. 

Lần đầu tiên cuộc thi được chia làm 4 bảng thi, bao gồm: Bảng A: Ballet cổ điển châu Âu và Ballet hiện đại (dành cho cá nhân), Bảng B: Đương đại (dành cho cá nhân), Bảng C: Dân gian dân tộc, dân gian đương đại và truyền thống (dành cho cá nhân, tập thể), Bảng D: Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ, kỹ thuật, kỹ xảo của các thể loại nhảy múa đương đại như Hiphop, Popping, Breakdance, Loocking, Wacking… (dành cho cá nhân và tập thể).

Việc phân chia các bảng thi là cần thiết, để có sự so sánh, đánh giá công tâm nhất về tài năng của các thí sinh trong từng lĩnh vực. Thí sinh có cơ hội tập trung vào từng dòng múa thế mạnh của mình. Tuy nhiên, sự phân bảng này cũng gây khó khăn cho thí sinh và biên đạo múa nếu không nắm rõ tính chất, đặc điểm của từng thể loại, phong cách múa. Thực tế cho thấy, không dễ phân định các dòng múa, phong cách múa khi xu hướng dàn dựng múa đương đại có sự hòa trộn, giao thoa của nhiều thể loại múa.

Một trong những "điểm sáng" của cuộc thi năm nay chính là "dàn" Ban giám khảo gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi và tâm huyết. Ngoài NSND Phạm Anh Phương (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam), NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), NSND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, Thạc sĩ Đoàn Phúc Linh Tâm, còn có Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan, Arthur Kuggeleyn và biên đạo múa tài năng Alexander Tú.

Một điểm mới nữa đáng ghi nhận là tất cả các buổi thi đều được đăng tải trên kênh Youtube "Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam". Đây là nỗ lực rất lớn của Ban tổ chức nhằm đưa cuộc thi cũng như nghệ thuật múa đến gần hơn với khán giả, thông qua đó, góp phần quảng bá nghệ thuật múa với cộng đồng.

Có thể khẳng định rằng, cuộc thi đã tạo sân chơi để những người làm nghề giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm, qua đó nâng cao trình độ về kỹ thuật, kỹ xảo và nghệ thuật biểu diễn. Bằng tài năng biểu diễn của mình, các thí sinh đã thể hiện sinh động những giá trị tiêu biểu trong từng tác phẩm, là sợi dây truyền tải thông điệp nghệ thuật, tìm đến sự đồng cảm với khán giả.

"Các thí sinh, nghệ sĩ, diễn viên và lực lượng sáng tạo nghệ thuật múa đã thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình lao động, biểu diễn nghệ thuật. Từ đó tiếp tục trau dồi kỹ thuật biểu diễn, sáng tạo hơn nữa để những tác phẩm nghệ thuật múa có chiều sâu tư tưởng, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến với khán giả", ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khẳng định tại lễ Bế mạc cuộc thi.

Cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020 thu hút hơn 80 thí sinh và gần 180 tiết mục tham gia dự thi.

Và những trăn trở

Gần đây, tác phẩm "Số không", biên đạo - huấn luyện Mai Minh Anh Khoa - Lê Hải, biểu diễn Huỳnh Nhựt Hòa, Thạch Hiểu Lăng bị "tố" đạo tác phẩm nước ngoài. Theo đó, một tài khoản nước ngoài tên là MN Dance Company bình luận tiết mục "Số không" sao chép tác phẩm "S/HE" của công ty này.

"Thật buồn khi người biên đạo múa sao chép phần vũ đạo của chúng tôi và ký tên dưới tác phẩm này. Tác phẩm của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017. Biên đạo múa đã sử dụng âm nhạc từ màn trình diễn của chúng tôi, vốn do Diaphane sáng tác. Tác phẩm của chúng tôi có thể sử dụng như khơi gợi nguồn cảm hứng chứ không phải để sao chép. Nếu muốn sử dụng tác phẩm của chúng tôi, các bạn cần xin phép", tài khoản MN Dance Company bình luận. 

Được biết, đến thời điểm này, các đơn vị chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc. Câu chuyện về tác phẩm "Số không" thực sự là ồn ào không đáng có của cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2020. Trước đó, cũng đã có một vài tác phẩm múa bị tố đạo, nhái nước ngoài khi xuất hiện trong các cuộc thi.

Theo đánh giá của nhiều nghệ sĩ "lão luyện", so với những mùa thi trước, chất lượng thí sinh tham gia cuộc thi năm nay khá đồng đều, kỹ thuật cá nhân tương đối tốt. Tuy nhiên, "điểm yếu" là một số thí sinh quá chú trọng đến việc phô diễn kỹ thuật cá nhân mà quên rằng, kỹ thuật, dù có cao siêu và nhuần nhuyễn đến đâu cũng chỉ là "cái vỏ bọc bên ngoài", là "phương tiện" để người nghệ sĩ truyền tải thông điệp của tác phẩm. Sự cảm nhận, phần "hồn" khi biểu diễn mới là cái "cốt lõi" tạo nên thành công trong biểu diễn của người nghệ sĩ.

Xét về tổng thể, chất lượng các thí sinh năm nay khá tốt. Tuy nhiên, có sự chênh lệch nhất định giữa các thí sinh theo từng bảng dự thi. Nhóm thí sinh thuộc bảng A được đánh giá cao về kỹ thuật cũng như khả năng biểu diễn. Trong khi đó, thí sinh ở nhóm B chỉ dừng lại ở số lượng và sự tinh xảo trong kỹ thuật cũng ở mức "vừa đủ". 

Một số thí sinh ở bảng C có sự nhầm lẫn giữa các dòng và phong cách múa. Như trên đã phân tích, việc phân định các dòng múa dân gian dân tộc, dân gian đương đại và truyền thống không hề đơn giản và việc xây dựng các tác phẩm múa thuộc thể loại này cũng rất khó. Chất lượng thí sinh ở bảng D cũng chưa thực sự được như kỳ vọng.

Chúng ta đang hướng tới xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và những người làm nghề cũng như khán giả chờ đợi sự bứt phá của các thí sinh ở bảng C - Dân gian dân tộc, dân gian đương đại và truyền thống. Không nhiều tác phẩm và thí sinh xuất sắc ở bảng thi này có lẽ là điều hết sức đáng tiếc của cuộc thi năm nay.

Mặc dù tất cả các buổi thi đều được phát trên Youtube nhưng sức lan tỏa của cuộc thi cũng như hiệu ứng truyền thông về cuộc thi vẫn còn hạn chế. Ngoài những người làm nghề và khán giả yêu nghệ thuật múa, không nhiều người biết đến cuộc thi. Rất ít, thậm chí không có bài viết phê bình chuyên sâu nào về cuộc thi trên các phương tiện truyền thông. Đã từ rất lâu rồi, phê bình, lý luận múa vẫn là khoảng trống chưa được bồi đắp.

Nghệ thuật múa đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút tài năng. Theo nghề múa vất vả, khổ luyện trong khi tuổi nghề ngắn, đãi ngộ còn hạn chế. NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam hy vọng rằng, những tài năng múa sẽ là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng nền nghệ thuật múa nước nhà, cao cả hơn là phục vụ xã hội, cổ vũ đời sống tinh thần cho nhân dân. 

Cuộc thi khép lại, vẫn rất nhiều trăn trở về con đường phát triển của nghệ thuật múa, sự phát triển của những tài năng sẽ ra sao khi với xã hội và trong tiềm thức của phần lớn khán giả, nghệ thuật múa vẫn là điều gì đó "hết sức huyền bí".

Tường Phạm
.
.