Một con người và một thời đại

Thứ Tư, 08/10/2008, 08:15
Để góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đồng thời kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2008), Nhà xuất bản Công an Nhân dân đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp".

Nội dung cuốn sách gồm hai phần chính:

Phần thứ nhất: Thơ, văn của Hồ Chủ tịch.

Phần này tuyển chọn các tác phẩm thơ văn tiêu biểu của Người, được sắp xếp theo trình tự thời gian sáng tác, gồm trọn vẹn tập "Nhật ký trong tù", 29 bài thơ tiếng Việt và 16 bài thơ chữ Hán. Thơ Bác mang phong cách độc đáo, đó là một hồn thơ nhạy cảm, gắn bó thiết tha với con người và cuộc sống. Nội dung thơ được chuyển tải thông qua hình thức nghệ thuật ngôn từ điêu luyện và tinh tế.

Trong những bài thơ chữ Hán, ngoài việc thể hiện một tầm trí tuệ uyên bác còn là sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển với hiện đại, ngôn ngữ phong phú, thâm trầm, giàu tầng bậc. Khi làm thơ bằng tiếng Việt - làm thơ để tuyên truyền cách mạng, đối tượng thơ Bác hướng tới là đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Phần văn tập hợp 36 tác phẩm đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của Người như: "Bản án chế độ thực dân Pháp", "Đường Cách mệnh", "Tuyên ngôn Độc lập", "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", "Di chúc"… Văn của Hồ Chủ tịch mang phong thái hiện đại, vừa sang trọng, vừa bình dị. Người quan niệm, cái đích của việc sáng tác là làm sao cho thơ văn viết ra được chính đồng bào mình đọc và hiểu được, tức là làm sao phải phù hợp với truyền thống của dân tộc, gắn bó mật thiết với nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Văn Hồ Chủ tịch còn mang đậm phong cách chính luận sắc sảo, sức thuyết phục sâu sắc, dễ dàng thấm sâu vào tâm hồn con người, có tác dụng to lớn trong việc cổ vũ tinh thần nhân dân. Khi vạch tội và tố cáo kẻ thù, ngòi bút Hồ Chủ tịch lập luận chặt chẽ, đanh thép, dẫn chứng cụ thể, văn phong trở nên sắc nhọn như vũ khí đang tấn công trực diện vào kẻ thù.

Đương thời Người không tự nhận mình là nhà thơ, chỉ coi việc làm thơ viết văn là để phục vụ cách mạng, phục vụ mục đích chính trị, nhưng những trước tác mà Người để lại đã minh chứng rất rõ Người là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.

Phần thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác giả tác phẩm

Phần này tập hợp một số bài nghiên cứu, đánh giá của các nhà hoạt động chính trị, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, phê bình… viết về các giá trị tư tưởng, đạo đức, giá trị nghệ thuật của thơ văn Hồ Chí Minh.

Tác giả Trường Chinh đề cập đến "Đạo đức và tác phong của Hồ Chủ tịch", tác giả Võ Nguyên Giáp bàn "Về tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh", tác giả Hoài Thanh với bài "Học tập Bác qua thơ Bác"; Đặng Thai Mai "Đọc lại tập thơ "Ngục trung nhật ký"…

Điều đặc biệt đáng chú ý là có những tác giả nước ngoài đã dành tình yêu, sự quan tâm sâu sắc của mình để viết về Bác. Tác giả Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) trình bày cảm tưởng sau khi đọc tập thơ "Nhật ký trong tù"; tác giả Maoxela Lombácđô (Mêhicô) gọi Bác là "Một trong những vĩ nhân của lịch sử loài người", Anilenđu Sacơrabôrôty (Ấn Độ) gọi Bác là "Niềm hy vọng lớn nhất".

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương trong sáng, mẫu mực cho mọi thế hệ noi theo.

Cuốn sách dày 688 trang, khổ 16x24cm, trình bày sang trọng, do hai tác giả Nguyễn Thị Kiều Anh và Nguyễn Thị Tuyết Minh tuyển chọn và giới thiệu. Đây là tài liệu bổ ích cho đông đảo bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về tư tưởng cũng như nét đặc sắc trong thơ, văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bình Tùng
.
.