Chuyện làng văn nghệ

Một bút danh hình thành từ vô thức

Thứ Năm, 19/12/2013, 08:00
Một nét đặc biệt trong cá tính sáng tạo của thi sĩ Hoàng Cầm là nhiều tứ thơ, hình tượng thơ, cả những câu thơ cụ thể với vần điệu bổng trầm đều được hình thành từ… vô thức, đều gắn với những cơn mộng mị, những trạng thái xuất thần hi hữu, những giao hòa, giao cảm giữa thi sĩ với hình bóng của Nàng Thơ chợt hiện về từ cõi xa xăm trong tâm thức… Chẳng thế mà có người gọi Hoàng Cầm là "người chép thơ từ cõi vô hình"...

Tình huống ra đời của bài thơ "Lá diêu bông" là  một ví dụ. Chính nhà thơ Hoàng Cầm nói: "Lá diêu bông" là bài thơ tôi viết trong trạng thái vô thức. Đó là mùa rét năm 1959, đêm nào khi lên giường, tôi cũng cầm sẵn một tập giấy trắng bên tay trái và cây bút chì bên tay phải, phòng khi không ngủ được thì làm thơ. Chợt vẳng bên tai một giọng nữ nhỏ nhẹ đọc chậm rãi, có tiết điệu nghe như từ thuở xa xưa nào vọng đến: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…". Sáng hôm sau, tôi phải mất nửa giờ mới tách được ra các câu thơ theo thứ tự mà người phụ nữ kì diệu nào đó đã đọc cho tôi".

Bên cạnh bài "Lá diêu bông", nhiều câu thơ trong bài "Bên kia sông Đuống" cũng được nhà thơ viết trong trạng thái vô thức. Nhà thơ Hoàng Cầm kể:  Trong một đêm mất ngủ, khi nghe quê hương bị giặc Pháp đốt phá, giết chóc, đột nhiên trong thế giới thinh không vẳng bên tai tôi ba câu thơ: "Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì…". Tôi bèn ghi nguyên lại và viết rất nhanh, sợ không theo kịp những âm thanh đang cuồn cuộn dâng lên trong tâm thức"… Thế là cứ câu nọ gọi câu kia, câu nọ tiếp nối câu kia theo mạch cảm xúc của thi sĩ và bài thơ được hình thành.

Những chuyện trên, tôi đã từng nghe. Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết thêm: Ngay cả cái tên Hoàng Cầm, cái bút danh, bút hiệu Hoàng Cầm lại cũng được hình thành từ vô thức, từ một sự ngẫu nhiên, ngẫu hứng. Trước đó, độc giả từng nghe nói sở dĩ có cái tên Hoàng Cầm là do cụ thân sinh ra nhà thơ (là một nhà nho làm nghề bốc thuốc) đặt cho. Trong thuốc bắc, có vị hoàng cầm. Cụ đã lấy tên vị thuốc này để đặt tên cho con trai. Nhưng thi sĩ Hoàng Cầm lại xác nhận tên này do ông tự đặt. Thi sĩ đặt tên cho mình là Cầm không phải do nghĩ đến vị thuốc bắc nói trên, mà do thích tên Cầm một cách vô thức. Thêm vào đó, còn do thích cây đàn hoàng tử vừa đẹp vừa sang trọng. Từ đó ghép hai chữ mình thích mà đặt thành tên là Hoàng Cầm - một cái tên được hình thành từ vô thức, từ một sở thích lạ lùng.

Bút danh Hoàng Cầm lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Tiểu thuyết thứ bẩy của nhà xuất bản Tân Dân, gắn liền với hai truyện ngắn đầu tay là "Vết thương thứ nhất" và "Khi lòng đã chết", năm Hoàng Cầm tròn mười bảy tuổi.

Nhà thơ Hoàng Cầm sinh năm 1922 tại thôn Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Người cha họ Bùi (vốn là một anh khóa, ba lần thi trường Nam Định không đỗ, sau đó bất đắc chí bỏ làng đi dạy học, rồi làm thầy lang), đã ghép tên làng Phúc Tằng và tên huyện Việt Yên thành tên con trai mình: Bùi Tằng Việt. Như vậy, tên khai sinh của Hoàng Cầm là Bùi Tằng Việt - một cái tên gắn với nơi nhà thơ chào đời, nơi chôn rau cắt rốn của nhà thơ.

Năm Bùi Tằng Việt 14 tuổi (1936), anh đã cộng tác với báo Bắc Hà, do nhà thơ Thâm Tâm phụ trách trang văn nghệ, in một chùm thơ và kí tên là Bùi Hoài Việt. Cùng thời gian đó, anh còn in truyện ngắn tại báo Đông Pháp và kí bút danh là Hoài Sơn. Nhưng thật thú vị, trong các bút danh mà Bùi Tằng Việt đặt chơi chơi như vậy, chỉ có bút danh Hoàng Cầm là còn lại cho đến bây giờ và nó "vận" vào người đã chọn nó, như là một "định mệnh" cho đến cuối đời

Lê Hữu Tỉnh
.
.