Chuyện làng văn nghệ

Một bút danh gắn với mối tình thuở hoa niên

Thứ Năm, 26/12/2013, 08:11

Về văn nghiệp của nhà văn Nguyễn Phan Hách thì nhiều độc giả đã biết, nhưng về cái tên của ông, cái bút danh, bút hiệu ông ghi dưới mỗi tác phẩm - một cái tên liên quan tới câu chuyện tình yêu thuở hoa niên của ông, với những tình tiết thú vị - thì có lẽ ít độc giả được biết.

Nhà văn cho biết: Tên gốc của ông là Nguyễn Xuân Hách. Ông nội nhà văn là cụ Nguyễn Xuân Thao, một nhà nho nghèo, từng mở trường dạy chữ Hán và chữ quốc ngữ ở làng, yêu thích thơ phú và có làm thơ. Nhà văn cho biết, do thừa hưởng cái gien văn chương từ ông nội nên ông biết làm thơ, viết văn từ rất sớm.

Mới học lớp 5 (tương đương lớp 6 bây giờ), cậu bé Hách đã có truyện đăng trên Báo Văn nghệ Trung ương. Truyện có cái tên mộc mạc: "Khỏi ốm", nói về cuộc vận động nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp. Dưới truyện là một cái tên lần đầu xuất hiện trên mặt báo, vừa lạ lẫm, vừa ngỡ ngàng: Xuân Hách. Nhuận bút "tác phẩm đầu tay" được 11 đồng. "Nhà văn nhí" dùng số tiền này vào việc ăn sáng, ròng rã đến mấy tháng trời (bấy giờ, 5 xu một bát xôi vò, 5 xu nữa một miếng chả to tướng, vị chi là một hào, thế là được một bữa no), lại còn mua được ở phố huyện một chiếc thắt lưng da với cái mặt mạ kền lóng lánh, ở giữa có chữ H (ứng với cái tên Hách của cậu), giá chẵn một đồng. Người bán hàng ngạc nhiên vì sự "chơi sang" của cậu học trò nhà quê, vì thời đó, những đứa trẻ ở độ tuổi này chỉ toàn dùng... dải rút.

Về cái tên Hách - một cái tên rất nôm na, khẩu ngữ; vừa khó nghe, khó gọi; lại vừa gợi đến những từ ngữ không đẹp như: hống hách, hách dịch - nhà văn Nguyễn Phan Hách giải thích xuất xứ như sau: Tôi sinh vào ngày 13/1 năm Giáp Thân (1944), đúng ngày hội Lim. Những ngày này, ở vùng quê Kinh Bắc thuở ấy là những ngày hội hè. Ông nội tôi đang dự tế lễ ở đình làng, nghe tin cháu đích tôn ra đời, nhìn lên đôi câu đối treo trên cột đình có chữ Hách (có nghĩa là lớn lao, chói lọi). Cụ mừng quá, về lấy chữ Hách đặt tên cho cháu, những mong cháu sau này thành đạt, làm nên việc lớn, có danh vọng (từ hiển hách có nghĩa là rực rỡ và lừng lẫy).

Hết lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ), Nguyễn Xuân Hách thi vào sư phạm trung cấp, sau hai năm, trở thành thầy giáo dạy văn cấp hai. Trong cái lớp 5 mà thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Hách dạy, thật bất ngờ, có một cô học sinh đẹp mê hồn. Tên cô là Phan Thị B (ở đây, xin được viết tắt). B khoảng 15 tuổi nhưng phổng phao, có dáng dấp thiếu nữ. Thầy giáo trẻ đa tình đem lòng thầm yêu, yêu đến mê mẩn cô học trò nhỏ tới mấy năm trời.

Tiếc thay, đó chỉ là một tình yêu đơn phương. Rồi, như để thể hiện tình yêu của mình, Nguyễn Xuân Hách đã lấy họ Phan của cô học trò ghép vào họ Nguyễn của mình. Một cái tên mới ra đời: Nguyễn Phan Hách - như là biểu tượng của mối tình bồng bột nhưng thiêng liêng của một thời tuổi trẻ. Trong các bài thơ tặng cô học trò B, thầy giáo trẻ không ngần ngại kí tên Nguyễn Phan Hách để bày tỏ tình cảm của mình.

Chưa hết, trong một bài thơ gửi đăng Báo Văn nghệ (với nội dung ca ngợi các công trình thủy điện mang lại ánh sáng, niềm vui cho đồng bào), tác giả còn đề tên: Nguyễn Phan Hách và Phan Thị B ở dưới bài thơ. Nhà thơ Trinh Đường làm biên tập thơ ở tòa báo lúc ấy viết thư cho Nguyễn Phan Hách nói đại ý: Sắp đến ngày 8-3, Báo Văn nghệ muốn đăng thơ của tác giả nữ; đề nghị Nguyễn Phan Hách rút tên, chỉ để Phan Thị B. Nhà thơ trẻ đồng ý. Thế là, thật thú vị, bài thơ ấy ghi tên Phan Thị B ở dưới...

Sau đó, ngày qua tháng lại, cái tình yêu đơn phương kia cũng đến hồi kết thúc. Mối tình ngây thơ, bồng bột này trở thành kỷ niệm xa xăm. Nhưng còn lại là một cái tên, một bút danh mà càng về sau càng nổi tiếng. Cạnh đó, còn lại mấy câu thơ mà sau này, mỗi khi đọc lên, người làm thơ thấy xao xác một nỗi buồn:

Tên em cùng với tên anh
Yêu nhau đem đặt bút danh. Quen rồi
Oái oăm lắm mấy sự đời
Tên thì lấy được, còn người thì không.

Về sau, có người nói rằng, trong bút danh Nguyễn Phan Hách, nhờ có chữ Phan, cái tên mới hay. Chữ Phan gợi cảm giác thanh nhẹ, thanh thoát, làm dịu đi chữ Hách rất khó nghe, khó gọi. Nhà văn Đỗ Chu (đồng niên và đồng hương với nhà văn Nguyễn Phan Hách) nói vui: "Nếu cậu lấy tên Nguyễn Xuân Hách hoặc Xuân Hách thì không thành nhà văn. Vì những cái tên này hãm tài". Rồi có người nhầm tưởng Nguyễn Phan Hách có cùng huyết thống với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh. Lại có người nghĩ rằng, trong bút danh Nguyễn Phan Hách, Nguyễn là họ cha, Phan là họ mẹ, như cách đặt tên thường thấy ở nhiều người...

Lê Hữu Tỉnh
.
.